Công trình điện gió Bạc Liêu thuộc xã Vĩnh Trạch Đông , TP. Bạc Liêu
Nhắc đến Bạc Liêu người ta nghĩ ngay đến công tử Bạc Liêu – Vị công tử nổi tiếng ăn chơi một thời hay cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu người sáng tác ra bản “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng, vùng đất của những điệu đờn ca tài tử ngọt ngào sâu lắng do các nghệ sĩ miệt vườn thể hiện. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, vùng đất Bạc Liêu vẫn ngày càng trù phú do phù sa bồi lấn ra biển và nếu tận mắt chứng kiến, hẳn bạn sẽ phải ngỡ ngàng vì những gì thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này.
Trước đây Bạc Liêu từng là vùng đất có một vị trí quan trọng trong chiến lược khai thác và xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long của người Pháp, được người Pháp lên kế hoạch xây dựng thành trung tâm hành chính của miền Tây, đồng thời đầu tư nhiều tiền của xây cất dinh thự và công sở tại đây.
Với những tiềm năng và ưu thế của mình, trong những năm gần đây Bạc Liêu đẩy mạnh thu hút đầu tư, xúc tiến xây dựng quy hoạch phát triển các ngành: Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy hải sản; Công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí gia công kim loại; Công nghiệp hóa chất; Công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; Công nghiệp năng lượng, năng lượng mới, năng lượng tái tạo; Sản xuất vật liệu xây dựng; Các ngành công nghiệp hỗ trợ…
Bạc Liêu có đường bờ biển dài 56km, diện tích đất ven biển và vùng lãnh hải khá lớn rộng hơn 20.000km², do vậy Bạc Liêu là vùng biển có nguồn lợi hải sản rất lớn, có tiềm năng kinh tế biển khá đa dạng và phong phú. Vùng đất ven biển của tỉnh có khả năng xây dựng cảng biển, xây dựng trung tâm điện gió, nhiệt điện, khu kinh tế biển, du lịch, nghề muối... Đây là một trong những thế mạnh chính của Bạc Liêu trong nhiều năm qua.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Bạc Liêu là gạo, thủy sản tăng rất nhanh trong các năm qua. Các doanh nghiệp của Bạc Liêu có quan hệ xuất nhập khẩu với hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỉnh hiện có hơn 10 mặt hàng chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường, gồm: Gạo, thủy sản, muối, hàng thủ công mỹ nghệ,… Trong đó, hai mặt hàng chủ lực, về xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố là gạo và thủy sản.
Vùng đất Bạc Liêu có nhiều di tích ghi dấu những sự kiện từ ngày đầu khai hoang mở đất. Đây còn là vùng đất hội tụ văn hóa của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer thể hiện qua những công trình văn hóa độc đáo, tạo nên vẻ đẹp riêng của nơi này. Đến Bạc Liêu du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh quan thiên nhiên độc đáo như: Vườn chim, vườn nhãn…; Những di tích lịch sử - văn hoá như: Tháp cổ Vĩnh Hưng, Đồng Nọc Nạng, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quần thể nhà Công tử Bạc Liêu, hệ thống đình, chùa. Đặc biệt là các công trình văn hóa nổi bật mới được xây dựng như: Quảng trường Hùng Vương, Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu, Cây Đờn kìm cách điệu, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu… hoặc đi thăm những rừng đước, rừng tràm, căn cứ tự nhiên trong kháng chiến chống xâm lược. Bên cạnh những di tích vật thể thì Bạc Liêu còn độc đáo bởi những giá trị văn hóa phi vật thể như: Các lễ hội, phong tục, tập quán cổ truyền như lễ hội Kỳ yên, lễ hội Phật giáo Thượng Ngươn, Trung Ngươn, Hạ Ngươn; Lễ hội Chôl Chnăm Thmây, Oóc-om-bóc, Đôn-ta của người Khmer; Lễ giỗ tổ cổ nhạc, lễ cúng Thanh minh... Văn hóa ẩm thực cũng tạo nên nét đặc trưng cho vùng đất cuối trời Nam này. Ẩm thực Bạc Liêu mang sắc thái dân tộc và yếu tố bản địa vùng miền. Nhiều món ăn tạo nên thương hiệu Bạc Liêu như: Bún bò cay, bánh xèo, bún nước lèo…
Là vùng đất trù phú thịnh vượng, người dân Bạc Liêu hiền hoà, hiếu khách, có phong cách sống phóng khoáng đặc trưng của vùng Nam bộ. Ai đã đến Bạc Liêu một lần khó có thể quên.
Nghề làm muối Bạc Liêu được công nhận là di sản - Thu hoạch muối tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình
Nuôi tôm công nghệ cao trong nhà bong bóng của công ty Việt Úc tại thành phố Bạc Liêu
Nông dân xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi đang phơi lúa
Thu hoạch lúa chất lượng cao tại Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu.
Nhà máy chế biến tôm xuất khẩu Trang Khanh tại thành phố Bạc Liêu
Một góc thị trấn Gành Hào
Đêm giao thừa tại Quảng trường Hùng Vương, tỉnh Bạc Liêu
Biểu diễn vở cải lương "Đào Duy Từ" trong nhà hát Cao Văn Lầu
Trung tâm Triển lãm Văn hoá Nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu
Được mùa nhãn
Cây đờn kìm - Biểu tượng văn hóa Bạc Liêu trên Quảng trường Hùng Vương
Phạm Lan