Chu Chí Thành - Nửa thế kỷ với một đề tài

Vũ Đức Tân|11:25 11/10/2024

(NADS) - Bức ảnh Hai người lính ở hai bên chiến tuyến thân ái khoác vai nhau là một hình ảnh quá lạ giữa lúc đất nước còn chia cắt. Ngay cả sau ngày thống nhất non sông, vẫn còn có người băn khoan về sự kiện khác thường này. Nhưng khi bấm máy, nhà báo, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Chu Chí Thành lại thấy đó là một hình ảnh đẹp của những ngày hòa bình đầu tiên.

Ông tự tin: mình đã "mã hóa" được một thời khắc hiếm hoi trong bước ngoặt lịch sử từ chiến tranh sang hòa bình. Với niềm tin ấy, ông đã lưu giữ nó và những tấm ảnh khác cùng đề tài suốt cuộc đời. Đến năm 2007, những hình ảnh độc đáo này lần đầu tiên ra mắt công chúng trong triển lãm ảnh cá nhân của ông tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

W_chu-chi-thanh(1).jpg
Chu Chí Thành - Nghệ sĩ nhiếp ảnh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2022

Ông cũng như những người lính kia đã từ lửa đạn đột ngột bước vào một ngày bình yên, tự nhiên trút bỏ được sợ hãi và hận thù. Những ngày ấy là những ngày hạnh phúc nhất của mọi người dân Việt Nam, càng hạnh phúc hơn đối với những người lính của cả hai phía, và đối với ông, những con người nhiều lần cận kề cái chết. Biết ông đang yêu, định cưới vợ mừng hòa bình, lãnh đạo Việt Nam Thông tấn xã đã báo trước kế hoạch điều ông đi công tác xa để ông lo liệu chuyện trăm năm. Thế là Chu Chí Thành tổ chức đám cưới của mình trước khi Hiệp định Paris được ký kết 7 ngày. Hai mươi ngày sau đám cưới, ông vào Quảng Trị chụp ảnh sự kiện trao trả tù binh, và việc thi hành Hiệp định Paris của hai phía Việt Nam.

W_2.jpg

Nhiều người hỏi, vì sao ông có được bức ảnh "Hai người lính" và những bức ảnh khác như "Tay bắt mặt mừng", "Những bàn tay lưu luyến" nói về sự cởi mở của những người cầm súng ở hai chiến tuyến trên đất Quảng Trị? Ông trả lời: Đấy là lúc số phận các cá nhân gắn liền với vận mệnh đất nước, là sự may mắn của nhà nhiếp ảnh được chứng kiến bước ngoặt tâm lý con người từ hận thù sang yêu thương. Lòng độ lượng bao dung đó đã có gốc rễ trong truyền thống dân tộc ta, ai cũng thuộc lòng từ chiếc nôi và lời ru của mẹ: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước thì thương nhau cùng. Những bức ảnh của Chu Chí Thành là sự hiện hữu của khát vọng hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc được gọi là hình ảnh "Dự báo tương lai" ngày đất nước đoàn viên. Vì nó xuất hiện trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hai năm.

W_hai-nguoi-linh.jpg
Hai người lính: Nguyễn Huy Tạo, quân giải phóng người Hà Nội và Bùi Trọng Nghĩa, lính Cộng hòa, người Sài Gòn, khoác vai nhau đón mừng hòa bình ở chốt Long Quang (1973)
W_nhung-ban-tay-luu-luyen.jpg
Những bàn tay lưu luyến: Tù binh Sài Gòn được trao trả và quân giải phóng vẫy tay chào nhau tại bến Nhan Biều, sông Thạch Hãn (1973)
W_tay-bat-mat-mung.jpg
Tay bắt mặt mừng: Quân giải phóng, du kích của ta và lính cộng hòa bắt tay nhau ở chốt Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (1973)
W_cau-quang-tri.jpg
Cầu Quảng Trị: Tạo và Nghĩa cùng những người lính hai bên từng giáp chiến ở đây và họ bước ra khỏi chiến tranh từ cây cầu đổ nát này (1973)

Ngày ấy, anh lính Cộng hòa và chiến sĩ Quân Giải phóng có cuộc hò hẹn đơn giản "hôm sau cùng uống cà phê". Nhưng sau đó, Nguyễn Huy Tạo ra Bắc học trường si quan Hậu cần, còn Bùi Trọng Nghĩa vẫn chốt lại Quảng Trị. Tháng 3/1975 đơn vị của Nghĩa bị tấn công, phải rút về Mỹ Khê Đà Nẵng, rồi ra đầu hàng quân Giải phóng.

Nhiều năm trôi qua, Chu Chí Thành vẫn không quên câu chuyện Hai người lính. Hình ảnh họ hồn nhiên bá vai nhau cứ ám ảnh ông, thôi thúc ông tìm kiếm họ. Năm 2015, một số báo, đài trong nước và nước ngoài quan tâm đến câu chuyện này, đặc biệt báo Tiền Phong đã giúp ông tìm ra anh lính Sài Gòn. Cuộc hò hẹn "hôm sau cùng uống cà phê" mãi đến năm 2018 mới được thực hiện. Nhân kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Paris, Tỉnh Quảng Trị đã mời hai người lính và tác giả về thăm mảnh đất máu lửa năm xưa. Ba nhân vật này không ngờ cuối đời lại được hân hạnh như vậy. Thế là sau nửa thế kỷ ấp ủ đề tài, Chu Chí Thành đã có cuộc tái ngộ như mong ước, và cho ra mắt tác phẩm "Hai người lính" được dư luận ngưỡng mộ và hoan nghênh.

Ông vốn là sinh viên Văn khoa, nhiều bức ảnh chiến tranh của ông có chất văn lắng đọng. Với tác phẩm "Hai người lính", dường như Chu Chí Thành được thừa hưởng ân huệ từ tư tưởng uyên bác của Nguyễn Trãi: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy trí nhân để thay cường bạo (Bình Ngô Đại cáo). Xem ra văn chương, nghệ thuật nhiếp ảnh chỉ có thể thăng hoa khi bắt nguồn từ cuộc sống và thấm đượm tinh thần nhân văn sâu sắc của dân tộc. Thành công của nhà báo, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Chu Chí Thành là thành công của "Việc nhân nghĩa".


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Chu Chí Thành - Nửa thế kỷ với một đề tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO