Chủ trì buổi toạ đàm có: PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Nhà báo Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch hội đồng; PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì tọa đàm.
Về phía Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam có NSNA-NB Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội - Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, Trưởng ban Lý luận Phê bình Nhiếp ảnh tham dự và có bài tham luận tham gia.
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT trung ương nhấn mạnh, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, việc nhìn nhận, đánh giá khoa học, nghiêm túc về nhân tố con người và công tác xây dựng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình là công việc cần thiết. Việc nâng cao chất lượng mảng công tác này sẽ tác động nhiều mặt đến mảng sáng tác, sáng tạo và cả mảng tiếp nhận, thụ hưởng giá trị tác phẩm VHNT của công chúng.
Phân tích về đội ngũ phê bình âm nhạc, PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam thẳng thắn, hiện nay, thiếu vắng những cây bút lý luận, phê bình chuyên nghiệp góp mặt trên các trang bình luận của báo chí, dẫn đến tình trạng ít bài viết mang tính chuyên môn, đa phần là bài viết về giới thiệu, quảng bá tác phẩm âm nhạc.
Nhận định về lình vực nhiếp ảnh NSNA -NB Hồ Sỹ trong bài tham luận đánh giá: Đội ngũ làm công tác lý luận phê bình nhiếp ảnh quá ít, vừa thiếu lại vừa yếu. Nói chính xác hơn là nhiếp ảnh đang thiếu một đội ngũ làm công tác lý luận phê bình chuyên nghiệp, thiếu những cây bút sắc sảo có tầm cỡ, đồng thời số lượng người làm công tác này còn hạn chế so với lực lượng sáng tác. Điều này thấy rất rõ với số lượng 1.060 hội viên (chưa kể số đông hàng ngàn người làm công tác nhiếp ảnh ngoài Hội và những người yêu thích ảnh), nhưng số người làm công tác lý luận phê bình có thể đếm trên đầu ngón tay. Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh hiện nay chỉ có 8 người được Hội chính thức phong tước hiệu là “Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh”, còn lại có một số người viết nghiệp dư, thỉnh thoảng “viết chơi” đôi bài góp một tiếng nói khác điệu trong mục Lý luận phê bình của Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống.
Các đại biểu cũng đều nhận định: Chúng ta chưa quan tâm đến công tác đào tạo những người làm công tác nghiên cứu lý luận phê bình chuyên nghiệp, mang tính khoa học, để sáng tác các tác phẩm lý luận phê bình có thể cùng song song tồn tại và thúc đẩy sáng tác ảnh nghệ thuật phát triển. Trên thực tế, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh hiện nay cũng như nhiều năm qua chỉ mở các trại bồi dưỡng sáng tác, chỉ chú trọng khâu sáng tác mà chưa coi trọng khâu bồi dưỡng về lý luận, phê bình. Thực tế từ trước tới nay Hội chưa hề mở lớp bồi dưỡng về công tác lý luận phê bình. Đây cũng là bài toán khó vì chúng ta còn thiếu những nơi đào tạo lý luận phê bình.
Các tham luận và ý kiến phát biểu tại tọa đàm cũng chỉ ra thực trạng của đội ngũ lý luận, phê bình trong từng lĩnh vực; đồng thời phân tích nguyên nhân, đưa giải pháp để phát huy vai trò của đội ngũ lý luận, phê bình đó là: nâng cao trình độ chuyên môn; khuyến khích và tạo điều kiện phát huy tài năng, tâm huyết; xây dựng và phát triển các hội, câu lạc bộ, các diễn đàn học thuật, các tổ chức chuyên môn liên quan đến lý luận, phê bình; thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực lý luận, phê bình; chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ…
Những ý kiến và nhận định đúng đắn, khách quan, trách nhiệm tại tọa đàm sẽ được Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổng hợp, từ đó, tư vấn, tham mưu cho các cấp lãnh đạo nhằm tìm ra giải pháp phát triển VHNT nói chung, trong đó có công tác lý luận, phê bình nói riêng trong những năm tới.