Nhiếp ảnh Hà Nội còn nhiều trăn trở

01:14 09/10/2020

NAĐSO - Nhiếp ảnh Hà Nội qua một nhiệm kỳ có nhiều khởi sắc với một Ban chấp hành mới năng động, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của nhiệm kỳ trước (2010-2015), Ban chấp hành Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội khóa VI ngay từ đầu nhiệm kỳ đã đề ra một kế hoạch bao gồm một loạt hoạt động trên nhiều lĩnh vực như triển lãm, hội thảo, tổ chức các chuyến đi sáng tác, các công việc liên quan đến tổ chức ổn định công tác hội viên… Bên cạnh sự nỗ lực của Ban chấp hành Hội và sự đóng góp nhiệt thành của anh chị em hội viên, vẫn còn nhiều trăn trở qua mỗi cuộc thi.
NSNA Đặng Đình An, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội
đã chia sẻ về các hoạt động sáng tác chủ đề Hà Nội và giải thưởng các tác phẩm nhiếp ảnh Hà Nội

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết quy mô tổ chức Liên hoan ảnh Nghệ thuật khu vực Hà Nội?

NSNA Đặng Đình An: Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội (gọi tắt là LHKV Hà Nội), là sự phối hợp tổ chức giữa Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội (Hội NANT Hà Nội) với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Đây là 1 trong 8 cuộc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đứng ra tổ chức phối hợp với các địa phương. Những khu vực có nhiều tỉnh tham gia thì mỗi năm quay vòng ở một tỉnh đứng ra đăng cai tổ chức. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, việc tổ chức diễn ra hàng năm.

PV: Ngoài Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội còn tổ chức các hoạt động nào hàng năm?

NSNA Đặng Đình An: LHKV Hà Nội chỉ là một trong nhiều hoạt động của Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội nhận được sự giúp đỡ của chính quyền Thủ đô để tổ chức các hoạt động hàng năm. Trong đó có cuộc thi và triển lãm nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10. Đây là nhiệm vụ chính của Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội. Bên cạnh đó, là tham gia triển lãm ba thành phố kết nghĩa Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh; Tổ chức các cuộc triển lãm liên kết với các đoàn thể khác như: Cuộc thi và triển lãm ảnh về đề tài Công an Hà Nội với nội dung “Công an Hà Nội vì nhân dân phục vụ, vì Thủ đô bình yên”. Các cuộc triển lãm này đã để lại dấu ấn trong công chúng. Ngoài ra, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội còn tổ chức 2 chuyến đi sáng tác hàng năm cho hội viên, tổ chức trại sáng tác, hội thảo, hỗ trợ hoạt động các Câu lạc bộ nhiếp ảnh trong thành phố…


Giải Nhất
Tác phẩm: Chủ nhân tương lai
Tác giả: Nguyễn Tiến Dũng

PV: Theo ông, cái khó trong hoạt động thi và triển lãm ảnh ở Hà Nội là gì?

NSNA Đặng Đình An: Cái khó trong hoạt động thi và triển lãm ở Hà Nội mang tính đặc thù địa phương nên đề tài các cuộc thi và triển lãm ảnh thường xuyên chuyên về Hà Nội. Do vậy, cũng gây nhiều khó khăn cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội trong sáng tác. Các cuộc thi và triển lãm ảnh vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô tháng 10 hàng năm đều là các đề tài như: “Hà Nội đổi mới và phát triển”, “Vẻ đẹp con người Hà Nội”, “Cuộc sống ngoại thành Hà Nội”, “Phố phường Hà Nội”… và năm nay là “Hà Nội niềm tin và hy vọng” diễn ra vào ngày 25/09.

Xoay quanh đề tài “Đất nước và con người Hà Nội”, có cái lợi là giúp cho các nhà nhiếp ảnh chuyên sâu trong sáng tác nhưng cũng khó cho các nghệ sĩ bởi sẽ cạn dần vốn sáng tác, dễ bị trùng lặp về địa điểm, nhân vật, địa danh, đề tài… và thiếu các tác phẩm tốt để tham gia nhiều cuộc thi và triển lãm ảnh trong một năm, chứ chưa nói nhiều năm liên tục.

Ngoài ra, còn có hiện tượng nhiều cuộc thi và triển lãm ảnh có nhiều tác phẩm giống nhau, hoặc khai thác cùng một mô-típ chụp. Chẳng hạn như ảnh về Hồ Gươm, có cuộc thi có tới hơn 100 ảnh gửi tham gia cả hai, ba cuộc. Gần đây nổi lên các hình ảnh về phố đi bộ, ảnh phơi sáng (ảnh về đêm) ở các khu vực Hà Nội, các địa danh nổi tiếng của Thủ đô như Nhà hát Lớn, tháp Rùa, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh… có tới hàng trăm bức gửi tham dự. Sự xuất hiện của các bức ảnh đó không phải chỉ ở một cuộc thi mà còn lặp lại tại nhiều cuộc thi ảnh khác nhau. Điều đó rất khó cho các Ban giám khảo khi chấm chọn ảnh vì mỗi cuộc thi một Hội đồng giám khảo khác nhau nên không thế nhận biết hết được ảnh dự thi cuộc này đã dự thi ở cuộc khác của Hà Nội. Cho dù quy chế của từng cuộc thi đã quy định rõ ràng. Nên điều này đòi hỏi anh em dự thi phải tự giác tôn trọng quy chế, có trách nhiệm với tác phẩm của mình để không xảy ra tình trạng trùng lặp, gây ồn ào cho dư luận và tất cả đều đổ lên đầu Ban tổ chức, Ban giám khảo.


Giải Nhì
Tác phẩm: Chào 2020
Tác giả: Hoàng Tất Thắng


Giải Nhì
Tác phẩm: Trên công trình mới
Tác giả: Đỗ Thị Bích Hải

PV: Xin ông cho biết tiêu chí chấm giải của các cuộc thi ảnh thế nào?

NSNA Đặng Đình An: Không hẳn cuộc thi nào cũng có ảnh đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, nghĩa là có sẵn ảnh đẹp để giám khảo lựa chọn. Trước tình trạng ảnh dự thi như vậy, Hội đồng giám khảo giống như những người “đầu bếp”, thực phẩm có gì thì họ chế biến nấu cái đó. Các cuộc thi ảnh cũng vậy. Các nhà nhiếp ảnh gửi tới cuộc thi ảnh như thế nào thì giám khảo chấm dựa trên các tác phẩm đó.

Mặc dù chúng tôi đã có tiêu chí cho mỗi cuộc thi nhưng không phải tác giả nào cũng bám sát chủ đề ấy, tác phẩm gửi dự thi rất nhiều ảnh sai chủ đề. Vì vậy, trong quá trình chấm ảnh, Ban giám khảo thường phải “liệu cơm gắp mắm”, tức là ảnh tham gia dự thi có sao thì phải cố gắng chọn được những cái tốt trong số những ảnh có được tại cuộc thi. Có những nội dung, địa danh có hàng trăm ảnh trùng lặp thì chúng tôi cũng chỉ chọn ra một ảnh tốt nhất trong số đó. Có rất nhiều ảnh trùng lặp, ảnh phạm quy, giống nhau về địa điểm chụp…

Để có những bức ảnh đẹp về Hà Nội, trước hết các tác giả cần cố gắng tìm tòi những góc nhìn mới, cách thế hiện mới, phát hiện mới về cuộc sống và con người mảnh đất Kinh kỳ thì mới hy vọng có những bức ảnh xuất sắc, đoạt các giải thưởng cao và để lại dấu ấn với người xem.


Giải Ba
Tác phẩm: Nụ cười chiến sĩ
Tác giả: Nguyễn Hữu Thu

Thực chất để có những tác phẩm đẹp, nổi trội về Hà Nội không phải là yếu tố Ban giám khảo quyết định chọn ra tác phẩm đẹp mà trước hết là người dự thi phải có ảnh đẹp gửi đến “Có bột thì mới gột nên hồ”. Nên nhiều cuộc thi của Hà Nội khi các tác phẩm vào giải không được đẹp như mong muốn thì dư luận cứ đổ dồn hết lên đầu Ban giám khảo, mà không biết rằng cuộc thi chỉ có vậy nên Ban giám khảo chỉ bó đũa chọn cột cờ. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng những năm gần đây những nghệ sĩ có tên tuổi, chụp tốt ít tham gia các cuộc thi ảnh Hà Nội mà họ lo dự thi các cuộc thi quốc gia , quốc tế. Bên cạnh đó một số tay máy cùn mòn về đề tài Hà Nội vì quá quen thuộc không còn nhiều cảm xúc để cho các tác phẩm thăng hoa. Sự ồn ào náo nhiệt của một thành phố đang vươn lên mạnh mẽ, hội nhập quốc tế cũng phần nào làm mất đi vẻ đẹp truyền thống vốn có của Thủ đô ngàn năm văn hiến để thay vào đó cả rừng bê tông cốt thép và sự chuyển động hỗn loạn của các phương tiện giao thông hiện đại đã làm cho cảm xúc sáng tác của các nghệ sĩ cũng thay đổi. Do vậy, nhiếp ảnh Hà Nội cũng đang đứng trước sự thay đổi chung của đất nước.

Tuy nhiên, qua đánh giá tổng thể của Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo qua các cuộc thi và triển lãm, một số nhà chuyên môn cho rằng: Các tác phẩm vẫn chưa có bước đột phá mạnh mẽ, “vẫn đều đều”. Đề tài Hà Nội chưa được khai thác sâu. Mong muốn của Ban tổ chức là có nhiều bức ảnh đẹp về Hà Nội trong các cuộc thi vẫn là vấn đề muôn thủa của cách khai thác đề tài, cách tiếp cận cuộc sống để tạo ra tác phẩm xứng tầm. Ở điểm này vẫn còn nhiều bàn cãi. Cái nhìn, tư duy ảnh của nhà nhiếp ảnh cần được nâng tầm hơn nữa. Qua đây sẽ giúp chúng ta rút ra được những kinh nghiệm để cuộc thi sau tốt hơn.


Bài: Khánh Huyền
Ảnh: Cuộc thi Hà Nội Niềm tin và Hy vọng


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Nhiếp ảnh Hà Nội còn nhiều trăn trở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO