Có thế, một cuộc thi có ba ngàn ảnh gửi về, đôi khi chất lượng của bộ giải lại hơn hẳn một cuộc thi có mười ngàn ảnh tham gia. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó chắc chắn phải kể đến việc các vị giám khảo bị quá tải.
Cũng có vị Giám khảo tự coi mình như một ông trọng tài trên sân cỏ. Những pha tranh chấp 50/50: Cho bên nào được hưởng lợi, thì chỉ việc lật tay sang phải hay sang trái, là xong! Chỉ có một điều khi làm bốc vác, thì người ta cần anh có thể trạng tốt và khi làm được trọng tài, thì đòi hỏi anh phải là người có chuyên môn - tức người được đào tạo căn bản, có năng khiếu nổi trội, có bậc nghề thuộc thứ hạng cao nữa thì càng tốt. Đáng tiếc, những tài sản “vô hình” hay “hữu hình” mà những giám khảo tích lũy được nhờ bẩm sinh hay do tự học mà có, thì chưa thấy nhiều ở Việt Nam.
Trách nhiệm ở mỗi cuộc thi, lẽ ra thuộc về Ban tổ chức. Từ việc nêu đề tài, ra quy chế, chọn giám khảo… Ban tổ chức chịu trách nhiệm cầm trịch, luôn phải giám sát người tham gia (là người dự thi và người làm giám khảo) thực hiện theo đúng quy chế đã đặt ra. Một cuộc thi mà lại “chua” vào nội dung bản quy chế: “Quyết định của Ban giám khảo là kết quả chung cuộc…”, thì các thành viên Ban giám khảo cũng đừng vội lấy thế làm hãnh diện. Bởi mọi rủi ro, kể cả tội lỗi không phải của mình, họ sẽ phải gánh - phải ôm phận “rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Mặc nhiên làm vậy, là Ban tổ chức đã khôn ngoan phủi trách nhiệm, trút mọi điều tiếng sang vai người chấm ảnh.
Một cuộc thi sẽ được coi là vô tư, khi tất cả các bên ngăn nắp thực hiện đúng theo nội dung quy chế. Ở đó, Ban tổ chức, người dự thi cũng như người làm giám khảo tôn trọng nhau đúng mực. Nhưng đời sống nghệ thuật vốn đồng bóng và trong “thói hư, tật xấu của người Việt”, ai đó đã chỉ ra rằng chúng ta mắc bệnh “thiếu trách nhiệm cá nhân, thừa trách nhiệm tập thể”. Hội NSNA Việt Nam có cả ngàn hội viên, ai cũng cứ bảo là nhiều, nhưng thực tế “vo vào” lại rất ít… Mọi quan hệ chồng chéo của những nhân vật “cộm cán” thường cứ vập vào mắt người này, người khác. Một chuyến đi sáng tác cùng nhau, một lần thù tạc với bạn bè ở đâu đó…, chẳng may có người chớp được. Rồi không được nhận tiền, cũng mang tiếng rằng “bị mua”. Chẳng yêu, cũng bị gán là bồ bịch. Không nói, thì người ta quy chụp là “ngậm miệng ăn tiền”; Nói ra thì lại bị tiếng rằng thanh minh. Nhưng thực tế đã từng tồn tại: Có những thí sinh “dựa hơi” giám khảo nọ, luôn gặt thành tích trong các cuộc thi. Khi “bà đỡ” bị thất thế hay về vườn, thì thí sinh ấy bị rơi tõm vào hư vô, bị “chết ẻo” như đã chưa từng phát sáng.
Cho đến hôm nay, không biết Hội NSNA Việt Nam đã mở bao nhiêu lớp “tập huấn công tác tổ chức và thẩm định ảnh”? Các thành viên tham gia học, cuối kì đều được Chủ tịch hội trao chứng chỉ hẳn hoi, có người treo tấm bằng lên phòng khách tường nhà, ngang hàng với những huân chương thời trận mạc... Nhưng cảm giác thấy được cho một số người đi tu luyện, rằng dường như càng học, thì càng thấy mình kém tự tin. Nhiếp ảnh đâu chỉ có nhờ thiết bị, đâu chỉ có nhờ kỹ năng? Ẩn sau mỗi tác phẩm là những kiếp người. Nếu chợt gặp một bức ảnh mình thực sự yêu thích, có khác gì cô thiếu nữ tìm được đức lang trung giữa chốn ba quân: Nó vừa là may mắn và cũng là duyên phận từ nhiều kiếp. Thế mà ông giảng viên trên lớp tập huấn chạy lướt loáng nhoáng hàng loạt file ảnh, rồi chợt nhặt ra một bức, đặt uỵch nó lên màn hình, yêu cầu học viên ngay lập tức nói về cái hay, cái dở của tác phẩm đó, làm thế có khác gì cưỡng hôn? Duyên tình cạn hứng khi mà đôi bên còn chưa tỏ lòng, nhớ mặt...
Những người làm được giám khảo nhiếp ảnh ở Việt Nam có thể tạm phân làm hai vế. Một bên, chấm xong thì tảng lờ như đã quên hết, kín tiếng im lặng. Còn đối diện sự im lặng là họ lại phân tích cái hay, cái dở của bức ảnh. Khi khen hay thì tác giả của bức ảnh “khiêm tốn” luôn lặng im. Nếu vị giám khảo vạch ra cái mà mình cho là dở của tác phẩm, thì nhiều tác giả cảm ơn vì đã chỉ cho họ biết khiếm khuyết của mình. Nhưng bên cạnh đó, không ít tác giả lại nổi đoá, như rót dầu vào đỉnh chóp tác giả, rồi ném tàn thuốc vào? Khỏi phải tò mò về nỗi hiềm khích của người dự thi với vị giám khảo kia sẽ kéo dài đến mấy kiếp! Chẳng phải vô cớ mà trong giới ảnh, có một số nghệ sĩ được gán biệt danh là “thợ chấm”. Nhưng nếu chỉ dựa vào vài ngày “tập huấn” mà đã như đội “hồng vệ binh” tung tẩy cầm lá phiếu quăng vào mặt những tác phẩm nhiếp ảnh, thì ai biết cả vạn “những đứa con tinh thần”, chung phận nằm trong bồ rác ở các cuộc thi từ cấp cao, đến cấp thấp vừa qua là xác đáng hay là oan?
Bài: NSNA Vũ Kim Khoa
Ảnh: Quang Hồ