Đi tìm đề tài trong Nhiếp ảnh nghệ thuật

Nguyễn Đông|14:32 14/04/2023

(NADS) - Trong nhiếp ảnh nghệ thuật, tác phẩm ảnh nghệ thuật hoàn thiện bao gồm rất nhiều yếu tố, trong đó Đề tài có vai trò quan trọng, có ý nghĩa then chốt đối với hàm lượng sáng tạo và sự thành công của tác phẩm. Việc tìm tòi, phát hiện và thực hiện đề tài là một phần không thể thiếu trong quá trình sáng tạo của nhà nhiếp ảnh.

Trong các bộ môn nghệ thuật nói chung, khái niệm Đề tài là thuật ngữ dùng để chỉ phạm vi các sự kiện tạo nên cơ sở chất liệu đời sống của tác phẩm nghệ thuật, là đối tượng để miêu tả, biểu hiện, nghiên cứu, xây dựng tác phẩm. Trong văn học nghệ thuật, Đề tài là những hiện tượng xã hội hoặc tự nhiên được người nghệ sĩ khai thác một cách nhất quán theo ý định tư tưởng - nghệ thuật của mình. Đề tài được nhận thức và khai thác theo những quan điểm khác nhau, tuỳ thuộc vào thế giới quan, lập trường tư tưởng, thái độ và tình cảm sáng tạo của văn nghệ sĩ. Bản thân Đề tài không trực tiếp mang tính tư tưởng, nhưng nó là điểm xuất phát để văn nghệ sĩ bộc lộ quan điểm, tư tưởng của mình qua chủ đề và đối tượng phản ánh, từ đó thực hiện việc sáng tạo theo yêu cầu chặt chẽ các tiêu chí của tác phẩm nghệ thuật. Khác với Chủ đề là phạm trù nội dung bao quát, bình diện trải rộng, Đề tài đi sâu vào một lĩnh vực nội dung cụ thể hơn. Ví dụ: Đề tài “Phụ nữ với công cuộc xóa đói giảm nghèo” trong chủ đề Phụ nữ, đề tài “Cuộc sống của những đứa trẻ khuyết tật” trong chủ đề Trẻ em… 

axan-1.jpg
Tác phẩm: Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới, phòng chống COVID-19 (bộ 1/8 ảnh) - Tác giả: Huỳnh Văn Truyền (Đà Nẵng).

Hiện thực đời sống xã hội và tự nhiên liên tục vận động, phát triển là kho tàng vô cùng tận cho các nhà nhiếp ảnh khai thác sáng tạo. Trong sự đồ sộ của thực tiễn, vật thể và phi vật thể, những “con mắt tinh đời” nhìn thấy và cảm nhận được khoảnh khắc nghệ thuật và nhanh chóng nắm bắt nó. Khoảnh khắc đó có thể xuất hiện bất ngờ khi tiếp cận gần, nhà nhiếp ảnh bằng bản năng nghề nghiệp giúp họ chiếm lĩnh được nó, tất nhiên điều này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực nghề, có người “nhìn mà không thấy”, bỏ qua cơ hội vàng. Có những đề tài được nhà nhiếp ảnh xác định từ trước, trên cơ sở chủ động tư duy sáng tạo, hiểu biết thực tiễn, hoặc là lĩnh vực có điều kiện thâm nhập khai thác, hoặc là đối tượng sáng tác mà họ đam mê, ưa thích.

Những tác phẩm mà đề tài mang tầm tư tưởng rộng lớn, tính nhân văn sâu sắc, phản ánh nhanh nhạy vấn đề thời cuộc, nội dung biểu cảm lay động lòng người, những đề tài mới lạ… dễ nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của công chúng. Kết hợp với trình độ, kỹ năng thực hiện tác phẩm; khả năng vận dụng, sử dụng ánh sáng; bố cục, tạo hình; kiểm soát sự vận động của đối tượng và quyết định thời điểm bấm máy… sẽ giúp nhà nhiếp ảnh tiến gần với thành công hơn. Minh chứng cho nhận định này có thể nêu một số tác phẩm: Bộ ảnh “Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới, phòng chống COVID-19” của NSNA Huỳnh Văn Truyền (Đà Nẵng) đoạt Cup VAPA năm 2021, bộ ảnh “Phong cảnh dọc bờ biển Phú Yên” của NSNA Lê Châu Đạo (Phú Yên) đoạt giải Nhất Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp quốc gia về biển, đảo quê hương với tên gọi “Tổ quốc bên bờ sóng” năm 2021; tác phẩm ảnh đơn “Nụ cười mới” của NSNA Vũ Thị Tịnh (Lâm Đồng) đoạt HCV VAPA năm 2007, tác phẩm “Thiên sứ” của NSNA Đỗ Thùy Mai (Cà Mau) đoạt CUP VAPA năm 2011, tác phẩm “Thiên nga” của NSNA Trần Tuấn Việt đoạt HCV VAPA năm 2017…

Phổ biến hiện nay là các nhà nhiếp ảnh thường chụp những lĩnh vực dễ thâm nhập, ví dụ như: phong cảnh, đời thường, lễ hội, phụ nữ, trẻ em, nông ngư nghiệp, người dân tộc thiểu số… vì đây là những đề tài không quá khó khăn khi tiếp cận sáng tác và cũng là mảng đề tài quen thuộc, dễ nắm bắt nội dung, lại khá hấp dẫn. Tuy nhiên, một số đề tài được khai thác quá nhiều nên tác phẩm bị lặp lại, không còn mới lạ, trở nên nhàm chán, dễ rơi vào tình trạng “đường mòn lối cũ”, khó tránh khỏi hiện tượng bắt chước, chẳng hạn như: cảnh ruộng bậc thang, làm muối, nghề lưới, thu hoạch hoa súng, chân dung người già dân tộc…với tần suất xuất hiện dày đặc trong các cuộc thi và trên các phương tiện truyền thông. Mặt khác, có nhiều lĩnh vực tuy không xa lạ trong cuộc sống nhưng không dễ bắt gặp những khoảnh khắc nghệ thuật, hoặc rất khó tiếp cận, thâm nhập để sáng tác, ví dụ như: đề tài về lực lượng vũ trang, y tế, công nghiệp, cuộc cách mạng 4.0, cải cách hành chính, chống tham nhũng…

4.jpg
Tác phẩm: Phong cảnh dọc bờ biển Phú Yên (bộ 1/8 ảnh) - Tác giả: Lê Châu Đạo (Phú Yên).

Việc đầu tư trí lực để khai thác những đề tài mới và làm mới các đề tài cũ đặt ra nhiệm vụ tuy không dễ dàng nhưng là con đường tất yếu của quá trình sáng tạo, vừa khẳng định sự tự do sáng tạo, vừa định hình “gu” sáng tác riêng của mỗi nhà nhiếp ảnh. Khám phá, tìm tòi, tiếp cận với đề tài mới phụ thuộc vào lợi thế về khả năng thâm nhập thực tiễn, vào khả năng tư duy, trí tưởng tượng và năng lực, điều kiện thực hiện tác phẩm. Lối ra cho việc làm mới đề tài cũ tùy thuộc vào trình độ tư duy, cảm quan, sở trường, ý tưởng, điều kiện phương tiện thiết bị của mỗi nhà nhiếp ảnh. Trên con đường tìm kiếm cái mới hoặc làm mới đề tài cũ, không ít nhà nhiếp ảnh sử dụng phương pháp dàn dựng mang tính hư cấu, xa rời hiện thực, tuy tác phẩm có thể “bắt mắt”, đánh lừa thị giác người xem và đôi khi “qua mặt” giám khảo thẩm định tác phẩm; cách làm đó ít nhiều rời xa chức năng bản chất của nghệ thuật nhiếp ảnh. Sự giả tạo sẽ là vô cảm và làm xói mòn niềm tin của người thưởng lãm nghệ thuật khi họ mong muốn được chiêm ngưỡng những tác phẩm ảnh nghệ thuật đích thực. Tất nhiên nhà nhiếp ảnh vẫn tha hồ hư cấu trong các thể loại ảnh ý tưởng, ảnh trừu tượng, ảnh màu tự do và ảnh đen trắng tự do. Cũng như trong các loại hình nghệ thuật khác như văn học, điện ảnh, hội họa… các tác phẩm đã được thừa nhận, tác giả có quyền hư cấu từ cốt truyện đến hệ thống nhân vật, nhưng vẫn bảo đảm tính logic nội dung, không bị người xem thấy sự giả tạo.

Các nhà nhiếp ảnh Việt Nam và thế giới đã thành công với rất nhiều tác phẩm chất lượng cao, với rất nhiều đề tài khác nhau, tác giả và tác phẩm đã đi vào lịch sử của nghệ thuật nhiếp ảnh. Hầu hết các nhà nhiếp ảnh đi theo hướng sáng tác đa dạng các đề tài, họ không bỏ qua cơ hội bấm máy khi gặp những khoảnh khắc quý giá để có thể tạo ra tác phẩm ảnh nghệ thuật. Đồng thời, cũng có những nhà nhiếp ảnh chủ yếu đam mê theo đuổi một đề tài mà họ yêu thích. Chẳng hạn như NSNA Đức Huy (TP Hồ Chí Minh), rất thành công ở mảng đề tài “Hóa trang mặt trong nghệ thuật tuồng cổ”, anh đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân và giành nhiều giải thưởng trong và ngoài nước về đề tài này; Họa sĩ, NSNA Quách Đông Phương say mê chụp những chiếc cổng làng từ Bắc chí Nam… 

Sáng tạo ảnh nghệ thuật với các đề tài khác nhau đòi hỏi sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, công phu, nhà nhiếp ảnh luôn không ngừng phấn đấu nâng cao trí tuệ, năng lực nghề nghiệp, đức tính kiên trì, vượt khó cộng với lòng đam mê nghệ thuật mới hy vọng thành công, bởi sáng tạo nghệ thuật thực sự không phải là một cuộc rong chơi dễ dãi!


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Đi tìm đề tài trong Nhiếp ảnh nghệ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO