Sáng kiến, giải pháp đẩy mạnh vai trò của văn học nghệ thuật trong quá trình quốc tế hoá văn hoá Việt Nam và Việt Nam hoá văn hoá quốc tế.

TS. Đoàn Thanh Nô|16:31 23/05/2025

Trước hết, tôi xin bày tỏ sự đồng thuận sâu sắc và đánh giá cao sáng kiến của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong việc xây dựng và tổ chức Hội thảo toàn quốc nhằm hoàn thiện Đề án “Quốc tế hoá văn hoá Việt Nam và Việt Nam hoá văn hoá quốc tế”. Đây là một chủ trương lớn, mang tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn đổi mới và hành động kịp thời trong bối cảnh toàn cầu hoá, chuyển đổi số và cạnh tranh về “sức mạnh mềm” giữa các quốc gia ngày càng gia tăng.

doan-than-3-no(1).jpg
TS Đoàn Thanh Nô - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Bài tham luận của TS Đoàn Thanh Nô - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại hội thảo Văn hoá

Đề án được xây dựng bài bản, có cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc, bám sát tinh thần các Nghị quyết Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, cũng như các nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia và phát triển công nghệ. Với hệ thống mục tiêu rõ ràng, các giải pháp cụ thể, Đề án đáp ứng kịp thời yêu cầu nâng tầm văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển bền vững.

Tôi xin được đại diện Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tham luận với chủ đề:

“Sáng kiến, giải pháp đẩy mạnh vai trò của văn học nghệ thuật trong quá trình quốc tế hoá văn hoá và Việt Nam hoá văn hoá quốc tế.”

I. Vai trò đặc biệt của văn học nghệ thuật trong hội nhập văn hóa quốc tế

1. Văn học – nền tảng bản sắc và đối thoại xuyên văn hoá

Văn học là kênh truyền tải sâu sắc nhất tinh thần, lịch sử, triết lý và tâm hồn dân tộc Việt. Những tác phẩm như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Nỗi buồn chiến tranh”, “Vị tướng về hưu”, “Những ngọn núi ngân vang”… được xuất bản tại nhiều quốc gia đã góp phần đưa văn hóa Việt ra thế giới. Tuy nhiên, hoạt động dịch thuật, xuất bản quốc tế còn thiếu chiến lược tổng thể, cần được đầu tư bài bản và đồng bộ giữa Nhà nước – Hội nghề nghiệp – Doanh nghiệp và Viện nghiên cứu.

2. Âm nhạc – ngôn ngữ toàn cầu lan toả cảm xúc Việt

Âm nhạc dân tộc Việt Nam với dân ca, nhạc cụ truyền thống, thanh nhạc dân gian đang có cơ hội lan toả mạnh mẽ thông qua nền tảng số. Các nhạc sĩ như Nguyễn Thiên Đạo, Đặng Hữu Phúc, Trần Mạnh Hùng và các nghệ sĩ biểu diễn như NSND Đặng Thái Sơn, NSND Hà Thuỷ, ca sĩ Đào Tố Loan, Lan Anh… đã mang âm nhạc Việt ra thế giới. Song, thiếu vắng chiến lược xuất khẩu âm nhạc, cơ sở dữ liệu bản quyền và cơ chế xúc tiến thương mại đang là điểm nghẽn.

3. Điện ảnh – vũ khí mềm kiến tạo hình ảnh quốc gia

Điện ảnh Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu hình ảnh đất nước, con người một cách sinh động. Tuy nhiên, mới chỉ có một số tác phẩm như “Áo lụa Hà Đông”, “Ròm”, “Mùa len trâu”, “Em và Trịnh”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”… được biết đến quốc tế. Thiếu quỹ điện ảnh quốc gia, cơ chế hỗ trợ hợp tác và quảng bá quốc tế là những rào cản lớn.

4. Mỹ thuật – ngôn ngữ hình ảnh giàu bản sắc

Hội họa, điêu khắc, thư pháp, tranh dân gian, nghệ thuật sắp đặt… là thế mạnh của Việt Nam trong giao lưu quốc tế. Tuy nhiên, việc tiếp cận các triển lãm, sàn đấu giá, NFT và nền tảng số toàn cầu của nghệ sĩ Việt vẫn còn hạn chế, cần mạng lưới kết nối với bảo tàng, gallery quốc tế.

5. Nhiếp ảnh – nghệ thuật kết nối linh hồn thời đại.

Nhiếp ảnh là kênh giao lưu trực quan sinh động, ngôn ngữ không biên giới, nhiếp ảnh tự bản thân nó đã có một ngôn ngữ chung là cái đẹp, cái thiện và chân thật; thể hiện bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc trực quan, sinh động, dễ hiếu, dễ hội nhập. Vì vậy nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều hoạt động giao lưu quốc tế rộng rãi, hiệu quả và đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi ảnh quốc tế. Ngoài ra Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã tổ chức 13 kỳ thi ảnh quốc tế (cứ 2 năm một lần) với hàng trăm nhiếp ảnh gia trên thể giới tham gia. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh việt Nam tham gia các cuộc thi ảnh quốc tế thường xuyên ở nhiều quốc gia và đạt nhiều giải thưởng cao, điển hình như NSNA Trần Thị Thu Đông, Lê Hồng Linh, Hoàng Quốc Tuấn, Đào Tiến Đạt,Trần Phong, Vũ Hải… đã ghi dấu ấn tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế. Vì vậy nhiếp ảnh cần được đầu tư nền tảng số hóa, triển lãm ảo và sáng kiến tổ chức các giải thưởng mang bản sắc Việt.

II. Những rào cản hiện nay

• Thiếu chiến lược quốc gia dẫn dắt văn học nghệ thuật hội nhập.

• Hạn chế về hạ tầng số, bản quyền, tài chính.

• Thiếu liên kết giữa Nhà nước – Hội – Doanh nghiệp – Công nghệ, chưa hình thành hệ sinh thái sáng tạo bền vững.

III. Sáng kiến và giải pháp đột phá

1. Xây dựng Chiến lược Quốc gia về quốc tế hoá văn học nghệ thuật, do Chính phủ chủ trì, các Bộ và Liên hiệp phối hợp thực hiện.

2. Thành lập Quỹ hỗ trợ quốc tế hoá văn học nghệ thuật, ưu tiên chuyển ngữ, triển lãm, xuất bản, điện ảnh, nghệ thuật số…

3. Ứng dụng công nghệ số, AI, dữ liệu lớn trong sáng tác và quảng bá; số hoá và định danh tác phẩm qua Blockchain, NFT…

4. Phát triển chuỗi tuần lễ, liên hoan văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại các nước như Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, ASEAN.

5. Xây dựng mô hình Đại sứ nghệ thuật và Trung tâm sáng tạo nghệ thuật quốc tế, làm điểm đến giao lưu giữa nghệ sĩ Việt và quốc tế.

IV. Kiến nghị chính sách

• Đưa văn học nghệ thuật thành nội dung trọng điểm trong Chiến lược Ngoại giao Văn hóa quốc gia giai đoạn 2025–2035.

• Sửa đổi chính sách tài trợ sáng tạo, hỗ trợ dễ tiếp cận, khuyến khích đổi mới và hội nhập.

• Hợp tác quốc tế về bản quyền, xuất bản, xuất khẩu nghệ thuật.

• Phát huy vai trò các Hội Văn học nghệ thuật địa phương trong đối ngoại nhân dân và giao lưu quốc tế.

KẾT LUẬN

Văn học nghệ thuật là linh hồn của văn hóa Việt. Trong hành trình đưa văn hóa Việt ra thế giới và làm giàu bản sắc dân tộc từ tinh hoa nhân loại, các văn nghệ sĩ chính là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận ngoại giao văn hóa, là người lan toả niềm tin, cảm xúc và sáng tạo vượt qua biên giới quốc gia.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Sáng kiến, giải pháp đẩy mạnh vai trò của văn học nghệ thuật trong quá trình quốc tế hoá văn hoá Việt Nam và Việt Nam hoá văn hoá quốc tế.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO