NSNA, nhà báo Lại Hiển – trọn đời cho nghệ thuật nhiếp ảnh

NSNA, nhà báo Lại Hiển – trọn đời cho nghệ thuật nhiếp ảnh

Kỳ Nam |15:25 09/04/2024

(NADS) - Rong ruổi khắp mọi miền đất nước, hơn 40 năm hoạt động báo chí và nhiếp ảnh, NB - NSNA Lại Hiển đã để lại một kho tư liệu đồ sộ là những bài giảng về nhiếp ảnh, những hình ảnh sinh động về đất nước, con người Việt Nam. Để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng anh chị em đồng nghiệp cùng những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam hôm nay.

rs_12471431_1725602194325896_6061755571236166347_o.jpg
NSNA - Nhà báo Lại Phúc Hiển (Lại Hiển)

NSNA - Nhà báo Lại Phúc Hiển (Lại Hiển) sinh ngày 8 tháng 8 năm 1943 tại Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định. Mảnh đất nổi tiếng với những sản phẩm lúa gạo miền bắc, cùng với nắng gió mặn mòi của biển đã nuôi dưỡng tuổi thơ ông thành chàng trai giàu cảm xúc và nghị lực. Cha mất sớm khi ông mới 13 tuổi, anh trai đi kháng chiến hy sinh tại chiến trường. Là con thứ, anh trở thành cánh tay phải của mẹ, giúp mẹ việc nhà, cùng mẹ chăm sóc, dạy dỗ các em trong những giai đoạn khó khăn nhất của gia đình.

Năm 1959, ông cùng các em theo bố mẹ lên Hà Nội sinh rồi theo học mỹ thuật tại trường Văn hóa quần chúng. Ông từng chia sẻ: “Thời sinh viên tôi mê hội hoạ, có khiếu về đồ hoạ, ký hoạ. Nhưng thời kỳ chiến tranh, mọi thứ diễn ra cấp tập, tôi cảm thấy cầm cọ khó có thể phản ánh nhanh nhạy, kịp thời, nên sắm một máy ảnh hành nghề. Không ngờ đó lại là duyên nghiệp suốt đời của mình”.

rs_dan-quan_1.jpg
Dân - Quan. Ảnh: NSNA Lại Hiển

Năm 1965 sau khi tốt nghiệp Trung cấp Công an, Lại Phúc Hiển được tuyển dụng vào ngành Công an làm bản tin nội bộ của Sở Công an Hà Nội.

Năm 1969, ông được điều động sang phòng công tác chính trị là phóng viên Báo Công an Nhân dân.

Năm 1972, ông xây dựng gia đình. Đám cưới giản dị giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ đang ác liệt nhất, khách đến dự cưới đội mũ sắt có lúc đang ăn lại phải xuống hầm cá nhân trú ẩn ngay góc phố Hàng Ngang.

rs_du-xuan.jpg
Đu Xuân. Ảnh: NSNA Lại Hiển

Năm 1975, ông được điều sang Phòng Công tác Chính trị - Bộ Công an, chuyên trách tuyên truyền. Từ đó nhiều người biết đến Ông qua những hình ảnh đẹp và ấn tượng về lực lượng Công an nhân dân trên các trang báo cùng những cuốn lịch hàng năm của ngành mang tên tác giả Lại Hiển. Năm 1991, ông về hưu và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhì để ghi nhận những cống hiến của ông.

Cuộc sống gia đình với 3 con nhỏ sống trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước là nguồn động lực giúp ông vươn lên, mày mò học hỏi từ sách và đồng nghiệp. Rồi đến khi có internet, ông cũng là người tiếp cận sớm để trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về nhiếp ảnh, sử dụng phần mềm Photoshop thuần thục cùng nhiều ứng dụng phục vụ nhiếp ảnh. Với ông chiếc laptop như người bạn tri kỷ, ông thường ngồi cả ngày với nó để trau dồi kiến thức. Sau khi nghỉ hưu, ông mở lớp dạy nhiếp ảnh và thực hành Photoshop tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô từ 1997 - 2001. Các thế hệ học sinh của ông nhiều người đã thành danh từ tấm lòng nhân ái cùng nhiệt huyết của thầy Lại Hiển. Ông dìu dắt người em trai Lại Diễn Đàm trở thành một NSNA nổi danh trong nước và quốc tế. Là hội viên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam từ năm 1983 và là hội viên Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội, ông thường tham gia giảng dạy tại các khóa đào tạo do Hội Trung ương, Hà Nội và nhiều tỉnh thành tổ chức, tham gia Ban giám khảo nhiều cuộc thi nhiếp ảnh trong nước.

rs_tren-dinh-ma-pi-leng(1).jpg
Trên đỉnh Mã Pí Lèng. Ảnh: NSNA Lại Hiển
rs_vu-dieu-cua-khoi.jpg
Vũ điệu của khói: NSNA Lại Hiển

Đam mê nhiếp ảnh lại thêm vốn kiến thức từ hội họa cùng sự sáng tạo nghệ thuật, những bức ảnh ông chụp giàu cảm xúc, mang tính triết lý sâu sắc gây ấn tượng mạnh đến với người xem. Ông luôn tự nhủ mình, phải khiêm tốn, phải luôn gắng gỏi, đừng bao giờ vừa lòng với bản thân. Nghệ sĩ là phải sáng tạo, tìm tòi, khám phá, nếu không cuộc sống sẽ đào thải anh... Lại Phúc Hiển hiểu sâu sắc thế giới nội tâm ẩn chứa bản chất, sắc thái, cốt cách của đời sống tinh thần con người. Nó chi phối mọi hoạt động của thế giới hiện hữu, chi phối tư tưởng, hành vi, ứng xử của mỗi con nguời. Bởi vậy những tác phẩm của ông luôn phản ánh cái gốc, cái bản ngã con người. Từ cảm nhận cuộc sống, ông dùng những chất liệu trong thiên nhiên, như cây, hoa, cỏ, vật chất do con người sáng tạo nên, sắp đặt thành hình ảnh, để nói lên cái điều mình muốn. Ngoài nhiếp ảnh, ông còn làm thơ, viết thư pháp tiếng Việt. Là người viết chữ đẹp nên một thời ông đã từng viết giấy “Chứng minh thư” cho Công an Hà Nội.

rs_ong-do.jpg
Ông đồ. Ảnh: NSNA Lại Hiển
rs_tiec-nuoi_1.jpg
Tiếc nuối. Ảnh: NSNA Lại Hiển

Thức thời với những thành tựu của công nghệ mới, mang nó ứng dụng cho mình cùng với tư duy sâu sắc của người thấu hiểu nhân tình thế thái của cuộc sống để rồi Lại Phúc Hiển sáng tạo những bức ảnh họa bằng kỹ thuật số với những ý tưởng táo bạo, vượt ra ngoài suy nghĩ của đồng nghiệp. Năm 2002 ông mở Triển lãm cá nhân tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội với nhiều bức ảnh đặc sắc trong đó có ảnh họa.

Rong ruổi suốt 40 năm hoạt động báo chí và nhiếp ảnh ông đã để lại một kho tư liệu đồ sộ là những bài giảng về nhiếp ảnh, những hình ảnh sinh động về đất nước, con người Việt Nam.

W_ha-noi_1.jpg
Hà Nội. Ảnh: NSNA Lại Hiển
W_a-i-cha-va-ng-cao_1.jpg
Đi chợ vùng cao. Ảnh: NSNA Lại Hiển
W_lh.-duyen-sen-31_1.jpg
Duyên sen. Ảnh: NSNA Lại Hiển

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
NSNA, nhà báo Lại Hiển – trọn đời cho nghệ thuật nhiếp ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO