Nhớ Nhà giáo - NSNA Nguyễn Phùng Hiệp: “50 NĂM, ĐƯA KHÁCH QUA SÔNG…”

LÊ XUÂN THĂNG|21:28 13/03/2020

Chiều ngày 13 tháng 3 năm 2020, (nhằm 20 tháng 2 năm Canh Tý) nhiều thế hệ cầm máy ảnh đã lần lượt trở về thắp nén nhang tưởng nhớ nhân dịp chung thất 49 ngày của Nhà giáo -  Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Phùng Hiệp.


Chân dung Nhà giáo - NSNA Nguyễn Phùng Hiệp - Ảnh: YOUPECOP

Kiên trì và nỗ lực vượt qua khó khăn ở từng giai đoạn, dấu ấn nổi bật trong hành trình hơn nửa thế kỷ gắn bó với sự nghiệp nhiếp ảnh của ông là lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Với hơn 30 ngàn lượt học viên, ông là “bà đỡ” mát tay dẫn dắt những bước đi đầu tiên cho biết bao bạn trẻ cập bến tương lai…

Sinh ngày 04 tháng 01 năm 1938 tại Quảng Bình, ngay từ tuổi lên tám, cậu bé Phùng Hiệp đã theo thân phụ sống xa quê huơng. Ông tâm sự lúc sinh thời Tôi bước vào sự nghiệp cầm máy ảnh bằng những bài học đầu đời nơi các trường hướng nghiệp ở Thái Lan. Chỉ qua vài cái bấm máy, niềm yêu thích nét đẹp, những ký ức được lưu giữ, cơ hội diễn đạt, bày tỏ tâm tư tình cảm thể hiện nơi từng bức ảnh đã gắn bó với tôi đến suốt cuộc đời…”.

“50 năm, đưa khách qua sông…”

Hồi hương năm 1965, công việc chính của ông đảm nhận là giảng dạy nhiếp ảnh tại Hội Văn nghệ Việt Nam (Sài Gòn). Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, hoạt động nhiếp ảnh có phần lắng dịu do kinh tế bị trì trệ. Đến năm 1979, ông có điều kiện trở lại với chuyên môn thông qua các lớp đào tạo nhiếp ảnh tại Nhà Văn hóa Quận Nhất (nay là Trung tâm Văn hóa Quận 1 - Nhà hát Bến Thành).

Năm 1982, thực hiện Chỉ thị 11 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về tập hợp đoàn kết các thành phần thanh niên, đồng thời, cụ thể hóa chương trình "Nâng cao dân trí, bồi dưỡng tài năng trẻ, phát triển văn hoá” ông là hạt nhân nòng cốt kiên trì kết nối, vận động, góp công thành lập nên “Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam” - một địa chỉ hướng nghiệp, trang bị kiến thức nhiếp ảnh cho giới trẻ, đồng thời cũng là nơi giao lưu, sinh hoạt thu hút các đồng nghiệp cùng sở thích ở trong và ngoài nước.

Đầu những năm 1990, ở thời điểm đất nước bắt đầu chuyển mình bước vào giai đoạn đổi mới, phong trào học nhiếp ảnh nở rộ, mỗi ngày ông đảm nhận hướng dẫn hàng trăm học viên suốt từ sáng sớm đến tận tối mịt. Với nội dung truyền đạt đa dạng từ kỹ thuật sử dụng máy ảnh căn bản đến kỹ thuật phòng tối ảnh đen trắng, kỹ xảo rọi ảnh màu thủ công... Ông luôn tận tình và ân cần nhắc nhở học viên: “Nhiếp ảnh là nghệ thuật của “cái nhìn”. Bước vào nghệ thuật của ánh sáng, điều quan trọng là phải tu dưỡng tâm hồn, cảm thụ được nét đẹp nơi cuộc sống, lưu giữ những thay đổi tích cực trong sinh hoạt đời thường, trong lao động sản xuất nơi các thành phần xã hội, nơi phong cảnh của quê hương đất nước…”.

Các Nhà giáo cùng chung vui nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (từ trái sang phải: NSNA Đồng Đức Thành, cố PGS. Nhạc sĩ Ca Lê Thuần, NSNA Nguyễn Phùng Hiệp, NSNA Lê Xuân Thăng) - Ảnh: Trần Thế Phong

 “Như nước đầy vơi… làm sao nói hết!”

Sống giản dị, khiêm nhường, làm việc hết lòng về chuyên môn, nhà giáo Phùng Hiệp được sự quý mến của hầu hết đồng nghiệp và học viên. Mỗi người có dịp tiếp xúc lâu dài với ông đều nhận xét: “Ở cương vị nhà giáo, ông trọng việc xã hội hơn việc nhà, lấy cái vui của người khác làm niềm vui của mình và soi bóng mình trong hạnh phúc của người khác…”.

Theo nhà báo Phùng Huy - con trai ông - đặc điểm lớn nhất mà anh trân trọng ở cha, là cách ông tự học, thường xuyên tìm hiểu, cập nhật những kiến thức mới. Sổ tay ông ghi chép dày cộp và rất nhiều,… nhưng cần cái gì, ông dễ dàng tìm đúng quyển sổ ấy.

Ngoài cơ sở giảng dạy chính là Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, ông lần lượt trải qua cộng tác tại các đơn vị: Trung tâm Nghiên cứu dịch thuật Lê Quý Đôn; Trần Khai Nguyên, Hội Nhà báo TP.HCM, Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM, Thông tấn xã Việt Nam (phía Nam), Trung tâm Văn hóa Quận 3. Ngoài ra, ông còn hợp tác giảng dạy tại khoa Mỹ thuật Công nghiệp Đại học Kiến Trúc, Đại học Hồng Bàng… Ở thập niên 1990, ông  được mời làm cố vấn chuyên ngành Nhiếp ảnh cho công ty Kodak Vietnam và Fujifilm Vietnam.

NSNA Trần Thế Phong tri ân người Thầy cũ

Với hơn 50 năm, từng ngày cống hiến trí tuệ, tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người”, nhà giáo nhiếp ảnh Nguyễn Phùng Hiệp là “Người đưa đò” cần mẫn, chở tri thức, tình cảm, đưa bao học viên trẻ cập bến đỗ tương lai. Ông vinh dự được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam” của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam…

Đi hết một vòng đời sinh-lão-bệnh-tử, tấm lòng tận tụy với sự nghiệp giáo dục - đào tạo Nhiếp ảnh của Nhà giáo - NSNA Nguyễn Phùng Hiệp (từ trần ngày 25/01/2020 - nhằm mùng 1 tháng Giêng năm Canh Tý - hưởng thọ 83 tuổi) vẫn mãi “Như nước đầy vơi…” với bao bạn trẻ cầm máy ảnh hàng ngày đang tiếp tục nối nghiệp trên hành trình muôn nẻo quê hương./. 


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Nhớ Nhà giáo - NSNA Nguyễn Phùng Hiệp: “50 NĂM, ĐƯA KHÁCH QUA SÔNG…”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO