Tính chân thật trong ảnh Báo chí

15:51 30/09/2020

NAĐSO - Tính chân thật hay còn gọi tính hiện thực, hoặc tính tài liệu, là một trong những đặc tính quan trọng bậc nhất của nhiếp ảnh, đặc biệt hiện nay khi mà kỹ thuật số ngày càng hoàn thiện, phần mềm chỉnh sửa hình ảnh đã đạt được trình độ tinh xảo, thì tính chân thật trong ảnh nói chung và ảnh báo chí nói riêng càng đóng một vai trò cực kỳ trọng yếu.

Như chúng ta đều biết, máy ảnh là một phương tiện ghi hình ảnh cụ thể trực tiếp, chính xác và hình ảnh là sự phản quang của đối tượng được định hình trên phim, thẻ nhớ và giấy ảnh. Vì vậy bất cứ một tấm ảnh nào cũng là hình ảnh cụ thể, riêng biệt của một thực thể khách quan, được hoàn thiện bởi một quá trình chuyển hóa quang học, vật lý và hóa học.

Chính nhờ những yếu tố kỹ thuật đó của nhiếp ảnh mà có sự giống nhau giữa ảnh và vật chụp. Mặt khác, nhiếp ảnh không thể và không bao giờ phản ánh được cái hư vô, cái trừu tượng, cái phi vật chất. Nói rõ hơn, nhiếp ảnh chỉ ghi được cái nhìn thấy, sờ thấy.

Cuộc ném bom của không quân Israel xuống ngoại ô Beirut, thủ đô Lebanon.
Ảnh: Adnan Hajj (hãng Reuters)

Ảnh trái: Đã qua chỉnh sửa, tác giả dùng phần mềm photoshop cho khói nhiều hơn và đen hơn, các toà nhà không bị cháy quanh đó cũng bị chỉnh cho đen đi, làm cho cảnh ném bom rùng rợn hơn. Mục đích nhấn mạnh vào sự tàn phá do chiến tranh, tố cáo tội ác của Israel.

Ảnh dưới: Bức ảnh chụp thực, tuy có khói nhưng ít. Số lượng nhà và diện tích vùng bị ảnh hưởng cũng nhà nhỏ hơn rất nhiều so với ảnh đã qua chỉnh sửa.

Nhưng cũng cần khẳng định rằng, những cái nhìn thấy, sờ thấy mà nhà nhiếp ảnh ghi được thành hình ảnh, chưa hẳn đã mang tính hiện thực. Cần hiểu rằng, hiện thực là những gì tồn tại khách quan, thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn, bức ảnh “Nguyện cầu” của Hoàng Trung Thủy mô tả một em bé, tay đeo thánh giá đứng đánh trần, cầu nguyện trước một lò gạch đã bỏ hoang phế là điều vô nghĩa không có trong thực tế. Hay bức ảnh “Biển kết hoa” của Trần Vĩnh Nghĩa, chụp người diêm ngư đang thu hoạch muối. Mặc dầu bức ảnh được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, nhưng rõ ràng đây là hình ảnh giả tạo, tác giả đã bố trí tạo nên một cảnh thu hoạch muối khá kỳ lạ, không thể nhìn thấy ở các ruộng muối nước ta dọc theo bờ biển từ Móng Cái đến Cà Mau, Kiên Giang.

Điều này cho thấy, nhiếp ảnh phụ thuộc rất lớn vào nhân sinh quan của người chụp. Bởi nhiếp ảnh không chỉ tuân theo nguyên tắc kỹ thuật mà còn phải tuân theo quy tắc của cái đẹp… Và người sáng tạo ra cái đẹp lại xuất phát từ quan điểm nghệ thuật vì nghệ thuật thì cái đẹp đó trở thành vô nghĩa, không mang đến cho công chúng một vẻ đẹp vốn có trong cuộc sống thường nhật. Đó chính là trường hợp của “Biển kết hoa” và “Nguyện cầu”.

Việc mô tả hiện thực được coi là cơ sở của phạm vi hoạt động ảnh báo chí. Ảnh báo chí trước hết phải là ảnh tài liệu, nó không phải là ảnh nghệ thuật thuần túy, nhưng không hề mảy may làm giảm giá trị xã hội của ảnh báo chí. Ngược lại càng xác định vững chắc hơn bản chất độc đáo của nó như: Tính chân thật, tính thời sự và tính hiện thực. Đặc biệt, sự thật trong ảnh báo chí là sự thật tuyệt đối, là nguyên hình nguyên trạng, không bị một nguyên nhân chủ quan nào chi phối, tác động. Bức ảnh như vậy được coi là ảnh báo chí, còn gọi là bức ảnh tư liệu, nó là “văn bản gốc hoặc chính thức được sử dụng để làm căn cứ bằng chứng hoặc nhân chứng. Theo nghĩa rộng nhất nó còn là tất cả những gì được viết như sách vở và tài liệu mang lượng thông tin đáng tin cậy”.


Tác Phẩm: Biển kết hoa
Tác giả: Trần Vĩnh Nghĩa

Như vậy, để đảm bảo giá trị tư liệu của ảnh báo chí đòi hỏi phóng viên ảnh phải luôn tôn trọng sự thật. Tuyệt đối không được dùng kỹ thuật để thêm hoặc bớt làm méo mó sự kiện đang diễn ra. Đặc biệt, không được dàn dựng, sắp xếp, bố trí đối tượng làm thay đổi sự thực vốn có của nó. Cần để cho sự kiện diễn ra một cách tự nhiên, nhiệm vụ của phóng viên ảnh là ghi lại cho được những giây phút có sức biểu hiện cao nhất, có sức hấp dẫn nhất, chân thực nhất của dòng thác sự kiện.

Năm 1908, họa sĩ Henrri Matisse tuyên bố trong tạp chí “Công việc nhiếp ảnh” (Camera Work) rằng: “Nhiếp ảnh báo chí có khả năng cung cấp các tư liệu có giá trị nhất, về mặt này không một ai có thể tranh cãi được. Như vậy, bản thân ảnh báo chí đã có tác dụng như các tác phẩm nghệ thuật... Do đó, thuộc tính tư liệu của ảnh báo chí cũng đã bao hàm giá trị nghệ thuật rồi”.

Đã một thời, các phóng viên ảnh chúng ta đã mang đến cho công chúng những bức ảnh thời sự nóng hổi, có sức cuốn hút người xem với những hình ảnh nổi tiếng: “Tải đạn” của Lê Chí Hải; “Chiếm căn cứ Đầu Mầu” của Đoàn Công Tính;  “Chạy đâu cho thoát” của Mai Nam ; “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” của Vũ Tạo; “Phúc Tân kêu gọi trả thù” của Vũ Ba; “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của Minh Trường; “O du kích nhỏ” của Phan Thoan...

Một sự kiện làm rung động giới truyền thông đó là bức ảnh chụp ngoại ô Beirut (Lebanon) bị máy bay Israel không kích tháng 8 năm 2006, được phóng viên ảnh hãng Reuters (Vương quốc Anh) là Adnan Hajj, người Lebanon chụp. Bức ảnh chụp thực tuy có khói nhưng ít, để làm cho cảnh ném bom rùng rợn hơn, qua đó tố cáo tội ác của Israel, anh ta đã dùng phần mềm photoshop cho khói đen ngùn ngụt bốc lên cả một góc trời trông rất tang tóc. Sự việc bị vỡ lở, phóng viên Adnan Hajj đã bị hãng Reuters loại ra khỏi danh sách cộng tác viên và hủy toàn bộ ảnh của anh từng lưu trữ tại hãng từ trước đến nay.

Ở Việt Nam cũng từng xảy ra hiện tượng tương tự buộc các cơ quan chức năng phải xử lý. Đó là trường hợp nhà báo V.Đ Nghệ An bố trí khẩu súng máy bắn máy bay Mỹ ban đêm, rồi về thêm máy bay cháy vào trong làn đạn, đã bị công luận lên án. Hay trong cuộc chiến biên giới phía Bắc (1979) do không chụp được xe tăng giặc bị quân ta đánh tan tành, phóng viên  M.Đ đã đốt cháy chiếc máy kéo ban đêm rồi chú thích “Xe tăng giặc bị quân ta bắn cháy”. Vụ việc đã bị báo Quân đội nhân dân phát hiện.

Bởi vậy có nhà phê bình nghệ thuật nói: “Không một lời nào, không một bài văn nào và không một bức vẽ chính xác nào lại có thể làm hồi sinh một khoảnh khắc đã qua một cách đầy đủ ấn tượng và toàn diện bằng những bức ảnh báo chí, bởi nó mang tính hiện thực sâu sắc.”

Đặc biệt hiện nay khi mà kỹ thuật số ngày càng hoàn thiện, phần mềm photoshop đã giúp cho việc sửa ảnh, ghép ảnh trở nên rất dễ dàng, chính xác và nhanh chóng. Nhiều nhà nhiếp ảnh trẻ lầm tưởng rằng đây là một phương pháp sáng tạo mới. Họ áp dụng tràn lan vào trong mọi thể loại ảnh, kể cả ảnh báo chí. Họ không biết rằng kỹ thuật lắp ghép ảnh đã có từ xa xưa, nhưng bấy giờ người ta phải làm thủ công buồng tối, khó khăn hơn, phức tạp hơn và lâu hơn.


Tác Phẩm: Nguyện cầu
Tác giả: Hoàng Trung Thủy

Năm 1923, để lên án giai cấp tư sản tài phiệt, bóc lột công nhân thậm tệ, nhà nhiếp ảnh Hannah Hoch đã lắp ghép một bức ảnh với tên gọi “Nhà tài phiệt”. Năm 1932, John Heartfield đã lắp ghép bức ảnh con chim bồ câu trắng bị một lưỡi lê cắm trên đầu cây súng trường đâm xuyên, đằng sau là tòa nhà Quốc hội của Đức Quốc xã, phía trên góc phải bức ảnh ghi dòng chữ "Ở đâu có chủ nghĩa tư bản, ở đó không có hòa bình" hay bức ảnh em bé ôm quả địa cầu với dòng chú thích "Trái đất này là của chúng em". 

Đây không phải là ảnh nghệ thuật, càng không phải là ảnh báo chí, nó là loại ảnh lắp ghép, nhằm mục đích tuyên truyền cổ động, được gọi là ảnh áp phích, nó giống tranh cổ động, thể hiện ý tưởng của tác giả, vì thế có người gọi là ảnh ý tưởng, hay ý niệm hoặc ảnh thể nghiệm, về hình thức nó giống ảnh quảng cáo.

Tóm lại, trong ảnh báo chí dù dùng kỹ thuật nào, kỹ xảo nào làm méo mó hiện thực, làm thay đổi tính chân thật của ảnh đều bị loại khỏi đời sống của ảnh báo chí. Nhưng chúng ta chấp nhận mọi thủ pháp kỹ thuật để tạo ra những tình huống nhằm nới lỏng cảm xúc, nói khác đi là sự mở rộng cảm xúc để tiếp nhận nội dung. Đó là loại ảnh thời sự nghệ thuật. Chất nghệ thuật trong ảnh thời sự báo chí càng đậm nét bao nhiêu sẽ làm cho bức ảnh sống mãi với thời gian bấy nhiêu.

Trần Mạnh thường


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Tính chân thật trong ảnh Báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO