Triển lãm hội hoạ “Ơn” - cùng “con mắt” thời gian của nhà thờ chính toà Hà Nội đón chào năm mới

Bảo Trân|15:15 30/12/2023

(NADS) - “Ơn” là lời chào năm mới 2024 bằng các tác phẩm hội hoạ của nhóm họa sĩ G39 do Son Art Gallery & Gallery39 cùng tổ chức. Triển lãm hội hoạ “Ơn” lấy cảm hứng từ “Tết Giáng Sinh”, từ “mùa sinh” với hy vọng một năm mới an lành.

z5022363980569_c0c85224e06842bebc00f0cc909e4eff.jpg
“Nắng trên thánh đường” – Hoạ sĩ Lâm Đức Mạnh.

Tôn giáo nào đi chăng nữa muốn tồn tại được mấy ngàn năm như vậy là vì cái Đạo đó đã Đời hoá bằng những lễ hội, phong tục, tập quán, thói quen, văn hoá. Con thuyền nghệ thuật đã chở giáo lý của Kinh Thánh đi xa và đến với số đông, cả lương và giáo. Sự kiện này bắt đầu tổ chức từ trước ngày Giáng sinh để cùng nhau chia tay một năm sắp qua đi và chào mừng năm mới đến, tại triển lãm trưng bày gồm 32 tác phẩm trên các chất liệu: Sơn dầu, Acrylic trên giấy gạo, Acrylic trên toan, bột màu vải màn bồi giấy dó, bột màu báo cũ và các chất liệu tổng hợp khác, được tổ chức tại Son Art & Culture Space, 20C Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội. Với sự tham gia của 11 hoạ sĩ: Bình Nhi, Nguyễn Hồng Phương, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Minh, Nguyễn Thanh Quang, Phạm Trần Quân, Lâm Đức Mạnh, Doãn Hoàng Lâm, Chu Hồng Tiến, Lê Thiết Cương, Đỗ Dũng.

giang-sinh-an-lanh-le-thiet-cuong-.jpg
Tác phẩm “Giáng sinh an lành” - hoạ sĩ Lê Thiết Cương.

“Chúa sáng thế còn nghệ sĩ thì sáng tạo. Các nghệ sĩ bậc thầy thế giới đều có những tác phẩm để đời lấy cảm hứng từ Thiên Chúa giáo, Michelangelo trong hội hoạ, J.S. Bach trong âm nhạc, Frank Gehry, Tadao Ando trong kiến trúc. Còn ở Việt Nam thì không thể không nhắc đến Nhà thờ Lớn Hà Nội. Nếu cái đồng hồ chữ số La Mã trên trán Nhà thờ Chính tòa này là con mắt, con mắt thời gian thì trăm năm qua đi, liệu nó có nhớ được đã biết bao người đứng trước tòa giáo đường để cầu nguyện, đọc kinh, thậm chí chỉ là chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó. Nếu lớp áo vôi xám mầu thời gian của Nhà thờ có trí nhớ thì liệu nó có lưu giữ được trong ký ức câu chuyện của biết bao thân phận đã trao gửi niềm tin của họ? Đấy là chưa kể một chút lạnh, một chút yêu đương, giai điệu mượt mà của bản Ave Maria, tiếng Kinh cầu và những hồi chuông nửa đêm… Đều là chất liệu, là nguồn cảm hứng cho nghệ thuật. Tất cả những một chút đó sẽ tạo thành cái ảo giác đầy mộng mị, nó giúp cho mỗi người có sức mạnh để làm được thêm dù chỉ là một chút gì đó tốt cho nhau, nghĩ đến nhau nhiều hơn và trở nên người hơn một chút. Ơn Chúa!” – Hoạ sĩ Lê Thiết Cương phát biểu trong triển lãm “Ơn”.

do-dung.jpg
“Tạ ơn” – Hoạ sĩ Đỗ Dũng.

Qua phỏng vấn về chủ đề của triển lãm hội hoạ lần này, hoạ sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Tất cả mọi con đường đều hướng tới một cái đích cao cả là sự thánh thiện. Đấng tối cao Jesus hay Đức Thích Ca, khái niệm Đạo của Lão tử hay Thái cực của Dịch học suy cho đến tận cùng cũng chỉ là như nhất, là cái khởi nguyên, cái ban đầu. Hoặc nói cách khác đó là sự hoá thân của đấng MỘT thành nhiều để phù hợp với các vùng văn hoá khác nhau, con người khác nhau, yếu tố địa lý và hoàn cảnh lịch sử khác nhau...”

nha-cua-chua-pham-tran-quan-.jpg
“Nhà của Chúa” - Hoạ sĩ Phạm Trần Quân.

“Ơn”- chỉ một từ nhưng bao hàm rất nhiều ý nghĩa, và không ai khác chính là hoạ sĩ Lê Thiết Cương đã đặt cái tên tối giản giống như chính phong cách hội hoạ của ông cho triển lãm này. Tất cả những tác phẩm của nhóm hoạ sĩ G39 trong dịp chào đón năm mới sắp đến đều toát lên nguồn năng lượng dạt dào sự an lành và niềm hy vọng, giống như một lời chúc được gửi bằng cái đẹp của nghệ thuật đến người yêu nghệ thuật.

z5022202663206_f57b097faa2701ea60ab629319ff9ce8.jpg
z5022202680460_668e0339b48ad923de3aaa8493017402.jpg
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương và nhóm hoạ sĩ G39 tại triển lãm “Ơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Triển lãm hội hoạ “Ơn” - cùng “con mắt” thời gian của nhà thờ chính toà Hà Nội đón chào năm mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO