Vừa qua, nhiều người lái xe qua cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai, hướng từ đường Lò Lu đến đường D2, TP.Thủ Đức (TP.HCM), tỏ ra lo lắng khi mặt đường dẫn lên cầu xuất hiện tình trạng lún, dù công trình mới đưa vào khai thác hơn 2 tháng.
Theo đó, cầu được đưa vào sử dụng chưa lâu, một phần mặt đường dài khoảng 10m có dấu hiệu sụt lún, rạn nứt, chỗ lún sâu đến gần 10cm. Đoạn đường bị sụt lún tạo thành rãnh sâu, gồ ghề khiến người tham gia giao thông gặp khó khăn khi phải giảm tốc độ đột ngột hoặc lạng xe né tránh.

Theo đại diện tư vấn giám sát, nguyên nhân một phần mặt đường cầu Tăng Long bị sụt lún, rạn nứt không phải nhựa đường không đảm bảo, có thể do phối đá dăm bị cục bộ hoặc khi thi công đắp cao phải thực hiện biện pháp rọ đá nên xảy ra tình trạng xê dịch.
Cũng theo người này, tình trạng sụt lún ở đoạn đường trên đã được đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát lường trước, vì theo nguyên tắc mặt đường cầu phải có hai taluy cố định 2 bên mới đảm bảo. Tuy nhiên, do cầu mới hoàn thiện một nhánh, mới có một taluy cố định. Nhánh bên kia đang thi công, chưa có taluy, phải dùng biện pháp rọ đá nên xảy ra sụt lún là chuyện bình thường.
Trả lời báo chí, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông, chủ đầu tư) cho biết, nguyên nhân chính được xác định là do quá trình thi công chia làm hai giai đoạn để duy trì giao thông liên tục. Giai đoạn đầu chỉ thi công nhánh trái và xây tường chắn bên mép trái đường dẫn. Phía còn lại do tiếp giáp nhánh phải (đang thi công) nên không thể xây tường chắn, buộc phải gia cố tạm bằng rọ đá ở những đoạn có cao độ đắp trên 2m và tạo mái dốc tạm bằng cấp phối đá dăm ở những đoạn đắp thấp hơn.

Tác động của tải trọng giao thông khiến nền cấp phối có hiện tượng chuyển vị về phía taluy phải, dẫn đến hằn lún cục bộ mặt đường. Riêng làn đường phía trái có tường chắn bê tông nên không xảy ra hiện tượng này.
Ngay sau khi bị phản ánh, Ban Giao thông đã yêu cầu đơn vị thi công khắc phục sụt lún bằng cách cào bóc lớp bê tông nhựa bị hằn lún, kiểm tra nền đá cấp phối bên dưới, bù lại phần đá bị xô lệch và thảm lại bằng bê tông nhựa. Diện tích mặt đường sụt lún hơn 40m² đã được dỡ bỏ lớp nhựa cũ và thảm lại bằng bê tông nhựa. Đối với một số vết nứt tại khe co giãn, do không ảnh hưởng đến kết cấu cầu, đơn vị thi công đã cắt bỏ các mảng bê tông dư thừa và trám lại bằng phẳng nhằm đảm bảo mỹ quan.
Cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai, TP.Thủ Đức, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM làm chủ đầu tư. Dự án khởi công cuối năm 2017, tạm dừng tháng 9/2019 do vướng mặt bằng và thi công trở lại từ cuối tháng 10/2023. Công trình có diện tích 2,62ha, tổng vốn đầu tư hơn 741 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng hơn 680 tỷ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 53 tỷ đồng, ảnh hưởng 34 hộ dân.
Vừa qua, vỉa hè đường 18E, đoạn gần cổng ra nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) xuất hiện hai điểm sụt lún. Điểm sụt sâu khoảng 30 cm, gạch lát vỉa hè bong tróc, để lộ phần đất đá bên dưới. Vị trí sụt lún đã được căng dây xung quanh để cảnh báo.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông, đơn vị chủ đầu tư dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa), các điểm bị ảnh hưởng tập trung chủ yếu ở vỉa hè bên trái tuyến (theo hướng từ mố M1 đến mố M2) đối diện các trụ cầu T11, T14, vỉa hè bên phải đối diện trụ cầu T4 (thuộc gói thầu số 11); bên trái tuyến đối diện trụ cầu T16 (gói thầu số 12); và tại nút giao đường Phan Thúc Duyện - đường 18E.
Các vị trí sụt lún xảy ra tại khu vực từng được Công ty Điện lực Tân Bình đào lên để xử lý nghẹt đường ống cấp điện và lắp đặt thiết bị. Nguyên nhân chính là do ngành điện lực, cụ thể là Điện lực Tân Bình đã đào vỉa hè để xử lý sự cố nghẹt ống cáp điện và lắp đặt thiết bị nối ống cáp.
Ngay sau khi bị phản ánh, Ban Giao thông đã có văn bản yêu cầu Công ty Điện lực Tân Bình khẩn trương khắc phục sự cố, hoàn trả lại vỉa hè theo thiết kế ban đầu. Đến ngày 16/5/2025, việc sửa chữa và tái lập mặt bằng đã hoàn tất.

Đại diện Công ty Điện lực Tân Bình cho biết thêm, đơn vị cũng đã tổ chức rà soát toàn tuyến để xử lý kịp thời các vị trí có nguy cơ tương tự. Ban Giao thông khẳng định, ngoài hai điểm hố đào do phục vụ thi công điện lực, các khu vực còn lại của vỉa hè công trình vẫn đảm bảo chất lượng, không xảy ra hiện tượng sụt lún.
Tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa tổng vốn đầu tư khoảng 4.800 tỉ đồng, khởi công vào cuối năm 2022 và được thông xe toàn tuyến ngày 19/4/2025, nhằm phục vụ khai thác nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Tuyến đường có chiều dài khoảng 4 km, mặt cắt ngang từ 29,5 m đến 48 m, với điểm đầu tại nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn, điểm cuối giao nhau với đường C12 - Cộng Hòa - Trường Chinh. Công trình bao gồm hai hầm chui tại các nút giao trọng yếu và một cầu vượt dài 980 m, rộng 17 m, được xây dựng phía trước nhà ga T3.