Đây là điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn công tác số 16, nơi bước chân đất liền lần đầu chạm vào phần máu thịt của Tổ quốc giữa trùng khơi.

Những người thắp sáng Tổ quốc từ dưới chân sóng
Đón ch́úng tôi là những người lính trẻ tuổi, các anh đều có dáng người rắn rỏi, nước da rám nắng với ánh mắt kiên cường. Giữa gió biển gào thét và cái nắng chang chang, họ vẫn bình thản, vững vàng. Trong mỗi cái bắt tay, mỗi lời chào, tôi cảm nhận rõ ràng một niềm tin sắt đá, niềm tin của những người đang ngày đêm gìn giữ từng cánh sóng, từng tấc đảo giữa trùng khơi.

Thượng úy Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1993, quê Thái Bình) xúc động chia sẻ:
“Chúng tôi luôn ý thức rằng, mỗi viên đá ở đây đều thấm máu cha ông. Giữ được Đá Thị, dù chỉ là một đảo chìm cũng là khẳng định rằng Tổ quốc không bao giờ lùi bước trước bất cứ kẻ thù nào”
Cuộc sống ở đảo chìm không hề dễ dàng. Đảo Đá Thị chịu nhiều ảnh hưởng khắc nghiệt của gió mùa Đông Bắc, mỗi năm có hơn 130 ngày gió mạnh cấp 6 trở lên. Nguồn điện chủ yếu đến từ năng lượng gió và mặt trời. Mùa hè còn đủ dùng, nhưng mùa đông thường thiếu hụt. Nước ngọt vô cùng khan hiếm, đặc biệt trong những tháng mùa khô kéo dài, những chiếc bể hứng nước mưa trở thành vật dụng quý giá bậc nhất trên đảo.


Chiến sĩ Đoàn Khánh Linh (sinh năm 1999, quê Quảng Bình) kể lại một kỷ niệm khó quên:
“Ở đảo chìm, nước quý lắm. Anh em chiến sĩ tắm xong phải hứng lại nước vào thau để giặt đồ, rồi tận dụng tiếp tưới rau. Mỗi giọt nước đều được dùng hai, ba lần. Thiếu thốn là thế, nhưng anh em chúng tôi luôn đoàn kết, sống chan hòa, thương yêu nhau như ruột thịt, cùng nhau vượt qua tất cả để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.”
Giữa cái nắng biển đổ lửa và muối mặn rát da, những người lính đảo vẫn giữ nụ cười lạc quan, vẫn nâng niu từng hạt giống rau, từng giọt nước mưa. Họ sống giữa sóng gió nhưng lòng vững như núi. Họ không chỉ giữ đảo bằng súng đạn, mà bằng cả trái tim đầy yêu thương với mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Tình đất liền, ngọn gió yêu thương từ hậu phương
Chuyến thăm đảo Đá Thị của các thành viên trong đoàn không chỉ mang theo những món quà vật chất, mà còn mang cả tình cảm, sự sẻ chia và lòng biết ơn từ đất liền. Những thùng hàng, những cuốn sách, tập thơ, bó hoa tươi thắm… như những nhịp cầu nối hai đầu Tổ quốc. Trên boong đảo, những cái bắt tay siết chặt, những ánh mắt rưng rưng, và cả những khúc hát vang giữa biển khơi, tất cả khiến cho khoảng cách hàng trăm hải lý như được xóa nhòa.
Anh Nguyễn Cao Cường, Phó Trưởng Công an xã Cam Đường (TP Lào Cai) một thành viên trong tổ công tác số 16 chia sẻ:
“Tôi từng nghĩ Trường Sa xa lắm. Nhưng khi đứng trên đảo Đá Thị, nghe tiếng sóng, nhìn màu cờ đỏ giữa biển xanh, tôi cảm thấy Tổ quốc thật gần, gần trong từng hơi thở, nhịp tim. Bản thân tôi cũng là người lính, tôi nguyện một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân đến hơi thở cuối cùng”


Chị Bùi Hải Linh, thành viên trong đoàn đến từ Hà Nội nghẹn ngào nói:
“Lần đầu ra Trường Sa, tôi không khỏi xúc động. Ở nơi gian khó này, các chiến sĩ vẫn sống đầy lạc quan, gắn bó với biển đảo bằng cả tình yêu và trách nhiệm. Tôi thực sự tự hào là một người con đất Việt.”
Sự hiện diện của đoàn công tác là sự tiếp sức tinh thần vô giá cho các chiến sĩ nơi tiền tiêu. Từng lời ca, ánh mắt, nụ cười, từng cánh tay giơ lên chào… đều là thông điệp yêu thương, khẳng định rằng, đất liền luôn hướng về biển đảo bằng cả trái tim.
Chấm nhỏ trên bản đồ, dấu son trong tim Việt
Đảo Đá Thị còn có tên gọi khác là đảo Núi Thị, nằm cách bán đảo Cam Ranh khoảng 322 hải lý. Là đảo chìm, diện tích nhỏ hẹp, khí hậu khắc nghiệt, nhưng nơi đây được đầu tư xây dựng kiên cố, trở thành pháo đài giữa trùng khơi. Nhà ở của cán bộ, chiến sĩ được thiết kế theo lối nhà sàn đồng bằng Bắc Bộ, có hệ thống điện gió, điện mặt trời, nhà văn hóa đa năng, tủ sách với gần 1.000 đầu sách và hơn 20 loại báo, trở thành trung tâm tinh thần giữa biển khơi.

Một điểm đặc biệt là vườn rau của đảo. Để có được mảnh vườn xanh mướt giữa trùng dương, các chiến sĩ phải chở từng bao đất từ đất liền ra đảo, quây tôn, giàn che, chống chịu với gió bão muối biển. Nhờ sự kiên trì và nỗ lực bền bỉ, năm 2024, tổng sản lượng tăng gia của đảo đạt gần 30 triệu đồng, trong đó có 754kg rau xanh, hơn 230kg thịt các loại và 102kg giá đỗ. Những con số ấy không chỉ là thành quả lao động mà còn là biểu tượng của tinh thần vượt khó, sáng tạo không ngừng của người lính biển.
Đá Thị, một chấm nhỏ trên bản đồ Biển Đông, nhưng là một dấu son rực rỡ trong mỗi trái tim người Việt. Từ nơi đây, chủ quyền Tổ quốc được xác lập bằng mồ hôi, công sức và niềm tin son sắt của những người đang ngày đêm bám biển. Đó không chỉ là sự hiện diện vật lý, mà là sự khẳng định tinh thần. Việt Nam không chỉ có đất liền, mà còn có những ngọn sóng mang hình hài của tổ quốc.

Và ở nơi đầu sóng ấy, người lính giữ đảo cũng chính là người “gieo chữ” giữa biển trời. Mỗi việc làm, mỗi mét đảo giữ được là một con chữ khắc sâu vào trang sử giữ nước. Đó là sự kiêu hãnh âm thầm, là bản lĩnh thép trước sóng gió, là lời thề sắt đá “Tổ quốc là trên hết”, được viết bằng máu, bằng mồ hôi, và bằng tình yêu chưa từng vơi cạn./.