Thị trường toàn cầu chứng kiến sự chậm lại trong việc mở cửa hàng mới của ngành hàng xa xỉ, theo báo cáo từ Savills. Tại Trung Đông và châu Âu, các thương hiệu gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm phù hợp.
Trung Quốc, dù vẫn dẫn đầu về số lượng cửa hàng mới với 41% toàn cầu, cũng bắt đầu giảm tốc, giảm 12% trong năm 2023. Thị trường này đang vào giai đoạn bão hoà sau bùng nổ năm 2021-2022, do niềm tin tiêu dùng sụt giảm.
Ngược lại, Bắc Mỹ và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trừ Trung Quốc, đang tăng trưởng. Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam đều ghi nhận sự gia tăng số lượng cửa hàng xa xỉ. Khu vực này chiếm 17% thị phần toàn cầu về bán lẻ xa xỉ trong năm 2023, nhờ du lịch phục hồi.
Ví dụ, tại Nhật Bản, LVMH báo cáo doanh thu tăng 32% trong quý 1/2024 nhờ lượng khách du lịch tăng và tỷ giá hối đoái hấp dẫn. Tại Việt Nam, thị trường bán lẻ cao cấp dự báo tăng 3,2% đến năm 2028, với thời trang là phân khúc lớn nhất.
Tp.HCM đã chào đón các thương hiệu như Cartier, Vertu, Longines. Vertu vừa mở Flagship store tại Caravelle Saigon Hotel, sau khi ghi nhận nhu cầu tăng cao. Vertu đã đạt doanh số 300 triệu USD sau 2 năm có mặt tại Việt Nam.
Các khu vực nghỉ dưỡng cao cấp cũng thu hút nhiều thương hiệu xa xỉ. Số cửa hàng tại các khu resort đã tăng gấp đôi từ năm 2022 đến 2023, với các thương hiệu như Alexander McQueen, Balenciaga, Burberry, Bvlgari và Zimmerman. Xu hướng này dự kiến sẽ mang lại cơ hội cho các khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam.