Kết thúc Trại sáng tác ảnh nghệ thuật Khu vực Hà Nội tại Mù Cang Chải, Yên Bái.

Tin, ảnh: Sỹ Minh|18:23 10/06/2018

Sau một tuần thực tế sáng tác tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, ngày 10/6, tại thị trấn Mù Cang Chải, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã tổ chức tổng kết Trại sáng tác ảnh nghệ thuật dành cho khu vực Hà Nội.



NSNA Bùi Hỏa Tiễn - Trưởng ban Sáng tác-Triển lãm Hội NSNAVN, Phó Ban Tổ chức trại phổ biến nội dung buổi tổng kết

Tham dự có NSNA Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Họa sĩ Nguyễn Đình Thi - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái cùng 40 NSNA khu vực Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức riêng cho các NSNA khu vực Hà Nội một trại sáng tác tại miền núi phía Bắc - vùng di tích, danh thắng quốc gia Mù Cang Chải với hệ thống ruộng bậc thang đẹp nổi tiếng, nhằm có thêm nhiều tác phẩm ảnh đẹp góp phần quảng bá giới thiệu địa danh du lịch vùng cao đầy tiềm năng và hết sức hấp dẫn.

Trong thời gian một tuần (từ mùng 6 - 11/6), 40 NSNA là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khu vực Hà Nội được trải nghiệm tại hai huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái là Mù Cang Chải và Văn Chấn. Tuy thời tiết không được thuận lợi, nắng mưa bất thường, địa hình hiểm trở, núi cao, suối sâu, đường hẹp, phương tiện đi lại là bộ hành hoặc xe ôm, nhưng các nghệ sĩ đã không quản ngại đường xa hay núi đèo mà cần có đề tài để chụp là các nghệ sĩ lăn xả. Từ đỉnh núi cao gần 2000m như bản Hàu Đề, hay bản người Sán Dìu với duy nhất một con đường độc đạo ven núi, rộng khoảng 1m, dốc cao dựng đứng, chỉ riêng thuê xe ôm từ chân núi lên điểm chụp cũng đã mất 120 ngàn đồng; rồi nhiều điểm chụp cách nơi ở 50 - 70 km, các nghệ sĩ đã chủ động thuê xe máy, xe ôm, mỗi ngày 500 ngàn đồng mà chưa hẳn đã có tác phẩm. Có lúc đến điểm chụp lại gặp trời mưa, vậy là coi như hết ngày không có cơ hội mở máy, chỉ còn biết chờ trời ngớt mưa để về lại thị trấn…

Các nghệ sĩ sáng tác tại Mù Cang Chải trong một ngày nắng đẹp

Ngoài sáng tác tập trung một số đề tài, các nghệ sĩ cũng chủ động tác nghiệp đơn lẻ nhằm tìm kiếm những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân

Qua 5 ngày trèo đèo lội suối, thâm nhập tận các bản làng, các thửa ruộng bậc thang, đến cuộc sống của các dân tộc Mông, Thái… mỗi nghệ sĩ đã gửi về Ban Tổ chức 5 tác phẩm báo cáo kết quả; đồng thời Ban Tổ chức cũng dành thời gian một ngày để các trại viên phân tích bình luận ảnh, góp ý, mổ xẻ, trao đổi kinh nghiệm cho từng tác phẩm, nhằm bổ sung, nâng cao kiến thức, để các nghệ sĩ nhận ra những khiếm khuyết của mình, góp phần làm cho các tác phẩm ngày càng hoàn thiện hơn, có chất lượng cao hơn.

NSNA Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức trại tham gia trao đổi, đọc ảnh cùng các nghệ sĩ

NSNA Vũ Quốc Khánh dự buổi tổng kết trại đã ghi nhận và đánh giá cao tinh thần nhiệt tình, say mê tìm tòi sáng tác của các nghệ sĩ, qua các tác phẩm thu hoạch đã thể hiện trách nhiệm và niềm đam mê của các nghệ sĩ không quản nắng mưa, ngày đêm, trèo đèo, lội suối, đi bộ leo núi hàng chục km, tận dụng tối đa thời gian để có được tác phẩm như mong muốn. Tuy vậy, còn nhiều tác phẩm mang tính ghi chép, chất lượng nghệ thuật chưa cao, tính sáng tạo và phát hiện còn ít…

NSNA Nguyễn Dần - Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội NSNAVN trao đổi ảnh cùng các nghệ sĩ dự trại
Nhà LLPB Nguyễn Thành tại buổi trao đổi, nhận xét ảnh cùng các nghệ sĩ
NSNA Cao Phong tại buổi lễ tổng kết
NSNA Vũ Huyến góp ý, trao đổi về tác phẩm của các đồng nghiệp
NSNA Phạm Tiến Dũng trao đổi về khoảnh khắc tác nghiệp với các nghệ sĩ dự trại 
NSNA Nguyễn Việt Hưng trình bày ý tưởng tác phẩm của mình
NSNA Cấn Văn Dũng trao đổi với các đồng nghiệp tại buổi tổng kết trại

Với niềm đam mê, trách nhiệm và yêu nghề, nhiều nghệ sĩ lão thành  trên 70 tuổi như Vũ Huyến, Hoàng Như Thính, hay Nghệ sĩ - Thương binh Đăng Thanh… vẫn hăng say đến các vùng sâu, vùng cao để tác nghiệp. Trong buổi tổng kết, trao đổi kinh nghiệm, bình luận phân tích ảnh, các nghệ sĩ vẫn hăng say, nhiệt tình góp ý, tạo nên một không khí học tập và trao đổi nghề nghiệp một cách thẳng thắn, cởi mở, chân thành, ấm cúng, giúp các trại viên nhận ra những điểm yếu và hạn chế của mình… Các nữ nghệ sĩ cũng không kém cạnh các nam nhi, các chị em cũng lấm lem bùn đất, leo núi, lội suối mang vác đầy đủ đồ nghề để “săn” cho được tác phẩm tốt nhất.

Rút kinh nghiệm từ các trại sáng tác trước đây, để hoạt động sáng tác có hiệu quả cao nhất, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã tích cực đổi mới công tác tổ chức: không tổ chức đi sáng tác, ăn uống tập trung, giảm tối đa các hoạt động tại hội trường để dành thời gian cho các nghệ sĩ chủ động tận dụng hết thời gian dành cho sáng tác. Theo đó, Ban Tổ chức đã phát đủ chế độ ngay sau ngày đầu tập trung để các cá nhân chủ động kế hoạch sáng tác riêng của mình, hoặc tổ chức đi theo nhóm nhỏ. Kết quả là từ cách làm này đã tạo nên một bộ ảnh báo cáo trại khá phong phú, đa dạng, với nhiều địa danh, vị trí, đề tài, thể loại khác nhau. Đây là cách tổ chức hay, có hiệu quả cao và từng bước đổi mới cách tổ chức trại sáng tác phù hợp, hiệu quả hơn.

Để 40 tác giả có được 200 tác phẩm báo cáo kết quả sáng tác tại buổi tổng kết là không hề đơn giản đối với các nghệ sĩ có trách nhiệm, với lòng tự trọng cao vì tác phẩm là đứa con tinh thần gắn với tên tuổi và đẳng cấp của mình. Qua đó thể hiện sức sáng tạo hăng say của các nghệ sĩ. Bước chân của các nghệ sĩ có mặt khắp các bản làng, ruộng nương huyện Mù Cang Chải. Bộ ảnh thu hoạch được đã đem đến cho người xem cái nhìn tổng thể, giúp du khách hiểu biết sâu sắc hơn về mảnh đất đệ nhất ruông bậc thang, nơi có hơn 70% đồng bào Mông sinh sống, góp phần giới thiệu, quảng bá du lịch và hình ảnh đặc sắc của huyện vùng cao Mù Cang Chải đến với du khách trong nước và quốc tế./.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Kết thúc Trại sáng tác ảnh nghệ thuật Khu vực Hà Nội tại Mù Cang Chải, Yên Bái.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO