Yên Bái nỗ lực khắc phục thiệt hại nông nghiệp do lũ

Thanh Miền|17:17 27/09/2024

(NADS) - Thiên tai không chỉ cướp đi tài sản, mà còn cướp đi nhiều hy vọng về một mùa vụ bội thu của người nông dân đã một nắng hai sương trên khắp những cánh đồng. Nhưng với ý chí và nghị lực cùng sự cần cù, chịu khó, người dân Yên Bái đang quyết tâm bắt tay vào khôi phục lại sản xuất.

Cơn bão số 3 qua đi để lại thiệt hại nặng nề cho tỉnh Yên Bái. Hoàn lưu của cơn bão số 3 đã gây ảnh hưởng trực tiếp các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Khu vực dọc sông Hồng (gồm các huyện Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái), mưa lớn cùng với lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Hồng đổ về gây ngập úng kéo dài, đặc biệt trên địa bàn thành phố Yên Bái có 15/15 phường, xã bị ngập, trong đó có 8 xã, phường bị ngập hoàn toàn, huyện Trấn Yên có 12 xã bị cô lập do ngập nước và nhiều xã của huyện Văn Yên ngập sâu.

W_1f7a7901-cham-thanh-long.jpg
Người dân chăm lại cây thanh long ở xã Tuy Lộc 
W_dji_0259-canh-dong-buoi-bi-tan-pha.jpg
Cánh đồng bưởi bị tàn phá ở xã Đại Minh 
W_1f7a7795-buoi-rung-duoi-cac-cay.jpg
Bưởi rụng đầy dưới các cây (xã Đại Minh)

Qua thống kê, tỉnh Yên Bái đã thiệt hại 7.006,38 ha cây trồng do ảnh hưởng bão số 3, trong đó: lúa 3.097,93 ha; ngô, rau màu 1.610,99 ha; cây công nghiệp, cây ăn quả (dâu, quế, chè, đao riềng...) 853,1 ha; cây lâm nghiệp 1.444,4 ha. Về chăn nuôi, trên 336.000 con gia súc, gia cầm bị chết; 1.070,4 ha ao nuôi cá truyền thống bị lũ tràn qua, vỡ bờ. Bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3, gia đình bà Vũ Thị Liên ở thôn Bình Minh, xã Y Ca, huyện Trấn Yên có 2 ha mẫu đất thuê để trồng lúa, trồng ngô, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Cùng với đó là nuôi 7 nong tằm đang nuôi ăn duỗi ở ngày thứ 5. Cơn bão đi qua, gia đình bà Liên đã trắng tay. Bà Liên giọng buồn bã nói: “Buồn lắm nhưng chúng tôi cũng vẫn phải động viên nhau cố gắng, khắc phục khó khăn, dọn dẹp vệ sinh để ổn định cuộc sống. Huyện cũng đã cử cán bộ khuyến nông xuống hỗ trợ, hướng dẫn bà con nông dân tỉa cây dâu để nhanh phục hồi phục vụ cho việc nuôi tằm trở lại. Hiện tôi và bà con người dân trong xã đang tỉa cành bị khô, chết do ngập úng để lại những phần đang mọc mầm và ra lá”.

W_1f7a7755-vien-khoa-hoc-ky-thuat-nong-nghiep-vn-hoc-vien-nong-nghiep-vn-cung-so-nong-nghiep-lanh-dao-huyen-kiem-tra-huong-dan-ho-tro.jpg
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, học viện nông nghiệp Việt Nam cùng Sở Nông nghiệp, lãnh đạo huyện kiểm tra hướng dẫn hỗ trợ người dân ở xã Đại Minh

Còn thành phố Yên Bái, nhiều diện tích lúa và hoa màu bị bùn vùi lấp, củi gỗ từ nhiều nơi trôi dạt khiến cho diện tích đất canh tác của bà con người dân không thể trồng cấy. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc, TP Yên Bái cho hay: “Hiện nhiều diện tích đất canh tác bị lũ, bùn vùi lấp chưa thể canh tác được. Có một phần nhỏ diện tích ruộng bà con đã cào lên luống để cấy hoa màu. Phần ruộng còn lại do bùn sâu thì phải mất ít nhất 2 tuần, có những khu vực phải hết năm nay mới xử lý bùn, đất xong để cho vụ mùa mới. Dự tính thiệt hại của xã Tuy Lộc do lũ trong thời gian qua lên đến gần 90 tỷ đồng, trong đó trang trại lợn trên địa bàn bị thiệt hại sơ bộ khoảng gần 40 tỷ đồng”.

W_1f7a7895-trong-rau-khac-phuc-sau-lu-tai-xa-tuy-loc.jpg
Trồng rau khắc phục sau lũ tại xã Tuy Lộc
W_1f7a7573-thu-hoach-lua-sau-bao-lu-xa-vu-linh-huyen-yen-binh.jpg
Thu hoạch lúa sau bão lũ xã Vũ Linh, huyện Yên Bình

Ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã khiến 90 ha bưởi của các thôn: Khả Lĩnh, Minh Thân, Cầu Mơ, xã Đại Minh, huyện Yên Bình có dấu hiệu chết do bị ngâm trong nước nhiều ngày. Số diện tích bưởi bị rụng lá, rụng quả và chết hàng loạt đến gần 30 ha. Nhiều cây bưởi chuẩn bị thu hoạch giờ quả rụng đầy gốc, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân. Bà Phạm Thị Yên, thôn Minh Thân, xã Đại Minh cho biết: “Toàn bộ 150 gốc bưởi của gia đình bị ngập chìm trong nước do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3. Sau khi nước rút, bưởi có dấu hiệu cháy lá, rụng quả và bị chết khô. Hàng nghìn quả bưởi sắp cho thu hoạch rụng đầy gốc theo con nước xếp hàng ngay ngắn. Thực sự người dân rất buồn và chán nản. Không làm ngơ trước những thiệt hại của người dân, chính quyền địa phương đã cùng cơ quan chức năng và các chuyên gia về nông nghiệp đã đến hướng dẫn, hỗ trợ bà con để cứu cây trồng. Ông Lã Tuấn Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: “Trong những ngày qua, địa phương cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái mời các nhà khoa học đầu ngành về cây ăn quả có múi, hiện Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã lên với bà con xã Đại Minh cùng với cấp ủy chính quyền đến kiểm tra các vườn bưởi bị thiệt hại để kịp thời có giải pháp khắc phục nhằm giảm thiểu mức thấp nhất các cây bưởi bị chết do ngập nước”.

W_1f7a7444-can-bo-khuyen-nong-huyen-tran-yen-huong-dan-ba-con-cach-cham-soc-dau-tam-sau-lu-copy.jpg
Cán bộ Khuyến nông huyện Trấn Yên hướng dẫn bà con cách chăm sóc dâu tằm sau lũ
W_1f7a7440-dau-tam-bi-ngap-copy.jpg
Dâu tằm bị ngập ở xã Y Can

Việc khôi phục, tái sản xuất sau thiên tai cần nhiều thời gian, công sức. Trong khi chờ những chính sách hỗ trợ đặc thù từ Trung ương, với tinh thần đồng hành cùng nông dân khắc phục sớm nhất thiệt hại, các địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp cùng nông dân sớm khôi phục, tái thiết sản xuất nông nghiệp; khẩn trương thu dọn rau màu bị ngã đổ, bón phân cho diện tích có khả năng phục hồi; tranh thủ trời nắng làm đất, trồng lại vụ mới, chuẩn bị cung ứng cho thị trường dịp cuối năm.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Yên Bái nỗ lực khắc phục thiệt hại nông nghiệp do lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO