Xu hướng phát triển Nghệ thuật Nhiếp ảnh

12:33 06/10/2020

NAĐSO - 



Tác phẩm: Ngọn đồi Moravian (Moravian hills)
Tác giả: Grzegorz Lewandowski (Ba Lan)
Giải Danh dự VAPA (Cuộc thi ảnh quốc tế VN-19)

Trong thời gian qua, có một số ý kiến mang nặng tư tưởng cá nhân, khiến bạn đọc quan tâm. Trả lời phóng viên một tờ báo, một nhà nhiếp ảnh nói: “Tôi không chụp cho đại chúng, mà chụp cho tôi”. Xem ra vị nghệ sĩ này chụp ảnh không “vì nhân sinh”, mà chủ yếu nhằm thỏa mãn “cái tôi” cá nhân. Đáp lại câu hỏi tiếp của phóng viên: “Ông có cảm thấy cô đơn, khi một mình lầm lũi theo lối riêng?”. Nghệ sĩ trả lời: “Ở đâu mà chẳng có sự cô đơn. Văn hóa càng sâu và cao, ngày càng trống vắng, văn hóa xô bồ ngày càng đông vui”. Rõ ràng đó là tư tưởng miệt thị.

Đặc biệt trên một tạp chí nọ, đăng một bài dưới đầu đề “Góp thêm một tiếng chuông”, tác giả viết: “Đã coi nhiếp ảnh là một nghệ thuật, thì có khác gì các bộ môn nghệ thuật khác như hội họa, sân khấu…”. Để khẳng định lập luận của mình, tác giả đã dẫn lời đại thi hào Johann Wolfgang von Goethe người Đức: “Nếu ta vẽ giống một con chó, ta sẽ có hai con chó, còn nghệ thuật thì không”. Đành rằng hội họa và nhiếp ảnh đều là nghệ thuật mô tả không gian 3 chiều lên mặt phẳng 2 chiều, ngoài ra còn có sự tương đồng về màu sắc, bố cục, đường nét, phối cảnh… Nhưng cần nhớ rằng: Bản chất nghệ thuật nhiếp ảnh là phản ánh hiện thực khách quan. Nhiếp ảnh chỉ ghi được cái nhìn thấy, cái sờ thấy – cái vật chất. Chẳng hạn khi chụp một con chó, nghệ thuật nhiếp ảnh không chỉ là công cụ ghi chép nguyên bản hình hài đối tượng mà còn thổi vào đối tượng chất thơ, cái đẹp, làm cho hiện thực (đối tượng) thăng hoa, đẹp hơn cái có thực, đem đến cho người xem sự rung cảm. Chính đó là bản chất của nghệ thuật nhiếp ảnh. Vì con chó được nhà nhiếp ảnh chụp đẹp hơn con chó thật ngoài đời, được người xem tấm tắc khen. Vậy đâu phải là “2 con chó” mà là một con chó và một tác phẩm. Mặt khác, hội họa có thể vẽ cái trong mơ, cái không nhìn thấy, cái tưởng tượng, cái phi vật chất… Đó là những điểm khác biệt giữa hội họa và nhiếp ảnh.

Khi đất nước bị xâm lược, kẻ thù buộc ta phải đứng lên cầm súng chiến đấu, giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhiếp ảnh Việt Nam đã không ngần ngại đi vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp, để lại cho đời biết bao tác phẩm sinh động: “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ “Xung phong”, hay “Bác Hồ quan sát mặt trận Đông Khê” và rung động biết nhường nào khi nhìn bộ ảnh “Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ do tướng De Castries bị bộ đội ta bắt sống”…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các chiến sĩ cầm máy ảnh tỏ ra xứng đáng với thế hệ đàn anh đi trước. Họ đã ghi lại những hình ảnh không bao giờ quên: “Chạy đâu cho thoát”, “O du kích nhỏ”, “Chiếm căn cứ Đầu Mầu”… Đặc biệt chiến thắng 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không Hà Nội”, pháo đài bay Mỹ cháy đỏ rực trời đêm Hà Nội. Cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam chống Mỹ - Ngụy, cũng được các nhà nhiếp ảnh phản ánh khá sinh động với hình ảnh “Đi tải đạn”, “Du kích Củ Chi”, “Xe tăng quân Giải phóng đánh chiếm dinh Độc Lập”, sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn, lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975.

Ngày nay, đất nước độc lập, thống nhất, nhân dân ta đang ra sức lao động xây dựng đất nước, mọi sáng tạo của nhiếp ảnh đã phản ánh đầy đủ công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế do Đảng Cộng sản Việt Nam đề xướng và lãnh đạo. Điều đó chứng tỏ rằng, nghệ thuật nhiếp ảnh không chỉ phản ánh hoàn cảnh dân tộc, những sự kiện dân tộc, mà còn góp phần giải quyết vấn đề dân tộc.

Có người cho rằng, trong quá trình phát triển, nhiếp ảnh được thừa hưởng những thành tựu khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các ứng dụng phần mềm photoshop kỹ thuật số. Vấn đề đặt ra là nhiếp ảnh ứng dụng photoshop như thế nào để phù hợp với tính chất cơ bản của nghệ thuật nhiếp ảnh là phản ánh hiện thực khách quan? Tuy vậy, không thể dùng phần mềm photoshop để làm thay đổi nội dung hình thức của đối tượng phản ánh, tạo ra một sản phẩm giả, đánh lừa công chúng, nhằm mua vui con mắt người xem, mà bức ảnh “Mùa xuân” là một ví dụ điển hình.

Từ xa xưa các bậc tiền bối đã dùng kỹ xảo thủ công buồng tối, để làm đẹp cho tác phẩm của mình, bằng cách điều chỉnh màu sắc, tăng độ tương phản, làm mờ bối cảnh, để làm nổi bật chủ đề… nhưng vẫn giữ được “linh hồn, cốt cách” của tác phẩm, tức là giữ được tính chất hiện thực khách quan của đối tượng mô tả.

Tóm lại dù dùng phần mềm photoshop, hay các biện pháp kỹ xảo, hoặc dùng các hiệu ứng kỹ thuật… điều quan trọng nhất là phải giữ cho được tính hiện thực khách quan của đối tượng chụp. Khi nhiếp ảnh đã rời buồng chụp, đi vào phản ánh cuộc sống, thì vấn đề dàn dựng, bố trí như bức ảnh “Biển kết hoa”, “Nguyện cầu”… trở nên lỗi thời, không thể chấp nhận được. Xu hướng nhiếp ảnh hiện đại là chụp trong khoảnh khắc, nó là một lát cắt tiêu biểu trong dòng thác sự kiện.

Ảnh nghệ thuật trước hết là một tác phẩm phản ánh hiện thực. Đó là thuộc tính cơ bản của nghệ thuật nhiếp ảnh mà không một ngành nghệ thuật nào sánh nổi.

Để tạo nên một bức tranh thực tại sinh động, cuốn hút người xem, đòi hỏi nhà nghệ sĩ phải thể hiện nó với cái tâm, tức là phản ánh cái “chân” phải gắn liền với cái “thiện”, cái “mỹ”, với hoài bão xây dựng một cuộc sống, một xã hội tốt đẹp hơn, lương thiện hơn và nhân văn hơn.

Nhà LLPB NA Mạnh thường


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Xu hướng phát triển Nghệ thuật Nhiếp ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO