17 giờ 30 ngày 7 tháng 5 năm 1854, tiếng súng vừa dứt, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Đại tá Cao Văn Khánh, Đại đoàn phó Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong), được lệnh ở lại tiếp quản trận địa Mường Thanh, trao trả tù binh.

Cao Văn Khánh sinh năm 1917 tại Huế trong một gia đình quý tộc, trí thức của triều Nguyễn. Ông tốt nghiệp cử nhân Luật, Trường Đại học Đông Dương, nhưng ông không hành nghề luật mà làm thầy giáo dạy toán tại trường tư ở Huế.

Sau ngày nước VNDCCH ra đời, Cao Văn Khánh tham gia thành lập và là Phó Chủ tịch Giải phóng quân Huế, về sau sát nhập với Việt Minh. Khi quân Pháp nổ súng gây hấn ở Nam Bộ (23/9/1945), ông được cử theo đoàn quân Nam tiến vào Bình Định, rồi trở thành Ủy viên Quân sự Bình Định. Tháng 10/1945, ông được cử làm Khu trưởng Khu V. Giữa năm 1946, ông là Đại đoàn trưởng Đại Đoàn 27. Tháng 12/1947, ông trở lại làm Khu trưởng Khu V.

77c6c986-4053-468d-afbb-eb75eb58fec7.png
Cao Văn Khánh (phải), Ngọc Toản và một người bạn bên những chiếc dù trắng giăng khắp cứ điểm Mường Thanh để cứu chữa thương binh. Chụp tại Điện Biên Phủ 5/1954

Tháng 8/1949, ông được điều ra Bắc làm Đại đoàn phó Đại đoàn 308, Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông cùng Đại đoàn tham gia nhiều chiến dịch từ Chiến dịch Biên giới 1950, đến các Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung (1951), Chiến dịch Hòa Bình (1952), Chiến dịch Tây Bắc (1952) ...

Theo lời kể của các cựu chiến binh Điện Biên năm xưa, Cao Văn Khánh có người yêu là Nguyễn Thị Ngọc Toản, nữ cứu thương mặt trận Điện Biên Phủ. Hai người quen nhau khi Ngọc Toản còn là nữ sinh tại trường Đồng Khánh, Huế. Khi đó bà là một tiểu thư khuê các, xinh đẹp, con gái cụ Thượng thư Bộ Hình Tôn Thất Đàn, một gia đình trâm anh thế phiệt. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cả thầy Khánh và cô học trò Ngọc Toản nghe lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đều lên đường tham gia chiến đấu. Thầy Khánh làm ở Ban Chỉ huy Giải phóng quân, còn nữ sinh Ngọc Toản tham gia cứu thương. Họ nảy nở tình cảm khi Cao Văn Khánh được điều ra chiến khu Việt Bắc, giữ chức Đại đoàn Phó Đại đoàn 308.

Tại Chiến khu Việt Bắc, do tình duyên hay số phận, Cao Văn Khánh được gặp lại cô nữ sinh ngày nào, giờ đã trở thành một nữ cứu thương gan dạ.

Tình yêu giữa hai người không lãng mạn như mối tình trong phim ảnh hiện đại. Chuyện tình giữa Cao Văn Khánh và Ngọc Toản bắt đầu một cách bất ngờ.

Cao Văn Khánh và Ngọc Toản chụp trên chếc xe Jeep tại Điện Biên Phủ 5-1954

Chuyện kể rằng sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 tổ chức duyệt binh mừng chiến thắng. Tham dự buổi lễ có Cục trưởng Cục Tuyên huấn Lê Quang Đạo. Ngoài việc công, ông Đạo còn có một “bí mật” giúp Đại đoàn phó Cao Văn Khánh. Tướng Đạo đưa cho Cao Văn Khánh xem bức ảnh một cô gái có cặp mắt đen nhánh, tinh nghịch, yêu đời với nụ cười hút hồn mà Cao Văn Khánh ngờ ngợ đã từng gặp đâu đó.

Đúng! Đây là con gái quan Thượng thư triều Nguyễn Tôn Thất Đàn (cụ đã tham gia kháng chiến chống Pháp ngay từ ngày đầu). Qua sự mối lái của Lê Quang Đạo và nhiều đồng chí khác, mối duyên Cao Văn Khánh và Ngọc Toản nảy nở. Thuở ấy, việc yêu đương phải có người làm mối. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ, nhận giúp bạn, đến đặt vấn đề với gia đình Ngọc Toản. Khi ông Vũ gặp mẹ Ngọc Toản, ông thận trọng: “Thưa cụ, tôi có người bạn tốt, đánh giặc giỏi. Anh chưa có vợ vì bận đánh giặc. Nay muốn làm rể cụ. Xin cụ cho phép anh ấy được viết thư tìm hiểu chị Toản”.

Bà cụ thủng thẳng trả lời: “Tui kén rể, chứ đâu kén người đánh giặc giỏi. Con tui trưởng thành rồi, nên chỉ cần là người tốt và con tui ưng, thì tui đồng ý người đó”. Ông Vũ ra về tấm tắc khen: “Tưởng cụ là vợ quan, lễ giáo phong kiến, nào ngờ bà cụ lại tân tiến như vậy!”.

Bức ảnh hai vợ chồng chụp năm 1955. Ảnh: NVCC.

Tuy đã yêu nhau, nhưng trong thâm tâm Ngọc Toản vẫn còn lấn cấn, trong nhật ký của mình bà viết: “... Tôi thấy anh ấy là mẫu người mà tôi mong muốn, sẽ làm bạn đường, sẽ đi suốt cuộc đời mà mình đã vạch hướng... Nhưng tôi còn đòi hỏi: Yêu là phải tôn trọng nhau, đừng làm cản trở những nguyện vọng cá nhân, sự bình đẳng giới. Tôi lo sợ nếu lập gia đình bước đường công tác, hoạt động, nhất là anh lớn tuổi, có thể sẽ gia trưởng. Nhưng là người khiêm tốn và chín chắn trong cuộc sống, anh hiểu và chinh phục tôi.”.
Nhưng phải đến tháng 12/1953, một sự kiện đã đến với Ngọc Toản, khi bà đi tìm đơn vị mới, bà lạc vào đúng chỗ đóng quân của Cao Văn Khánh, vừa từ Luang Prabang (Lào) trở về. Giữa núi rừng Tây Bắc, hai người yêu nhau bỗng tình cờ gặp nhau. Bà nghĩ, đúng là duyên số đã đưa họ đến với nhau: “Buổi gặp gỡ tình cờ đó ở giữa núi rừng Điện Biên càng làm tôi thấy rõ lòng mình đã thật sự yêu anh”.
Lúc chia tay, họ hẹn nhau ngày chiến thắng sẽ làm hôn lễ tại gia đình.

Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, ngày càng nhiều thương binh chuyển đến giải phẫu. Đêm về cầm ngọn đèn tới chăm sóc từng thương binh, lòng Ngọc Toản xót xa thắt lại khi nghe tiếng thở mỗi lúc một yếu dần. Họ là những thanh niên mới 18 đôi mươi, còn quá trẻ. Trong nỗi lo chung, còn có nỗi lo riêng cho người yêu - anh Cao Văn Khánh - song biết làm sao được! Nhưng, có một điều mà bà không bao giờ quên. Đó là dù đau đớn, thương tích đầy mình, những thương binh ấy không một lời kêu than, khóc lóc.

Chiều 7/5/1954, chiến trường chấm dứt tiếng súng, nữ cứu thương Ngọc Toản được lệnh lên Mường Thanh nhận nhiệm vụ mới. Cô từ trong rừng sâu Tuần Giáo, khoác túi xách, 5 giờ chiều cuốc bộ vượt qua suối sâu vực thẳm, đèo Pha Đin cao chất ngất, đi suốt đêm, mãi đến 2 giờ sáng hôm sau mới tới nơi. Do thông thạo tiếng Pháp, bà được phân công đến gặp và nói chuyện với một nữ tù binh Pháp duy nhất, vốn là nữ tiếp viên trên máy bay giặc Pháp. Thể theo đề nghị của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, Bác Hồ ra lệnh trả tự do cho nữ tù binh này. Nữ cứu thương Ngọc Toản đã giải thích cho nữ tù binh ấy về chính sách khoan hồng của Chính phủ ta và khuyên cô viết thư cảm ơn Bác Hồ. Đó là ngày 18/5, trước sinh nhật Bác một ngày.

Đến Mường Thanh làm nhiệm vụ, nhưng có lẽ do duyên phận, tình cờ nữ cứu thương được gặp lại người yêu - Đại đoàn phó Cao Văn Khánh. Lạ lùng thay, giữa lúc khói lửa còn nóng bỏng, mùi đạn bom còn khét lẹt, hai người tình cờ gặp nhau - nghẹn ngào không nói nên lời, hai người chỉ kịp thốt lên “Anh!” “Em!” rồi tự nhiên nước mắt trào tuôn. Định nói với nhau bao điều, thì Đại đoàn phó Cao Văn Khánh được lệnh đi tiếp quản trận địa Mường Thanh và trao trả tù binh.

Từ trái qua phải: Đại tá Lê Trọng Tấn (Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312), Đạo diễn Roman Karmen (18), Đại tá Cao Văn Khánh - Đại đoàn phó Đại đoàn 308, chụp tại Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954

Ngay lúc đó, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Trần Lương đã “đọc” được tâm sự của hai người: “Chúng tôi biết anh chị yêu nhau lâu rồi, song vì chiến tranh liên miên, chưa có điều kiện tính chuyện trăm năm. Hiếm có dịp anh chị gặp nhau thế này, hay là làm hôn lễ tại đây. Chúng tôi sẽ đứng ra làm chủ hôn cho”.
Ngay giữa chiến trường còn ngổn ngang bom đạn, chưa xin phép mẹ, không có mặt gia đình, bạn bè, lại còn chưa sắm sửa quần áo... Dù là ở chiến trường, đời người con gái đi lấy chồng là một sự kiện lớn, sao vội vàng như vậy được?

Nay nghe nói chuyện cưới xin, nhiều người tham gia ý kiến. Tất cả các chiến hữu của Cao Văn Khánh và Ngọc Toản ai cũng vun vào. Tướng Lê Trọng Tấn kể về lần đầu tiên gặp bà tại đây: “Anh Khánh giới thiệu cô Toản, y sỹ. Tôi có biết tên nhưng nay mới gặp người. Và tôi cũng biết chỉ vài ngày nữa, cô gái Huế dịu dàng, thùy mị này sẽ trở thành chị Khánh ở ngay trên đất Điện Biên lịch sử này. Tôi chúc mừng hạnh phúc anh chị”- Tướng Tấn nói.

Cuốn sách “Một người phụ nữ ở Điện Biên Phủ”của G. de Galard tặng Ngọc Toàn
Ở tuổi 86, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản vẫn sử dụng iPad để làm việc. Ảnh: Hồng Nguyễn

Sau một ngày rưỡi suy nghĩ, chiều 21/5, bà đồng ý cưới. Sau này bà viết: “Cái chết và sự sống, cuộc đời và hạnh phúc của những người lính Cụ Hồ, suy nghĩ về cuộc sống lúc đó thật tự nhiên và giản dị. Đã yêu nhau rồi thì cần gì phải câu nệ hình thức”. Thế là quyết định ngày “lên xe”, anh em phân nhau mỗi người một việc trang trí hầm De Castries thành phòng cưới.

Đám cưới không có hoa, nhưng bộ đội trang trí hầm với các dù Pháp đủ màu, sắp xếp đủ chỗ ngồi cho hơn 40 đại biểu của “hai họ”. Bên nhà gái là các cán bộ Quân y, nhà trai là cán bộ của Đại đoàn 308.

Ngày 22/5/1954, lễ cưới được tổ chức trong hầm chỉ huy của bại tướng De Castries, dưới ánh sáng đèn măng-sông. Khi hai anh chị sánh đôi dắt tay nhau vào hầm, tiếng vỗ tay vang dội của tất cả các quan khách “hai họ”, là những đồng đội còn sống sót ở chiến trường trở về, vang dội, hồ hởi.

Giây phút xúc động này, nhiều năm sau Cao Văn Khánh còn nhắc lại: “Em còn nhớ lúc anh và em âu yếm bước vào hầm chỉ huy sở De Castries để làm lễ không ?” Ông Trần Lương chủ hôn tuyên bố và ông Cầm, Chính ủy Mặt trận của Cục Quân y, đại diện đơn vị cô dâu, một số người có chụp ảnh, quay phim.

Đám cưới không có hoa, nhưng có kẹo ngoại nuga, thuốc lá Philip, rượu Tây là chiến lợi phẩm khách mang đến chung vui. Đám cưới có biểu diễn văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Chú rể hát bài “Bộ đội về làng”, cô dâu cất giọng “Em bé Mường Thanh”. Trang phục cưới của cô dâu chú rể là bộ quân phục cũ màu lá cơi như mọi cán bộ chiến sỹ Điện Biên, nhưng “khán phòng” tràn ngập nụ cười tươi như hoa với những lời chúc phúc trong niềm vui thắng trận vẫn còn ngây ngất.

dam-cuoi-co-mot-khong-hai.jpg
Ảnh cưới của vợ chồng tướng Cao Văn Khánh và Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản chụp trên tháp pháo xe tăng ngày 22/5/1954. Ảnh: NVCC.

Đám cưới không lên “xe hoa” nhưng lên xe tăng - đứng cạnh tháp pháo tăng nhìn ra chiến địa Mường Thanh tan hoang, Ngọc Toản khe khẽ thốt lên: “Bao nhiêu đồng đội đã hy sinh mà mình còn được sống”. Bà nhớ lại đã có hàng trăm thanh niên đã chết trên tay bà ở bệnh viện dã chiến, những người hẳn chưa một lần được yêu! Cô dâu, chú rể chụp một kiểu ảnh trên xe tăng đã tham chiến ở Điện Biên Phủ, Cao Văn Khánh nói: “Đó là kỷ niệm suốt đời của chúng ta, những ngày vui nhất của anh và em sau trận chiến thắng lịch sử, trong một khung cảnh lịch sử phải không em?” Niềm vui chiến thắng, xen kẽ tình cảm lứa đôi. Vui duyên mới khi nhiệm vụ đã hoàn thành. Giản dị mà vô cùng thân mật. Một đám cưới hiếm thấy, một tình yêu bền chặt suốt đời.

Đám cưới là một sự kiện và là niềm vui chung của cán bộ chiến sỹ Điện Biên Phủ. Nhiều năm sau, những cựu chiến binh ở độ tuổi “cổ lai hy” vẫn còn nhắc đến vẻ đẹp lãng mạn đầy chất thơ của ngày vui ấy. Tình yêu nảy nở trên mặt trận giúp vị chỉ huy Đại đoàn chủ lực và nữ cứu thương xinh đẹp nơi hỏa tuyến, rồi đám cưới được tổ chức ngay tại sở chỉ huy của tướng giặc và chiến trường trở thành hôn trường khi bom đạn còn chưa tan./.

Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO