(NADS) - Ngày 25/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 - 25/7/2023) và có bài phát biểu mang nhiều thông điệp quan trọng gửi tới đội ngũ văn nghệ sĩ trên cả nước.
Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại sự kiện này.
Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý!
Thưa các bác, các anh, các chị, các đồng chí và các bạn!
Hôm nay, giữa lòng Thủ đô Hà Nội hào hoa và thanh lịch, văn hiến và anh hùng, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của hồn thiêng sông núi, chúng ta họp mặt tại đây để dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1948-2023) - tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của những người hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật yêu nước và cách mạng đã đồng hành và gắn bó với Đảng, với Dân tộc và Nhân dân ta trong suốt ba phần tư thế kỷ qua.
Trước hết, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, gửi tới các vị đại biểu, các vị khách quý, anh chị em văn nghệ sĩ có mặt hôm nay, và qua các đồng chí, các bạn, gửi đến toàn thể những người làm công tác sáng tạo văn học, nghệ thuật của cả nước lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Chúc các đồng chí và toàn thể anh chị em dồi dào sức khỏe, tràn đầy sức sáng tạo, hạnh phúc và đạt được nhiều thành công mới trong sự nghiệp cao quý của mình.
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm trọng thể và đầy ân tình hôm nay, chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Nhà văn hóa kiệt xuất, Bác Hồ muôn vàn kính yêu - người đã đặt nền móng đầu tiên cho nền văn hóa, văn học nghệ thuật mới ở nước ta; tưởng nhớ và biết ơn các văn nghệ sĩ đầy tài năng đã cống hiến và hy sinh trong sự nghiệp cách mạng của Dân tộc; tên tuổi và tác phẩm của anh chị em đã đi vào ký ức của Nhân dân, làm rạng danh cho nền văn hóa, văn học nghệ thuật cách mạng nước nhà.
Đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam không ngừng lớn mạnh
Thưa các vị đại biểu, các đồng chí và các bạn
Như chúng ta đều đã biết, trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã hun đúc nên một truyền thống sâu sắc và độc đáo.
Đó là nền văn hóa văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.
Diễn văn Kỷ niệm 75 năm do đồng chí Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trình bày; phim tài liệu Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - 75 năm - Một dòng chảy; và các ý kiến phát biểu đầy tâm huyết của các vị đại diện văn nghệ sĩ tiêu biểu đã đề cập toàn diện, đầy đủ và sâu sắc lịch sử hình thành, phát triển hào hùng, truyền thống quý báu, vẻ vang và sự đóng góp to lớn, rất quan trọng của Hội Văn hóa cứu quốc trước đây, cũng như của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật ngày nay và đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà trong suốt 75 năm qua vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Dân tộc, vì độc lập, tự do, vì thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân và khát vọng chủ nghĩa xã hội trước đây cũng như sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Qua đây, chúng ta có thể tự hào khẳng định: Trải qua những năm tháng đầy hy sinh, gian khổ của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong tiến trình đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt.
Các thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp nhau đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị cao trên nhiều lĩnh vực, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cho đến nay, đội ngũ văn nghệ sĩ của nước nhà đã có tới hơn bốn vạn người, bao gồm 5 thế hệ thuộc các dân tộc anh em, vùng miền trong cả nước; hoạt động trong các chuyên ngành: văn học, kiến trúc, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số; sinh hoạt trong 10 Hội chuyên ngành trung ương và 63 Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong toàn quốc.
Đó là một đội ngũ hùng hậu, gắn bó máu thịt với Tổ quốc, với nhân dân, đoàn kết, nhất trí về chính trị, tư tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thiết tha với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc, khao khát vươn lên để cống hiến có hiệu quả.
Đó cũng là đội quân nòng cốt để tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Nền văn học nghệ thuật tiếp tục đổi mới, bám sát hiện thực sôi động của đất nước, có cách nhìn điềm tĩnh, tinh tế, tích cực ủng hộ sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin, có quan điểm biện chứng về đời sống; ca ngợi, khẳng định những cái tốt đẹp, cái tích cực; cổ vũ những nhân tố mới, thành tựu mới, "lấy ánh sáng đẩy lùi bóng tối"; tính tích cực xã hội được đề cao.
Văn học nghệ thuật ngày càng phát triển đa dạng, phong phú, mới mẻ, giàu tiềm năng; xu hướng chuyên nghiệp hóa ngày càng được đề cao; tính dân tộc ngày càng đi vào chiều sâu, có thành tựu to lớn và bước tiến dài trong sự nghiệp.
Đội ngũ văn nghệ sĩ gắn bó mật thiết với đời sống của nhân dân, say mê với nghề nghiệp, dồn hết tài năng, tâm huyết để sáng tạo nên nhiều tác phẩm mới. Sự cống hiến của anh chị em đã góp phần to lớn vào việc xây dựng, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sự tin tưởng vào thành tựu đổi mới; gìn giữ các giá trị văn hóa, góp phần ổn định xã hội, cổ vũ sự phát triển của đất nước.
Trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ đã được khẳng định và đánh giá cao. Tài năng và nhiệt huyết của anh chị em đóng góp xứng đáng vào việc hình thành hệ giá trị mới, xây dựng nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam mới - yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo.
Đó là gắn bó với các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, khẳng định các giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc. Chính tình hình tư tưởng, tình cảm của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ hiện nay đã góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị của xã hội, sự phát triển của đất nước.
Nhìn lại 75 năm qua, chúng ta vui mừng nhận thấy, anh chị em văn nghệ sĩ dưới mái nhà chung của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có sự phát triển, trưởng thành đầy ấn tượng, góp phần to lớn vào công cuộc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân, đưa văn hóa ngày càng thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; xứng đáng là lực lượng nòng cốt sáng tạo các giá trị văn hóa, là đội ngũ văn nghệ sĩ - chiến sĩ tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Với các kết quả đã đạt được, văn học nghệ thuật đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người; đấu tranh với mọi biểu hiện sai trái, tạo ra bầu không khí lành mạnh trong xã hội.
Không phải ngẫu nhiên mà Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý, đặc biệt là Huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất của nước ta. Đó là sự ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với hoạt động của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Nhân dịp này, một lần nữa tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, biểu dương và cảm ơn những đóng góp to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà, của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Còn ít tác phẩm đỉnh cao, nghệ sĩ lớn
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu, đóng góp to lớn đã nêu trên đây, chúng ta cũng không tránh khỏi những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục, như đồng chí Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam vừa nêu.
Đặc biệt là tình trạng vẫn còn một số người phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Tác phẩm của họ thường xa rời thực tiễn đời sống của đất nước, của Nhân dân.
Một số phát ngôn, viết hồi ký, sách báo, trang điện tử, sử dụng các mạng xã hội có nội dung thiếu xây dựng, thậm chí rất cực đoan. Cá biệt có hiện tượng "bôi đen" giá trị thiêng liêng của lịch sử, của chế độ, đề cao quá mức cái "tôi" để kêu gọi tự do sáng tác... phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn học nghệ thuật.
Những thành tựu văn học nghệ thuật mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua chưa thật tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chất lượng chưa hài hòa với số lượng. Chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, sự quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan tỏa làm rung động lòng người. Còn ít những tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sĩ lớn.
Vì vậy, tôi đề nghị các bác, các anh, các chị, các đồng chí cùng nhau trao đổi, thảo luận thẳng thắn, với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, "tự soi, tự sửa" nhằm khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém trong sáng tác và lý luận phê bình văn học nghệ thuật cũng như trong việc tổ chức và hoạt động của các Hội và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật trong cả nước.
Thưa các vị đại biểu và toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ
Với tầm nhìn từ nay cho đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nền văn hóa, văn học nghệ thuật nước ta cũng đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong gần 40 năm đổi mới vừa qua đã tạo ra thế và lực mới, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế; niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là một lợi thế cực kỳ to lớn để chúng ta tăng thêm lòng tự hào dân tộc; quyết tâm đổi mới và chấn hưng nền văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà trong thời kỳ mới.
Mặt khác, những thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa vừa qua cũng là những rào cản lớn đối với việc phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, xây dựng con người.
Sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng cũng sẽ còn diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số... đã và đang làm thay đổi đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội toàn cầu, vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra những thách thức mới đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam chúng ta trong thời kỳ mới.
Đứng trước những thời cơ và thách thức đó, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển mạnh mẽ hơn nữa nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; xây dựng con người Việt Nam mới, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững đất nước; và như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: "Muốn xây dựng được chủ nghĩa xã hội thì phải có những con người xã hội chủ nghĩa"; phát huy giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng; tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng mọi thời cơ, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
Khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo của người nghệ sĩ
Trong sự nghiệp cao cả, vĩ đại này của toàn dân tộc, đội ngũ trí thức, bao gồm trí thức khoa học - công nghệ và trí thức khoa học xã hội - nhân văn, trong đó có trí thức - văn nghệ sĩ có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng, bởi vì trí thức, nhân tài chính là nguyên khí của quốc gia, là vốn liếng quý báu của dân tộc; Cha ông ta đã dạy: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao; nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp".
Lâu nay, Đảng ta đã luôn luôn khẳng định: "Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam" trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Để có thể thực hiện được sứ mệnh cao cả và trọng trách nặng nề nhưng rất vẻ vang đó trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tôi tha thiết mong đợi và tin tưởng rằng, nền Văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ đã từng được rèn luyện, thử thách trong đấu tranh cách mạng trước đây và trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước ngày nay; với truyền thống vẻ vang của dân tộc, tiếp tục phát huy những thành quả của văn học, nghệ thuật 75 năm qua, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để có thêm nhiều tác phẩm xứng đáng với con người và Tổ quốc Việt Nam muôn vàn yêu quý của chúng ta, đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân.
Để tạo điều kiện cho Văn học, nghệ thuật phát triển, Đảng và Nhà nước luôn luôn khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn mong muốn, kỳ vọng và đòi hỏi đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao hơn nữa về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực của đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Đồng thời, xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng đang diễn ra rất sôi động, nhanh chóng và xuất hiện nhiều vấn đề mới, khác nhiều so với trước đây trong chiến tranh và thời kỳ quan liêu, bao cấp.
Điều đó đòi hỏi mỗi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo; vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay.
Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, trên thương trường và mặt trận an ninh, quốc phòng, đối ngoại; đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, văn minh, thanh lịch, chan chứa tình người.
Chỉ có như vậy, văn học, nghệ thuật của chúng ta mới có được những tác phẩm hay, làm lay động lòng người và cần thiết cho công chúng, cho xã hội.
Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn mới đi xa và bền vững
Nhân đây, tôi có đôi điều muốn nhắc lại, trao đổi, tâm sự thêm với anh chị em văn nghệ sĩ trẻ. Chúng ta đều đã biết, thời đại chúng ta, cuộc sống quanh ta có rất nhiều điều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói như thế nào và viết như thế nào?
Nhiều người thường bảo, văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người.
Mong sao, các văn nghệ sĩ nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng mới của nhân dân; đừng để cho sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình.
Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, đúc rút những bài học tốt từ các thế hệ đi trước để tiếp tục dấn thân, đi xa hơn, vững vàng hơn. Bài học đó phải chăng vẫn là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ sa vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là một thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một sự đam mê tầm thường.
Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn đều là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn lao, có tầm nhìn xa rộng và có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được.
Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai!
Nhân dịp này, tôi cũng xin đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, văn học nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn luôn cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật thông qua các cơ chế, chính sách, như: Hỗ trợ tài chính, mở trại sáng tác, đi thực tế, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng văn nghệ; huy động mọi nguồn lực, cả về vật chất và tinh thần, để văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và cống hiến nhiều hơn nữa trong những năm tới.
Phải coi đây vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, xuất phát từ yêu cầu của cuộc sống, là sự nghiệp chung của tất cả chúng ta.
Đồng thời, tôi cũng đề nghị Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật; trí thức văn học nghệ thuật Việt Nam với những bài học kinh nghiệm đúc rút được trong 75 năm qua, tiếp tục tăng cường tham mưu cho Đảng và Nhà nước.
Phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.
Tiếp tục tham mưu, tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật với các tiêu chí cụ thể để phát hiện, thu hút, trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức - văn nghệ sĩ có tài năng, nhằm xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ lớn mạnh, bảo đảm số lượng và chất lượng, có cơ cấu phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới; có kế hoạch bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức một cách hợp lý; có chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ; quan tâm đến công tác khuyến khích, tôn vinh các văn nghệ sĩ có thành tích xuất sắc trong hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật.
Tăng cường củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam từ Trung ương đến địa phương; tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động và đóng góp cho sự phát triển nước nhà.
Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Làm tốt công tác chính trị tư tưởng đối với các văn nghệ sĩ để anh chị em nhận thức sâu sắc hơn nữa vinh dự lớn lao và trách nhiệm vẻ vang của mình đối với Tổ quốc, với Nhân dân, với Dân tộc; đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành thật tốt trọng trách của mình; tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị, cũng như đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ văn nghệ sĩ; động viên anh chị em có nhiều đóng góp tài năng, trí tuệ vào sự phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật cao quý của nước nhà.
Thưa toàn thể các đồng chí và các bạn
Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn luôn mong đợi và tin tưởng vững chắc rằng, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam sẽ luôn luôn đồng hành cùng Dân tộc và sự nghiệp đổi mới của Đảng; tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng quý báu, rất vẻ vang của mình; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới.
Một lần nữa, tôi xin chúc các vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong lao động vinh quang sáng tạo của mình!
Chúc nền Văn học nghệ thuật nước nhà sắp tới có bước phát triển mới, đầy khởi sắc và nhiều thắng lợi!
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng
Ảnh: Quang Hồ