Tách khỏi không khí tất bật những ngày cuối năm, cuộc trò chuyện của tôi với nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Chu Chí Thành như một dòng chảy thời gian uốn lượn theo từng khúc cua, ngã rẽ của thời cuộc thể hiện đủ cung bậc cảm xúc. 

Đó là lòng tự hào dân tộc, khát khao hướng đến những giá trị tốt đẹp của con người khi nghệ sĩ lão thành kể về bộ tác phẩm Hai người lính đã mang đến cho ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2022. Đó là sự xúc động trào dâng xen lẫn niềm cảm phục khi nhớ về miếng mứt khoai lang đặc biệt trộn lẫn cát biển nơi chiến trường ác liệt mà các nữ pháo binh Ngư Thủy vui vẻ mời ông. Đó là những trăn trở tâm huyết về cuốn sách Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam mà ông cùng đồng nghiệp đang biên soạn… Và có cả sự chia sẻ rất thú vị về nhiếp ảnh hiện đại với sự tấn công của công nghệ.

Là người chép sử bằng hình ảnh, NSNA Chu Chí Thành luôn làm tròn sứ mệnh được giao phó bằng tất cả đam mê, tài năng và một tâm hồn hướng thiện, dạt dào tình yêu quê hương, đất nước và con người Việt Nam. 

Nhà báo, NSNA Chu Chí Thành bắt đầu câu chuyện: “Bộ tác phẩm Hai người lính gồm 4 bức ảnh: Tay bắt mặt mừng, Hai người lính, Cầu Quảng Trị, Những bàn tay lưu luyến. Tôi nhớ khi đó vào khoảng giữa tháng 2/1973, Hiệp định Paris có hiệu lực. Tôi được cơ quan - Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cử vào Quảng Trị ghi lại hình ảnh trao trả tù binh và việc thi hành Hiệp định Paris. Ngay ngày đầu sau Hiệp định Paris, quân đội Việt Nam Cộng hoà đánh lấn ra Cửa Việt, bị ta phản kích, họ tháo chạy về phía sau. Long Quang là chốt thép, quân Giải phóng đã bẻ gãy các đợt lấn chiếm của phía bên kia. Nhưng khi tôi đến thì không còn căng thẳng nữa.

Tôi bắt gặp những người lính quân đội Việt Nam cộng hòa sang chơi vùng giải phóng, và phía quân Giải phóng cũng vui vẻ tiếp đón, bá vai bá cổ họ thân tình như những người anh em. Là một nhà báo sống ở Hà Nội, khoảnh khắc ấy khiến tôi ngỡ ngàng. Trước đó, tôi chưa từng nhìn thấy người lính Việt Nam cộng hòa ngoài đời, chỉ biết họ thông qua phim, ảnh bạn bè và phóng viên nước ngoài chụp. Tôi hình dung họ là những con người rất dữ dằn. Nhưng ở thời điểm bức ảnh được chụp, bối cảnh lịch sử đã thay đổi, con người mới thoát khỏi cái chết do bom đạn rình rập. Họ trở nên gần gũi với nhau, cảm giác thù địch gần như không còn.

Chứng kiến cảnh những người lính hai bên khoác vai, bắt tay nhau, tôi liền nhấc máy ghi lại “hiện tượng khó tin” này… Và bức ảnh nữ dân quân Tay bắt mặt mừng với người lính Việt Nam cộng hòa đã được định hình. Liền sau đó, một anh lính Việt Nam cộng hoà khoác vai một chiến sĩ Giải phóng đề nghị tôi chụp cho họ một bức ảnh lưu niệm. Xúc động trước sự thân tình của hai người lính, tôi bấm máy và nghĩ bụng về Hà Nội sẽ gửi ảnh cho họ, nhưng do bộn bề công việc nên tôi chưa kịp thực hiện điều đó”.

Bức ảnh này cũng có số phận riêng, chìm nổi như người trong ảnh, có lúc tưởng như nó đã mất hẳn.

Nghệ sĩ lão thành nói: “Sau 3 tháng công tác, tôi trở về Phân xã Nhiếp ảnh TTXVN ở Hà Nội, khi xem lại maket tấm ảnh Hai người lính không được “lưu” và cũng không được “phát” (lưu là cắt phim, đánh số đưa vào kho lưu trữ để dùng lâu dài; phát là phóng ảnh rồi chuyển cho các báo sử dụng ngay). 

Lục tìm trong đống phim bỏ đi, tôi vẫn không tìm thấy. Tuy nhiên, may mắn tấm phim Tay bắt mặt mừng còn sót lại. Tôi xin mấy chị phòng Tư liệu mẩu phim và bóc tấm ảnh mẫu Hai người lính 3x4cm từ maket đem về. Hai người lính với tác giả thì nó được sinh ra trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của bước ngoặt từ chiến tranh sang hòa bình, rất khó gặp.

Và phải đợi đến hơn 30 năm sau, năm 2007, NSNA Chu Chí Thành mới tổ chức hai cuộc triển lãm ảnh cá nhân về chiến tranh ở Hà Nội và TP.HCM và công bố bức ảnh Hai người lính.

Lắng lại một chút cho dòng ký ức ùa về, ông kể tiếp: “Sau khi công bố ảnh, một số nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng Sài Gòn như Nguyễn Văn Thông (tác giả bức ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu), Nguyễn Mạnh Đan (tác giả của nhiều tập sách ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam) cũng bất ngờ. Ngay cả những người khó tính nhất như thủ trưởng của tôi, nhà báo Đỗ Phượng - nguyên TGĐ TTXVN - cũng ngạc nhiên về câu chuyện hiếm hoi này và tấm ảnh được tôi ấp ủ gần 40 năm. Khi ra mắt cuốn sách ảnh Ký ức chiến tranh của tôi năm 2010, ông Phượng nói rằng: Bây giờ chính là thời điểm phù hợp để đưa bức ảnh đến với công chúng”!

Trả lời câu hỏi của VietNamNet về kỷ niệm tác nghiệp thời chiến nào khiến ông vẫn ám ảnh đến bây giờ, NSNA Chu Chí Thành tiếp lời: “Năm 1968, tôi bắt đầu chụp ảnh chiến tranh, đó là năm Mỹ ngừng ném bom ngoài Bắc và tập trung đánh phá từ Nghệ An trở vào. Là phóng viên mới ra nghề tôi được phóng viên Lương Nghĩa Dũng hướng dẫn. Chúng tôi đi xe đạp từ Hà Nội vào khu Bốn, đến Cầu Cấm (Nghệ An) gặp máy bay Mỹ trút bom xuống trận địa, tôi lập tức nhập cuộc. Ở ngoài Bắc, tôi đã chụp các trận đánh, nhưng chưa thấy trận nào dữ dội như ở đây. Thật kỳ lạ, giữa mưa bom bão đạn, các chiến sĩ ta vẫn bình tĩnh quay pháo lấy tầm, lấy hướng đợi lệnh đại đội trưởng phất cờ là nổ súng. 

Lần đầu xuất trận ở 'tuyến lửa Khu 4' tôi hơi chờn nhưng sự gan dạ của anh em pháo thủ đã giúp tôi gạt bỏ nỗi sợ, tự tin bám sát trận địa. Tôi hăng hái đến nỗi xách theo cả thùng đạn rỗng làm trụ đứng, để có tầm cao chụp rõ gương mặt những người lính, và may mắn trận này có được một số bức ảnh đẹp. 

Trận đánh thứ hai, chúng tôi có cơ hội chia lửa cùng các nữ pháo binh Ngư Thủy. Tôi cảm phục sự gan dạ, kiên cường của những cô gái đang tuổi học sinh đã bước vào vòng vây lửa đạn. Vẫn nhớ hôm ấy, nghe tiếng chị em báo động, tàu chiến Mỹ đến gần, tôi và phóng viên Nghĩa Dũng từ trong hầm nhảy ra đợi khoảnh khắc nổ súng thì bấm máy. Khi các cô nổ súng, máy bay trinh thám của địch phát hiện ra trận địa, chúng thả pháo khói xuống làm mục tiêu để pháo biển Hạm đội Bẩy câu vào và máy bay cường kích tới bắn phá. Tôi được chứng kiến một trận đánh vô cùng khốc liệt, 'trong bắn ra, ngoài bắn vào, trên trời máy bay dội bom xuống'. 

Điều đặc biệt là tôi thấy các cô gái pháo binh Ngư Thủy hồn nhiên yêu đời lắm! Sau trận chiến, họ lại cười, hát với nhau và mời chúng tôi ăn kẹo khoai lang (mứt khoai lang). Tôi không thể nào quên hương vị ngọt ngào của miếng khoai lang cắt nhỏ phơi khô kèm theo chút lạo xạo của cát biển từ bàn tay các cô gái còn ám mùi khói súng. Cái đẹp trong đời hóa ra đơn giản, bình dị đến lạ!

Nhấp chén nước trà nóng, dõi đôi mắt tinh anh qua khung cửa sổ trong ngôi nhà thân thuộc, nghệ sĩ lão thành thú nhận gần đây ít đi sáng tác, một phần do sức khỏe hạn chế, phần nữa bởi quan niệm “sáng tác” hơi khác với đồng nghiệp. Ông đã quen với nhiếp ảnh thời sự, chính trị với các ý tưởng cụ thể về cuộc sống con người. Còn đi sáng tác tập thể theo nhóm, đoàn chụp phong cảnh hay ảnh sinh hoạt chung chung cũng thú vị, vì được ngao du sơn thủy, có thể giải tỏa nhu cầu thẩm mỹ nhưng khó có ảnh gây ấn tượng sâu sắc.

Nếu có thời gian, không phải đi đâu xa, NSNA Chu Chí Thành muốn hướng ống kính vào cuộc sống thực của Hà Nội, đặc biệt là chuyện của những người kém may mắn ở ngay trong lòng thành phố. Bởi lẽ cuộc sống này rất cần lòng trắc ẩn và làm việc thiện. Nhiều chuyện trên đời chỉ diễn ra một lần duy nhất, không chụp được ảnh là mất đi mãi mãi.

Khi đảm nhận vị trí Trưởng ban Biên tập ảnh của TTXVN ông không có thời gian cầm máy. Lúc nghỉ hưu, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam lại dành công sức cho công tác Hội, chỉ có thể tranh thủ chút thời gian viết về nhiếp ảnh, tham gia bồi dưỡng các lớp thế hệ sau.

NSNA Chu Chí Thành nhớ lại: “Từ năm 1993, các vị tiền bối của tôi là nhà báo Hoàng Tư Trai và nhiếp ảnh gia Lê Phức đã cho xuất bản cuốn Sơ thảo lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. Sang nhiệm kỳ thứ hai của Lê Phức, tôi “làm khó” ông ấy, đề xuất thực hiện cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh Việt Nam đầy đủ hơn. 

Ông Lê Phức lập ra một nhóm 5, 6 người viết cuốn lịch sử, trong đó có tôi. Năm 2006, ông Phức mất, tôi tiếp nối nhiệm vụ Chủ biên với quyết tâm hoàn thiện công việc dang dở của những người đi trước. Thế rồi, trong nhiệm kỳ của mình (2005-2009), tôi vẫn chưa thể hoàn thành cuốn sách do bận việc quan trọng khác là xây dựng Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Quốc gia. 

Hiện giờ, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông rất ủng hộ việc xuất bản cuốn sách. Sau gần 20 năm (2004-2022), ngành nhiếp ảnh Việt Nam phát triển mạnh, đòi hỏi bổ sung nhiều chi tiết mới. Ví dụ, trước đây chúng tôi không nói đến ảnh kỹ thuật số, nhưng bây giờ phải bổ sung. Chúng tôi sẽ hoàn thiện cuốn Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam nhằm lấp đầy khoảng trống của người đi trước, góp phần định hình tương đối đầy đủ diện mạo nhiếp ảnh nước ta''.

Theo NSNA Chu Chí Thành, tuy các cuộc thi, triển lãm ảnh phong phú song lý luận cơ bản về nhiếp ảnh Việt Nam chưa được định hình rõ ràng.

Chẳng hạn như khái niệm nhiếp ảnh “sạch”, tức là nhiếp ảnh thuần khiết. Nhiếp ảnh ‘thuần khiết’ chỉ đơn thuần chụp trực tiếp một lần. Sau cú bấm máy, tuyệt nhiên không được thêm bớt thay đổi, không có hậu kỳ mà nội dung và hình thức ảnh đẹp hài hòa đến mức khiến người xem nể phục. Đó là ảnh nghệ thuật chuẩn mực mà báo chí và các ngành khác đã vận dụng với các mục đích, cấp độ thích hợp riêng. Hiểu như vậy mới đúng bản chất của nhiếp ảnh, một ngành nghệ thuật tạo hình với nhiều công năng và ứng dụng.

Thế nhưng, vẫn có người hiểu lầm coi nhiếp ảnh thuần khiết và nhiếp ảnh báo chí là một - đã là ảnh báo chí thì không phải là ảnh nghệ thuật. Còn ảnh nghệ thuật là ảnh dàn dựng, ảnh được tái tạo sau hậu kỳ (ngày trước với bút lông, ngày nay với phần mềm photoshop)… Đây là những nhận định sai lệch.

Nhà báo, NSNA Chu Chí Thành cho biết: “Có một số người cực đoan phủ nhận ảnh kỹ xảo, ảnh qua chỉnh sửa, gọi nó là 'trò chơi ánh sáng', photoshop là 'con mụ phù thủy'! Tôi không đồng ý như vậy vì đó là một loại hình đang phát triển, một lĩnh vực phái sinh của nhiếp ảnh có sức chuyển tải tư tưởng lớn, có sức công phá mạnh và quyến rũ ghê gớm. Từ máy ảnh kỹ thuật số hay những thiết bị tự động như flycam, chúng ta sẽ luôn có những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc chân thực.

Chưa kể, với ảnh đã qua xử lý, ngoài việc có ý tưởng, nó còn khắc phục những khuyết tật tự nhiên làm người xem mê hồn. Tôi chỉ mong các nhà nhiếp ảnh phân biệt giữa ảnh nguyên gốc (ảnh thuần khiết) và ảnh qua chỉnh sửa (ảnh kỹ xảo). Đó là sự tường minh, sòng phẳng đối với người sáng tác và người xem. 

NSNA Chu Chí Thành tiết lộ ý tưởng thú vị về triển lãm ảnh chung với bà xã. “Tuy hiện giờ tôi không hay chụp ảnh nhưng bà nhà tôi lại rất mê. Ngoài chụp hoa, cây trái và cảnh sắc ở nhà và Hà Nội, trong những chuyến du lịch trong nước và nước ngoài của gia đình, cứ thấy cảnh đẹp, người vui là vợ tôi giơ điện thoại hoặc máy ảnh lên chụp và tôi rất khuyến khích.

Chúng tôi cùng nhau ghé thăm gần 20 quốc gia, tôi phát hiện ra niềm đam mê chụp ảnh thiên nhiên con người và cuộc sống của bà ấy. Bản thân tôi cũng chụp được kha khá. Một ngày đẹp trời nào đó, có lẽ tôi và người bạn đời của mình sẽ làm một triển lãm nhỏ với tiêu đề Thế giới này thật đáng yêu và đáng sống. Nhiếp ảnh khiến chúng tôi càng thêm trân quý từng phút giây của cuộc đời”. 

Ảnh: Dũng Mai và NVCC

Thiết kế: Ngọc Nguyễn

Theo Vietnamnet.vn

Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO