Báo cáo của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến ngày 30/6/2024 cả nước có 752 nhà máy, cơ sở sản xuất phân bón. Không chỉ phân bón, ngành thức ăn chăn nuôi cũng đối diện với tình trạng tương tự. Lượng ngô nhập khẩu đạt trên 6,93 triệu tấn, trị giá hơn 1,72 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam thâm hụt thương mại ngành thức ăn chăn nuôi đến 2,65 tỷ USD trong 8 tháng năm 2024. Đây là một nghịch lý khi quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp lại phải chi hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sản xuất.
Câu hỏi đặt ra: Làm thế nào để nâng cao năng lực sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài và tạo lợi thế cạnh tranh bền vững? Trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, quy mô và lợi thế sản xuất của Việt Nam vẫn chưa thể so sánh với các quốc gia như Hoa Kỳ, Brazil, diện tích trồng ngô nước ta đang tính trên đơn vị sào, đơn vị hecta, trong khi diện tích trồng ngô của Hoa Kỳ, Brazil tính trên đơn vị ngàn hecta một trang trại. khiến giá thành sản xuất nội địa cao hơn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp phải lựa chọn nhập khẩu để tối ưu chi phí sản xuất. Giải pháp việc mở rộng vùng nguyên liệu trong nước và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có thể giúp Việt Nam giảm phụ thuộc nhập khẩu. Tuy nhiên, đây là quá trình lâu dài và cần có chiến lược cụ thể để thực hiện.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng như kho bãi và hệ thống logistics cũng cần được cải thiện để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi và phân bón. Các tập đoàn lớn đã bắt đầu liên kết với các địa phương để phát triển vùng nguyên liệu, nhưng việc này cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn để đảm bảo tự chủ trong sản xuất. Mặc dù Việt Nam đã đạt được thành công đáng kể trong xuất khẩu nông sản như gạo, nhưng để giảm phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, cần phải có những bước tiến quyết liệt hơn trong việc phát triển năng lực sản xuất nội địa, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai nông nghiệp bền vững.