Chiếc máy ảnh và cuộc chiến không tiếng súng...

Chiếc máy ảnh và cuộc chiến không tiếng súng...

03:00 09/10/2020

NAĐSO - Triển lãm và ra mắt sách ảnh với chủ đề “Tinh thần Việt và cuộc chiến  chống đại dịch Covid - 19” của NSNA Nguyễn Á được khai mạc trưng bày ở Thành phố Hồ Chí Minh (12/09/2020) và Thủ đô Hà Nội (19/09/2020) sau khi dịch Covid tại Việt Nam được khống chế. Bộ ảnh được thực hiện gần nửa năm từ tháng 2 đến tháng 6/2020, tại nhiều “điểm nóng” về Covid-19 trên cả nước. Tất cả được ghi lại một cách chân thực, nhân văn và đầy tính nghệ thuật qua ống kính NSNA Nguyễn Á.

Các chiến sĩ và các y bác sĩ đang thực hiện đo thân nhiệt và phát khẩu trang cho các công dân từ vùng dịch Trung Quốc trở về
​thực hiện cách ly y tế trong khu cách ly tại Trường Chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai

Triển lãm ảnh chứa đựng nhiều điểm nhấn thú vị, những nụ cười hạnh phúc lan tỏa, những  giọt nước mắt sẻ chia hòa quyện đã tạo thành nguồn động lực, truyền cảm hứng hướng mỗi trái tim tìm đến những hoài bão lớn, tìm chốn biển rộng - trời cao vẫy vùng, để một ngày nào đó có thể tự hào “ta đã sống một cuộc đời không uổng phí”… 

Trong thời sự có nghệ thuật trong nghệ thuật có thời sự

Trước mắt người xem là cuộc triển lãm ảnh được tác nghiệp trong hoàn cảnh đặc biệt, rất nhiều năm mới xảy ra một lần, nóng hổi đậm đà chất liệu thời sự - xã hội nhưng không kém phần nghệ thuật, đồng hành máu thịt với cuộc sống của toàn dân. Gần 400 bức ảnh đã định hình rõ nét phong cách sáng tác NSNA Nguyễn Á: Trong thời sự có nghệ thuật - Trong nghệ thuật có thời sự.

Dấn thân vào cuộc chiến không tiếng súng, trước diễn biến phức tạp khó lường của giặc không lộ mặt, để tránh phát tán bệnh dịch ra cộng đồng tác giả đã luôn phải ý thức cao độ: tự giác cách ly với cuộc sống gia đình, thực hiện tối đa giãn cách với xã hội, đồng thời tuân thủ triệt để quy định phòng hộ cá nhân thiết yếu tại khu vực điều trị cách ly với người bệnh, với những đối tượng có khả năng lây nhiễm.

Trực diện với cuộc chiến chống đại dịch Covid -19 do virus Sars - Covid 2 gây ra ngay từ thời điểm khởi đầu - ngày 23 tháng 01 năm 2020 (nhằm 29 Tết) - những chi tiết sống động, lôi cuốn trong từng bức ảnh đã phản ánh khá toàn diện một hiểm hoạ lớn chưa từng có tiền lệ, cho thấy chủ trương điều hành đúng đắn của Chính phủ, tinh thần đồng tâm; hiệp lực của toàn quân - toàn dân được nhiều báo chí quốc tế khen ngợi là “Tấm gương sáng chói và hy vọng”, là “Nguồn động viên lớn lao” trên toàn thế giới.

Trong hành trình hơn 100 ngày thực hiện “giãn cách xã hội” Tổ quốc đã hòa bình nhưng "Chống dịch như chống giặc" là phương châm của nhân dân cả nước. Ống kính giàu tính phóng sự của NSNA Nguyễn Á đã ghi nhận được tinh thần và hành động vào cuộc quyết liệt của các lực lượng y tế, quân đội, công an, các nhà khoa học, truyền thông - báo chí, đặc biệt là tấm lòng nhân ái, nhường cơm sẻ áo, cảm thông chia sẻ ngọt bùi của toàn dân.

NSNA Nguyễn Á chia sẻ trong buổi triển lãm ảnh và ra mắt sách "Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch Covid 19"
tại Thủ đô Hà Nội (ngày 19/09/2020)

Với lòng yêu nghề, sức khỏe bền bỉ và bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng NSNA Nguyễn Á đã ra tuyến đầu, tận biên giới ráp ranh Trung Quốc, các tỉnh thành có ổ dịch trọng điểm từ Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh cho tới các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Dã chiến Củ Chi… hoặc ngay tại địa phương nơi cư trú ghi nhận một cách trực quan cuộc chiến chống dịch Covid-19. Bằng nhiều phương tiện di chuyển, NSNA Nguyễn Á đã khiến người xem không khỏi kinh ngạc khi thấy ống kính của anh có mặt tại hầu hết những điểm nóng để ghi lại hàng ngàn bức ảnh. Đặc biệt, mức độ biến hóa, chọn lọc của các góc nhìn đã cho thấy ở anh sự trưởng thành táo bạo từ bố cục đến phương thức tạo hình. Nhìn ở góc độ chuyên môn NSNA Nguyễn Á đã tự nguyện cầm máy ảnh ra tuyến đầu như một chiến sĩ?

Sáng tỏ phẩm chất yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình - Những giá trị đặc trưng của dân tộc

Ngắm nhìn từng bức ảnh, người xem có dịp sống chậm lại, cảm nhận được ý nghĩa ẩn chứa phía sau. Mỗi hình tượng đều làm người xem xúc động, góp phần làm sáng tỏ thêm phẩm chất yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt khó, nghĩa tình - những giá trị đặc trưng của dân tộc.

Đó là đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng - những người hùng thầm lặng đã không quản ngại ngày đêm trực tiếp chiến đấu với chủng bệnh mới và nguy hiểm. Đó là những cán bộ, chiến sĩ - bộ đội, công an chấp nhận gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhường doanh trại để tiếp nhận người cách ly, dựng hàng chục ngàn lều bạt “ăn lán, ngủ rừng”. Đó là những cây “ATM gạo”, “ATM khẩu trang’ chia sẻ với người dân có hoàn cảnh khó khăn… Tinh thần trách nhiệm và nỗ lực quên mình của họ xứng đáng được tôn vinh với những mỹ từ tốt đẹp nhất, những lời tri ân sâu sắc nhất trong cuộc phòng chống và bước đầu chiến thắng Covid - 19, một đại dịch gây hậu quả tổn thất nặng nề cho nhiều quốc gia mang tầm thế kỷ.

Chốt kiểm soát của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, Lào Cai trong một khu rừng sâu giáp biên giới Trung Quốc,
vào chiều ngày 09/02/2020



Hai điều dưỡng chăm sóc các cháu bé sơ sinh đang điều trị trị tại Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh
tại Bện viên Phụ sản Trung ương trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam

Những khoảnh khắc không thể tái hiện

Xây dựng được lòng tin với các đơn vị tác nghiệp, thông qua những người thật - việc thật giàu sức sống, hành trình theo dấu Covid - 19 của NSNA Nguyễn Á còn góp phần khẳng định một chân lý: Sức mạnh tuyệt đối của Nhiếp ảnh vẫn luôn ở “Khoảnh khắc bấm máy quyết định không thể tái hiện”, đồng thời tài nguyên phong phú nhất để ống kính máy ảnh suốt đời theo đuổi, khai thác vẫn chính là đồng hành với “hiện thực cuộc sống” của nhân dân. Đây cũng chính là “con át”, hướng đi chủ đạo của Nhiếp ảnh Việt Nam đương đại?

Thâu đêm suốt sáng bám sát sự kiện theo đúng nghĩa đen, triển lãm và cuốn sách ảnh “Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch Covid - 19” NSNA Nguyễn Á đã góp phần lưu lại những tư liệu ảnh giá trị cho lịch sử, là tài liệu giúp các nhà khoa học nghiên cứu thực tiễn, tìm hiểu các giải pháp trong tương lai, đồng thời quan trọng hơn những khoảnh khắc trong ảnh đã góp phần làm cho tầm vóc Việt Nam, tâm hồn Việt Nam cao lớn hơn - đẹp hơn, bản lĩnh Việt Nam được khẳng định hơn trên trường quốc tế.

Triển lãm đã được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, vào ngày 12/09 - 15/09/2020 và tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 19/09 - 21/09/2020.

Ảnh: NSNA Nguyễn Á
Bài: NSNA Lê Xuân Thăng
 - 
Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Chiếc máy ảnh và cuộc chiến không tiếng súng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO