Giải mã hiện tượng Đào Tiến Đạt

Nguyễn Thành|16:59 11/08/2021

Ít ai đạt được con số hơn 80 giải thưởng mỗi năm cả trong và ngoài nước bình quân suốt trong sự nghiệp 23 năm cầm máy của mình. Đào Tiến Đạt đã trở thành một hiện tượng trong làng ảnh Việt Nam.

Đào Tiến Đạt sinh 1956 và lớn lên tại miền quê thuộc thôn Hiệp An, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Đào Tiến Đạt đến với nhiếp ảnh như một duyên phận tình cờ. Tháng 7 năm 1998 anh mới bắt đầu cầm máy. Để có chỗ đứng trong giới nhiếp ảnh thế giới nói chung và trong làng ảnh Việt Nam nói riêng anh đã phải nỗ lực không ngừng. Trên chặng đường mưu sinh, anh đã gặp những cảnh đời, để lại dư âm không phai mờ. Đó là lí do vì sao khi chiêm ngưỡng tác phẩm của Đào Tiến Đạt người ta bị ám ảnh đến day dứt về số phận những con người. Như bức ảnh “Lo lắng 1”, trong ảnh là người mẹ trẻ với đôi mắt khắc khoải như lo lắng cho tương lai, còn đứa bé lại ngoái đầu nhìn về phía sau như tiếc nuối khung trời cũ ở bản làng. Đào Tiến Đạt đã lấy điểm chung là sự lo lắng để kết nối hai hướng nhìn khác nhau trước cuộc sống đầy biến động.

Tác phẩm: Lo lắng 1 - Tác giả: Đào Tiến Đạt
Những mô thức như thế đã làm nên phong cách Đào Tiến Đạt. Nó mặc định và đọng lại trong lòng công chúng như một thương hiệu. Đó là những suy nghiệm về nhân sinh mà con người luôn là điểm trung tâm để ống kính của anh tìm đến. Như bức ảnh “Người thành thị”, đây là một bức ảnh thuộc dòng Ý tưởng (Idea Photos). Dòng ảnh này phản ánh cái nhìn mang tính phản biện. Ứng dụng chính của nó là đưa ra một lời cảnh báo giúp cá nhân hay tập thể tìm ra các phương án, các lời giải từ một phần đến toàn bộ cho các vấn đề xã hội. Ánh mắt người đàn ông trong bức ảnh “Người thành thị” có vẻ như cảnh giác, như đề phòng trên nền gỉ sét của cái khoá và cái chốt cửa, con mắt còn lại chìm lấp loang lổ gợi cho người ta nhiều điều phải suy ngẫm.

Tác phẩm: Người thành phố  - Tác giả: Đào Tiến Đạt
Đào Tiến Đạt luôn tìm cách khám phá để diễn tả, để thể hiện cái tôi của mình. Cái tôi là phần cốt lõi của tính cách liên quan tới thực tại và chịu ảnh hưởng của tác động xã hội. Vì thế mà cái nhìn của anh luôn gắn với những điều mà nhân loại đang quan tâm như nạn cháy rừng mà “Lo lắng 3” đã diễn tả. Anh chia sẻ: Lo lắng là đề tài tôi quan tâm từ lâu trong tư duy nghệ thuật. Lo lắng là sự suy nghiệm, trăn trở về cuộc sống đương đại mà tôi hằng quan tâm. Và bằng thủ pháp sáng tạo, qua tác phẩm anh muốn gửi đến mọi người nỗi lo về môi trường sống bị huỷ hoại bởi việc thiếu ý thức bảo vệ thiên nhiên của con người. Còn “Cô liêu” để lại cho ta những suy tư về triết lí nhân sinh. 

Tác phẩm: Lo lắng 3 - Tác giả: Đào Tiến Đạt
Tác phẩm: Cô liêu - Tác giả: Đào Tiến Đạt

Xem ảnh của Đào Tiến Đạt ta thấy việc thể hiện chính xác các chi tiết bây giờ không phải là những tiêu chí duy nhất đúng, mà nó phụ thuộc vào óc tưởng tượng của anh, vấn đề mà anh cần thể hiện. Vì thế mà các chủ đề được thể hiện trong ảnh của anh phong phú hơn, giầu chất trí tuệ hơn. Nghệ thuật nhiếp ảnh cũng như những môn nghệ thuật khác phải tự giải thoát mình khỏi các quy ước, các luật lệ, những quy ước đã bắt đầu bó buộc và giới hạn nhiếp ảnh, và sử dụng cho mình sự tự do thể hiện mà bất cứ bộ môn nghệ thuật nào cũng phải có để tồn tại!
Trong giới nhiếp ảnh người ta quan tâm nhiều tới bố cục, đến những đường nét chủ đạo, tam giác vàng, điểm nhấn, sức căng…. Nhưng với bố cục, chúng ta chỉ nhìn thấy được hình thức của nghệ thuật. Mà điều quan trọng của nghệ thuật lại là tầng nội dung bên trong của hình thức. Ví dụ như bức ảnh “Trong nắng sớm” của anh, chỉ có những tia nắng nhảy múa, còn người phụ nữ hai tay cắp hai rổ cá như bơi trong những tia nắng lại nói lên được nhiều điều về cuộc sống mưu sinh: Vẻ đẹp cũng có, nỗi vất vả cũng có, tuỳ theo cảm xúc của người xem.

Tác phẩm: Trong nắng sớm - Tác giả: Đào Tiến Đạt
Người làm ảnh nghệ thuật thường khai thác trường phái “hiện thực quy ước”. Điều này làm cho quan niệm về hiện thực trong nhiếp ảnh cũng có thay đổi. Đào Tiến Đạt men theo lối đi này. Thế giới hình ảnh của anh không còn chỉ là những hình ảnh ghi chép được mà còn có thể biến đổi được. Nó không làm thay đổi bản chất nghệ thuật nhiếp ảnh mà chỉ mở rộng thêm biên độ của sự sáng tạo, mà “Miền cổ tích” là một ví dụ điển hình. 

Tác phẩm: Miền cổ tích - Tác giả: Đào Tiến Đạt
Biến đổi, nghĩa là tạo nên cái gì đó vĩ đại hơn, lạ lùng hơn và đẹp đẽ hơn. Óc tưởng tượng phụ thuộc vào cảm xúc và là tiền đề cho những suy tưởng lý trí, nó không bị ràng buộc bởi những tiêu chuẩn đúng sai. Bởi thế, tưởng tượng nghệ thuật không đơn thuần chỉ là sự mô phỏng. Điều quan trọng là những hình tượng ấy phải trở thành một phần của đời sống. Tưởng tượng nghệ thuật là hướng đến cái mới lạ, là sự lọc lựa những hình tượng gắn chặt với những giá trị thẩm mỹ. Khi cảm thụ tác phẩm nhiếp ảnh của Đào Tiến Đạt, người ta vẫn có cảm giác được chiều sâu, thời gian và không gian, thậm chí cảm giác được cả sự chuyển động của thời gian trong từng khoảnh khắc của ảnh, mà “Bắt bò tót” của anh là một ví dụ.
Tác phẩm: Bắt bò tót - Tác giả: Đào Tiến Đạt
Nhiếp ảnh gia Đào Tiến Đạt dựa trên những chi tiết của hiện thực để diễn tả một điều gì đó không hiện hữu có tính vật chất, nhưng nó có khả năng gợi mở ra những khoảng không gian ngoài bức ảnh, mà ở đó có thể trú ngụ những thứ nằm ngoài phạm vi vật chất nhìn thấy được như tư duy, cảm xúc, âm thanh và vô vàn những điều khác nữa. Điều này có trong bức ảnh “Mơ xuân” hay “Đời sông nước số 2”.

Tác phẩm: Mơ Xuân - Tác giả: Đào Tiến Đạt

Tác phẩm: Đời sông nước số 2 - Tác giả: Đào Tiến Đạt
Ảnh của Đào Tiến Đạt là tiếng thì thầm lặng lẽ, những tiếng thì thầm ấy cứ vang vọng mãi trong tâm khảm con người! Ý nghĩa lớn nhất của nghệ thuật là nói được những gì thuộc về con người, cơ sở của một bức ảnh tốt phải là một ý tưởng có giá trị. Đào Tiến Đạt muốn diễn tả một cái nhìn khái quát mang tầm thời đại, một góc của gương mặt xã hội. Nó thường giải mã những góc khuất của những vấn đề mang tính bao quát. Ảnh của anh không chỉ được tái hiện trên bề mặt các hiện tượng mà còn được soi rọi ở nhiều góc nhìn, ở bề sâu, ở bề xa, những vùng mà sự thật bị che khuất một cách hữu ý hay vô tình để rồi ngưng tụ ở phận người.
Đào Tiến Đạt thành thạo ngôn ngữ hình ảnh hiện đại. Kiến thức giúp anh chọn lựa trong những điều kiện đang diễn ra, cái gì là quan trọng nhất, và cái gì mình cần thu hút sự chú ý của độc giả. Những thứ thuộc về quá khứ đều là ảo ảnh, nhưng ảo ảnh chỉ cho ta hồi tưởng mà không thể sờ đến được. Những thứ mà tâm trí của chúng ta cho phép đôi mắt ta nói với chính ta, nó được nuôi dưỡng bởi ký ức con người. Anh tâm sự: Khi ngang qua bản làng tại một huyện ở Yên Bái, tôi bị níu chân lại bởi sắc thu vương vấn trên từng ngôi nhà, ngọn cây bất chợt hiện trước mắt một không gian lạ lẫm, xa xa sau làng núi non trùng điệp bàng bạc như bức tranh quê! Vào làng tình cờ tôi gặp cụ bà Nguyễn Thị Mười. Nếp thời gian hằn lên mặt, nụ cười móm mém những lộ nét hạnh phúc, bức ảnh “Dáng xưa” ra đời trong hoàn cảnh này. Rồi đến bức ảnh “Nụ cười Tây Bắc số 3” chụp ở huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, anh kể: Tôi như bị hớp hồn khi lần đầu đối diện với ba người phụ nữ này, tôi bấm máy và chụp như thể những người phụ nữ này sẽ biến mất. Trang phục, mái tóc và nụ cười sơn cước tạo nhiều cảm xúc thẩm mỹ đọng lại trong từng khoảnh khắc khung hình.

Tác phẩm: Dáng xưa - Tác giả: Đào Tiến Đạt

Tác phẩm: Nụ cười Tây Bắc số 3 - Tác giả: Đào Tiến Đạt
Vâng: ảnh vốn là hiện thực, cũng có một phần là tưởng tượng từ ở những cái không nhìn thấy được, nhưng đó là sự hình dung trên cơ sở hiện thực. Nói đến ảnh là nói đến thế giới không huyễn tưởng, nhưng cần sự thăng hoa, mà cũng khó chấp nhận sự trần trụi, đồng thời cũng không chối bỏ thực tế. Nhiếp ảnh gia Đào Tiên Đạt thoát khỏi hiện thực trần trụi, cải tạo cái hiện thực mà mình nhìn thấy bằng cách trộn lẫn cảm xúc, kiến thức và tình yêu của mình vào. Để cái hiện thực đó không trở thành một hiện thực có tính đơn lẻ, của một thời gian nhất định, của một địa điểm nhất định. Để nó trở thành một thứ hiện thực phổ quát không giới hạn không gian và thời gian gắn với chân lí của cuộc sống!

Với những lý lẽ trên và với hơn 1900 giải thưởng cho đến nay đã có thể giải mã “hiện tượng” Đào Tiến Đạt, nếu ai đó còn không hài lòng thì chí ít cũng phải công nhận - Nhiếp ảnh gia Đào Tiến Đạt là một tài năng đặc biệt!


NSNAĐÀOTIẾN ĐẠT sinh năm 1956.

Hiện là người sở hữu hơn 1900 giải thưởng trong nước và quốc tế tại 73 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó đáng chú ý nhất là:

- Cúp Vàng Nhà nhiếp ảnh của năm 2005 - Ý (Gold Trophy VIPC Photographer of the Year);
- Huy chương Vàng xuất sắc nhất châu Á năm 2006 - Ý (Gold Medal Best of Asia);
- Giải nhất Ảnh của năm của Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ, 2011(First Place Award- PPD-Photo of the Year 2011);

- Giành hơn 300 huy chương Vàng các cuộc thi. 

Được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phong tặng tước hiệu Nghệ sĩ Nhiếp ảnh có cống hiến xuất sắc (ES.VAPA), Nghệ sĩ Nhiếp ảnh xuất sắc (E.VAPA);

Tước hiệu Master của Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (M.PSA);

Tước hiệu Master Exhibitor Đồng của Hiệp hội Nhiếp ảnh gia châu Á (M.EAPU/b);

Tước hiệu Master của Hội Nhiếp ảnh Agile, Banladesh (M.APS).

Tước hiệu R.ISF5 của Hội hình ảnh không biên giới (ISF),…

Mới nhất, tháng 7 năm 2021, Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế (FIAP) phong tặng tước hiệu Nghệ sĩ Nhiếp ảnh xuất sắc Kim cương 3 (E.FIAP/D3).

NSNA Đào Tiến Đạt cũng đã nhận được nhiều Bằng khen của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Bình Định, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam…

Tham gia Hội đồng giám khảo nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế.

UV BCH Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam các khóa VII, VIII. 


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Giải mã hiện tượng Đào Tiến Đạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO