Đào tạo Nhiếp ảnh dễ hay khó?

11:42 06/10/2020

NSĐSO - Nhiếp ảnh là một phương tiện truyền thông với tính chất có lẽ khác biệt gần như hoàn toàn với những phương tiện truyền thông khác – nhiếp ảnh có khả năng truyền đạt mọi suy nghĩ và cảm xúc mà không cần một từ ngữ nào cả. Nhiếp ảnh gia Adam Welch chia sẻ rằng: “Dù một bức ảnh có tạo ra được ấn tượng hay không, thì bức ảnh đó vẫn là sự tái thể hiện tất cả những từ ngữ chúng ta đã chọn lựa để nói hoặc... không nói ra”.
Một buổi học của sinh viên chuyên ngành Nhiếp ảnh.
Người chụp ảnh hiện nay không còn phải lao tâm khổ tứ với kỹ thuật buồng tối, giờ đây tất cả mọi thứ nằm trong tầm nhìn đều có thể chụp được, bởi vì đã có máy ảnh hay điện thoại “tự biết chụp”. Khoảng 1/3 dân số thế giới đang sử dụng 2,6 tỷ điện thoại thông minh và mỗi ngày có hàng trăm triệu bức hình được đưa lên các trang mạng xã hội.

Như vậy, liệu có cần thiết đào tạo chuyên ngành nhiếp ảnh hệ đại học, một khi người yêu nhiếp ảnh có thể tự mày mò, thậm chí “tự đào tạo” để đến một ngày đẹp trời nào đó bỗng chốc thành một Vivian Maier, một phụ nữ Mỹ làm nghề bảo mẫu nhưng để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ của một nhiếp ảnh gia đường phố?

Tuy nhiên, nhiếp ảnh “đại trà” và nhiếp ảnh sáng tác không tự sản sinh ra lý thuyết. Và lý thuyết được đúc kết từ muôn vàn lần bấm máy của muôn vàn người cầm máy khác nhau. Nó được đúc kết từ các nhà lý luận - những người đọc được ký tự mà hình ảnh viết ra, thuyết phục được chính những nhà nhiếp ảnh và những ai bước đầu cầm máy.

Đào tạo nhiếp ảnh không có nghĩa là chỉ dạy nghề đơn thuần nhằm cho ra lò các “phó nháy”. Kiến thức nhiếp ảnh ở Việt Nam cũng đã và đang được đưa vào thành môn học cơ sở ngành của các ngành thuộc xã hội nhân văn Đại học Quốc gia, Đại học Văn hóa, có mã ngành tuyển sinh tại học viện Báo chí - Tuyên truyền và một số ngành đặc thù khác...

Từ năm 1998, Khoa Nghệ thuật Điện ảnh, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã bắt đầu đào tạo nhiếp ảnh hệ cao đẳng, năm 2002 chính thức đào tạo chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật hệ đại học chính quy. Đến năm 2005, Khoa Nhiếp ảnh ra đời đã trở thành điểm hẹn của nhiều giảng viên có uy tín, các nhiếp ảnh gia cùng các nhà hoạt động nghệ thuật nổi tiếng trong nước, các chuyên gia nước ngoài. Qua hơn 20 năm đào tạo, hàng trăm cử nhân nhiếp ảnh đã thành nghề và đang vững vàng đảm nhận nhiệm vụ sáng tác, hoạt động báo chí hoặc trong các lĩnh vực văn hóa xã hội khác. Nhiều sinh viên và cựu sinh viên đã và đang góp mặt trong các Triển lãm nhiếp ảnh hàng năm bằng các tác phẩm được trưng bày, các giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế. Năm học 2015 - 2016, chuyên ngành Nhiếp ảnh báo chí ra đời. Đến năm học 2018 - 2019 trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã tuyển sinh Nhiếp ảnh truyền thông đa phương tiện.

Sinh viên nhiếp ảnh trường Đại học Sân khấu Điện ảnh không chỉ được dạy các kỹ năng lấy hình của một người chụp ảnh thành thạo mà còn được trang bị kiến thức tư duy tạo hình, tư duy thẩm mỹ để cảm nhận vẻ đẹp đúng nghĩa từ hơi thở cuộc sống. Đào tạo nhiếp ảnh trình độ đại học không chỉ cung cấp cho xã hội những người có khả năng sáng tác ảnh mà còn có trình độ, làm chủ chuyên môn trong các lĩnh vực sáng tác nhiếp ảnh, báo chí, sự kiện cũng như tham gia các công việc truyền thông đại chúng khác.

Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng qua hơn 20 năm, sinh viên nhiếp ảnh ra trường trở thành phóng viên ảnh chiếm số lượng lớn hơn cả, số lượng đáng kể khác làm các lĩnh vực ảnh dịch vụ, chụp mẫu, thời trang hoặc kinh doanh các sản phẩm có sử dụng hình ảnh. Có người vẫn đạt được ước mơ trở thành nghệ sĩ trên cơ sở trải nghiệm từ tác nghiệp báo chí, có người trong các các hoạt động nghề nghiệp khác liên quan đến nghề nhiếp ảnh vẫn không ngừng sáng tác.

Hội NSNA Việt Nam ngay từ ngày đầu tiên đã ủng hộ và đồng hành cùng cơ sở đào tạo nghệ thuật nhiếp ảnh hệ đại học đầu tiên của Việt Nam. Trong đội ngũ giảng dạy những lứa sinh viên nhiếp ảnh, các lãnh đạo Hội, các Nghệ sĩ Nhiếp ảnh uy tín, các nhà lý luận nhiếp ảnh có uy tín đã và đang là chỗ dựa vững chắc về mặt lý thuyết cho các chương trình đào tạo, nhất là trong lĩnh vực nhiếp ảnh báo chí. Năm 2018, Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội được thành lập với 6/7 hội viên là giảng viên đã được đào tạo và trưởng thành từ chính khoa Nhiếp ảnh. Trung tâm lưu trữ và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam cũng là điểm đến của các nghệ sĩ giảng viên, sinh viên tại các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế cũng như các buổi học chuyên đề về lịch sử nhiếp ảnh cũng như các phong cách sáng tác.

Bên cạnh những thuận lợi, việc đào tạo nhiếp ảnh vẫn phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ đã và đang đặt ra. Đội ngũ giảng viên trẻ có trình độ cao về chuyên ngành cũng như đạt các tiêu chuẩn sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn chưa nhiều.

Hiện khoa có 6 giảng viên trẻ nhưng phải vừa quản lý, vừa giảng dạy bộ môn cho 9 lớp học của 3 chuyên ngành. Mặt khác, một Nghệ sĩ Nhiếp ảnh có nhiều thành tích trong nước và quốc tế cũng chưa hẳn sẽ là nhà sư phạm tốt. Có nghệ sĩ chỉ thích ứng với từng buổi nói chuyện chuyên đề hơn là hàng tuần phải lên lớp theo thời khóa biểu. Có nghệ sĩ lên lớp 1-2 buổi đã trút hết kiến thức từ cổ chí kim, đến các buổi sau trước sinh viên lại lặp lại các vấn đề đã nói. Cái tôi của người nghệ sĩ rất cần thiết, nhưng diễn đạt cái tôi của mình để phủ nhận các giảng viên khác trước số đông sinh viên trong buổi bảo vệ tốt nghiệp lại rất không cần thiết trước các sinh viên trẻ. Đào tạo nhiếp ảnh chuyên nghiệp không có nghĩa thuyết giảng những kiến thức mông lung của các vấn đề đương đại nhưng lại trình bày sản phẩm hình ảnh của mình bằng ảnh minh họa chụp tự động. Mặt khác, truyền đạt kiến thức chuyên ngành cũng không chỉ bằng cách thông tin về thiết bị của hãng nọ, hãng kia.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đòi hỏi những kiến thức mới cùng các chuẩn mực kỹ thuật mới. Các khái niệm, thuật ngữ về ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí, về thể loại vẫn còn gây bàn cãi trong các hoạt động nghề nghiệp khiến sinh viên đôi lúc không biết tin vào đâu, nghe ai. Các khuynh hướng sáng tác đương đại từ ảnh hưởng nước ngoài đem lại nhiều mới lạ nhưng cũng khiến các bạn trẻ đang học tập chưa đủ bề dày kiến thức và thực tiễn sáng tác dễ đi chệch hướng cơ bản. Các hình thức truyền thông đa phương tiện đòi hỏi cả người dạy lẫn người học cùng phải cập nhật thông tin và những kiến thức trong đời sống xã hội.

Cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra từng ngày, tác động đến mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và đời sống con người cụ thể. Người đào tạo nhiếp ảnh không chỉ là những là đường dẫn (link) mở hướng cho thế hệ sau tới những trang kiến thức cần tìm, sách cần đọc mà còn là người thẩm định đầu tiên những bài tập manh nha mang tính tác phẩm cho các em. Khác với người Nghệ sĩ Nhiếp ảnh có thể sớm thấy thành quả lao động nghệ thuật của mình ngay sau khi bấm máy, kiến thức truyền đạt của những người đào tạo nhiếp ảnh không thể đơm hoa kết trái trong ngày một ngày hai. Chỉ khi các thế hệ học trò tương lai thành công bằng các tác phẩm có ý nghĩa, hoặc thành đạt trong hoạt động nghề nghiệp thì người giảng viên đào tạo nhiếp ảnh hôm nay mới thật sự hoàn thành nhiệm vụ.

NSƯT, NSNA Phạm Thanh Hà


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Đào tạo Nhiếp ảnh dễ hay khó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO