Tính Chân - Thiện - Mỹ trong nghệ thuật nhiếp ảnh

Sỹ Minh|14:35 05/04/2023

(NADS) - Hiện nay trên thế giới quan niệm về ảnh nghệ thuật cũng chưa có sự đồng nhất. Còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, đó là một thực tế khách quan, nên không có điều gì lạ khi chúng ta vẫn còn đi tìm tiếng nói chung. Nhưng dù quan điểm có khác nhau thế nào thì vẫn phải công nhận một điều tính chân thực vẫn là cốt lõi của nhiếp ảnh. Một tác phẩm nhiếp ảnh đích thực phải hội đủ cá 3 yếu tố: Chân - Thiện - Mỹ.

Bác Hồ đã từng nhận xét khi xem bức ảnh của NSNA Vũ Năng An:
“Ảnh đẹp nhưng phải thật”. Tính chân thật vẫn là giá trị cao nhất trong các tác phẩm ảnh nghệ thuật.

danh-chiem-bac-bo-phuresized.jpg
Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. Ảnh: Vũ Năng An

Đây là điều không mới, nhưng nó là nền tảng xuyên suốt trong sáng tác ảnh nghệ thuật. Tác phẩm nhiếp ảnh trước hết phải chân thực, phản ánh được bản chất, chân lý của cuộc sống được thể hiện trực quan sinh động. Cái Chân là nền tảng, là tiền đề để thực hiện cái Thiện và cái Mỹ. Một tác phẩm không có được cái Chân thì cái Thiện và cái Mỹ cũng dễ bị lệch lạc, khó lòng có được. Tự cái Chân cũng bao hàm một phần cái Thiện và cái Mỹ, nên tính chân thật, hiện thực là cốt lõi của xuyên suốt của nhiếp ảnh. Tất nhiên cái thật ở đây không phải trần trụi mà cái thật phải đẹp phải có ý nghĩa, sinh động, hấp dẫn và có tính nghệ thuật.

01-tiep-buoc.jpg
                                                                  Tiếp bước                        Ảnh: Sỹ Minh

Nhiếp ảnh là một ngành nghệ thuật trực giác phản ánh chân thực cuộc sống, trong xây dựng, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta. Cái Chân là tiêu chuẩn chi phối sự thành công của một tác phẩm, đặc biệt nó có tính tư liệu trường tồn, sống mãi với thời gian. Đối với mỗi nghệ sĩ nhiếp ảnh, sự trung thực cũng chính là điểm tựa để từ đó có thể bộc lộ tài năng, kết tụ thành những tác phẩm có giá trị. Những tác phẩm tô hồng hay bôi đen cuộc sống đều là những tác phẩm không có được cái chân nên dễ bị cuộc sống, thời gian đào thải. Những năm gần đây, nhiếp ảnh nghệ thuật của chúng ta đang có xu hướng lệch chuẩn xem nhẹ cái chân mà chủ yếu làm sao để có tác phẩm lạ, bắt mắt coi trọng cái Mỹ nhiều hơn. Nhiều tác phẩm được bố trí công phu, bố cục, ảnh sáng tốt, tạo hình đẹp, góc nhìn lạ nhưng thiếu thực tế trong cuộc sống làm cho người xem hoài nghi và như vậy chính chúng ta đã đánh mất giá trị đích thực của tác phẩm.

Thiện là điều lành, điều tốt, đối lập với cái ác. Lịch sử phát triển của loài người là lịch sử đấu tranh không ngừng giữa cái thiện với cái ác và không phải bao giờ cái thiện cũng chiến thắng. Nhưng một tác phẩm dù là ảnh nghệ thuật hay ảnh báo chí vẫn phải là một tác phẩm hướng thiện. Dẫu một tác phẩm lấy cái ác làm đề tài thể hiện thì tư tưởng thoát ra vẫn phải là cái thiện, để dẫn dắt người xem đến một đích giá trị nhất định. 

02-buc-hoa-bien-khoi.jpg
                                                            Bức hoạ biển khơi            Ảnh: Sỹ Minh

Mỹ là cái đẹp. Cái đẹp ở đây không phải chỉ là cái đẹp của hình thức nghệ thuật, mà nội dung và hình thức biểu hiện phải đi liền với nhau. Cái đẹp về hình thức nghệ thuật trực quan đòi hỏi phải hội đủ các yếu tố về ảnh sáng, bố cục, đường nét, màu sắc... và phản chiếu nội dung ẩn chứa bên trong tác phẩm. Những tác phẩm đẹp về màu sắc, ánh sáng tuy được dàn dựng công phu nhưng thiếu thực tế và không phản ảnh được nội dung cốt lõi thì không thế gọi là tác phẩm tốt và nhiều lúc chúng ta vô tình đánh giá cao làm chệch hướng sáng tạo.

Cuộc sống ngày càng phát triển, càng hiện đại có những thứ chúng ta chấp nhận sự thay đổi, đổi mới để phát triển, có cái chúng ta cần giữ gìn phát huy bản sắc và truyền thống. Thế nhưng có nơi có lúc nhiếp ảnh chúng ta không muốn đổi mới mà thích phản ánh những nét xưa dễ chụp, dễ đẹp. Cho dù các phong tục tập quán hay phương pháp sản xuất, công nghệ lạc hậu đó đã bỏ từ lâu, đã được các thế hệ trước thể hiện rất tốt, rất chân thật, hiện thực có giá trị tư liệu lịch sử nghệ thuật đã được khẳng định. Thế nhưng chúng vẫn cứ thuê mẫu dàn dựng, bố trí không đúng với hiện thực đang diễn ra hàng ngày mà nó đã thay đổi, đổi mới phương thức sản xuất cách đây hàng mấy chục năm. Có những thứ chúng ta cần tái hiện lại, nếu nó đã mất đi mà không còn ảnh tư liệu lưu lại lịch sử, nhưng đây không thể coi đó là các tác phẩm sáng tạo nghệ thuật.

Chúng ta cần rạch ròi để phân tích đánh giá một cách khoa học chuẩn mực cho ảnh nghệ thuật và xu hướng phát triển ảnh nghệ thuật Việt Nam hiện nay. Cần có những cuộc hội thảo chuyên môn sâu để đánh giá nhìn nhận lại những thành quả đã đạt được và chưa được để tìm hướng đi mới cho nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam. 

Nhìn lại quá trình phát triển nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam chúng ta luôn gắn liền với các giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Những tác phẩm dù mang âm hưởng anh hùng ca hay thấm đẫm bi thương thì cũng đều có mục đích chung là hướng tới con người, làm cho con người và cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ các tác phẩm đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh của Vũ Năng An, Đinh Đăng Định, Nguyễn Bá Khoản, Lâm Hồng Long, Võ An Ninh, Lương Nghĩa Dũng hay Giải thưởng Nhà nước như Vũ Ba, Văn Bảo, Triệu Đại, Phan Thoan, Chu Chí Thành… đều mang đậm giá trị Chân - Thiện - Mỹ 

Trong giai đoạn phát triển và đổi mới của đất nước, nhiếp ảnh đã tạo được chỗ đứng riêng được công chúng đón nhận và ngày càng phát huy giá trị trong đời sống tinh thần của nhân dân. Những đóng góp của nhiếp ảnh không ai phủ nhận, nhưng điều đáng quan tâm nhất hiện nay là nhiếp ảnh Việt Nam sẽ đi theo hướng nào, đó là câu hỏi của nhiều nghệ sĩ tâm huyết, của các nhà lãnh đạo có trách nhiệm đang ngày đêm trăn trở.

 Mỗi đất nước trong lịch sử phát triển văn học nghệ thuật của mình, đều có một bản sắc riêng, có thể nói rất khác nhau nhưng tất cả đều giống nhau ở một điểm: là phản ánh chân thật con người và cuộc sống của dân tộc ấy ở một giai đoạn lịch sử nhất định. Những tác phẩm ấy đều hướng con người đến một giá trị đạo đức tốt đẹp… 

Đặc biệt tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm vào tháng 11/2021 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng định hướng văn hoá văn học nghệ thuật và khẳng định: “Về mục tiêu chung, Đảng ta chỉ rõ: Xây dựng nền văn hoá Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; Làm cho văn hoá phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.”

01-dan-toc-copy.jpg

Vì vậy, Chân – Thiện – Mỹ là tiêu chuẩn để đánh giá, là tấm gương soi giá trị vào tác phẩm ảnh nghệ thuật. Từ xưa đến nay và mãi về sau, Chân – Thiện – Mỹ là lý luận cơ bản nhất, là thực tiễn sáng tác, là đích hướng tới của văn học nghệ thuật. Đã là nghệ sĩ, đam mê sáng tạo nghệ thuật để phụng thờ thì phải luôn coi đây là điều đầu tiên, cũng là điều cơ bản nhất trong mọi ý thức sáng tạo. Đặc biệt trong nhiếp ảnh, Chân luôn được đặt lên hàng đầu và xuyên suốt trong mọi tác phẩm, đó là điều bất di bất dịch.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Tính Chân - Thiện - Mỹ trong nghệ thuật nhiếp ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO