Tác phẩm: Tề Bạch Thạch (1956)
Tác giả: Trịnh Cảnh Khang
Triết lý thẩm mỹ truyền thống Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong ý thức thể hiện thẩm mỹ của các nhiếp ảnh gia Trung Quốc.
1. Sự khác biệt giữa Trung Quốc và phương tây trong mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.
Hiện nay đề tài của Nghệ thuật nhiếp ảnh Trung quốc rất rộng lớn. Có thể nói, mọi đề tài mà Nghệ thuật nhiếp ảnh phương tây thể hiện, hầu như đều được nhiếp ảnh gia Trung Quốc thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta rất ngạc nhiên khi phát hiện sự khác biệt giữa Trung Quốc với phương tây vô cùng lớn. Nội dung chụp của người phương tây chủ yếu là con người (chân dung, khoả thân và sinh hoạt). Đặc biệt khoả thân được coi là nhiếp ảnh truyền thống. Còn ở Trung Quốc nhiếp ảnh khoả thân từ trước tới nay không phải là chủ đề sáng tác của các nhiếp ảnh gia. Năm 1930 có tác phẩm “Thiền” của Lang Tĩnh Sơn, từ đó nhiếp ảnh khoả thân ở Trung Quốc chỉ lẻ tẻ có trong giới nhiếp ảnh.
Tại Trung Quốc nhiếp ảnh phong cảnh đã trở thành Nghệ thuật nhiếp ảnh chủ đạo. Trái ngược với điều này, trong lịch sử nhiếp ảnh phương tây, nhiếp ảnh phong cảnh chưa bao giờ chiếm một vị trí quan trọng. Bào Côn nói: “Ansel Adams người được công nhận là bậc thầy về nhiếp ảnh phong cảnh, trong thực hành nhiếp ảnh của mình, điều quan trọng nhất đối với ông là nghiên cứu “phơi sáng cục bộ” và cách vận dụng phương pháp này. Nỗi trăn trở và tận dụng các tính năng kỹ thuật nhiếp ảnh làm cho tác phẩm của ông trở nên khác biệt.”
Chúng ta có thể tìm hiểu những lý do của sự khác biệt giữa các chủ đề, qua các khía cạnh xã hội, chính trị, lịch sử… Nhưng lý do cơ bản nhất về sự khác biệt lớn giữa Trung Quốc và phương tây là quan niệm về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.
Ở phương tây, quan hệ con người đối lập với thiên nhiên. Người phương tây cho rằng, con người vừa là một phần của thiên nhiên vừa là sản phẩm đặc biệt của thiên nhiên. Họ nhấn mạnh con người làm chủ thiên nhiên, họ đã nuôi dưỡng đặc tính chinh phục thiên nhiên từ thời cổ đại.
Trong phản ánh ý thức thẩm mỹ, nó thường là mối quan hệ đối nghịch giữa chủ thể thẩm mỹ với khách thể thẩm mỹ. Đối với thiên nhiên con người luôn giành chiến thắng. Cho nên, đối tượng biểu hiện chính không phải thiên nhiên mà là con người. Trong thời kỳ cổ điển và phục hưng phương tây, nghệ thuật khoả thân luôn chiếm một vị trí quan trọng.
Ở Trung Quốc, quan hệ giữa con người với thiên nhiên là sự hài hòa thống nhất. Người Trung Quốc coi quan hệ giữa con người với thiên nhiên là một bộ phận không thể tách rời, con người với thiên nhiên là hai trong một. Trong phản ánh ý thức thẩm mỹ, chủ thể thẩm mỹ nằm trong khách thể thẩm mỹ, khách thể hoà vào chủ thể, khiến cả hai đối tượng trở thành “Thiên nhân hợp nhất”. Hơn nữa, đối tượng biểu hiện chính của nghệ thuật Trung Quốc cổ đại là sơn thuỷ. Những tác phẩm sơn thuỷ trong thi, hoạ ở Trung Quốc có từ rất sớm, xuất hiện từ thời Tấn, Tống, vào cuối thế kỷ 4 và đầu thế kỷ 5. Ở phương tây, thiên nhiên được coi là đối tượng độc lập. Thế kỷ 17 nó mới xuất hiện trong hội hoạ ở Hà Lan và đến thế kỷ 18 mới xuất hiện ở Anh và Đức. Truyền thống văn hoá Trung Quốc, phản ánh vẻ đẹp của sự hoà hợp giữa con người với thiên nhiên, đã có tác động rất lớn cho đến nay, truyền cảm hứng cho các nhiếp ảnh gia Trung Quốc, bằng ý chí vượt qua những ngọn núi và dòng sông để bày tỏ tình yêu của họ về núi và sông quê hương.
Lâm Ngữ Đường có một đoạn văn nói về sự khác biệt giữa các đối tượng biểu hiện nghệ thuật Trung Quốc với phương tây: “…Nghệ thuật sống động của Trung Quốc, bắt nguồn từ sơn thuỷ; Nghệ thuật sống động của phương tây, bắt nguồn từ người phụ nữ”.
Người phương tây nghĩ đến “Chiến thắng”, “Tự do”, “Hoà bình”, “Công lý” là liên tưởng đến hình ảnh người nữ, mà không phải người nam? Người Trung Quốc không thể hiểu được! Người Trung Quốc thích hoạ một hòn đá kỳ lạ, rồi treo nó lên tường, hằng ngày ngắm nhìn và liên tưởng đường nét ngoại hình của nó với núi đồi trong thiên nhiên, người phương tây hoàn toàn không hiểu.
Tác phẩm: Hoàng Sơn sau cơn mưa (1954)
Tác giả: Hoàng Tường
Thuật nhiếp ảnh là sản phẩm của khoa học, các nhiếp ảnh gia Trung Quốc và phương tây đều sử dụng ánh sáng, đường nét và màu sắc để tạo ra hình ảnh trực quan ba chiều trong không gian hai chiều. Điều này là như nhau, tuy nhiên thể hiện trong sáng tạo nghệ thuật các nhiếp ảnh gia Trung Quốc và phương tây lại có những cách khác nhau.
Trên đỉnh Hoàng Sơn, khi trời nắng, các nhiếp ảnh gia phương tây đã tập trung để ghi lại đường nét của cây thông, ghi lại sự thay đổi ánh sáng và bóng tối trên đỉnh núi. Trong khi các nhiếp ảnh gia Trung Quốc nghỉ ngơi trong khách sạn. Tuy nhiên, khi đám mây đen xà xuống và cơn mưa ập đến, các nhiếp ảnh gia phương tây tránh mưa trong khách sạn, trong khi các nhiếp ảnh gia Trung Quốc lại vội vã lên núi, để sau mưa chụp những mảng mây trắng bồng bềnh vờn quanh sườn núi như cảnh thần tiên.
Ngôn ngữ nhiếp ảnh được kết hợp chặt chẽ giữa triết học với khoa học. Nghệ thuật nhiếp ảnh phương tây sử dụng khoa học để thể hiện hình ảnh chân thực cuộc sống. Sự phát triển của khoa học và công nghệ như quang học, hoá học và vật liệu cảm quang đóng một vai trò quan trọng trong sự ra đời và phát triển của nhiếp ảnh. Bố cục, màu sắc và thẩm mỹ đã trở thành một phần quan trọng trong lý thuyết Nghệ thuật nhiếp ảnh.
Các nhiếp ảnh gia phương tây muốn có một tác phẩm tốt đã rất công phu trong bố cục, luật phối cảnh và hiệu quả sáng tối. Lý Nguyên cho rằng, Ansel Adams sử dụng một máy ảnh khổ lớn để làm nổi bật độ sắc nét. Và độ sắc nét đó đã vượt ngưỡng của thị giác, do đó hình ảnh của nó trở nên khô cứng. (Ảnh dưới).
Tác phẩm: Người đàn ông đi xe đạp xuống phố Hyères (1932)
Tác giả: Henri Cartier Bresson
Tác phẩm: Núi Tetons và sông Snake (1942)
Tác giả: Ansel Adams
Là tín đồ Nho giáo, sẽ coi trọng tả thực; Là tín đồ của Phật, Lão giáo, khi sáng tạo nghệ thuật có xu hướng tả ý. Các họa gia Trung Quốc khi lựa chọn nội dung và tư duy hình tượng, thường “lấy hình” làm cái cớ để “tả ý”. Truyền thống đó ảnh hưởng rất lớn đến các nhiếp ảnh gia Trung Quốc. Lưu Bán Nông gọi đó là “Nhiếp ảnh tả ý”. Lang Tĩnh Sơn sử dụng phương pháp tả ý đó, đã in một tuyển tập nhiếp ảnh mà trong đó những tác phẩm như: “Cây mùa xuân ở Kỳ Phong”, “Sáng sớm ra sông gánh nước”, “Cô gái chèo thuyền dưới hàng tơ liễu”… đã được các nhiếp ảnh gia tên tuổi trên thế giới khen ngợi; Hồ Bá Tường với tác phẩm “Chiều về Thạch Thành”; Lã Chúng Khổ với tác phẩm “Tuyết dày trên vai”; Ngô Trung Hành với tác phẩm “Đàn gia súc trở về”… cho đến những tác giả đương đại như Ngao Ân Hồng, Trần Phục Lễ, Giản Khánh Phúc, Viên Liêm Dân đều đã sáng tác tác phẩm nhiếp ảnh tả ý.
Nhiếp ảnh là ngôn ngữ quốc tế. Cho dù không có văn tự thuyết minh, đa phần các dân tộc khác nhau trên thế giới cũng có thể đọc được nội dung qua ánh sáng, đường nét, sắc màu của tác phẩm. Các nhiếp ảnh gia Trung Quốc trong thế kỷ 21 hấp thụ những phẩm chất văn hoá nhiếp ảnh tốt đẹp của các dân tộc trên thế giới, kết hợp với văn hoá truyền thống Trung Hoa, sáng tạo ra những tác phẩm xứng tầm với thời đại.