Câu chuyện của những bức ảnh

Nguyễn Thành (Nhà NCLLPBNA Hội NSNAVN)|18:04 18/05/2021

Nghệ sĩ Hồng Nga là một nghệ sĩ tài năng, sống giản dị, khiêm nhường. Tốt nghiệp khoa đạo diễn sân khấu trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh nhưng chị lại bén duyên với báo chí khi trở thành phóng viên, đam mê nghiệp ảnh. Nhiều năm trong nghề, nhưng nhìn những khuôn hình trẻ trung, sinh động luôn bắt nhịp với thời đại thì đúng là không ai tính được tuổi của tình yêu!


Tôi mải mê chăm chú trước những tấm hình của chị. Những năm ở trường và làm phê bình đã thuyết phục tôi rằng một trong những cách tốt nhất để đánh giá một hình ảnh là quan sát, suy nghĩ và nói chuyện với nó. Đến một lúc nào đó những bức ảnh sẽ biết kể chuyện lại cho mình… “Sau giờ học” là một ví dụ, bức ảnh nói về một cô bé đi chăn trâu trong mảnh áo mưa phủ kín người, gợi cho người xem nhiều cảm xúc về cái đẹp, mà cái đẹp ở đâu cũng có, kể cả trong nỗi buồn da diết. Bức ảnh kể gì ư? - về tương lai hay số phận con người trên cánh đồng quê. “Ai bảo chăn trâu là khổ” - với Hồng Nga nó như một lời cảm thán, nhưng không thiếu chất lãng mạn đọng lại trên từng chi tiết. Rồi đến “Chuẩn bị ra khơi”, đây là bức ảnh chỉ có hai màu đen và trắng, ở trường hợp này nó như một tấm gương phản chiếu hai mặt của số phận, đất và người như hòa quyện vào nhau trong một bố cục hợp lý và tuyệt đẹp. Những nhà lý luận phê bình nghệ thuật nói rằng “việc diễn giải  gia tăng sự hiểu biết, làm cho việc đánh giá thêm sâu sắc, dù sự đánh giá đó cuối cùng là đúng hay sai”. Tôi đi theo hướng này khi bàn về ảnh của nữ nghệ sĩ Hồng Nga.

Sau giờ học - Ảnh: Nguyễn Hồng Nga

Chuẩn bị ra khơi - Ảnh: Nguyễn Hồng Nga

Xem ảnh của chị, người ta dễ dàng nhận thấy chị thường ưu tiên những gì sống động. Nhất là ưu tiên khai thác những mặt đối lập, bớt đi những chi tiết không cần thiết. Có những người dùng thủ pháp so sánh để thể hiện sự đối lập như xù xì và nhẵn nhụi, mềm mại và cứng rắn, vuông và tròn…. Sự chọn lựa này quá dễ đối với những tay máy chuyên nghiệp, nhưng  hoà đồng giữa đẹp và xấu, giữa khổ đau và hạnh phúc thì không phải ai cũng làm được. Ảnh của Hồng Nga đi trong làn ranh này. Như bức ảnh “Diêm dân”, đoàn người gánh muối mà như đi trên sân khẩu biểu diễn. Đây là bức ảnh chị chụp rất thực, họ thản nhiên bởi họ quen rồi, quen với những cái vất vả của cuộc đời mình, bóng họ soi trên tấm gương của muối, không ai nhìn rõ mặt. Chỉ có mặt người đàn ông ở mãi rìa của khuôn hình là rõ, một gương mặt rạm đen nắng gió mà người ta khó tìm thấy niềm vui hay chút hạnh phúc trên gương mặt này, khi mà sản phẩm họ làm ra bởi đủ thứ kết tinh…, nhưng lại không làm được cho cuộc sống của họ dễ thở hơn! Cũng như bức ảnh “Mẹ đã về”, niềm hạnh phúc của người mẹ thể hiện ở nụ cười, thằng bé lớn đứng nép một bên, người mẹ hồn nhiên vạch bầu sữa căng đầy cho đứa nhỏ nằm trong lòng bú. Tác giả nhắm vào nụ cười, chị giấu đi nỗi vất vả của người nông dân, khoe ra niềm hạnh phúc - một hiện thực hay nói đúng ra là một niềm hạnh phúc có tính ước lệ! Kết hợp được hai mảng đối lập ĐỜI THƯỜNG mang tính thông tin và NGHỆ THUẬT mang tính biểu tượng như thế chắc phải là một nghệ sĩ tài năng, có cá tính và rất giàu xúc cảm!

Diêm dân - Ảnh: Nguyễn Hồng Nga

Mẹ đã về - Ảnh: Nguyễn Hồng Nga

Là trưởng phòng Nhiếp ảnh của một tạp chí chuyên ngành, Hồng Nga trung thành với khuynh hướng xem nhiếp ảnh như một phương thức thông tin của con người, như một cuộc nói chuyện gắn liền với những quan hệ xã hội cụ thể. Thế nhưng ảnh của chị vẫn hấp dẫn, bí ẩn và thực sự gây xúc động mà dường như cái không gian hai chiều không giam hãm nổi những ý tưởng của ảnh. Xuất thân từ một đạo diễn sân khấu, chị thành thạo trong việc chọn lựa những gì nằm trong khuôn hình và những gì không nằm trong khuôn hình của ảnh. Chị biết chọn vị trí để tạo cho người xem có cái nhìn bất ngờ như “Cô gái người Dao”, như bức ảnh “Vũ điệu cá Thòi lòi” hay “Cuộc sống thường ngày”.

Mặc dù khoảnh khắc là một lát cắt của cuộc sống, nhưng những lát cắt trong ảnh của Hồng Nga vẫn hoà vào dòng chảy liên tục hơn là trích đoạn bị bắt đứng. Chúng không mô tả những khoảng thời gian được nắm bắt trong một khung ngắm và thể hiện quá khứ một cách rõ ràng. Chúng là những bức ảnh lơ lửng trong tiến trình liên tục để trở thành chính nó và có liên quan với sự thay đổi chính nó.

Cô gái người Dao - Ảnh: Nguyễn Hồng Nga

Vũ điệu cá Thòi lòi - Ảnh: Nguyễn Hồng Nga

Cuộc sống thường ngày - Ảnh: Nguyễn Hồng Nga

Vẫn trung thành với hiện thực, nhưng Hồng Nga không thích một sự tiếp cận tái hiện lại hiện thực từng chi tiết nhỏ nhặt. Những hình ảnh được chị chọn lựa tìm cách giải phóng khỏi sự kiểm soát của lý trí và quan trọng nhất là gợi lên những mức độ hiện thực của thị giác. Tỉ dụ như bức ảnh “Ánh hoàng hôn”. Xem bức ảnh này người ta lại nghĩ đến cuộc đối thoại giữa vị Thiền sư và chú Tiểu về ánh sáng từ đâu đến và ánh sáng đi về đâu?! Những tia sáng trong bức ảnh “Ánh hoàng hôn” của Hồng Nga được cụ thể hoá bằng những đốm sáng màu lửa, nó như trỗi dậy, nó như một sự phản chiếu ồn ào và lắng đọng như câu chuyện về ánh sáng của vị Thiền sư nọ. Còn bức ảnh “Nghĩa trang Công Giáo” thì điểm sáng lại là những bông hoa trắng như những linh hồn phiêu dạt nơi đất Chúa. Cách thể hiện của chị thật sự gây ấn tượng.

Ánh hoàng hôn - Ảnh: Nguyễn Hồng Nga

Nghĩa trang Công Giáo - Ảnh: Nguyễn Hồng Nga

Chị chống lại việc xem những giá trị tư liệu trong ảnh là tuyệt đối, một thứ chủ nghĩa hình thức đã lỗi thời, hơn là sự tự biểu hiện. Tài năng cá nhân của Hồng Nga đã hoà hợp vào một thứ văn hoá đại chúng có sức lan toả rộng lớn và có khả năng thuyết phục cao. Chính điều này đã xoá nhoà những khác biệt giữa nguồn gốc và sự tái tạo, thông tin và giải trí…, cái bóng của sạp cá đổ xuống và những giọt mưa rơi trên mái ngói thẫm màu đã làm nên giá trị cho bức ảnh “Phơi cá” và “Mưa phố cổ” của chị.

Phơi cá - Ảnh: Nguyễn Hồng Nga

Mưa phố cổ - Ảnh: Nguyễn Hồng Nga

Những suy nghĩ và tư tưởng mà người chụp muốn thể hiện trong ảnh của mình thường bắt nguồn từ sự tiếp xúc trực tiếp với thực tế. Nói cách khác, ảnh chính là kết quả của một sự đánh giá khi quan sát thực tại. Kết quả đã cho thấy những suy nghĩ, những dấu ấn riêng của nữ sĩ Hồng Nga đã minh chứng cho khả năng biểu hiện nghệ thuật trong ảnh của chị!

Chiếc cầu thang - Ảnh: Nguyễn Hồng Nga

Ảnh của nghệ sĩ Hồng Nga thường giản dị nhưng giàu chất thơ. Ví như bức ảnh “Chiếc cầu thang” lặng lẽ đứng đó, được chị thể hiện như một triết lý dân gian: Đen và trắng, đúng và sai, lên và xuống…. Ví như:

“Cùng trên một chuyến đò ngang
 Kẻ thì sang bến người đang về nhà
 Ông đò lái mãi thành mê
 Sang về chẳng biết là về hay sang”.

                 (Thơ Nguyễn Bảo Sinh)



Chân dung ngày trẻ của NSNA Nguyễn Hồng Nga

NSNA NGUYỄN HỒNG NGA (sinh năm 1959, quê quán tại Hải Lăng, Quảng Trị), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Hải Âu - Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham gia sáng tác ảnh nghệ thuật từ năm 1989. Suốt 32 năm hoạt động Nhiếp ảnh, chị đã gặt hái đạt nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế.



(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Câu chuyện của những bức ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO