Triển lãm Ảnh nghệ thuật Múa Thiên cẩu

Tin: Anh Tuấn - Ảnh: Quang Hải|08:00 23/09/2023

(NADS) - Lúc 16 giờ ngày 25/9/2023, tại Bảo tàng Văn hoá Dân gian Hội An (số 62 Bạch Đằng, TP Hội An), Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An sẽ tổ chức Triển lãm bộ ảnh Nghệ thuật Múa Thiên cẩu ở Hội An do Nhiếp ảnh gia Quảng Hải – Phó chủ tịch Hội nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố Đà Nẵng.

Đây là hoạt động chào mừng sự kiện Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch Việt Nam đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia về Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu và sự kiện Hội An đón nhân danh hiệu Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia “Tết Trung thu ở Hội An”.

W_z4718522733919_2ca122096db0b71e6135b7e2b5e58e18.jpg
Phun lửa đăng Thiên, lửa trảm Thiên Cẩu

Múa Thiên cẩu đã có từ lâu đời và phát triển mạnh từ đầu thế kỷ XX ở Hội An. Đây là hoạt động không thể thiếu trong các nghi thức trừ tà, cầu lộc và góp phần tạo không khí rộn ràng, náo nhiệt ở phố cổ tại các đêm hội Tết Trung thu, các dịp lễ hội hàng năm, các dịp khai trương hàng quán, cửa tiệm, khánh thành công trình. Từ đó, múa Thiên cẩu để lại những dấu ấn văn hóa sâu sắc trong lòng nhiều người dân phố Hội nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Trải qua thời gian, do tác động của diễn biến văn hóa ở địa phương và những hoàn cảnh khác của xã hội mà múa Thiên cẩu có giai đoạn bị mai một, tên gọi múa Thiên cẩu cũng bị nhầm lẫn với múa Lân diễn ra trong thời gian dài. Tại Hội An, từ năm 2003 đến nay, hoạt động phục hồi múa Thiên cẩu ở các góc độ nghiên cứu, chế tác, trưng bày, biểu diễn, nhiếp ảnh,... đã, đang được diễn ra.

Thực tế là từ trong giá trị văn hóa vốn có của Múa Thiên cẩu đã có những biểu tượng văn hóa và thực hành trình diễn đặc trưng dễ phân biệt với các loại hình múa Lân, Sư tử. Múa Thiên cẩu lấy hình tượng chó nhà trời, tái hiện hình ảnh linh vật nhả ra mặt trăng báo hiệu cho mùa vụ nông nghiệp tốt tươi, cuộc sống an lành. Do đó, gắn liền với múa Thiên cẩu là nghệ thuật trang trí, biểu diễn cùng nhiều nghi thức, ý nghĩa liên quan đến trừ tà khí, trừ hỏa hoạn, chúc phúc, cầu tài lộc... Về hình dáng, Thiên cẩu có chiếc đầu to được tạo bằng mây, tre, giấy, tô phết nhiều màu rực rỡ theo 5 năm màu cơ bản trong ngũ hành với màu đỏ là chủ đạo, các bộ phận của đầu Thiên cẩu đều to, có ngấn, gân trông rất hung dữ, phù hợp với việc trừ tà khí. Đuôi của Thiên cẩu khá dài, được may từ vải đỏ có bờm nhiều màu sặc sỡ, có 2 - 4 người múa đuôi như đuôi rồng. Trong khi đó, đầu Lân có kích thước vừa phải, màu sắc đa dạng, các bộ phận mềm mại hiền hòa hơn và đuôi của Lân, sư tử cũng ngắn hơn đuôi Thiên cẩu và chỉ có 2 người múa, 1 người múa đầu (múa chính), 1 người múa đuôi.

Về kỹ thuật biểu diễn, người múa Thiên cẩu di chuyển theo thế bộ tấn chữ đinh trông rất vững chãi, trong khi người múa Lân di chuyển nhẹ nhàng, linh hoạt hơn. Về cách đánh trống, nhịp trống múa Thiên cẩu chậm, trầm hùng thể hiện uy linh của linh vật trong các nghi thức tín ngưỡng là liếm cổng trừ tà, đăng thiên phun lửa, đớp trẻ trừ phong, vái lạy,… Trong khi đó, múa Lân, Sư tử có tiết tấu trống nhanh, dồn dập, sôi động, thể hiện liên tiếp các thế bộ tung, nhảy…

Từ ý niệm yêu thích loại hình trình diễn dân gian đặc trưng múa Thiên cẩu, mong muốn góp phần khôi phục hoạt động múa Thiên cẩu, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Hải đã tập trung tâm huyết, đầu tư nghiêm túc, thực hiện công trình nhiếp ảnh “Nghệ thuật múa Thiên cẩu” trong thời gian dài tại 9 di tích có giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật ở trung Khu phố cổ và 1 địa điểm là cơ sở chế tác đầu Thiên cẩu của nghệ nhân ở Hội An.

Trong đợt triển lãm này, 18 bức ảnh nghệ thuật tái hiện những giá trị đặc trưng nhất trong nghệ thuật biểu diễn, nghi lễ tín ngưỡng của múa Thiên cẩu được nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Hải chọn trao tặng cho Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa và phối hợp tổ chức triển lãm. Qua đó, gửi gắm thông điệp về giá trị văn hóa đặc sắc cũng như mong muốn bảo tồn và phát triển để Nghệ thuật múa Thiên cẩu tiếp tục là một loại hình trình diễn dân gian riêng có, duy nhất và có sức sống mạnh mẽ hơn, trong đời sống lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống xin giới thiệu một số tác phẩm trong triễn lãm của Nhiếp ảnh gia Quang Hải:

W_z4718522720960_08a3681617101c78a74950ae801faf45.jpg
Liếm cổng diệt Tà, ngậm trẻ trừ Phong
W_z4718522712538_2d2e8ad81900f3193bdd90c82c2494f0.jpg
W_z4718522702248_b031247590fb11496056b7c144cd491e.jpg
W_z4718522728800_23934694a4acdfaa95334dafc7024271.jpg
Chưng cộ vờn Mây, ăn giải cầu Lộc
W_z4718522720841_c71fd5f42be1096bfe32e81b71eeaf1d.jpg
Khai quang điểm Nhãn

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Triển lãm Ảnh nghệ thuật Múa Thiên cẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO