1000 năm trải qua các thời kỳ (từ Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Lê Mạt, Nguyễn) hình tượng rồng đã có nhiều thay đổi, từ tạo hình, bố cục, chất liệu.
Dễ nhận thấy những nét chính như sau: Rồng Lý mượt mà, tinh tế, uốn lượn mềm mại. Rồng Trần nhìn bề mặt thì giống Lý nhưng tinh thần thì khác, thô và khỏe hơn. Rồng Lê sơ chú trọng chi tiết, cụ thể, ít chất trang trí cách điệu. Rồng Mạc bỏ hẳn lối uốn khúc hình sin của Lý Trần tuy ít uốn lượn nhưng vẫn mềm mại, gây cảm giác mộc mạc giản dị. Rồng Lê Trung Hưng và Lê Mạt có hai đột phá là phần thân ở đoạn giữa có thêm một nhịp võng xuống tạo thành hình yên ngựa và thứ hai là hình mây lửa ở đuôi, bờm hoặc kết hợp rồng và những đám mây lửa hòa cùng nhau. Rồng Nguyễn là vẻ đẹp của cầu kỳ, kỹ lưỡng, chau chuốt.
Hàng năm nhóm họa sỹ G39 tại Hà Nội thường vẽ con giáp để chào đón năm mới, triển lãm năm nay rất đặc biệt vì hình tượng con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phượng). Xa xưa với truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên, rồng là niềm tự hào về dòng giống, cội nguồn của người Việt. Hình tượng rồng đặc biệt còn lưu giữ trên nhiều tác phẩm điêu khắc, trạm đá, phù điêu gỗ...vô cùng đặc sắc trong nghệ thuật Phật giáo VN, trong tranh dân gian Đông Hồ.
Hoạ sĩ Bình Nhi là một trong những thành viên lâu năm của nhóm G39 cho biết năm nay chị tham gia 8 tác phẩm chủ đề vẽ múa rồng và hoa, với bút pháp trừu tượng, màu sắc tươi vui. “Con rồng tranh tôi vẽ dựa theo ý tứ của tranh Chuột múa Rồng dân gian Đông Hồ. Bức tranh phản ánh hoạt động vui chơi múa rồng qua phương thức nhân hóa cả đám rước toàn là chuột, hân hoan nhảy múa, thổi kèn, đánh trống, gõ phèng la... cờ giong trống mở múa rồng đón xuân vui tết. Bức tranh bút pháp phóng khoáng và màu tươi vui thể hiện sự khát khao hoà bình, cầu cho mưa thuận gió hoà, cuộc sống bình an, no đủ. Một số tranh tôi vẽ hoa, ngày Tết sắp đến khắp chợ quê, chợ ngõ hẻm trong các con phố tràn ngập sắc hoa chào đón mùa xuân. Với bút pháp trừu tượng chấm phá các mảng màu, mảng hình tươi tắn chào đón năm mới Giáp Thìn với mong ước năm mới sẽ sung túc, hạnh phúc và may mắn đến mọi nhà.” – Hoạ sĩ Bình Nhi giải thích về các tác phẩm của mình.
Qua phỏng vấn về giá thành tác phẩm có quá cao so với khách hàng hay không và thẩm mỹ của những khách tham quan triển lãm, hoạ sĩ Bình Nhi chia sẻ: “Những triển lãm thường niên đa phần là khách người Việt, theo cá nhân tôi nhận thấy là đương nhiên các nhà sưu tập người Việt rất đông và đa phần họ có thẩm mỹ, có kiến thức sâu rộng về hội họa. Hơn cả, họ thật sự rất tế nhị khiêm tốn và rất thân thiện cởi mở với họa sỹ. Khi cần thiết họ chia sẻ thẳng thắn, bởi các nhà sưu tập xem tranh là xem người vẽ, xem mình. Họ mua tranh không hẳn riêng giá trị bức tranh đó mà còn vì trong đó chứa đựng cuộc sống người nghệ sỹ, cuộc sống của xã hội. Về giá tranh thì cá nhân tôi khẳng định người Việt sẵn sàng sở hữu những tác phẩm họ yêu thích với mức giá cao.”
Triển lãm “Rồng” đón chào Tết Nguyên Đán năm nay với 95 tác phẩm đa dạng về chất liệu như: Sơn mài, tổng hợp trên giấy canson, acrylic trên toan, sơn dầu, xé giấy, acrylic trên giấy lokta, acrylic trên sợi thủy tinh, lụa, tổng hợp trên toan, sơn mài trên vải, bột màu trên vải màn bồi giấy dó, sắt, sơn dầu trên toan, acrylic trên toan , gốm, bột màu trên giấy báo, v.v.. Hy vọng rằng các tác phẩm đặc sắc của nhóm hoạ sĩ G39 được tuyển chọn kỹ lưỡng trong triển lãm “Rồng” sẽ mang lại những trải nghiệm tuyệt mỹ về nhãn quan cũng như thoả mãn nhu cầu được sở hữu những tác phẩm đặc sắc của các nhà sưu tầm và khách hàng nghệ thuật.
Khai mạc triển lãm: 17h, Thứ Tư, 24/01/2024
Tại: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.
Triển lãm trưng bày từ ngày 24/01 đến hết ngày 30/01/2024