Lý luận phê bình Nhiếp ảnh và thực tiễn sáng tác ảnh nghệ thuật

10:53 06/10/2020

NAĐSO - Một trong những vấn đề nóng gần đây của giới nhiếp ảnh là việc thẩm định các tác phẩm nghệ thuật. Trong các cuộc triển lãm nghệ thuật, các cuộc thi, việc những tác phẩm chưa đủ chất lượng lọt vào vòng cuối, giành được giải cao, đã gây bức xúc cho công chúng. Có nhiều cách lý giải về hiện tượng này.

Khi nhìn lại sự phát triển của nhiếp ảnh, thấy những con số tổng kết khá ngỡ ngàng. Chỉ riêng một nhiệm kỳ gần đây chúng ta đã kết nạp hơn một phần mười tổng số hội viên (117/1014). Nhưng số lượng hội viên tăng lên nhanh không đồng thời tăng chất lượng của các nghệ sĩ. Chưa kể rằng có ý kiến ở Bình Thuận cho là số lượng hội viên làm ảnh dịch vụ lại chiếm số đông. Một số nhà nhiếp ảnh thực sự có tài lại ưa thích hoạt động tự do, không vào hội. Nguyên nhân chính là các tác phẩm được chấm dễ dãi, nhiều tác phẩm chưa đáp ứng đủ tiêu chí nghệ thuật cũng đưa vào giải thưởng.

Trong bối cảnh ấy, lý luận phê bình nhiếp ảnh có một vai trò quan trọng để góp phần vào việc tạo ra các giá trị nghệ thuật. Không chỉ dừng ở mức độ giới thiệu, phê bình các giá trị thời sự của nhiếp ảnh, mà lý luận phê bình làm phong phú thêm nhận thức và thế giới quan của nhà nhiếp ảnh, giúp họ đến gần hơn với thời cuộc và tiếp cận những phẩm chất lâu bền của nghệ thuật.

Giờ đây, việc những nhà phê bình chưa cầm máy ảnh không còn nữa. Sự tiếp cận dễ dàng với kỹ thuật làm cho một người phê bình có kinh nghiệm không thể không cầm máy. Công chúng nghệ thuật cũng thay đổi, họ không còn bằng lòng với những nhận xét đơn thuần cảm tính. Thời đại của chúng ta cũng không còn dừng lại ở sự phản ánh thô sơ cuộc sống. Trong sáng tác độc giả đòi hỏi người cầm máy chú trọng nhiều hơn đến tính sáng tạo, việc tuân thủ những nguyên tắc lý tính nào đó đằng sau những bức ảnh. Những ý tưởng của cá nhân thường được bộc lộ ra trong quá trình sáng tác thầm lặng và bền bỉ.

Chúng ta phải đọc được ngôn ngữ hình ảnh và sau đó là đánh giá nó. Theo Terry Barrett thì việc hoạt động chính của phê bình là miêu tả, diễn giải, đánh giá và phát triển thành lý luận. Mục đích chính của những hoạt động đó là làm tăng thêm nhận thức, hiểu biết về tác phẩm và tác động của nó tới xã hội.

Ở Việt Nam, việc thẩm định ảnh thường tuân theo một quy trình nhất định. Trước hết là việc xem xét tổng thể các bức ảnh gửi tới triển lãm theo từng chủ đề. Sau đó là việc xem xét từng bức ảnh và chấm điểm. Trên cơ sở chung của chất lượng hình ảnh mới chọn lựa ra những tác phẩm có chất lượng cao nhất. Tiêu chí là về cơ bản vẫn mang nét sáng tạo, có cái mới, độc đáo, đáp ứng được tiêu chuẩn thẩm mỹ và có nội dung lành mạnh, tiến bộ. Thực ra, nếu những hội đồng giám khảo của chúng ta có sự tinh lọc, hoạt động theo đúng sở trường thì kết quả sẽ hợp lý hơn.

Tác phẩm: Tung bay
Tác giả: Nguyễn Thị Như Thảo Trang
Giải Bạc FIAP (Cuộc thi ảnh quốc tế VN-19)

Tác phẩm: Thiên nhiên rực lửa 
Tác giả: Huỳnh Mỹ Thuận
Giải Đồng FIAP (Cuộc thi ảnh quốc tế VN-19)
Việc đưa vào thành phần Ban giám khảo những người làm công tác lý luận phê bình thường làm tăng thêm yêu cầu của tác phẩm nghệ thuật. Điều này thể hiện rõ hơn trong kết quả của các cuộc thi, chấm giải. Văn hóa của những người làm công tác lý luận, phê bình không chỉ ngày một ngày hai mà có. Nó là một quá trình tích lũy nhiều khi nhân theo năm tháng. Sự chuyên tâm và hành động có mục đích, bài bản thường làm cho người ta có được cái nhìn tổng quát, sâu rộng hơn. Đặc biệt trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Khó có thể làm được công tác lý luận phê bình nếu không cầm máy và có sở thích văn nghệ.

Việc tham gia các hội đồng nghệ thuật, làm giám khảo chỉ là một trong các công việc của nhà phê bình. Đó chỉ là một trong những hình thức đóng góp của lý luận, phê bình. Trên thực tế, ở các nước, hoạt động của các giám tuyển cho các bảo tàng cũng là chuẩn mực để hình thành tiêu chí nghệ thuật cho xã hội. Việc đưa vào bảo tàng lưu giữ cho công chúng là một công việc lớn đòi hỏi sự cẩn trọng nhất định. Giả dụ như có phải tất cả các giải thưởng nhiếp ảnh đều nên lưu giữ vào bảo tàng không? Chắc chắn không phải như vậy.

Nghệ sĩ sáng tác ảnh hiện nay có cần phê bình không? Theo tôi, hình như là họ không cần. Có lẽ đó cũng là điểm yếu của nhiều tay máy. Họ đã có những hình mẫu sẵn của thành công với trang bị đủ và sự bắt chước mẫu mực. Để tiếp cận với hiện thực, các nhà nhiếp ảnh đổ xô đến các thắng cảnh và tìm ở đó những cái nhìn bắt mắt và hấp dẫn. Phải thừa nhận rằng có nhiều nơi phong cảnh đẹp cần phải được ghi lại. Nhưng nếu nói nó có một ý nghĩa gì với đời sống con người thì cũng cần xem xét. Nhiều sáng tác vẫn dừng ở mức ảnh du lịch, có đôi nét tạo hình. Chúng ta thiếu nhiều tác phẩm có chiều sâu về nhân sinh. Trong khi đó, một vài nhà nhiếp ảnh nước ngoài lại khá thành công ở Việt Nam.

Nhiếp ảnh thường ở mũi nhọn những vấn đề thời sự của báo chí và xã hội. Lý luận phê bình trước hết cũng là kênh giới thiệu và suy nghĩ về ý nghĩa xã hội của tác phẩm. Rất nhiều tác phẩm nhiếp ảnh chưa thực sự có ý nghĩa cuốn hút, sâu sắc về nghệ thuật, nhưng nó lại có sức mạnh về tư liệu trong đời sống con người.

"Nhiều nhà nhiếp ảnh sáng tạo đã lớn lên nhờ giá trị của phê bình. Không có con gà thì cũng không có quả trứng và chính quả trứng lại sinh ra con gà. Lý luận và thực tiễn thường gặp nhau ở những tầng bậc ngày càng cao hơn".
Nhà LLPB NA Vũ Đức Tân

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Lý luận phê bình Nhiếp ảnh và thực tiễn sáng tác ảnh nghệ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO