Thành phố Vinh xưa qua những bức ảnh hơn 100 năm trước

Thành phố Vinh xưa qua những bức ảnh hơn 100 năm trước

Phạm Xuân Cần|12:18 10/04/2023

(NADS) - Được mệnh danh là “Thành phố Đỏ”, lâu nay thành phố Vinh (Nghệ An) vẫn được biết đến là một địa danh lịch sử và cách mạng, với những địa danh và sự kiện đấu tranh cách mạng đã đi vào lịch sử dân tộc, như Bến Thủy, Trường Thi, Xô viết Nghệ Tĩnh, Tiêu thổ kháng chiến…

Đô thị Vinh được chính thức ra đời năm 1804, khi vua Gia Long xuống chiếu cho di dời tỉnh lỵ Nghệ An từ Lam Thành - Phù Thạch về Vinh. Khi đó Vinh đã hội đủ hai yếu tố Thị và Đô để trở thành đô thị. Thế nhưng, suốt gần một trăm năm sau đó, Vinh cũng chỉ là đô thị nông nghiệp của chế độ phong kiến, với chợ Vinh sầm uất và thành Nghệ An kín cổng cao tường.

nga-tu-cho-vinh.jpg
Ngã tư chợ Vinh
ben-thuy.jpg
Bến Thủy

Ngày 10/8/1885, người Pháp chiếm thành Nghệ An. Ngay khi tiếng súng công thành vừa dứt, Jean Dupuis, một nhà buôn Pháp đã đến Bến Thủy, dựng lên ở đây một túp lều để kinh doanh lâm sản. Liền sau đó ba anh em nhà Friderich Mange, một nhà tư bản Pháp gốc Thụy Sĩ, cũng đưa cả gia đình đến Bến Thủy, bắt đầu dựng lên ở đây cả một đế chế SIFA hùng mạnh nhất Trung Kỳ sau này. Có thể nói Jean Dupuis và anh em nhà Mange là những người mở hàng mát tay, đã kéo theo một trào lưu các doanh nghiệp từ Pháp và các tỉnh phía bắc (như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu, Phạm Văn Phi…) đầu tư ồ ạt vào Vinh Bến Thủy. Sau khoảng 50 năm, Vinh - Bến Thủy không chỉ trở thành một trung tâm công nghiệp, kỹ nghệ và thương mại lớn nhất Trung Kỳ, mà còn trở thành một đô thị theo xu hướng hiện đại và đặc biệt là một đô thị đa văn hóa. Với diện tích 20km2, dân số 2 vạn người, năm 1933 Vinh có tới 340 người Pháp, 490 người Hoa, 21 người Ấn Độ định cư và làm ăn ở đây. Hàng chục doanh nhân, cùng với hàng nghìn người thợ từ Hà Nội, Nam Định cũng kéo về Vinh tìm cơ hội kinh doanh và sinh cơ lập nghiệp. Sự đa dạng về văn hóa đã góp phần làm cho đô thị Vinh - Bến Thủy đương thời cũng là một đô thị xinh đẹp, năng động và văn minh.

dinh-cong-su.jpg
Dinh Công Sứ
cua-tien.jpg
Bến Thủy

Riêng về kiến trúc, ngoài hệ thống các công trình tôn giáo, tín ngưỡng và nhà dân đậm phong cách truyền thống Bắc Trung bộ, còn có Phố Khách và một số ngôi đền quần tụ quanh chợ Vinh, tạo nên một tiểu văn hóa Trung Hoa đặc sắc. Đặc biệt, Vinh - Bến Thủy đã từng có một quỹ kiến trúc Pháp khá dày dặn, với hàng trăm công trình lớn nhỏ. Thậm chí năm 1926, người Pháp đã quy hoạch một khu phố Tây rộng 100ha ngay giữa trung tâm thành phố. Rất tiếc, những biến cố chính trị xã hội sau đó đã làm cho dự án này không được thực hiện. Quỹ kiến trúc Pháp ở Vinh Bến Thủy khá phong phú, phổ biến là phong cách tân cổ điển đầu thế kỷ 20. Thế nhưng, các công trình kiến trúc đương thời cũng đã chọn lọc những nét đặc sắc của kiến trúc Á đông, thậm chí của xứ Nghệ để tích hợp vào trong kiến trúc công trình, góp phần tạo nên trường phái kiến trúc Đông Dương thịnh hành đầu thế kỷ 20. Dấu ấn kiến trúc Pháp còn lưu lại ở Vinh - Bến Thủy cho đến ngày nay, đó là quy hoạch các khu chức năng Vinh - Trường Thi - Bến Thủy rất mạch lạc; trục phát triển của thành phố cũng được xác định rõ ràng, nhất quán theo hướng “Thượng Cầu Rầm, hạ Bến Thủy”. Ngoài sông Lam, Núi Quyết, những báu vật trời cho vùng Bến Thủy được triệt để tận dụng, thì dòng sông Vinh cũng được khai thác để trở thành những điểm nhấn cảnh quan đặc sắc của thành phố. Khu vực trung tâm tuy nhỏ, nhưng được quy hoạch đường phố theo ô bàn cờ, đường và vỉa hè khá rộng, bó vỉa thấp, trên vỉa hè trồng nhiều cây xanh. Các công sở đều đặt trong những khu vực rộng rãi, có nhiều cây xanh và hoa, nên vừa đường bệ, nghiêm ngắn, nhưng lại rất gần gũi và thân thiện.

benh-vien-vinh.jpg
Bệnh viện Vinh
nha-may-ddienj-ben-thuy.jpg
Nhà máy điện Bến Thủy

Trải qua thời gian và các biến cố lịch sử, tất cả các công trình xưa đều đã biến mất như chưa từng tồn tại. Sau năm 1945 toàn thành phố có 235 công sở, 324 nhà cao tầng và 1.263 nhà dân, trong đó đa số các nhà cao tầng, công sở và một số biệt thự nhà dân đều theo phong cách kiến trúc Pháp. Đây là những số liệu chính xác đến đau đớn, vì nó được thống kê sau khi người dân Vinh đã tự tay phá hủy tất cả trong sự kiện Tiêu thổ kháng chiến đầy bi tráng năm 1947. Một số công trình kinh tế, dân sinh xây dựng sau khi hòa bình lập lại cũng bị tàn phá trong chiến tranh phá hoại 1964 - 1972. Đó là chưa kể thời gian, thiên tai và nhân tai cũng đã hủy hoại gần như tất cả các công trình tôn giáo, tín ngưỡng khác. Khiến cho Vinh hôm nay hầu như chỉ còn là một đô thị trẻ, rất trẻ. Không ai nghĩ rằng Vinh đã có tuổi đời không nhỏ hơn nước Mỹ bao nhiêu.

nha-may-xe-lua-truong-thi.jpg
Nhà máy xe lửa Trường Thi

May mắn là vẫn còn một số bức ảnh ghi lại diện mạo Vinh xưa, được lưu trữ ở các bảo tàng và trung tâm lưu trữ nước ngoài. Những bức hình đó cho chúng ta một cái nhìn khác, chính xác hơn về một thành Vinh xưa, như nó đã từng. 

cau-lac-bo-phap.jpg
Câu lạc bộ Pháp

Nhưng thay vì tiếc nuối và trách cứ, điều chúng ta cần và có thể làm lúc này là nghiên cứu, chắt lọc những giá trị Vinh trong quá khứ, để cho những giá trị đó không mất đi, mà ngược lại được ghi nhớ, được bảo tồn và phát triển. Những giá trị Vinh, bản sắc Vinh phải luôn là nỗi khắc khoải của các kiến trúc sư, của các nhà lãnh đạo và quản lý trong quá trình thai nghén và sáng tạo những công trình mới.

pho-ga-2.jpg
Phố Ga Vinh
rap-chieu-phim-majestic.jpg
Rạp chiếu phim Majestic

Có như vậy, Vinh mới xứng danh là một đô thị “rất xưa và rất trẻ”. Không chỉ hoài niệm, những bức ảnh xưa cho chúng ta một niềm tự hào và một niềm tin rằng: Trong hiện tại và tương lai Vinh hoàn toàn có thể là một đô thị giàu có và văn minh.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Thành phố Vinh xưa qua những bức ảnh hơn 100 năm trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO