Ghép ảnh: Nên hay đừng?

16:18 05/10/2020

NAĐSO - Có thể nói, ghép ảnh đã ra đời và tồn tại song hành với từng giai đoạn trưởng thành của nền nhiếp ảnh. Mục đích của việc ghép ảnh, ban đầu nó xuất phát từ thực tiễn bối cảnh khi ghi hình vốn không được hoàn thiện. Nhưng khao khát của người sáng tạo lại luôn muốn có những tác phẩm toàn mĩ và trọn đầy nội dung. Bởi vậy, việc ghép ảnh vẫn còn mãi đến nay cùng những quan điểm khác nhau nhưng thú vị.

Rất nhiều năm sau này, người ta đã chứng minh rằng bức ảnh nổi tiếng về vị tướng lừng danh Ulysses S. Grant ngồi trên yên ngựa, xuất hiện oai phong trước quân đội như đang đi thị uy cổ vũ binh sĩ trong cuộc nội chiến nước Mỹ, được ghép từ ba bức ảnh khác nhau. Trước Thế chiến thứ Hai từ một bức ảnh Hitler đứng vung tay diễn thuyết trên diễn đàn, một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng đã ghép thêm những tờ đô la đang trút xuống bàn tay vung lên đó. Báo chí của những quốc gia chống Phát xít trên khắp thế giới đăng lại bức ảnh ấy, nhằm cười cợt một nhà độc tài đang đốc thúc nguồn tài chính cho việc chạy đua vũ trang.

Vị tướng lừng danh Ulysses S. Grant ngồi trên yên ngựa vị tướng lừng danh Ulysses S. Grant ngồi trên yên ngựa
Tóm lại, quan niệm một bức ảnh như thế nào sẽ được coi là “ghép”?

Ví dụ: Theo thể lệ cuộc thi ảnh quốc tế tại Việt Nam lần thứ 10 có ghi: “Ảnh thuộc các đề tài: Động vật hoang dã; Con người và cuộc sống; Du lịch; Sự chuyển động - không được chắp ghép. Khi cần, Ban Tổ chức cuộc thi có thể yêu cầu tác giả nộp file gốc để xác minh.”

Vậy theo thể lệ, nếu một bức ảnh bị nghi ngờ là “chắp ghép” thì phương tiện duy nhất mà Ban tổ chức dựa vào để phán đúng, sai là dùng “File gốc để xác minh”. Nếu là một người gửi ảnh dự thi chỉ có một chút cầu toàn, thì anh ta sẽ đặt ra câu hỏi: Ai sẽ là người kiểm tra file gốc? Và người đó đã đủ thẩm quyền pháp lý để phán xử chưa? Ngoài ra về chuyên môn, đã đủ “trình” để kiểm tra “độ quái” của các cao thủ, vẫn thường rêu rao là có thể “lừa” được cả dữ liệu trên mục “File Info” của phần mềm photoshop.

Cũng theo thể lệ cuộc thi trên, Ban tổ chức cuộc thi cố lắm, thì cũng chỉ có thể kiểm tra người gửi ảnh dự thi có ghép bằng hậu kì photoshop hay không mà thôi.

Vậy nếu người ta “ghép” trước và trong khi chụp, thì đương nhiên sẽ được coi là hợp lệ! Việc chúng ta cả đoàn rồng rắn “vác mẫu” đẹp, hợp thời trang đi theo để gắn họ vào từng hẻm núi, góc ruộng bậc thang. Thậm chí mặc quần áo súng sính giương cái vó tôm đi cách đều trên gò cát. Rồi cho “sinh động”, chúng ta dùng thiết bị phun khói nhả mịt mờ khiến những ray sáng lọt qua khe bếp nổi bật lên, hay cả cánh rừng non chợt “rung rinh” ảo diệu dưới nắng sớm. Các thiết bị ánh sáng soi tỏ cảnh xa, tăng thêm chi tiết cho tiền cảnh ở gần lúc bình minh hay buổi chiều tà. Cả những kiểu ảnh chụp chồng, chụp phơi sáng… và thực chất những động tác đó chỉ làm nhẹ cho công tác hậu kì. Nhưng ta nên gọi đúng nghĩa đen: Ghép trước và trong quá trình ghi hình để “lách luật”. Kiếm file gốc “xịn” để chứng minh tính chất “hợp lệ” và sự trong sáng vô tư khi đi dự thi.

Từng được nghe tâm sự của một số vị đã làm giám khảo nhiếp ảnh. Nếu có một tác phẩm nào đó khiến cho một Ban giám khảo tranh cãi nhau về độ chân thực của nó. Cách êm thấm là bơ nó đi! Thà cho điểm liệt còn hơn là để nó gây rắc rối về sau. Chuyện “giết nhầm, hơn bỏ sót” của thời trận mạc, giờ đang lộ diện ở một lĩnh vực nghệ thuật được coi là trẻ trung và đang phát triển.

Một nhà nhiếp ảnh xưa nay được coi là giỏi, khi anh ta thông thạo ở cả khâu ghi hình và làm hậu kì. Nếu có “ý tưởng” thì anh ta sẽ biết rằng “làm giả” trước và trong khi chụp sẽ được coi là có đạo đức và hợp thông lệ. Còn nếu “làm giả” ở thì “hậu kì”, có thể sẽ bị lên án vì phá luật chơi. Chuyện cũng giống như khi ta ăn trứng vịt lộn. Nếu ăn vịt con trước khi nở, thì nó hợp với thói quen, thông lệ của cả xã hội. Nhưng nếu ta thả con vịt non vừa mới chui ra khỏi quả trứng vào nồi nước sôi để ăn, thì chắc sẽ bị nhốt ngay vào nhà thương vì bị điên!!!

Điều gì khiến chúng ta cầm máy ảnh? Bảo một người mới hai, ba chục tuổi do còn trẻ, nông nổi mà háo danh, háo thành tích này khác chơi ảnh để kiếm chút hào quang thì còn có lý. Trong những người chơi ảnh đã quá tuổi 50, rất nhiều người đã có chức, có phận, có học hàm, học vị ở ngoài xã hội. Thế mà không ít trường hợp, những nghệ sĩ đoạt giải trong nhiều cuộc thi, lại không khoe tác phẩm đoạt giải của mình với bạn bè. Có thể khen là anh ta khiêm tốn. Nhưng chúng ta không loại trừ rằng chính tác giả, cũng ngại với “đứa con tinh thần” của mình. Họ ứng xử với thành quả mình tạo ra, một cách rụt rè và thiếu tự tin. Không biết các vị làm giám khảo đáng kính của chúng ta sẽ nghĩ gì, một khi chợt nhận ra tình cảnh đó?
Vũ Kim Khoa

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Ghép ảnh: Nên hay đừng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO