Ngày 6/7, những người biểu tình đã diễu hành qua các điểm du lịch nổi tiếng tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha và xịt nước vào du khách, hô to khẩu hiệu: "Khách về nhà đi".
Giữa tháng 7, hàng nghìn người biểu tình tại Mallorca, hòn đảo hút khách quốc tế hàng đầu tại Tây Ban Nha cùng tuyên bố: du lịch quá tải khiến dân lao động địa phương nghèo đi và chỉ làm giàu cho số ít người.
Các chuyên gia nhận định vấn đề cốt lõi của các cuộc biểu tình là giá thuê và giá nhà tăng cao, nhiều người dân không thể mua nổi nhà hoặc tốn nhiều tiền hơn để thuê.
Carlos Ramirez, giáo viên tiểu học ở Barcelona, cho biết được nhà nước trả lương ở mức "khá" và đang tiết kiệm tiền để mua nhà. Nhưng giá nhà đất ở thành phố tăng vọt khiến anh lo lắng. Cách duy nhất có thể sống ở Barcelona ngày nay là thuê chung nhà với 3-4 người khác.
Giống những cư dân khác ở Nam Âu, nơi các thành phố cũng là điểm du lịch mùa hè đông khách, Ramirez đổ lỗi giá nhà tăng là do du lịch đại chúng. Người dân ngày càng khó mua nhà, đặc biệt là những người trẻ vì ngày càng nhiều khách đổ xô đến.
Tại Barcelona, giá thuê nhà đã tăng 68% trong thập kỷ qua, theo thị trưởng thành phố Jaume Collboni. Các thành phố khác ở châu Âu cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Người dân đã quá chán ngán tình trạng này, muốn đòi lại quyền lợi nên dẫn đến các biện pháp cực đoan như biểu tình đuổi khách, thậm chí là tuyệt thực.
Ramirez nói các cuộc biểu tình đã có hiệu quả vì sau đó rất nhiều công ty du lịch cảnh báo khách cân nhắc đến Tây Ban Nha.
Antje Martins, chuyên gia du lịch bền vững của Đại học Queensland, Australia, cho biết các cuộc biểu tình sẽ ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch của khách. Barcelona hiện có tiếng xấu với du khách nên họ không muốn ghé thăm vì e ngại.
CEO Ủy ban Du lịch châu Âu Eduardo Santander nói những cuộc biểu tình ở Barcelona không phản ánh toàn bộ thực tế của Tây Ban Nha hay châu lục. Marins nói các cuộc biểu tình không phải "xung đột giữa khách và cư dân" mà phản ánh vấn đề du lịch không được quản lý bền vững. Bà tin rằng người dân phản ứng vì họ không hài lòng cũng như không nhận được bất kỳ lợi ích nào từ du lịch.
Ramirez đồng tình với quan điểm trên. Anh nói các cuộc biểu tình là để gây sức ép với chính quyền, buộc họ phải thay đổi chính sách chứ không đổ lỗi cho du khách.
Cư dân tại Venice, Italy, cũng nói rằng du lịch đại chúng khiến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phải đóng cửa, các nhà hàng trong khu phố được thay thế bằng cửa hàng lưu niệm, giá nhà tăng vọt.
Giá nhà tăng không phải lý do duy nhất. Ramirez nói thái độ thiếu tôn trọng người dân của khách du lịch cũng đóng một vai trò. Một du khách trẻ đã hôn và có những hành vi phản cảm với bức tượng Bacchus, thần rượu vang, khi đến Florence, Italy. Năm 2023, một khách khác đã bị buộc tội làm hỏng tượng cổ tại đài phun nước có từ thế kỷ XVI Neptune, Florence. Cùng năm đó, tại điểm đến khác ở Italy, nhóm khách du lịch đã cố tình lật đổ bức tượng có giá trị lịch sử - văn hóa ở biệt thự họ thuê. Nhiều nơi khác xảy ra tình trạng tương tự.
Ramirez cáo buộc du khách cố tình làm những điều mà họ không thể thực hiện ở đất nước họ. Điều này khiến người dân địa phương cảm thấy bị xúc phạm.
Sebastian Zenker, giáo sư du lịch tại Trường kinh doanh Copenhagen, nói vì những hành động trên của du khách nên nhiều thành phố phải chạy chương trình ngăn cản du lịch. Năm 2023, Amsterdam, Hà Lan công bố chiến dịch "Tránh xa" thể hiện sự không chào đón những du khách say xỉn, quậy phá.
Nhưng Zenker cũng chỉ ra mặt trái của hành động ngăn cản du lịch đại chúng. Nếu các thành phố tập trung vào tăng giá để thu hút khách nhà giàu, số lượng khách đến tuy giảm nhưng lại làm tăng lạm phát tại chính điểm đến đó.
Giải pháp chính là dùng tiền kiếm được từ du khách đầu tư ngược lại vào chính điểm đến đó, phát triển du lịch bền vững, nâng cao mức sống của người dân địa phương.
"Các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục cho đến khi họ tìm được sự công bằng", Zenker nói.