Đọc “Nắng gọi mùa” nghĩ về văn Phan Trung Hiếu

Nhà văn Đức Ban|14:01 10/02/2025

Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống trân trọng giới thiệu bài viết Đọc “Nắng gọi mùa” nghĩ về văn Phan Trung Hiếu của nhà văn Đức Ban

Phan Trung Hiếu sinh năm 1962. Ba mươi hai tuổi xuất bản tập sách đầu tiên dành cho thiếu nhi với tên gọi đủ gợi cảm: “Giấc mơ bong bóng”, khép lại năm 2024, ông cho in “Nắng gọi mùa” (Tập bút ký &Tạp văn) là vừa tròn 30 năm.

476550875_3910692992477492_8730116528557749109_n.jpg
Bìa sách Nắng gọi mùa của nhà văn Phan Trung Hiếu

Trong quãng giữa “Giấc mơ bong bóng” và “Nắng gọi mùa”, chín tác phẩm khác thuộc nhiều thể loại đã đến tay bạn đọc: Mùa chuyển (Bút ký, phóng sự, NXB Lao động, 1998); Vườn đất thánh (Tự truyện cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 2000); Hành trang đá (Thơ, NXB Văn học, 2002); Chú Nhện đu bay (Truyện thiếu nhi, NXB Hội nhà văn, 2004); Hạt nắng bé con (Truyện đồng thoại, NXB Hội nhà văn, 2009); Ngôi nhà không có cầu thang (Truyện, ký, NXB Thanh niên, 2009; NXB Văn học tái bản có bổ sung năm 2022); Con chim chích chòe (Thơ cho thiếu nhi, NXB Hội Nhà văn, 2014); Dấu thời gian (Thơ, NXB Nghệ An, 2017); Lặng nghe biển hát (Thơ, NXB Hội nhà văn, 2020).

001.jpg
Một số tác phẩm của NV Phan Trung Hiếu đã xuất bản

Nhìn vào con số ghi năm xuất bản của các tác phẩm thấy chúng cách nhau khá đều đặn 4 năm, hoặc hơn một chút là 5 năm. Sự ấy, phần nào đấy nói lên phẩm tính Phan Trung Hiếu: cẩn trọng, chu đáo, khe khắt với nghề khi biết rõ năng lực, điều kiện của bản thân mình. Cái phẩm tính ấy như là một yếu tố di truyền trong nhóm máu của cha ông, của dòng họ rồi được thẩm thấu từ những người chung quanh, từ phong vị, khí vị của làng.

Làng Bùi Xá nơi Phan Trung Hiếu sinh ra lớn lên, trải nghiệm, “Tứ diện” là quê hương của nhiều danh nhân lừng danh trong lịch sử nước nhà: Trạng nguyên Đào Tiêu, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, Thái học sinh Nguyễn Biểu, Nhị giáp Tiến sĩ Hoàng Trừng, Nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn, Nhà toán học Lê Văn Thiêm, Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến, Nhà văn Hoàng Ngọc Phách, Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành, Nhà văn Nguyễn Xuân Thiều,… Và còn từ người cha Phan Lương Hảo, một kịch tác gia nổi tiếng, từ không khí của một gia đình mà cả mấy anh chị em đều hoạt động văn hóa, văn nghệ. Âu đó cũng là những cái may cho đời văn của ông, cho dù nó chỉ góp phần làm giàu cảm hứng vì khâm phục trước những gì lịch sử đã để lại.

471857491_3880410132172445_5175058122807750238_n.jpg
Trang bìa 1+4 của Tập bút ký &Tạp văn  Nắng gọi mùa  của NV Phan Trung Hiếu vừa được xuất bản

Đọc thật kỹ văn Phan Trung Hiếu, còn thấy ra cái may khí vị, phong vị của sông nước, làng mạc, ruộng đồng, của âm thanh và màu sắc, ánh sáng và gió mưa, của những người nông dân mộc mạc và thân thiện, chân chất và hồn hậu dọc bờ bãi sông La,… mở ra cho ông những cảm quan mới mẻ về nhân sinh. Những ngày đầu cầm bút, Phan Trung Hiếu đã có những trang văn nhiều màu sắc, sinh động, tinh tế và thật đẹp: “Giếng làng to như cái ao lớn trước vườn nhà tôi. Bốn bề là những dãy dứa dại rậm rạp. Vút lên những tàu lá xanh thẫm như những chiếc lưỡi cưa, lởm chởm gai nhọn. Bọn trẻ chúng tôi thường đến ngắt lá dứa để bẻ xếp thành hình súng lục, đồng hồ, chong chóng. Phía đông bờ giếng là mấy gốc giới già lão, nổi u sần sẹo, bạc phếch. Đến mùa, nhú ra từ đám lá giới xanh mưng ram ráp những chùm quả chiu chít vàng hươm. Quả giới béo múp míp như hạt ngô, ăn ngọt lừ. Đổ nhoài lên mặt giếng, những chùm quả giới rung rinh, lúc có sóng lại nhoè đi như những đàn bướm vàng” (Giếng làng) Hoặc “Trước sân nhà có hai cây cam lớn, vượt cả đầu chị Hòa tôi. Mùa xuân, hai cây cam thi nhau trổ hoa, điểm những chùm cánh trắng nhỏ li ti thơm lừng cả góc vườn. Chỉ cần một cơn gió nhẹ, những cánh hoa trắng muốt lả tả bay xuống đất, để lộ những quả cam xanh bé xíu như hạt đỗ. Ong bướm vo ve suốt ngày. Mùa quả chín, cam trở màu mọng đỏ, vít trĩu cành.”(Vườn đất Thánh).

72538792_2435849253295214_6228797709961134080_n.jpg
NV Phan Trung Hiếu cùng các đồng nghiệp trong một chuyển đi thực tế sáng tác tại Hương Khê, Hà tĩnh

Đến tập Nắng gọi mùa (2024) này thì sự tinh tường của nhà văn trước nguyên liệu cuộc sống ngổn ngang, lọc ra được những ý nghĩa sự gian nan, nỗ lực lao động sáng tạo của con người, với diễn ngôn giản dị có dư vị bộc lộ khá rõ. Nắng gọi mùa tập hợp 30 bút ký và tạp văn, có thể xếp thành hai mảng: Đất và người quê hương và Những người thân thương. Sự phân chia, gom gộp ấy thực ra không được rạch ròi, mà chúng xâm nhập vào nhau, bổ sung, hổ trợ cho nhau để cuối cùng một đời sống tươi tắn, nóng hổi tuần tự hiện lên theo cảm giác, cảm xúc, suy nghĩ của tác giả.

458621488_2722775527881824_2509547222180143298_n.jpg
Núi Hồng sông Lam                                                                                                                                   Ảnh: Sỹ Minh

Trước tiên là Đất và Người quê hương với chùm tác phẩm: Về phía có mặt trời, Nắng gọi mùa, Ngọt ngào dòng La, Dưới bóng tre làng, Ai về Bùi Xá,….Những tác phẩm này theo mạch văn trong Vườn đất thánh, Ngôi nhà không có cầu thang, Hành trang đá. Đấy là sự tinh tế, là hơi văn như chính cuộc sống. Ta bắt gặp điều ấy ở những trang viết về Tre - hình ảnh tượng trưng cho khí chất của làng quê Việt Nam: “Hồi còn bé, chúng tôi chặt những cành hóp chế thành những khẩu súng phóc bắn “đạn” là các thứ quả bé tý trong vườn, làm cần câu hay thẻ đánh chuyền, đánh chắt. Cái thời gạo châu củi quế, ngoài việc đào bẻ măng non để xào nấu, vặt lá bỏ vào nồi xông giải cảm, tre còn là nguồn vật liệu dùng để đun nấu. Mùa rét, bọn trẻ chúng tôi rủ nhau mò vào các bụi rậm để tìm gộc tre khô già về sưởi ấm, nhặt nhạnh những thanh tre khô bó thành đùm, xâu những bẹ vỏ tre nâu xám về làm củi”. Chỉ với tre thôi nhưng với ý thức khai thác vỉa mạch mới của cuộc sống, Phan Trung Hiếu tiếp tục làm bạn đọc bất ngờ: “Tre làm đòn để khiêng quan tài, làm gậy chống cho con trai khi người cha mất, ngọn tre dùng để buộc minh tinh (còn gọi là lá triệu) bằng lụa đỏ, ghi tên họ cùng thuỵ hiệu và chức tước, phẩm hàm người mất được dựng bên phía đông linh sàng, cầm đi trước xe tang lúc di quan như một tấm giấy thông hành của người đã khuất. Nhìn vào tre, người ta ngẫm nghĩ, luận ra được bao điều từ một loài cây “sống gần nhau thân mới thẳng” cho ta bài học về kinh nghiệm sống, về đạo lí, nhân sinh, về tinh thần lạc quan yêu đời, khao khát tự do, kiên cường, bất khuất, đoàn kết, gắn bó, biết yêu thương, san sẻ, giàu đức hi sinh, bền bỉ sức sống.” (Dưới bóng tre làng). Và đây là sông La: “Chỉ độ chục cây số dập dềnh trên sóng nước, bạn sẽ được thả mình vào câu hò điệu ví, nghe những bài hát hay về con sông đẹp như huyền thoại, ngắm cảnh sắc những xóm làng trù phú mướt mát màu xanh của ngô, khoai, mía, đậu, lạc, vừng dọc bờ bãi ven sông… Ngay trên thuyền, du khách sẽ được thưởng thức hương vị của rượu Thanh Lạng nhấm nháp với món cơm hến Thượng, dê, bò, cá sông, rươi đặc sản của vùng quê Đức Thọ kèm bát nước chấm mắm cáy Láng Ngạn lừng thơm nhức lưỡi nổi tiếng một thời (…) Sông La đi nhớ về thương. Đã xa quê hơn 45 năm, gặp phải những đêm khó ngủ, tôi lại nghĩ về quê, mường tượng trước mắt mình dòng La êm đềm lặng lẽ chảy giữa đôi bờ xanh mát như cánh võng ru đưa tâm hồn trở về với bình lặng, an yên... (Ngọt ngào dòng La).

lang-bui-xa.jpg
Chiều quê Bùi Xá

Viết về cái gì Phan Trung Hiếu cũng gửi gắm được một ý tưởng có ý nghĩa xã hội, nhân sinh.“Trước giao thừa, nhà nào cũng lo nấu một nồi nước thơm thật to để mọi người cùng tắm gội. Những xót xáy, nhặm nhọ và bẩn thỉu phải được gột sạch để tâm hồn nhẹ nhõm và thư thái đón chào năm mới. Có lẽ tôi vẫn còn là trẻ con khi mong muốn được sớm giã từ cái lạnh lẽo của mùa Đông để tìm kiếm niềm vui nơi mùa xuân ấm áp. Lòng người bao giờ cũng luôn hướng về phía có ánh sáng mặt trời.”(Về phía có mặt trời).

Những cảm hứng thế sự gắn với những sự kiện lịch sử thời kỳ Mặt trận Việt Minh, chống pháp trong bút ký Tháng tư trên đồi Đồng Lem, Cửa Nhượng tiếng vọng từ quá khứ, Hạt giống đỏ từ làng biển, Hoa Ban trắng Điện Biên; thời chống Mỹ, ở Vị tướng nơi tuyến lửa, Người cảnh vệ 10 năm bên Bác… ngoài mục đích đem đến cho bạn đọc những tư liệu chân thực của lịch sử là những ý tưởng tác giả kín đáo gửi tới bạn đọc thời đương đại những suy tư, những ứng sử đúng đắn với lịch sử hào hùng của dân tộc. Mà không chỉ là sự quan tâm, thao thiết hơn, như những ước mong, những yêu cầu: “Tôi cứ ám ảnh mãi về bút tích những dòng thư thanh thản đến lạ lùng của người cộng sản kiên trung Hà Huy Tập gửi về cho người thân chỉ vài tháng trước lúc qua đời:“…Chớ xem tôi là người đã chết mà phải buồn, trái lại, xem tôi như người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn mà thôi”. (Tháng tư trên đồi Đồng Lem). Hạt giống đỏ từ làng biển, ông viết: “Thời gian rất dễ làm phôi phai trong lòng hậu thế những thứ đáng ra phải được khắc cốt, ghi tâm. Riêng tôi vẫn cứ tin linh hồn ông Trần Hữu Duyệt - vị Chủ tịch đầu tiên của tỉnh nhà, một hạt giống đỏ sinh ra từ làng biển luôn theo về với cảnh cũ, quê xưa…”

“Nắng gọi mùa” dành một số trang xứng đáng về những người thân thương. Phan Trung Hiếu là người chỉn chu nhưng không khép kín. Ông có nhiều bạn bè từ người nông dân đến các vị lãnh đạo tỉnh, các trí thức văn nghệ sỹ. Trong “Nắng gọi mùa”, ông khắc họa chân dung Nhà thơ Xuân Hoài, người đồng nghiệp, người thủ trưởng của mình với sự biết ơn và lòng yêu thương trân trọng sâu xa: “Không ai dám cam đoan thơ mình sống được bao lâu, khi nào sẽ rơi vào quên lãng. Nhưng với Xuân Hoài, tôi tin những gì ông gửi lại không thể chỉ là “Mưa bóng mây” mà mãi mãi thanh xuân với hồn thơ dung dị, đằm thắm và ấm áp kể cả trong thơ tình hay dành cho trẻ nhỏ. Bạn bè, đồng nghiệp sẽ chẳng thể quên Xuân Hoài, vị Chủ tịch Hội, Giám đốc Sở bao dung, đôn hậu, cẩn trọng chu toàn trong công việc và xử thế” (Nhà thơ Xuân Hoài, người trong cõi nhớ). Với Nhạc sĩ Quốc Nam là nỗi tiếc thương đến se sắt : “Mùa xuân với người nghệ sĩ là khởi nguồn cho những cảm xúc sáng tạo, khơi dậy những giai điệu tươi vui trong lòng người, trước những đổi thay của đất trời, quê hương, đất nước. Vậy mà từ nay, mỗi lúc xuân về, anh đã không còn có mặt trên cõi đời để viết nốt những giai điệu còn dang dở.”

324658755_500444802220034_3931671397636574825_n.jpg
Tác giả-NV Đức Ban và NV Phan Trung Hiếu
002.jpg
Với những thành tích cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của nền văn học nghệ thuật Việt Nam, năm 2022, NV Phan Trung Hiếu đã được Nhà nước tặng  thưởng Huân chương Lao động hạng nhì

Ngoài những giới thiệu, trích dẫn hạn hẹp trên, “Nắng gọi mùa” còn khá nhiều tác phẩm khai thác những vấn đề của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, của huyện, của làng xã: Về phía có mặt trời”, “Đất nghèo đối mặt cùng lũ dữ,,”Ai về Bùi Xá”,“Đình làng Trổ”,Văn nghệ những năm đầu tách tỉnh”… Phan Trung Hiếu viết trong một cảm hứng nhập thế tích cực, tham gia vào cuộc sống với nhân dân trong nhiệm vụ kiến tạo dựng xây cuộc sống mới. Đấy cũng là một yếu tố làm trong lành mạch nguồn văn chương trữ tình của ông, tạo nên vẻ đẹp của“Nắng gọi mùa”./.

 Một số hình ảnh của nhà văn Phan Trung Hiếu

127673328_2797428577137278_8688092873918579811_n.jpg
NV Phan Trung Hiếu ký tên tặng sách cho học sinh
428649559_3638161896397271_4534951584846960993_n.jpg
NV Phan Trung Hiếu tặng sách cho bạn bè
gap-mat.jpg
457228325_3767258403487619_7287171161296982079_n.jpg
Xem triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ
454947820_3755622557984537_8570371881784212048_n.jpg
NV Phan Trung Hiếu cùng gia đình
gia-dinh-la-ben-do-hp.jpg
NV Phan Trung Hiếu  luôn là  người chuẩn mực trong gia đình đã tạo nên một gia đình hạnh phúc
296355136_3233728956840569_4047996843400135436_n.jpg
361178537_3499000576980071_7289707326871895702_n.jpg
104493782_2658280567718747_2763419218621753265_n.jpg
450187424_3727059447507515_3498761005915019893_n.jpg

Đức Ban


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Đọc “Nắng gọi mùa” nghĩ về văn Phan Trung Hiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO