Cần xác định rõ các tiêu chí xếp hạng đúng với các loại di tích trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Khánh Linh |14:57 27/06/2024

(NADS) - Sáng 26/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Tại đây, đại biểu Trần Thị Thu Đông đã trình bày góp ý một số nội dung cụ thể để hoàn thiện dự thảo luật.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) trình bày góp ý cho dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sáng 26/6. Ảnh: Quốc hội Việt Nam

Trước hết, đề cập nội dung về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, trong bài phát biểu của mình, đại biểu Trần Thị Thu Đông cho rằng, hiện chính sách của nhà nước về di sản văn hóa được quy định ở Điều 7 dự Luật. Tuy nhiên, còn nhiều chính sách nằm tản mạn ở các nội dung của các Điều: 5, 13, 79, 80, 81, 82, 88… Do đó, nếu không thể tổng hợp các chính sách vào một điều luật thì nên để tên Điều 7 là chính sách chung của nhà nước về di sản văn hóa để sang các chương chi tiết, chúng ta có những chính sách cụ thể như: Chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể; chính sách nguồn nhân lực, tài chính; chính sách hỗ trợ xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thứ hai, về cấp độ, tiêu chí xếp hạng và hình thức xếp hạng di tích tại Điều 23: Do phân loại di tích theo loại hình và dự luật cũng đưa ra tiêu chí nhận diện loại hình di tích và xếp hạng dựa trên tiêu chí này. Về cơ bản, dự luật vẫn kế thừa việc xếp hạng di tích được xếp hạng trong phạm vi quốc gia thành: Di tích cấp tỉnh, Di tích quốc gia, Di tích quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, dự án Luật còn có thêm quy định về cấp độ, tiêu chí và hình thức công nhận di sản thế giới của UNESCO. Đại biểu Trần Thị Thu Đông cơ bản tán thành cách xếp hạng di tích này. Tuy nhiên, việc xếp hạng theo tiêu chí xếp hạng như dự luật hiện nay sẽ khó khăn trong công tác xếp hạng đặc biệt là với loại hình di tích là: Di tích kiến trúc, nghệ thuật, di tích khảo cổ hoặc di tích hỗn hợp do tiêu chí để xếp hạng với những loại di tích này không có sự rõ ràng để xác định và xếp hạng cho đúng là di tích cấp tỉnh, quốc gia hay quốc gia đặc biệt. 

Do đó, nếu vẫn giữ cách quy định xếp hạng trong dự luật hiện nay thì đại biểu Trần Thị Thu Đông kiến nghị Ban soạn thảo xác định rõ các tiêu chí xếp hạng đúng với các loại di tích kể trên. Hoặc bổ sung giao Chính phủ hoặc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn cụ thể cho các tiêu chí để xếp hạng.

Thứ ba, về chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại Điều 42, theo đại biểu Trần Thị Thu Đông, di vật, cổ vật, bảo vật trước hết là một loại tài sản, vì vậy không thể cấm chuyển nhượng, tuy nhiên, cần phải quản lý chặt chẽ việc chuyển nhượng tránh tình trạng bảo vật quốc gia bị chuyển nhượng ra nước ngoài. Do đó, trong Điều 42 cần làm rõ chuyển nhượng không theo pháp luật đầu tư kinh doanh thì có cách quản lý như thế nào? Vì chuyển nhượng theo pháp luật đầu tư kinh doanh thì phải có đăng ký ngành nghề, phải cấp chứng từ xác nhận, phải có hóa đơn và nộp thuế... còn chuyển nhượng không theo pháp luật về đầu tư kinh doanh có đòi hỏi những gì để đảm bảo quản lý di sản. Đại biểu cho rằng cần có thêm các nội dung liên quan đến thủ tục đăng ký chuyển nhượng, xác nhận thẩm định, tư vấn định giá, cấp chứng nhận sau chuyển nhượng đối với di vật, cổ vật.

Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề quản lý thuế nên xem xét giao dịch chuyển khoản và minh bạch hơn nữa là hình thành các trung tâm giao dịch, đấu giá di vật cổ vật để vừa đảm bảo tốt quản lý nhà nước vừa đảm bảo lợi ích các bên liên quan. 

Đồng quan điểm với đề xuất nên có quy định kiểm soát, ngăn chặn việc chuyển nhượng bảo vật quốc gia ra nước ngoài, tuy nhiên đại biểu Trần Thị Thu Đông cũng nhấn mạnh rằng do là tài sản nên không thể cấm chuyển nhượng mà chỉ có thể đưa ra các biện pháp để hạn chế, ví dụ: xác định quyền ưu tiên nhận chuyển nhượng bảo vật quốc gia cho nhà nước, đi kèm các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong trường hợp bảo vật, di vật, cổ vật thuộc sở hữu tư nhân.

Về mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước - Điều 49, đại biểu gợi ý rằng các điều kiện thuận lợi đưa các di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước cần phải đòi hỏi minh chứng, cam kết mới được ưu đãi thuế nhập phẩu khi đưa vào Việt Nam nên có quy định đặc thù, đơn giản để tạo điều kiện thuận lợi đưa cổ vật, di vật về nước. 

Thứ tư, về đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Điều 83, đại biểu nhấn mạnh: Cần coi đào tạo, giảng dạy về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản như một ngành học được khuyến khích ở các trường; Có những cơ chế hỗ trợ học phí như ngành sư phạm; Coi những môn học có liên quan đến kiến thức lịch sử bảo tồn phát huy giá trị của di sản là môn học bắt buộc cần thiết đối với các ngành học như văn hóa, bảo tàng, du lịch, kiến trúc, quy hoạch... để vừa đảm bảo mở rộng số lượng nhân lực liên quan đến ngành, vừa tạo ý thức trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống trong môi trường giáo dục.

Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Thu Đông bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với các Điều 84 về cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, Điều 85 và 86 tạo điều kiện thuận lợi Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Cần xác định rõ các tiêu chí xếp hạng đúng với các loại di tích trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO