Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng - Những nghĩ suy và trăn trở...

17:14 30/09/2020

NAĐSO - Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng đều đặn cùng các khu vực khác được tổ chức mỗi năm một lần. Khép lại mỗi cuộc Liên hoan, bên cạnh niềm vui cũng có cả ưu tư. Nhưng những trạng thái cảm xúc này dường như đã trở thành lối mòn theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Sự lặp đi lặp lại gần như đơn điệu đã làm những người tổ chức vẫn mong chờ mãi một điều gì đó lớn lao hơn, mới mẻ hơn mà vẫn cứ phải chờ...

Cắt băng Khai mạc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng.


Năm nay, tôi may mắn được phân công là một trong năm thành viên Ban giám khảo chấm ảnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Dù là lần đầu tiên tôi được chấm ảnh khu vực này, nhưng qua vòng sơ khảo khi xem hết lượt hơn 2.000 bức ảnh dự Liên hoan vẫn thấy rất quen thuộc. Các địa danh, nhân vật, ngành nghề, lễ hội... đặc biệt là phương pháp thể hiện không có gì thay đổi, không có tác phẩm mới lạ. Đây cũng là điều trăn trở của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (Hội NSNA Việt Nam) và của những nghệ sĩ tâm huyết với nghề, của công chúng yêu ảnh. Đã đến lúc chúng ta cần khép lại nhiếp ảnh phong trào, thay đổi cách thức tổ chức Liên hoan bằng các cuộc thi khu vực sòng phẳng.

LỐI MÒN TRONG ẢNH NGHỆ THUẬT

Khu vực đồng bằng sông Hồng bao gồm 9 tỉnh thành, trong đó có 1 thành phố trực thuộc Trung ương. Có thể nói rằng đây là một địa bàn vô tận cho các nhà nhiếp ảnh thỏa sức khai thác đủ loại đề tài hay, mới lạ và sâu sắc. Bên cạnh nhiều tác giả chọn cho mình phương pháp sáng tác hiện thực có nhiều tác phẩm tốt thì vẫn còn tình trạng dàn dựng bối cảnh hay nội dung luôn hiện hữu trong nhiều bức ảnh mà đến nay vẫn đang tồn tại trở thành một thói quen của rất nhiều người. Làm mất đi bản chất cơ bản của nhiếp ảnh; Ảnh chụp theo mô-típ của những tác phấm đạt giải các cuộc thi và Liên hoan trước; Các nhân vật, địa danh, ngành nghề quen thuộc.

Trong rất nhiều tác phẩm tham dự, có thể điểm qua nhiều bức ảnh rất đẹp như ảnh về khu du lịch Tam Cốc, Tràng An, thợ mỏ, làng nghề, đóng tàu, cảng biển… nhưng cũng bị loại không vào vòng triển lãm, vòng giải bởi nhiều lý do cơ bản như: Ảnh giống hệt của những năm trước, dàn dựng không hợp lý hay xử lý photoshop lộ liễu, đề tài cũ, trùng lặp nhau nhiều trong một khu vực, phương pháp thể hiện không mới. Đây là một vấn đề mà các tác giả tham gia Liên hoan, dự thi cần rút kinh nghiệm để mùa sau có ảnh tốt hơn.

Bên cạnh đó, nhiều bức ảnh đẹp nhưng không có nội dung, những đề tài mới thì thông điệp truyền đạt chưa tới, có những ảnh có ý tưởng tốt, sáng tạo nhưng cách thể hiện lại chưa đạt… Mảng đề tài lễ hội, làng nghề chiếm khá nhiều nên cũng bị loại nhiều vì tương tự nhau về góc chụp và nội dung.


Tác phẩm: Cảng biển lên đèn
(Huy chương Vàng)
Tác giả: Nguyễn Viết Rừng (Hải Phòng)

Ngoài ra, việc đặt tên cho tác phẩm ảnh cũng là một vấn đề cần được quan tâm, nhiều bức ảnh đặt tên hết sức ngờ nghệch như: “Chiều tuổi thơ”, “Nghề dân biển”, “Trò học”, “Cánh buồm đỏ thắm”… hay những tên ảnh quá quen thuộc: “Mưu sinh”, “Làng nghề”, “Làm duyên”, “Bình minh”, “Hoàng hôn”, “Biển đợi”, “Ra khơi”, “Tuổi già”, “Hồn nhiên”… nên rất nhiều bức ảnh cùng trùng tên. Chúng ta quá dễ dãi trong đặt tên ảnh, hoặc không chịu động não, thiếu kiến thức thực tế dẫn đến làm giảm đi giá trị vốn có của tác phẩm.

Việc setup bất hợp lý, thiếu logic, không hiểu bản chất của sự việc của nhân vật, miễn sao nhìn ảnh đẹp và bắt mắt; Thiếu chiều sâu nội dung bản chất của sự việc, sự kiện trong ảnh đã làm tác phẩm mất dần tính chân thật, sáng tạo. Nói cách khác một số tay máy chụp còn hời hợt thiếu tư duy chiều sâu, còn mang tính sao chép là chủ yếu.

Bước vào phần xử lý hậu kỳ, nhiều ảnh còn vụng về, cẩu thả thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu thực tế, yếu về sử dụng công nghệ, phần mềm xử lý ảnh. Một số ảnh lúc nhìn qua thì rất đẹp nhưng khi đi sâu vào soi xét kỹ thì bắt đầu lộ liễu nhiều khiếm khuyết, phi thực tế. Bên cạnh đó, có những bức ảnh quá lạm dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh như photoshop làm sai lệch sự thật một cách khó chấp nhận. Do chưa nắm bắt sử dụng nhuần nhuyễn các công cụ xử lý ảnh, phần này hầu hết anh em phía Nam ứng dụng tốt hơn nhiều.

Những địa danh nổi tiếng lại quá nhiều ảnh, trong lúc ảnh đời thường sinh hoạt còn ít. Chúng ta đang có thói quen sáng tác theo phong trào cứ tập trung chụp những nơi thuận lợi cho nhiếp ảnh như: Các địa danh du lịch, làng nghề, thiếu nữ và hoa… Trong lúc đó mảng đề tài cuộc sống hàng ngày, sự vận hành đổi thay của đất nước của người dân ít được quan tâm, vì nó khó thể hiện đòi hỏi người cầm máy cần có tư duy sáng tạo bám sát cuộc sống, hiểu sâu về nó và kỹ thuật điêu luyện.

CẦN NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI DỰ THI

Trước hết các tác giả gửi ảnh dự thi cần phải trung thành với tác phẩm của mình, phải tôn trọng thể lệ cuộc thi, nhiều cuộc thi quy định không chắp ghép, không làm sai lệch sự thật thì chúng ta vẫn cứ chắp ghép vẫn cứ ngang nhiên gửi. Không nên rập khuôn ý tưởng, đề tài của người đi trước, những tác phẩm đã đạt giải hoặc được treo triển lãm. Một số tác giả vẫn gửi ảnh cũ của những năm trước hoặc na ná những ảnh từng được treo hay đạt giải. Thậm chí có tác phẩm từng bị loại năm trước nay lại chỉnh sửa lắp ghép thêm thắt vài chi tiết để gửi lại dẫn đến làm khó cho Ban giám khảo. Bởi vậy, nếu Ban giám khảo không tinh ý, không theo dõi hết ảnh đã đạt giải và triển lãm của các năm trước thì dễ để ảnh lọt vào treo hoặc đạt giải cùng mô-típ, cùng vị trí cùng đề tài của năm trước gây xì xào dư luận, và điều đó đã từng xẩy ra ở nhiều cuộc thi. Tuy nhiên trách nhiệm thuộc về Ban giám khảo nhưng trước hết là các tác giả dự thi phải trung thực với tác phẩm của mình, phải tôn trọng thể lệ dự thi, phải tự trọng nghề nghiệp, dù có may mắn qua mặt được Ban giám khảo nhưng không qua mặt được dư luận và những người yêu ảnh.


NSNA Nguyễn Viết Rừng - Tác giả đoạt giải Huy chương Vàng nhận bằng chứng nhận.

Tuy vậy, giới nhiếp ảnh Việt Nam gần đây đã có thêm nhiều tay máy trẻ xuất hiện. Họ đã góp thêm nét chấm phá tươi mới vào bức tranh nghệ thuật đa sắc. Lớp trẻ thường có cách nhìn mới hơn, nhiều tác giả đạt giải hơn, phương pháp thể hiện hay hơn, nắm bắt công nghệ tốt hơn. Đó là con đường phát triển tất yếu của nhiếp ảnh nên chúng ta cần phải quan tâm, cổ vũ và chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng đào tạo để có một thế hệ nhiếp ảnh phát triển trong tương lai chuyên nghiệp và chất lượng.

Khép lại một Liên hoan khu vực sau một năm chờ đợi, người được giải vui mừng, thăng hoa, hạnh phúc, người không được giải thì chia vui với bạn, với đồng nghiệp và tìm nguyên nhân hạn chế của mình để năm sau phấn đấu tiếp. Tuy nhiên, cũng có người lại nghĩ tác phẩm của mình cũng tốt sao không vào giải rồi so đo, hồ nghi, chủ quan vì quá yêu đứa con tinh thần của mình, quá tự tin sau bao ngày mang nặng đẻ đau nhưng lại không được thừa nhận... thế là thất vọng và tệ hơn là có thể phát sinh thêm nhiều chuyện không hay sau đó.

NHỮNG TRĂN TRỞ TỪ PHÍA BAN GIÁM KHẢO

Có thể nói Ban giám khảo của các cuộc thi, Liên hoan ảnh cũng hết sức quan trọng. Người dự thi mong đợi có những thành viên giám khảo thực sự có trình độ, công tâm khi đánh giá tác phẩm ảnh của họ. Sự lạc quan của các tác giả tham dự Liên hoan là rất lớn. Họ hăng say sáng tác, mong đợi tới các cuộc thi, kỳ Liên hoan để tham gia. Sự đánh giá của Ban giám khảo chính là định hướng tiếp theo trên con đường sáng tác của các Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Nên Hội NSNA Việt Nam đang hết sức quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giám khảo, tuyển cử những người có tâm, có tài, vô tư vì sự phát triển của nền Nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Đặc biệt quan tâm đội ngũ nhiếp ảnh trẻ có năng lực bổ sung vào các Ban giám khảo. Tôi tin rằng chỉ có như vậy các cuộc thi ảnh nói chung, các kỳ Liên hoan ảnh nghệ thuật nói riêng mới thành công tốt đẹp, nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam mới phát triển bền vững.

Việc chấm ảnh online thì rất ưu việt, tiết kiệm chi phí cho cả tác giả và Ban tổ chức. Ban giám khảo sẽ có thời gian để soi xét thẩm định, cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi chỉ cần ngồi ở nhà hay bất cứ đâu đều có thể chấm được qua màn hình laptop, máy tính. Tuy nhiên hình thức chấm này cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định. Thí dụ như độ chính xác không cao, bởi có những bức ảnh khi nhìn trong máy tính thì rất đẹp nhưng khi in ra thì lại kém hấp dẫn hoặc thể hiện những khiếm khuyết về màu sắc, sắc độ, độ sâu của ảnh... Đồng thời cũng không thẩm định được khâu hậu kỳ cuối cùng của tác giả. Khi Ban giám khảo chấm ảnh ở nhà cũng nhiều lúc sẽ bị chi phối bởi những công việc khác xen vào làm gián đoạn sự tập trung cảm xúc trí tuệ đánh giá các tác phẩm. Các giám khảo lại không đựơc thảo luận trực tiếp ngay từ vòng loại. Vì vậy chúng tôi cũng đề nghị Hội NSNA Việt Nam trong các mùa giải tới cần bố trí thời gian chấm vòng giải trực tiếp qua ảnh in, dù có tốn kém hơn nhưng nên làm để cho tác phẩm vào giải chính xác hơn.


Tác phẩm: Công việc trên cao
(Huy chương Bạc)
Tác giả: Vũ Hoàng Hiệp (Hải Dương)

Trước đây, sau mỗi Liên hoan ảnh, Hội NSNA Việt Nam thường tổ chức các cuộc tọa đàm sau khi khai mạc triển lãm nhằm thảo luận để cho các tác giả hiểu hơn về những tác phẩm đạt giải, những tác phẩm được chọn triển lãm. Với nhiều ý kiến đánh giá, phản biện tích cực góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật cho các tác phẩm hoặc là những hạn chế của tác phẩm để các tác giả có cơ hội học hỏi, trao đổi rút kinh nghiệm và trưởng thành hơn sau một kỳ Liên hoan. Vì đây cũng là một trường học thực tế và tiếp cận nhanh nhất đối với các tay máy mới vào nghề.

Nhớ lại cách đây 33 năm, Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long (năm 1986) do sáng kiến của cố NSNA Lâm Tấn Tài (khi đó là Phó Tổng Thư ký Hội NSNA  Việt Nam khoá III) đã đem lại nhiều cảm xúc, nhiều hy vọng , giúp những người đam mê nhiếp ảnh có thêm “chất men” trong sáng tác. Từ đó, Liên hoan ảnh nghệ thuật các khu vực lan rộng ra trên toàn quốc và đã phát triển thành 8 khu vực. Phong trào chụp ảnh nở rộ, lôi cuốn, thúc đẩy những tay máy nghiệp dư, chuyên nghiệp đam mê ảnh sáng tác hăng say. Theo đó số lượng hội viên Hội NSNA Việt Nam cũng tăng nhanh, ngày càng có nhiều tay máy mới, trẻ, tâm huyết và tài năng. Nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao về nội dung, tư tưởng ra đời gây ấn tượng mạnh và sớm khẳng định tên tuổi của nhiều tác giả.


Tác phẩm: Công nghệ mới
(Huy chương Bạc)
Tác giả: Nguyễn Thiện Tín (Hải Dương)

Thế nhưng đến nay nhìn lại qua 21 kỳ Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng và các khu vực khác nói chung có gì mới không?

Đến nay đã có 4 khu vực ở phía Nam tổ chức thi nên chất lượng nổi trội hơn rõ rệt, còn 4 khu vực miền Trung và phía Bắc vẫn đang giữ hình thức Liên hoan. Theo ý kiến mới đây của Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam - Vũ Quốc Khánh, bắt đầu từ năm 2020 tất cả các khu vực còn lại sẽ tổ chức thi không còn Liên hoan như trước nữa, nhằm nâng cao chất lượng, đồng thời dần đi vào chiều sâu của nhiếp ảnh nghệ thuật. Ảnh nghệ thuật không chỉ là hình thức chơi ánh sáng, bố cục, mà chính nội dung tư tưởng ảnh mới làm cho tác phẩm sống mãi với thời gian.


Tác phẩm: Bức tranh quê
(Huy chương Đồng)
Tác giả: Nguyễn Phục Anh (Hưng Yên)

Đại hội Hội NSNA Việt Nam đang đến gần. Thiết nghĩ BCH Hội NSNA Việt Nam cần có những đánh giá, tổng kết nhìn nhận lại nhằm phát huy điều hay, khắc phục những tồn tại của các kỳ Liên hoan các khu vực. Từ đó tìm hướng đi mới, nhằm tạo sự bứt phá, nâng cao Nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam, đem lại thành công cho những kỳ Liên hoan tới. Đó cũng là điều mong chờ của nhiều tác giả trong khu vực cũng như sự trăn trở của BCH Hội NSNA Việt Nam.

Bài: Sỹ Minh
Ảnh: Thuỷ Đặng


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng - Những nghĩ suy và trăn trở...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO