Đồi A1 cao 32m, rộng 82.000m2, là cứ điểm kiên cố, thuộc hệ thống các điểm cao phòng ngự phía Đông của phân khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vì nằm ở vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên, được coi là “cuống họng”, là “chìa khóa sống” trực tiếp bảo vệ căn hầm của tướng Đờ-cát. Chính vì vậy, thực dân Pháp đã bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự, trận địa kiên cố, vững chắc, liên quan; trang bị nhiều vũ khí hiện đại. Tại đây, Pháp đã xây dựng 3 hệ thống phòng tuyến chiến lược vô cùng quan trọng.
Về phía ta, Sở chỉ huy chiến dịch xác định, để giải phóng Điện Biên, phải đánh chiếm bằng được cứ điểm Đồi A1. Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 và Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 được giao trọng trách tiêu diệt cứ điểm quan trọng này.
Ngày 27-3-1954, Bộ Tổng tư lệnh triệu tập các cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên về sở chỉ huy Mường Phăng nhận nhiệm vụ tác chiến đợt 2. Trung đoàn 174 là đơn vị chủ công của Đại đoàn 316 được giao nhiệm vụ đánh đồi A1. Cuộc chiến đấu tại Đồi A1 bắt đầu từ chiều ngày 30/3/1954, ta và địch giành nhau từng ụ súng, tấc đất, từng đoạn chiến hào. Địch liên tục phản kích, các trung đoàn của ta đánh công kiên nhiều ngày nhưng chỉ chiếm được một phần Đồi A1. Thời điểm quyết định số phận của cứ điểm A1 là 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954 khi khối bộc phá gần 1.000kg được chiến sĩ Nguyễn Văn Bạch điểm hỏa làm rung chuyển toàn bộ chiến trường. Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, đúng 4 giờ 30 phút sáng ngày 7/5/1954, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1, kết thúc trận quyết chiến chiến lược tại điểm cao phòng ngự then chốt của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng làm nên chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trải qua 39 ngày đêm chiến đấu anh dũng, ngoan cường (từ ngày 30/3 đến ngày 7/5/1954), các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức 5 đợt tiến công. Đến 4 giờ 30 phút sáng ngày 7/5/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Đồi A1. Để giành được thắng lợi trong trận chiến này, hơn 2.500 chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh. Máu xương của các anh thấm đẫm từng tấc đất, ngọn cỏ, hòa vào lòng đất mẹ. Sự anh dũng, kiên trung của bao chiến sĩ Điện Biên đã làm nên một huyền thoại đó là phá vỡ “chìa khóa” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân địch, giải phóng được cứ điểm này tạo bàn đạp cho quân ta tấn công sang hầm chỉ huy của địch, bắt sống tướng Đờ-cát cùng toàn bộ Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) đồi A1 hôm nay vẫn là chứng nhân lịch sử sừng sững của “một thời rực lửa”. Những ngày tháng 5 này, hàng trăm ngàn lượt du khách những người con đất Việt và quốc tế đổ về Điện Biên Phủ “điểm hẹn lịch sử” để tham quan quần thể Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong đó, di tích Đồi A1 - một trong những điểm di tích thành phần quan trọng nhất của di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.
Từ đồi A1 ta có thể nhìn toàn cảnh thành phố Điện Biên, các ngọn đồi khác như D1, C2, C3, E 1, E2, hầm chỉ huy tướng Đờ Cát, sân bay Mường Thanh, nghĩa trang A1... Tháng 5, mỗi người chúng ta về thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ để cảm nhận rõ hơn khí phách đấu tranh anh dũng, ngoan cường của dân tộc Việt Nam, góp phần làm nên chiến thắng vang dội “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” càng thấm sâu hơn giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc hôm nay./.