Du lịch ĐBSCL còn bị cắt khúc chưa mang tính kết nối

Gia Khanh|08:55 30/03/2024

Ngày 29/3, tại TP Cần Thơ, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Sở Du lịch TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo: “Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long”.

z5295241396495_b79ea9c73d6b6f1ea60f85bf43d822dc.jpg
Toàn cảnh Hội thảo "Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL"

Đồng bằng sông cửu long (ĐBSCL) còn được gọi là Tây Nam Bộ, là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi và bề dày truyền thống văn hóa đặc trưng. Đó là điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, tốc độ phát triển thời gian qua chưa như kỳ vọng, trong đó có những hạn chế khó khăn về xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thực Hiện - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, cùng với các địa phương vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn,… từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng của thành phố.

20240329074856_img_1300.jpg
Ông Nguyễn Thực Hiện - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo.

Tuy nhiên, ngành du lịch thành phố Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang gặp phải những khó khăn thách thức, đó là sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương…

“Với Hội thảo lần này, tôi tin tưởng rằng sẽ có nhiều ý kiến phát biểu phân tích, đánh giá về thực trạng, đề xuất giải pháp, kiến nghị giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay cho du lịch ĐBSCL phát triển trong thời gian tới” - ông Nguyễn Thực Hiện kỳ vọng.

img_0570.png
Mặc dù là sân bay Quốc tế, nhưng ở thời điểm hiện tại Sân bay Cần Thơ không có đường bay quốc tế nào được duy trì. 

Còn bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc Vietravel Cần Thơ cho rằng, sân bay Cần Thơ mặc dù gọi là sân bay quốc tế nhưng ở thời điểm hiện tại hoàn toàn không có đường bay quốc tế nào được duy trì. Còn trong số 11 đường bay nội địa từ Cần Thơ kết nối các vùng miền hiện nay chỉ còn có 4 đường bay.

20240329082933_img_1473.jpg
Bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc Vietravel Cần Thơ.

"Không có đường bay từ các tỉnh thành, không có đường bay từ quốc tế về nên lượng khách chúng ta có mong muốn tăng lên rất là khó khăn", bà Thy nói.

Bà Thy cũng đề xuất có thể mở các đường bay thuê chuyến kết nối với những điểm đến cụ thể để khách du lịch đến với ĐBSCL nhiều hơn.

TS Trần Hữu Hiệp Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL cho biết, sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL chính là "Thế giới sông nước Mê Kông" gắn với giá trị cảnh quan sông nước, văn hóa bản địa, du lịch sinh thái, đờn ca tài tử, chợ nổi trên sông...

20240329081019_img_1414.jpg
TS Trần Hữu Hiệp Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL.

TS Trần Hữu Hiệp cũng đặt vấn đề về liên kết trong du lịch. Ông cho rằng sản phẩm tour, tuyến trong vùng còn bị cắt khúc chưa mang tính kết nối; hạ tầng du lịch cũng chưa thấy sự liên kết; chưa có cơ chế liên kết vùng ở góc độ du lịch, mới chỉ là sự nỗ lực của các địa phương…

Từ đó, ông Hiệp đề xuất các giải pháp như thành lập ban điều phối phát triển du lịch ĐBSCL; hình thành quỹ hỗ trợ phát triển du lịch ĐBSCL để thu hút các nguồn lực cho phát triển du lịch; xây dựng môi trường du lịch ĐBSCL hấp dẫn hơn; đầu tư hạ tầng tương xứng với tiềm năng; quan tâm nâng chất nguồn nhân lực, tạo thương hiệu cho du lịch vùng.

W_dji_fly_20240207_065854_883_1707264098683_photo.jpeg
Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ - nét đặc trưng văn hóa cần được bảo tồn và phát triển . Ảnh Hoàng Tuấn

Còn ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Bến Thành tại Cần Thơ cho rằng, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL không chỉ đòi hỏi sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ, mà còn cần sự nhận thức sâu sắc về giá trị văn hóa và tự nhiên của khu vực. Việc phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn và phát triển bền vững, đảm bảo rằng các thế hệ tương lai cũng có thể trải nghiệm và học hỏi từ những điều kỳ diệu mà ĐBSCL mang lại.

Theo ông Nghị, để làm được điều này, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ. Mỗi bên có vai trò riêng trong việc xây dựng một ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, từ việc tạo ra sản phẩm du lịch mới cho đến việc quảng bá và tiếp thị những sản phẩm này.

“Cuối cùng, để thành công trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho ĐBSCL, chú trọng vào trải nghiệm của khách hàng là yếu tố quan trọng nhất. Mỗi sản phẩm du lịch nên được thiết kế để mang lại cho khách hàng những kỷ niệm khó quên và kiến thức mới về một trong những khu vực sinh động và giàu bản sắc bật nhất Việt Nam”, ông Nghị nhấn mạnh.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Du lịch ĐBSCL còn bị cắt khúc chưa mang tính kết nối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO