Một góc nhìn về Văn hóa Nhiếp ảnh

Một góc nhìn về Văn hóa Nhiếp ảnh

01:59 09/10/2020

NAĐSO - Mới đây, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Lễ trao thưởng cho 15 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2019. Trong số các tác phẩm Loại A có sách “Văn hóa Nhiếp ảnh - Một góc nhìn” của NSNA Trần Quốc Dũng.

Cuốn sách: “Văn hoá Nhiếp ảnh - một góc nhìn”
Tác giả: Trần Quốc Dũng

Là Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, nhưng với góc nhìn riêng, trong suốt gần 20 năm qua, Trần Quốc Dũng đã liên tục tham gia hoạt động trong lĩnh vực lý luận phê bình. Và lần này, là nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa nhiếp ảnh qua cuốn sách “Văn hóa Nhiếp ảnh - Một góc nhìn”. Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

“Văn hóa Nhiếp ảnh - Một góc nhìn” là tên sách nhưng cũng là tên Phần I - phần chính của cuốn sách. Mở đầu, tác giả nhắc lại định nghĩa về văn hóa. Nếu ta đánh  trên Google dòng chữ “định nghĩa về văn hóa” thì sẽ thấy vô số định nghĩa khác nhau, vì mỗi cá nhân, mỗi tổ chức với tính chất hoạt động khác nhau sẽ hiểu và định nghĩa văn hóa theo góc độ khác nhau, theo cách khác nhau. Tuy nhiên, theo UNESCO, “Văn hóa là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng ngoài văn học và nghệ thuật cả cách sống, phương thức chung sống…”  Trên cơ sở định nghĩa này, tác giả đã đi sâu phân tích, bám sát bản chất của nhiếp ảnh, đó là tính chân thực mà theo tác giả cần được hiểu là tính tư liệu của hình ảnh. Đây là điểm nhấn mấu chốt cần đối chiếu mỗi khi xem xét, đánh giá và kết luận về hình ảnh. Trong quá trình phát triển, “dòng sông” nhiếp ảnh sinh nhiều “nhánh” nhưng dòng chảy chủ đạo của dòng sông đó cần phải lấy tính chân thực hay nói cách khác, tính tư liệu làm gốc. Vậy nhưng, song song với tính tư liệu, nhiếp ảnh luôn mang theo mình tính nghệ thuật như một phần tất yếu, không thể tách rời. Ta nên hiểu mối quan hệ có tác động hữu cơ giữa tính tư liệu và nghệ thuật như thế nào cho đúng? Trong cuốn sách, tác giả nhấn mạnh “Tính tư liệu cần luôn luôn song hành cùng nghệ thuật và nghệ thuật cần luôn mang trong mình tính tư liệu”. Bằng cách ví von đơn giản trong cuộc sống, tác giả viết:

"Trong nhiếp ảnh nếu ví tính tư liệu là gạo thì nghệ thuật chính là cách nấu gạo thành cơm. Không có gạo thì sẽ chẳng có cơm, nhưng gạo không thể ăn sống và nếu không được nấu thành cơm, gạo cũng không thể tiêu hóa được.”

Nói rõ hơn, mỗi tấm ảnh chúng ta chụp về sự kiện, con người, phong cảnh, hoạt động xã hội… đều chứa đựng tính tư liệu như không gian, thời gian, địa lý, cảnh vật, sự kiện, diễn biến hoạt động hay chân dung con người, trang phục, công cụ, hành động - nếu chụp về con người. Tất cả những thông tin đó đều mang tính tư liệu. Vậy nhưng, không phải mặc nhiên người xem ảnh nhớ những thông tin đó. Trách nhiệm của người chụp không phải chỉ là ghi nhận tính tư liệu mà còn phải chuyển tải được những thông tin tư liệu đó tới người xem thông qua việc làm cho họ chú ý, thích và nhớ những thông tin đó.

Muốn vậy, những tấm ảnh đó phải đẹp, hấp dẫn, tạo ấn tượng, kích thích trí tò mò, làm cho người xem nhớ tới hình ảnh. Nghệ  thuật là yếu tố vô cùng quan trọng trong nhiếp ảnh và sẽ đầy đủ hơn khi nói bản chất của nhiếp ảnh là sự chân thực mang tính tư liệu kèm theo nghệ thuật.

Ngoài bản chất nhiếp ảnh, để hiểu rõ hơn về văn hóa nhiếp ảnh, tác giả đã đi sâu phân tích về hàng chục vấn đề. Một số trong đó gồm: Vai trò và ý nghĩa của hình ảnh; Nhiếp ảnh gắn với lịch sử văn hóa đất nước; Nhiếp ảnh - một loại hình nghệ thuật độc đáo; Ngôn ngữ ánh sáng - công cụ nghệ thuật độc đáo của nhiếp ảnh; Tính phong phú và khắt khe của nhiếp ảnh.

Về cuốn sách, những vấn đề được nêu ra, cho thấy “tác giả với chuyên môn, kinh nghiệm cầm máy cùng khả năng văn học đã truyền tải nội dung một cách có chiều sâu, có tư duy logic, vì vậy - “một góc nhìn” của tác giả bao quát nhiều góc nhìn, cả trong và ngoài nhiếp ảnh” - Tiến sỹ Khoa học Phan Đình Tân - Phó Chủ tịch chuyên trách, Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã nhận xét trong Lời giới thiệu cuốn sách.


NSNA Trần Quốc Dũng (thứ 3, bên trái qua) cùng các tác giả nhận giải A
tại Lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2019

Liên quan đến mặt trái của vấn đề, ở cuối phần I tác giả đã đưa ra những cảm nhận và suy nghĩ của mình qua một vài câu chuyện cụ thể cho thấy văn hóa tác nghiệp nhiếp ảnh chưa thực sự được một số người cầm máy coi trọng. Đó là những bài: “Suy nghĩ về tác nghiệp nhiếp ảnh nghệ thuật trong các lễ hội văn hóa”; “Đôi nét văn hóa khi cầm máy”.

Theo tác giả, bản thân người cầm máy là người làm văn hóa, chính vì vậy để sáng tác được những tác phẩm mang tính văn hóa cao, người cầm máy trước hết cần quan tâm, chú trọng đến nét văn hóa của chính bản thân mình khi tác nghiệp.

Không chỉ những vấn đề lý luận đi vào cốt lõi của nhiếp ảnh mà trong cuốn sách, tác giả còn cho người đọc thấy những mặt khác nhau trong đời sống nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh bản thân là một thực thể sống gồm con người - cả người cầm máy lẫn người “thụ hưởng” trong xã hội, cá nhân và tập thể trong đó có các Câu lạc bộ, Hội Nhiếp ảnh Trung ương, địa phương, hoạt động của các tổ chức đó và những vấn đề “ngóc ngách” đi cùng. Đó là: Công tác xây dựng và phát triển Câu lạc bộ nhiếp ảnh; Công tác kiểm tra và chất lượng hội viên Hội NSNA Việt Nam; Trung tâm lưu trữ và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam; Đấu giá trong nhiếp ảnh… Tuy không nặng về lý luận, nhưng trong phần III - Một góc đời sống nhiếp ảnh, tác giả đã nêu nhiều vấn đề cho ta cái nhìn khá toàn cảnh về nhiếp ảnh. 

Có thể nói những vấn đề được tác giả đề cập và phân tích trong phần I cho người đọc thấy các mặt khác nhau của văn hóa nhiếp ảnh liên quan cuộc sống con người và xã hội. Nhưng khách quan mà nói, người đọc có thể cảm thấy chưa thật thỏa đáng khi tác giả
chưa đi sâu phân tích tới tận “đáy” của từng vấn đề. Bản thân những vấn đề đó nếu được phân tích đầy đủ sẽ là những chương mục “đầy đặn” khi được bổ sung những dẫn chứng cụ thể hay những số liệu mang tính thuyết phục người đọc hơn. Sẽ hoàn hảo nếu trong một khuôn khổ khác, tác giả cụ thể những dẫn chứng và có lối dẫn dắt thuyết phục hơn với những luận cứ mang tính khoa học thực tiễn sâu. Nhìn lại sau khi cuốn sách hoàn thành, anh nói: “Mỗi vấn đề đã đặt ra, thực tế có thể đi sâu phát triển thành một chương mục. Có lẽ còn nhiều việc để làm”.

Văn hóa nhiếp ảnh là một phạm trù rộng lớn. Thật khó cho ai muốn “ôm” cả phạm trù này để rồi có được những góc nhìn “cặn kẽ” về từng mặt. Với NSNA Trần Quốc Dũng - tác giả cuốn sách “Văn hóa nhiếp ảnh - một góc nhìn” cũng vậy, anh chỉ nói ra những điều mình suy nghĩ và chắc chắn sẽ rất vui nếu có dịp được đàm luận cùng bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm - tác giả tâm sự.

“Công trình bài viết của tác giả Trần Quốc Dũng là sự đóng góp vào lĩnh vực Lý luận Phê bình Nhiếp ảnh. Đây cũng là tâm sức, cống hiến trí tuệ, niềm đam mê rất đáng trân trọng trong lĩnh vực Nhiếp ảnh.” - Tiến sỹ Khoa học Phan Đình Tân (Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung uơng).


Bài: Nhật Linh
Ảnh: Đỗ Nhung


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Một góc nhìn về Văn hóa Nhiếp ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO