Nhiếp ảnh Việt Nam ra đời gắn với vận mệnh lịch sử của dân tộc. Khi đưa quân sang xâm lược Đông Dương (từ 1858), người Pháp cũng mang theo kỹ thuật chụp ảnh để làm công cụ cho việc nghiên cứu và chinh phục thuộc địa. Tiêu biểu là bộ ảnh trong tập hồi ký “Xứ Bắc Kỳ cổ xưa” của Đại úy hải quân Duboa. Tập hồi ký đã lưu giữ khá nhiều hình ảnh cuộc sống con người Việt Nam trong giai đoạn đó.
Tiếp đó là Jules Itier (1805 - 1877), thanh tra ngành thương chính, một trong những khách phương Tây chụp ảnh theo phương pháp Daguerre đã chụp bức ảnh đầu tiên về Việt Nam tại cảng Đà Nẵng.
Nhiếp ảnh gia Charles Edouard Hocquard, một sĩ quan quân y của quân đội Pháp, là người say mê chụp ảnh nên được giao nhiệm vụ chụp ảnh địa hình. Mặc dù làm việc ở Hà Nội, nhưng Hocquard đã đi theo quân đội Pháp trong các cuộc hành quân đến các tỉnh thành như Hà Nội, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Sơn Tây, Huế, Đà Nẵng... Nhờ vậy, bộ sưu tập ảnh của Hocquard chụp về Việt Nam khá phong phú. Cuốn sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” do ông viết, xuất bản năm 1892 gồm 229 ảnh minh họa đã góp phần phản ánh cảnh quan đô thị Hà Nội và sinh hoạt của người dân Hà Thành thời đó.
Năm 1885, nhà nhiếp ảnh Dieulefils - một quân nhân Pháp được điều sang xứ Bắc Kỳ. Trong vòng 23 năm (1902 - 1925), ông đã cho ấn hành trên 6.000 chiếc bưu ảnh. Nhờ những tấm bưu ảnh này, chúng ta có thể thấy rõ cảnh quan đất nước và sinh hoạt của con người Việt Nam lúc bấy giờ.
Đặc biệt, bộ sưu tập “Hồ sơ hành tinh” của nhà nhiếp ảnh nổi danh Albert Kahn (1806 - 1940) đã dùng phim kính Autochrome để phản ánh cuộc sống của người dân Việt Nam, trong đó ông chủ trương ghi lại hình ảnh của bề mặt trái đất cũng như mọi sinh hoạt, phong tục tập quán, lễ hội... của dân chúng.
Cùng với Kahn, nhà nhiếp ảnh Leon Busy là trung úy hậu cần trong quân đội thuộc địa đóng quân ở Hà Nội đã chụp được khoảng 1.700 bức ảnh về miền Bắc Việt Nam và đoạt được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh của Pháp, quốc tế.
Năm 1865, sau khi thực dân Pháp chiếm xong các tỉnh Nam Kỳ, nhiều nhà nhiếp ảnh Pháp như Nadal Fedor Jagor, Agel Alonso, Charles Parent... đã chụp ảnh chân dung, chụp phong cảnh Việt Nam.
Cùng với các nhà nhiếp ảnh người Pháp, Đặng Huy Trứ là người Việt Nam đầu tiên đã học tập, tìm hiểu về nhiếp ảnh và truyền bá tại Việt Nam, chủ yếu là chụp chân dung. Tiếp đó là những nhà nhiếp ảnh tên tuổi như Võ An Ninh, Đỗ Huân, Lê Đình Chữ, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Bá Khoản... đã gửi gắm tâm tư nguyện vọng của mình vào việc ca ngợi vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam.
Với hàng ngàn bức ảnh, cuốn sách như một pho lịch sử bằng hình ảnh đầy tính hiện thực, sinh động về vẻ đẹp thiên nhiên, các di tích lịch sử, công trình kiến trúc, đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Hình ảnh trong cuốn sách không chỉ cho chúng ta thấy những sự vật, sự kiện đã tồn tại trước đó, những sự vật, sự kiện mới hình thành mà còn cho chúng ta biết được những thứ đã mất đi do chiến tranh và những thay hình đổi dạng do quá trình thực dân hóa.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Một số hình ảnh trong cuốn sách: