Nhà báo Lê Cương là người cùng trong tổ phóng viên chiến trường với tôi. Chúng đã đi cùng các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam vào giải phóng thủ đô Phnom Penh 45 năm trước, ngày 7/1/1979.
Một buổi gặp mặt rất vui vẻ, ấm tình đồng nghiệp. Một điều rất tự nhiên, chúng tôi nhắc nhiều về nhà báo, NSNA Lâm Hồng Long, một đồng nghiệp lão thành kỳ cựu đã đi xa. Bởi ông là một tài năng nhiếp ảnh lớn, đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về các tác phẩm “Bác Hồ bắt nhịp Kết đoàn” và “Mẹ con ngày gặp mặt”. Ông lại người con của quê hương Phan Thiết. Có một con đường mang tên Lâm Hồng Long ở thành phố này. Con đường thứ hai mang tên ông ở thị xã Lagi, nơi gia đình ông sống nhiều đời.
Những hồi ức 49 năm trước đây trở về trong tôi.
Tháng 3/1975, tôi đã có dịp cùng Lâm Hồng Long vào Huế và Đà Nẵng giải phóng ngay trong những ngày đầu tiên. Sau đó, chúng tôi lại cùng có mặt trong tổ phóng viên mũi nhọn của TTXVN, hành quân theo bước chân thần tốc của cánh quân phía Đông, đi dọc miền Nam đất nước, qua một loạt các thành phố, chứng kiến nhiều trận đánh để có mặt tại dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 lịch sử.
Khoảng giữa tháng Tư, tôi đã cùng Lâm Hồng Long qua Phan Rang - Tháp Chàm, về Phan Thiết. Tôi là người mới đến đây, còn ông là người trở về mảnh đất quê hương sau 21 năm xa cách. Tôi không bao giờ quên gương mặt xúc động, những câu chuyện ông kể khi chúng tôi đèo nhau bằng xe Honda trên đoạn đường này. Tôi đã cùng ông thăm trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ từng dạy học, gặp gỡ với những người dân Phan Thiết, chụp cảnh ghe thuyền cắm cờ giải phóng xuôi ngược trên sông Cà Ty... Anh em trong tổ mũi nhọn chúng tôi đã chứng kiến khoảnh khắc Lâm Hồng Long gặp lại những người ruột thịt trong gia đình sau bao năm tháng xa cách. Khi ấy, gia đình ông đang ở tại thị trấn Hàm Tân, không xa Phan Thiết.
Năm 2002, tỉnh Bình Thuận đặt tên đường Lâm Hồng Long, 5 năm sau khi nhà nhiếp ảnh nổi tiếng qua đời, để tưởng nhớ một người con quê hương. Đường có chiều dài 200m, bắt đầu từ ngã ba đường Võ Thị Sáu đến giáp đường Lý Thái Tổ.
Lần này trở lại Phan Thiết, thăm lại những nơi chúng tôi đã đến trong những ngày đầu giải phóng, đi trên con đường Lâm Hồng Long, chúng tôi nghĩ nhiều về ông. Khi còn sống, Lâm Hồng Long chắc không hề nghĩ sẽ có con đường mang tên mình. Bởi tính cách rất khiêm nhường, bình dị của ông.
Chúng tôi cũng đã về Hàm Tân - La Gi, thăm ngôi nhà giờ đã trở thành nơi thờ tự của gia đình nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, thắp hương tưởng nhớ ông, nhà nhiếp ảnh tài năng và đã để lại những tác phẩm lịch sử, mang dấu ấn một thời kỳ nhiều biến động của đất nước.
Bài thơ “Khoảnh khắc” tôi đã viết để tưởng nhớ về nhà báo - NSNA Lâm Hồng Long.