Trao đổi về bức ảnh đoạt Huy chương Bạc Liên hoan Ảnh khu vực Bắc Trung Bộ 2024

Theo: NB-NSNA Hoài Linh (HĐGK Liên hoan ảnh BTB)|13:05 31/08/2024

(NADS) - Trong số các tác phẩm đoạt giải Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ (ANT BTB) năm 2024, tác phẩm Huy chương Bạc “Tân binh lên đường nhập ngũ” của tác giả Từ Thành đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận nhiếp ảnh.

Trong đó hai luồng ý kiến chính được phản ánh cho rằng: “có sự nhầm lẫn của Hội đồng Giám khảo giữa 2 thể loại ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật” và “tác phẩm bị lỗi kỹ thuật về bố cục nên chưa thuyết phục”.

Huy chương Bạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ - Tác phẩm ảnh: Tân binh lên đường nhập ngũ - Tác giả: Từ Thành (Nghệ An)

   Lễ Khai mạc triển lãm và trao giải Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ khai mạc tại Hà Tĩnh vào ngày 25/8 vừa qua đã thành công tốt đẹp. Trong số gần nghìn tác phẩm gửi về dự thi, Hội đồng Giám khảo đã chọn ra được 105 tác phẩm ảnh (đơn và bộ) vào triển lãm, trong đó có 11 tác phẩm đoạt giải… 

   Năm nay, ngay sau khi Lễ khai mạc triển lãm và trao giải kết thúc, Ban Tổ chức đã tổ chức Tọa đàm về các tác phẩm đoạt giải trực tiếp tại phòng triển lãm của Liên hoan ảnh tại tỉnh Hà Tĩnh.

   Toạ đàm được tổ chức để lắng nghe các ý kiến của các tác giả, công chúng nhiếp ảnh về những góp ý, băn khoăn, thắc mắc, chưa thỏa mãn về các tác phẩm của Liên hoan (trong đó có cả tác phẩm đoạt Huy chương Bạc). NSNA Thân Nguyên, Uỷ viên Hội đồng Nghệ thuật Hội NSNA Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đã trả lời, giải thích và có những ý kiến phản biện tại buổi Toạ đàm. Ban Tổ chức cũng đã lắng nghe những góp ý, tiếp thu và cũng mong muốn được nghe thêm những ý kiến mang tính chất đóng góp, xây dựng để các kỳ liên hoan sau tốt hơn.

Đối với tác phẩm “Tân binh lên đường nhập ngũ” của tác giả Từ Thành (Nghệ An) đoạt Huy chương Bạc, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoài Linh - thành viên Hội đồng Giám khảo Liên hoan ANT KV Bắc Trung bộ (nguyên Trưởng Ban và Báo Tuổi trẻ) đã có bài viết bày tỏ quan điểm, ý kiến, trao đổi và bàn luận thêm về tác phẩm.

Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống xin gửi tới quý độc giả quan tâm:


Là một Thành viên Hội đồng Giám khảo (HĐGK) Liên hoan ANT BTB năm nay và cũng là người nhiệt tình bảo vệ quan điểm, đưa ảnh này vào giải. Tôi thấy có trách nhiệm, nêu ý kiến trao đổi lại với các anh, chị, em và đồng nghiệp trong giới nhiếp ảnh, những ai quan tâm tới vấn đề này, để rộng đường dư luận.

Cũng mong muốn qua diễn đàn này do Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống (Hội NSNA Việt Nam) tổ chức, xin được lắng nghe các góp ý phản hồi khác, nhằm mục đích góp phần xây dựng nâng cao Nhiếp ảnh Việt Nam, nâng cao chất lượng cho các cuộc thi, liên hoan ảnh tiếp theo sau này được tốt hơn…

Xin được nêu một số vấn đề sau:

Sau nhiều vòng loại chấm trực tiếp căng thẳng, cân nhắc từng bức ảnh qua các lá phiếu của HĐGK, cuối cùng đã lọc ra được 11 tác phẩm ảnh nghệ thuật vào vòng xét giải thưởng, tại cuộc thi và triển lãm  Ảnh Nghệ thuật Bắc Trung bộ 2024. Bức ảnh “Tân binh lên đường nhập ngũ “ đã tạo ấn tượng nổi bật, thu hút sự quan tâm của các thành viên ban giám khảo.

1. Tác phẩm “Tân binh lên đường nhập ngũ” mang lại cảm xúc cho người xem, thu hút ánh mắt người xem ngay từ khoảnh khắc đầu tiên.

Sau nhiều vòng loại chấm căng thẳng, cuối cùng đã lọc ra được 11 tác phẩm ảnh nghệ thuật vào vòng xét giải thưởng, tại cuộc thi Ảnh Nghệ thuật Bắc Trung bộ 2024. Bức ảnh “Tân binh lên đường nhập ngũ “ đã tạo ấn tượng nổi bật, thu hút sự quan tâm của các thành viên ban giám khảo.

Nội dung tác phẩm truyền đi thông điệp tích cực, bức ảnh chân thật làm lan tỏa ý nghĩa cuộc sống, thể hiện cảm xúc phấn khởi, tự hào, yêu nước của người thanh niên Việt Nam trong ngày nhập ngũ. Cảm xúc và ý nghĩa ảnh càng thể hiện rõ và mạnh mẽ hơn qua ống kính của tác giả bằng cách phản ánh sự tương phản giữa người con trai với người mẹ. Người con trai với nụ cười hớn hở, tự tin, trưởng thành khi được đứng vào hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam, đối lập với giọt nước mắt chia tay bịn rịn xúc động, tự hào và hạnh phúc của người mẹ trong giờ phút chia tay. Khoảnh khắc bấm máy đúng thời điểm, không dàn dựng về hình thức thể hiện trong một không gian chật hẹp, tác giả đã tập trung hết vào hình tượng nhân vật… Đây là thành công lớn nhất của tác phẩm và đã được cả 5 thành viên HĐGK cùng thống nhất đánh giá về mặt cảm xúc và nội dung.

2. Chiếc ống kính máy ảnh chèn vào góc trái của tác phẩm, liệu có làm hỏng bố cục?

Bước đầu tiên, theo tôi, chúng ta cần xác định chiếc ống kính nằm ở trong ảnh là thừa, là phá bố cục hay cũng là một phần của câu chuyện?

Xem kỹ bức ảnh, nhìn vào hướng ảnh mắt của nhân vật chính, ta có thể nhận ra cùng đứng trong đám đông người nhà của chàng trai lên đường nhập ngũ, có ít nhất hai tay máy ảnh.

Bằng kinh nghiệm có thể phán đoán được câu chuyện như sau: Đầu tiên nhà nhiếp ảnh 1 (ống kính bên trái) đề nghị chụp bức ảnh chàng tân binh với người thân và được sự đồng ý. Điều này thể hiện ở ánh mắt của nhân vật chính là chàng Tân binh và người phụ nữ bên trái đang tươi cười nhìn vào ống kính để được chụp ảnh.

Tuy nhiên, người mẹ và một phụ nữ khác thì có lẽ lúc này không còn tâm trạng nào để quan tâm đến việc chụp ảnh. Nỗi quan tâm lớn nhất của họ lúc này là đang xúc động khi phải chia tay cậu con trai “bé bỏng” ngày nào, hôm nay đã trưởng thành lên đường nhập ngũ, cảm xúc đó được thể hiện ở vòng tay người mẹ đang níu vào con và những giọt nước mắt...

Còn tay máy thứ hai chính là tác giả của tác phẩm này, người đã bấm máy kể lại khoảnh khắc của câu chuyện đầy tính nhân văn, xúc động. Điều này cũng chứng minh cho việc xuất hiện chiếc ống kính vào trong ảnh là có logic, hợp lý trong câu chuyện ảnh.

image002.jpg
Hướng mắt của nhân vật và người phụ nữ đang hướng về phía ống kính, cho thấy chiếc ống kính là một phần của câu chuyện, là điểm đến của hướng nhìn nhân vật.

Nếu ta đã xác định chiếc ống kính máy ảnh là một phần của câu chuyện. Thì câu hỏi đặt ra là, liệu chiếc ống kính máy ảnh có làm phá vỡ bố cục nội dung câu chuyện kể trên không?

Quan sát kỹ phần ống kính bức ảnh. Tôi nhận thấy tác giả thật may mắn khi ống kính trong ảnh đã nằm phía trên viền chiếc mũ tím của người phụ nữ ở rìa ảnh, không che mặt, không che cảm xúc của nhân vật này… (May mắn là vì, nếu ống kính phạm xuống khuôn mặt người phụ nữ thì bức ảnh này sẽ làm hỏng bố cục, nội dung của cảm xúc).

Tiếp tục kiểm tra, bằng phương pháp lộn ngược bức ảnh để loại bỏ phần nội dung, cảm xúc đang chi phối chúng ta, để dễ dàng đi đến xem xét phần bố cục (Theo: Tài liệu giảng dạy - Phương pháp biên tập và chọn ảnh của Nhiếp ảnh gia Mia Grondahl, FOJO, Thụy Điển, 2001).

Lúc này, khi nhìn vào ảnh và chớp mắt liên tục, chúng ta sẽ nhận thấy, nếu vật nào hiện lên trước trong mắt là nội dung chính cần truyền tải, tức là bức ảnh đó đạt yêu cầu. Và ngược lại, nếu vật hiện lên trong mắt ta đầu tiên mà không nằm trong chủ đề chính, nghĩa là bị hỏng.

W_image003.jpg
Lật ngược bức ảnh

Bằng phương pháp kiểm nghiệm thị giác nói trên, chúng ta có thể dễ dàng thấy, chiếc ống kính máy ảnh không hiện lên đầu tiên, mà chính là gương mặt và nụ cười của chàng Tân binh cùng với những người thân đang đưa tiễn hiện lên đầu tiên... Điều này cho thấy ống kính máy ảnh không phạm vào bố cục nội dung cần truyền tải của bức ảnh.

3 ảnh đen trắng bên phải là biểu đồ những vùng hút ánh nhìn và sự tập trung của ảnh bên trái khi người xem nhìn vào theo thứ tự ảnh từ 1-3. Ảnh số 1: Cánh cửa chính thu hút sự chú ý nhiều nhất, rồi đến 2 ô cửa sổ bên phải (ảnh 2) và cuối cùng là đến chủ thế 2 em bé đang đá bóng (ảnh 3). Hình minh hoạ trích dẫn trang tài liệu về hướng dẫn kiểm nghiệm thị giác bằng cách chớp mắt nhanh để kiểm tra, vật nào trong ảnh đến trước và xuất hiện đến sau (Sách: Hướng dẫn phương pháp biên tập ảnh của Anh – do Nhà xuất bản Thông tấn in và xuất bản năm 2011).

Bố cục đường nét:

Chúng ta đều biết ngoài tỷ lệ vàng 1/3, hay tỷ lệ xoắn ốc vàng Fibonacci, thì bố cục của ảnh là sự kết hợp hài hòa của 7 đường nét và hình khối, đường thẳng, đường ngang, đường chéo và các hình tròn, tam giác, vuông, chữ nhật được sắp xếp theo một trật tự hài hòa nào đó để tạo thành một tác phẩm. Chính điều này đã làm cho nhiếp ảnh và hội họa gần gũi với nhau.

Hình minh họa. Nguồn: Tài liệu giảng dạy về bố cục ảnh của nhà nhiếp ảnh Mia Grondahl, FOJO, Thụy Điển

Vậy bức ảnh đoạt giải Huy chương Bạc của chúng ta có bố cục gì?

Cũng bằng phương pháp chớp mắt liên tục, ta có thể nhận thấy ngay ở giữa bức ảnh xuất hiện một bố cục hình tam giác, nhờ vào những bàn tay đang hướng đến ôm lấy chàng trai tân binh.

Nhờ những bàn tay đang ôm níu lấy nhân vật đã tạo ra bố cục hình tam giác
Tiếp theo thị giác mới đến những hình tròn của các gương mặt xung quanh nhân vật chính

Thông qua hai bức ảnh trên ta thấy hình tam giác và hình tròn là 2 yếu tố góp phần hình thành bố cục cho tác phẩm.

Thủ pháp Broken Frame 

Broken Frame (Thủ pháp phá vỡ khung hình):

Trong nghệ thuật tạo hình thị giác của nhiếp ảnh, có rất nhiều loại thủ pháp khác nhau để ứng dụng vào tác phẩm. Trong đó có thủ pháp Broken Frame (Thủ pháp phá vỡ khung hình) là một thủ pháp cho phép nhiếp ảnh “chặt” tay, chân, đầu, mặt hay đồ vật, nhằm tạo ra hiệu ứng khi phá vỡ khung hình của ảnh sẽ tạo ra một biên độ mở rộng thị giác, giúp người xem mở rộng trí tưởng tượng thêm ra ngoài khuôn hình

Một số ví dụ minh hoạ:

image015.png
Ảnh: Nguyễn Khánh
image017.png
Ảnh: Jame Nachwey

Sở dĩ tôi đưa phần lý luận về loại hình thủ pháp Broken Frame để chúng ta có thể tham khảo thêm cho trường hợp chiếc ống kính trong bức ảnh Huy chương Bạc này, cũng có phần gợi mở đến biên độ thị giác ra ngoài khuôn hình. Tức là giúp người xem có thể tưởng tượng hình dung thêm bóng dáng của người “vô hình” đang cầm chiếc máy ảnh và chĩa ống kính vào trong…

3. Ảnh Báo chí hay Ảnh Nghệ thuật?

Tôi có đọc một số ý kiến phản biện của một số anh chị em nhiếp ảnh, khi cho rằng đây là bức ảnh của báo chí chứ không phải nghệ thuật(?), ở đây có sự nhầm lẫn của HĐGK khi chấm ảnh này được giải Huy chương Bạc cho cuộc thi về ảnh nghệ thuật?

Trả lời cho ý kiến trên, xin lấy ví dụ sáng tác ảnh nghệ thuật trong trường hợp sự kiện của bức ảnh Huy chương Bạc, tôi thử giả định 4 trường hợp sau:

- TH1: Nếu sự kiện trên là của báo chí, thì các nhà nhiếp ảnh chuyên nghệ thuật sẽ rất ít đến dự.
- TH2: Nếu có đến dự, chứng kiến khoảnh khắc như trong ảnh và cho là đây là trường hợp của báo chí. Những nhà nhiếp ảnh nghệ thuật sẽ đứng ngoài không chụp.
- TH3: Đợi sự kiện khoảnh khắc của báo chí diễn ra xong, sẽ đề nghị diễn lại theo cách của ảnh nghệ thuật để chụp.
- TH4: Lao vào chen vai thích cánh, chụp “như điên” để cạnh tranh cùng các phóng viên ảnh, săn bằng được khoảnh khắc đắt giá như trong ảnh đoạt Huy chương Bạc này.

Không biết trong 4 điều kiện giả định trên các anh/chị sẽ chọn trường hợp nào? Hay còn cách nào khác ngoài 4 giả định nêu trên để hình thành tác phẩm ảnh nghệ thuật của mình trong sự kiện như vậy nữa không?

Còn tôi, tin chắc rằng giả định thứ 4 là điều chắc chắn để tôi chọn!

Theo cá nhân tôi đánh giá, đây là điểm mờ giữa ranh giới của ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật.

Một bức ảnh báo chí ngoài các thông tin cần thiết (theo nguyên tắc 5W) cung cấp cho bạn đọc mà đẹp, giàu cảm xúc nghệ thuật làm hấp dẫn người xem hơn, nhớ lâu hơn (1 bức ảnh thay cho nghìn lời nói…) thì có được coi là ảnh nghệ thuật không?

Và ở chiều ngược lại cũng vậy, nếu ảnh nghệ thuật bám sát hơi thở cuộc sống để phản ánh chân thật, truyền tải cảm xúc cho người xem và còn cung cấp đầy đủ thông tin xác thực, thì có được coi là ảnh báo chí không?

Chứng minh qua các cuộc Triển lãm nh báo chí World Press Photos tại Việt Nam, chúng ta đã từng thán phục về tính nghệ thuật cao trong các tác phẩm ảnh báo chí! Cũng nhìn lại những ảnh nghệ thuật mà Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã từng đề cử gửi tham dự và được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước trong thời gian gần đây, ngoài giá trị của nghệ thuật, sự chân thận, cảm xúc còn có giá trị nhân văn, hơi thở của thời đại và cũng đầy tính báo chí…

Tôi nhớ lại, cách đây gần 30 năm của thế kỷ trước (1995). Ngày đó không có internet như bây giờ, tiếp cận nhiếp ảnh của Việt Nam ra thế giới còn hạn chế. Lứa chúng tôi, vừa làm báo, vừa tham gia các hoạt động của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, lần đầu tiên được tập huấn nhiếp ảnh bởi giáo viên người Tây Âu là ông Jean Marc Van Tuacnut (không nhớ rõ họ) là giảng viên ảnh của trường Đại Học Lille, Pháp, ngày đó chúng tôi đã từng đặt ra câu hỏi: “Có sự khác nhau giữa ảnh Báo chí và ảnh Nghệ thuật ở Tây Âu? Làm sao phân biệt giữa hai thể loại?”

Câu trả lời là: “Ở đất nước chúng tôi, vấn đề này, câu hỏi này cũng đã từng được đặt ra từ khoảng 30-40 năm trước và cho đến bây giờ vẫn chưa có ngã ngũ rõ ràng”.

Và vừa rồi tôi cũng đặt thử câu hỏi đó trên Google, thì có hàng ngàn đáp án, nhưng đọc nội dung thì vẫn chung chung như ngày xưa. Ảnh Báo chí là cung cấp thông tin (5W), mang cảm xúc đến bạn đọc và không được dàn dựng. Còn ảnh nghệ thuật là được sáng tạo mang tính nghệ thuật, thể hiện cái nhìn cá nhân về ý tưởng, chủ đề và cảm xúc… Nhưng không thấy ai đó nói rằng nếu ảnh báo chí mà đạt được cảm xúc của nghệ thuật thì có được gọi là ảnh nghệ thuật không? Và ngược lại?

Vậy tại sao bức ảnh Huy chương Bạc Tân binh lên đường nhập ngũnói trên, rõ ràng có gây cảm xúc cho người xem thì lại bị đánh giá chưa phải là ảnh nghệ thuật?

Mong rằng qua diễn đàn này, qua các bạn trẻ được học hành đầy đủ hơn lứa chúng tôi, hay các anh chị nhiếp ảnh có nhiều kinh nghiệm, thông tin nhiều hơn, có thể định nghĩa rõ hơn cho mọi người cùng hiểu thì thật là đáng trân trọng!

Nguyễn Hoài Linh
(Thành viên Hội đồng Giám khảo
Liên hoan ANT KV BTB năm 2024)


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Trao đổi về bức ảnh đoạt Huy chương Bạc Liên hoan Ảnh khu vực Bắc Trung Bộ 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO