Quang cảnh cuộc Hội thảo do Bộ VHTTDL tổ chức, chủ trì. Ảnh: Trần Huấn |
Báo cáo của Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VHTTDL) sau đợt triển khai Nghị định số 90/2014/NĐ-CP về việc xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật năm 2016 (gọi tắt là Nghị định 90/NĐ-CP) đã chỉ ra những vấn đề còn bất cập, cần phải xem xét, điều chỉnh. Trong đó, hai vấn đề nóng nhất được đưa ra tại Hội thảo lần này chính là Quy định về tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng và Quy định về tỉ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng các cấp.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải trao đổi một số nội dung của Hội thảo. Ảnh: Trần Huấn |
Theo Nghị định số 90/NĐ-CP, Quy định về giải thưởng để được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước phải đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Đã được Giải Vàng, Giải A hoặc Giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT cấp quốc gia do Bộ VHTTDL tổ chức. Hoặc đã được Giải thưởng cao nhất (hoặc giải cao - đối với Giải thưởng Nhà nước) của Hội VHNT chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành, hoặc được tặng giải cao nhất (hoặc giải thưởng chính - đối với Giải thưởng Nhà nước) tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT quốc tế.
Quy định về tỉ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng các cấp phải đạt 90% mới được trình lên cấp cao hơn. Theo đó, tại Hội đồng cấp Cơ sở chỉ cần 2/11-13 thành viên không đồng ý là các hồ sơ xét tặng giải thưởng đã không đủ điều kiện trình Hội đồng Chuyên ngành cấp Nhà nước. Cũng như vậy, Hội đồng Chuyên ngành cấp Nhà nước, các hồ sơ cũng sẽ phải “dừng bước” khi chỉ 2/15-17 thành viên không đồng ý dù tỷ lệ phiếu lúc này có thể đạt cao nhất đến 86,7%. Với Hội đồng cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với số lượng thành viên quy định lên đến 25-29 người thì việc chỉ 3/25-29 thành viên không đồng ý (dù tỷ lệ đạt cao nhất có thể lên tới 89,3%) thì hồ sơ đó sẽ vẫn thiếu 0,07% số phiếu theo yêu cầu và sẽ không đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước xét tặng Giải thưởng.
.
NSNA Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam phát biểu ý kiến tại Hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2014/NĐ-CP. Ảnh: Trần Huấn |
Bên cạnh những ý kiến của lãnh đạo các Hội chuyên ngành Mỹ thuật, Điện ảnh, Kiến trúc, Văn học, Âm nhạc… ở lĩnh vực Nhiếp ảnh, NSNA Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng đã phát biểu và đóng góp cụ thể cho hai nội dung còn nhiều bất cập trên.
Theo đó, ông nêu ý kiến:
- Đề nghị xem xét Tiêu chí giải thưởng: Cần xem xét lại tiêu chí này vì đối với những tác phẩm Nhiếp ảnh được sáng tác trong thời kỳ chiến tranh không đáp ứng được các tiêu chí về giải thưởng theo tinh thần Nghị định 90/NĐ-CP là do các cấp Bộ cũng như cấp Hội chuyên ngành không tổ chức thi/xét tặng/triển lãm… nên các tác giả không thể tham dự; Mặt khác, hầu hết các tác giả gửi hồ sơ xét tặng đều là những nghệ sĩ, nhà báo hoạt động trong thời kỳ chiến tranh, đang tác nghiệp ngoài mặt trận nên không thể có điều kiện tự gửi ảnh tham dự bất kỳ cuộc thi nào.
- Đề nghị xem xét quy định về thành phần các cấp Hội đồng: Hiện nay, đối với tất cả các chuyên ngành, Hội đồng cấp Cơ sở, Hội đồng Chuyên ngành cấp Nhà nước được thành lập bao gồm các nhà quản lý đúng chuyên môn, các nghệ sĩ, chuyên gia của chuyên ngành, lĩnh vực nên việc thẩm định, đánh giá khá chính xác. Tuy nhiên, ở Hội đồng cấp Nhà nước là tập hợp văn nghệ sĩ từ nhiều chuyên ngành, các nhà quản lý của nhiều bộ ngành khác nhau, nên khó có thể hiểu cặn kẽ về một chuyên ngành cụ thể. Với Nhiếp ảnh cũng tương tự, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh giá, thẩm định và bỏ phiếu cho các tác phẩm sao cho chính xác, xứng đáng.
- Đề nghị xem xét tỷ lệ phiếu bầu: Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đề nghị quy định về tỷ lệ % thành viên hội đồng đồng ý bỏ phiếu đối với Giải thưởng Hồ Chí Minh phải cao hơn Giải thưởng Nhà nước, vì Giải thưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi giá trị phải đặc biệt xuất sắc hơn Giải thưởng Nhà nước. Bên cạnh đó, yêu cầu tỷ lệ % phiếu bầu phải đạt đến 90% như hiện nay là quá cao, dễ dẫn đến tình trạng có những trường hợp tỷ lệ phiếu đã đạt tới 89,3% mà vẫn bị loại một cách đáng tiếc. Vì vậy, tỷ lệ phiếu bầu hợp lý chỉ nên ở mức: 80% đối với Giải thưởng Hồ Chí Minh và 75% đối với Giải thưởng Nhà nước.
Cùng tham dự Hội thảo lần này, NSNA Chu Chí Thành - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng chung quan điểm rằng Nghị định 90/NĐ-CP cần nghiên cứu điều chỉnh vì: “Thực tế của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, nếu trong đợt xét giải thưởng vừa qua, áp dụng tiêu chí huy chương vàng, giải thưởng… thì Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh đã không có ai được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Nhờ có điều chỉnh của Thủ tướng nên về Nhiếp ảnh có 5 tác giả được giải thưởng. Vì vậy, tiêu chí về giải thưởng, huy chương cần được nghiên cứu điều chỉnh”.
Các ý kiến góp ý tại Hội thảo sẽ được Bộ VHTTDL tổng hợp, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi. Dự kiến, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật sẽ được áp dụng vào năm 2020.
Tại phiênhọp thường kỳ của Chính phủ ngày 1/3/2017 vừa qua, sau khi ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp giao Bộ VHTTDL nghiên cứu sửa đổi Nghị định về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT; trong đó bổ sung quy trình để Hội đồng xét tặng có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét các trường hợp đặc biệt trước khi trình Chủ tịch nước quyết định. Ðó là các tác giả, tác phẩm không có giải thưởng trong các cuộc thi hay liên hoan chuyên nghiệp do điều kiện chiến tranh; hoặc tác giả đã mất nhưng có những tác phẩm nổi tiếng được xã hội tôn vinh. Thủ tướng nhấn mạnh: Không được phép để các quy trình máy móc cản trở việc tôn vinh các tác giả có các tác phẩm VHNT nổi tiếng và có những đóng góp to lớn cho dân tộc. (dẫn nguồn:nhandan.com.vn) |