Nặng nghĩa tình, triệu trái tim hướng về đồng bào vùng lũ
Để chuẩn bị cho chuyến đi thiện nguyện này được chu đáo, đầy đủ và ý nghĩa. Được sự cho phép của Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống Hồ Sỹ Minh, đoàn thiện nguyện lần này đã kêu gọi, vận động một số doanh nghiệp, cá nhân phát tâm ủng hộ bằng hiện vật, để tránh những vấn đề nhạy cảm, các thành viên trong đoàn cùng đi đến thống nhất không tiếp nhận tiền mặt, các chi phí xăng dầu, phương tiện, ăn nghỉ đoàn sẽ tự túc.
Bà Trương Thị Hạnh, Giám đốc Công ty CPTM Thép Việt Hà cho biết “Trong thời gian qua, Công ty đã phối hợp với một số đơn vị, cơ quan báo chí, tổ chức nhiều chuyến thiện nguyện, chia sẻ và giúp đỡ bà con vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt. Mặc dù Công ty vẫn còn một số khó khăn, nhưng đứng trước những nỗi đau mất mát, thiệt hại về người và tài sản của đồng bào trong trận bão lũ lịch sử vừa qua thì doanh nghiệp luôn sẵn sàng chung tay cùng với Đảng, với Nhà nước để giúp đỡ bà con khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống”.
Cùng quan điểm trên, chị Lê Phương Thảo, giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và XNK Phương Thảo tại Hà Nội chia sẻ: “Trước những nỗi đau, mất mát do thiên tai của đồng bào các tỉnh phía Bắc, tôi vô cùng xúc động, khi được biết đoàn tổ chức chương trình thiện nguyện thăm hỏi và tặng quà các em học sinh trường Trường Tiểu học và THCS Tân Hợp, Trường mầm non Tân Hợp xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, tôi và các cộng sự đã hưởng ứng ngay”.
Nhằm đáp ứng đúng những nhu cầu thiết yếu mà học sinh Trường Tiểu học và THCS Tân Hợp, Trường mầm non Tân Hợp cùng đồng bào một số thôn bị cô lập trên địa bà xã Tân Hợp cần, đoàn đã chủ động liên hệ với địa phương để có sự chủ động trong việc tiếp nhận các nhu yếu phẩm của các đơn vị tài trợ.
Với 200 suất quà, cùng nhiều quần áo mới, chăn ấm trị giá 75 triệu đồng, đoàn đã trao tặng cho Trường Tiểu học và THCS Tân Hợp, Trường mầm non Tân Hợp cùng đồng bào một số thôn bị cô lập trên địa bà xã.
Cô giáo Nguyễn Thị Hà – Hiệu phó Trường Tiểu học và THCS Tân Hợp xúc động chia sẻ: “Nhà trường rất ghi nhận và cảm ơn những tình cảm, những món quà ý nghĩa mà Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, Tạp chí Thanh niên, cùng các đơn vị đồng hành đã giúp đỡ, sẻ chia. Những món quà này là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với thầy và trò của nhà trường…”
Trong khuôn khổ chương trình thiện nguyện tại Yên Bái, đoàn cũng đã đến 4 điểm gồm: Phường Hồng Hà, TP Yên Bái; xã Quy Mông, huyện Trấn Yên; xã Xuân Ái, huyện Văn Yên và xã Tân Hợp, huyện Văn Yên để trao quà cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ với số quà trị giá hơn 49 triệu đồng. Tổng số tiền hàng đoàn thiện nguyện trao tặng trong hai ngày 27 và 28/9 tại Yên Bái trị giá trên 120 triệu đồng.
Chung tay quyên góp chăm lo cho trẻ Mầm non vùng bị ảnh hưởng
Theo báo cáo tổng hợp thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn xã Tân Hợp, một số các trường học trên địa bàn xã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó khu A Trường Tiểu học và THCS Tân Hợp, Trường mầm non Tân Hợp bị ngập lụt; tuyến đường Tân Hợp - Đại Sơn sạt lở dẫn đến học sinh mầm non, cấp tiểu học, cấp THCS không thể đến trường Trung tâm học được tại địa bàn thôn Làng Câu, thôn Hạnh Phúc.
Về tài sản, Trường Tiểu học và THCS Tân Hợp ước tính thiệt hại 401 triệu đồng; Riêng trường mầm non Tân Hợp bị thiệt hại lớn nhất, ước tính 628 triệu đồng.
Cô giáo Vũ Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Hợp cho biết, toàn trường có 350 cháu với độ tuổi từ 2 đến 5; số giáo viên biên chế tại nhà trường là 30 cán bộ, chưa tính số nhân viên hợp đồng làm cấp dưỡng và bảo vệ. Trận lũ lịch sử vừa qua nước dâng cao lên trên 2m, vượt xa mọi dự báo cũng như khả năng ứng cứu của nhà trường. Chính vì vậy, số trang thiết bị như hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện, bàn ghế, các công trình vệ sinh, đồ chơi ngoài trời… của nhà trường bị thiệt hại vô cùng lớn.
Với mong muốn các cháu học sinh mầm non có đầy đủ thiết bị học tập cũng như đảm bảo các điều kiện phục vụ cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, Ban giám hiệu Trường Mầm non Tân Hợp rất mong các cấp chính quyền, các sở ban ngành, các tổ chức, cá nhân quan tâm và giúp đỡ nhà trường, cô giáo Vũ Thị Thu Hà tâm sự.
Lan toả những giá trị nhân văn và nét đẹp truyền thống từ công tác thiện nguyện
Chăm lo cho an sinh xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta. Mục tiêu này đã được cụ thể hoá với nhiều hình thức, các chính sách an sinh xã hội đều hướng đến bảo đảm thu nhập và tiếp cận các dịch vụ cơ bản cho người dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo, người già yếu, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em…
Tuy nhiên, nguồn lực ngân sách của Nhà nước còn hạn hẹp, mức hỗ trợ từ ngân sách cho các đối tượng trên vẫn dừng lại ở con số khiêm tốn. Chính vì vậy, cùng với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội thì rất cần sự chung tay, góp sức của doanh nghiệp, của các nhà hảo tâm trên cả nước góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, trong thời gian qua, khi cơn bão số 3 Yagi đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, sức tàn phá của cơn bão đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề.
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo về thiệt hại và tác động của bão số 3 đến phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tính đến 27/9, bão lũ đã làm 344 người chết, 1.976 người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho người dân ở khu vực thiên tai. Về tài sản, tổng thiệt hại ước tính sơ bộ trên 81.000 tỉ đồng (tương đương gần 3,3 tỉ USD).
Trong những lúc khó khăn ấy, tinh thần đoàn kết dân tộc đã được phát huy thế mạnh, nhiều “ chuyến hàng 0 đồng”; chuyến xe “ Nghĩa Đồng bào” của các doanh nghiệp, các mạnh thường quân đã kịp thời có mặt để hỗ trợ, giúp đỡ bà con trong những ngày mưa lũ…
Những việc làm và hành động cụ thể của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong thời gian qua không chỉ thể hiện sự yêu thương, sự đoàn kết, sự chia sẻ về tinh thần và vật chất với đồng bào vùng bị thiệt hại do bão lũ, mà qua đó còn minh chứng cho những giá trị nhân văn với nét đẹp truyền thống, văn hoá tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.