
Từ cô bé giao liên đến nữ du kích dũng cảm
Sinh năm 1950, năm 1960 khi vừa tròn 10 tuổi, cô bé Hoàng Thị Chẩm đã sớm tham gia kháng chiến với vai trò giao liên, đưa thư từ, tài liệu vượt qua những vùng địch kiểm soát. Đến năm 13 tuổi, Chẩm chính thức đứng vào hàng ngũ du kích địa phương.
Năm 1969, ở tuổi 19, bà Chẩm được chọn vào đội du kích tập trung xã Trung Hải, rồi cử đi học bắn tỉa. Nhiệm vụ của bà là tham gia vây ép căn cứ Dốc Miếu – nơi đồn trú của quân Mỹ, được bảo vệ nghiêm ngặt bởi hệ thống hàng rào điện tử McNamara.
Dưới làn đạn bom, điều kiện sống khắc nghiệt chỉ với cơm vắt, nước suối, bà cùng đồng đội vẫn kiên cường bám đất, bám làng, kiên trì đánh trả địch. Những phát bắn chính xác của bà khiến quân thù kinh hoàng, không dám manh động vượt rào, khiến tên tuổi nữ du kích Chẩm trở thành nỗi ám ảnh nơi chiến tuyến.
Nối dài hành trình cống hiến sau chiến tranh
Sau ngày quê hương giải phóng (1973), bà Chẩm được cử đi học lớp y tá, rồi về công tác tại trạm y tế xã Trung Hải. Từ đó đến nay – hơn 50 năm miệt mài với nghề y, dù không còn đứng trong hàng ngũ chiến đấu, nhưng tinh thần “bộ đội Cụ Hồ” vẫn luôn cháy bỏng trong bà.
Giữa đời thường, người dân nơi đây quen gọi bà với cái tên đầy trìu mến: “Bà đỡ mát tay”. Bà không chỉ giúp sản phụ sinh nở an toàn, mà còn trực tiếp sơ cứu, chữa trị những ca bệnh thông thường. Dù đêm hôm mưa gió, có người cần là bà lập tức có mặt, không nề hà tuổi tác, không đòi hỏi thù lao. Tấm lòng bà trải dài theo từng vòng quay chiếc xe đạp cũ kỹ rong ruổi qua bao thôn xóm.

“Giúp bà con là niềm vui”
Chia sẻ về hành trình làm y tá, bà Hoàng Thị Chẩm nói giản dị: “Giờ bà con yêu cầu thì giúp cho bà con chứ không nghĩ đến tiền bạc. Ca nào thấy không có khả năng chữa thì chuyển lên viện, còn có thể điều trị được thì giúp cho bà con.”
Bà Bùi Thị Nguyên (62 tuổi), người dân thôn Xuân Long từng được bà Chẩm chăm sóc, xúc động kể lại: “Có lần đau giữa đêm, gọi là bà đến ngay. Bà tiêm, chăm sóc tận tình. Xong rồi mới về, mặt mũi còn tươi cười vui vẻ, không than phiền gì.”
Biểu tượng sống của tinh thần cách mạng
Ông Lê Văn Chiến – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị khẳng định: “Dù tuổi cao, bà Hoàng Thị Chẩm vẫn giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là các cựu chiến binh. Hành động tuy nhỏ nhưng ý nghĩa vô cùng lớn, là hình ảnh đẹp của bộ đội Cụ Hồ giữa đời thường.”
Chiến tranh đã đi qua, nhưng tinh thần chiến sĩ của bà Hoàng Thị Chẩm vẫn sống mãi. Bà là minh chứng sống cho một thế hệ phụ nữ Việt Nam kiên trung – dũng cảm trong chiến đấu, nhân hậu và tận tụy trong thời bình.
⸻
Người ta hay nói đến những huyền thoại thời chiến trên trang sử, nhưng đôi khi, những huyền thoại ấy vẫn đang sống giữa chúng ta – bình dị mà phi thường như bà Chẩm – người nữ du kích của đất Gio Linh anh hùng