NSNA Phan Thoan và những tác phẩm ảnh đỉnh cao thời chống Mỹ

10:13 19/02/2021

NAĐSO - Nói tới Phan Thoan, nhiều người thường nhớ tới bức ảnh “O du kích nhỏ”, mà ít  nhắc tới những tấm ảnh giá trị khác của ông như “Máy bay Mỹ bị bắn cháy trên bầu trời Hà Tĩnh”, “Thanh niên xung phong mở đường tại ngã ba Đồng Lộc”, “Dân quân Hương Khê đánh trả máy bay Mỹ”… Đây là những bức ảnh phản ánh trung thực cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân Hà Tĩnh bảo vệ quê hương, mở đường cho quân ta vượt các đợt oanh kích của máy bay Mỹ, vận tải lương thực, vũ khí đạn dược tri viện cho chiến trường miền Nam.



Nhà báo, NSNA Phan Thoan (1932 - 2020)

Khi bức ảnh là bằng chứng lịch sử

Những năm ấy, Hà Tĩnh là tuyến lửa, ôm trọn đường huyết mạch của ta, nơi có ngã ba Đồng Lộc, một trọng điểm giao thông trên đường vào Nam. Nơi đã xuất hiện "Anh hùng La thị Tám" (ảnh của Văn Bảo), "Trung đội nữ lái xe Trường Sơn" (ảnh của Kim Hứa), "Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc" (ảnh của Hoàng Văn Sắc), và những vần thơ trẻ trung "Em ở Thạch Kim sao nói là Thạch Nhọn" của Phạm Tiến Duật, cũng như lời hát trong sáng tự hào "Người con gái Sông La" của Doãn Nho... Giữa không khí chiến đấu sôi động đầy lạc quan ấy, đôi mắt nhà nghề Phan Thoan càng tinh tường hơn, ống kính máy ảnh của ông càng sinh động hơn. Phan Thoan không có ống kính Tele chụp xa, thế mà ông lại chụp được máy bay cháy như bó đuốc kéo dài trên bầu trời Hà Tĩnh, rất rõ nét. Phải đứng gần lắm với chiếc máy bay bốc cháy đang lao xuống đất, quên cả nguy hiểm khi nó còn mang bom đạn bên mình. Bức ảnh ấy không thua kém gì ảnh máy bay cháy của Lương Nghĩa Dũng, Văn Bảo, và Lâm Hồng Long, những phóng viên được Việt Nam Thông tấn xã trang bị các phương tiện nhiếp ảnh tốt hơn. Nó được xếp vào hàng những bức ảnh khó chụp, đẹp tuyệt vời của thời chiến.

Phan Thoan thuộc lớp đàn anh của chúng tôi. Ông sinh năm 1924, kém Đinh Đăng Định, Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (Hội NSNAVN) 4 tuổi, dáng người chắc khỏe, cục mịch. Là hội viên Hội NSNAVN, nhưng vẫn giữ phong độ của một nông dân Nghệ Tĩnh chân chất. Chẳng riêng Phan Thoan, mà hầu hết các nhà nhiếp ảnh lúc ấy vào Hội để có bầu có bạn, để nâng cao nghiệp vụ, chứ mấy ai nghĩ đến cái danh, hoặc giải thưởng, vì hàng ngày làm việc dưới làn bom đạn, cận kề cái chết, sẵn sàng hy sinh như mọi người lính, thì những danh hiệu chỉ là sự động viên, đâu phải là mục đích. Các nhà báo, các nhà nhiếp ảnh chiến tranh là vậy, Phan Thoan cũng như vậy, thậm chí còn mộc mạc vô tư hơn. Chính vì thế, chúng tôi lại càng quý mến ông, kính nể ông hơn. Nông dân là nghệ sĩ, còn gì đẹp hơn. Xuất thân từ một gia đình nông dân ở xã Đức Thủy, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, nhà nghèo, học hành bị đứt quãng, từng tham gia quân đội trong kháng chiến chống Pháp, cũng từng làm thợ đúc trong xí nghiệp cơ khí của Liên Khu IV, rồi làm cán bộ tuyên huấn xã, tuyên huấn tỉnh, sau chuyển sang Ty Văn hóa Hà Tĩnh phụ trách bảo tàng của tỉnh. Công tác bảo tàng cần đến nhiếp ảnh. Thế là ông làm quen nhiếp ảnh, tự học, dần dà làm được các công đoạn của nhiếp ảnh, từ chụp ảnh, tráng phim, in phóng ảnh, tới việc hoàn chỉnh một bức ảnh báo chí gồm ảnh và lời chú thích.

Khi ông chưa vào Hội NSNAVN, thì ông đã là nhà nhiếp ảnh báo chí rồi. Năm 1966, bức ảnh giải tù binh Mỹ được trưng bày tại cuộc Triển lãm ảnh toàn quốc. Ngày khai mạc, ông Tố Hữu, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đến dự, nhìn thấy bức ảnh, nhà thơ hào hứng nói: Đây là chiến thắng của ta, đây là sức mạnh của ta. Sau đó ông đã vịnh bức ảnh này bằng những câu thơ tứ tuyệt:

O du kích nhỏ giương cao súng

Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu

Ra thế, to gan hơn béo bụng

Anh hùng đâu cứ phải mày râu.

Thơ chắp cánh cho ảnh, ảnh làm nền cho thơ, bức ảnh đã nổi tiếng, lại càng nổi tiếng hơn. Từ đấy trở đi bức ảnh có tên mới “O du kích nhỏ”. Năm 1967, ngành Bưu điện Việt Nam lấy hình mẫu cô du kích giải giặc lái Mỹ làm tem. Năm1968, bức ảnh được Huy chương Vàng tại Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ IX ở Xophia, Bulgari. Sau đó, hình ảnh ấy được Cu Ba phóng to hàng chục mét vuông (cao 8m, rộng 5m). dựng tại trung tâm Thủ đô Habana và sân bay quốc tế Habana như một biểu trưng chiến thắng của nhân dân Việt Nam ngay cạnh nước Mỹ.

Tác phẩm: O du kích nhỏ

Tác giả: Phan Thoan

Như chưa từng là kẻ thù

Hôm ấy, ngày 20/09/1965, một máy bay phản lực Mỹ bị ta bắn cháy, viên phi công nhảy dù xuống mặt đất, đã dùng máy bộ đàm để phát lệnh xin cứu. Nhận được tín hiệu, ba chiếc trực thăng của Mỹ đến yểm trợ. Pháo binh ta đã sẵn sàng, bắn hạ một trực thăng, khi trực thăng bốc cháy, ba viên phi công bung dù thoát thân. Thế là bộ đội, dân quân, thanh niên xung phong bủa vây, Kim Lai liền vác súng AK, cùng với mọi người truy lùng giặc lái Mỹ giữa rừng Trường Sơn.

Nơi nhảy dù của bốn viên phi công gần với biên giới Lào, chúng ta quyết tâm bắt sống những phi công này trong ngày, không để chúng tháo chạy. Hơn 5 giờ chiều, mới phát hiện trong một hốc đá có tiếng động, o Lai tiến lại gần. Thấy Andrew Robinson ngồi nhấp nhổm không xa. Kim Lai bắn ba phát súng chỉ thiên báo hiệu. Nghe được tiếng súng, mọi người chạy đến, trói tay A. Robinson. Thấy Kim Lai là người nhỏ nhất trong tiểu đội thanh niên xung phong xã, lại là người phát hiện tên giặc lái, mọi người đã để Kim Lai tiếp cận giải viên phi công này về nơi tập kết. Liền sau đó, nhà báo Phan Thoan đã chụp đươc tấm ảnh bất hủ.

Năm 1995, hãng truyền hình Nhật Bản NHK có chương trình làm phim nói về Willam Andrew Robinson, Nguyễn Thị Kim Lai, và nhà nhiếp ảnh Phan Thoan. Phim có tên "Cuộc hội ngộ sau 30 năm" với sự hợp tác của hãng phim Thời sự Tài liệu Việt Nam, và đạo diễn Lê Mạnh Thích tham gia. Mặc dù được báo trước có đoàn làm phim tới, nhưng bà Nguyễn Thị Kim Lai không tránh khỏi ngạc nhiên, khi nhận ra A. Robinson. Còn A.Robinson và vợ cũng không dấu nổi xúc động.

Trong buổi gặp A. Robinson kể: Anh là một phi công về hưu, đã thất nghiệp 6 năm. A. Robinson thổ lộ, từ lâu rất muốn một lần sang Việt Nam tìm gặp lại o Lai, nhưng hoàn cảnh không cho phép. Giờ đây ước nguyện ấy đã thành sự thật. Vợ chồng anh một lần nữa lại nhận được từ “O du kích nhỏ” năm xưa, và bà Nguyễn Thị Kim Lai ngày nay một tình cảm ấm áp đăc biệt. Sau 30 năm xa cách, thời gian dường như đưa họ xích lại gần nhau hơn, khiến họ chào đón nhau thân ái như chưa từng là thù địch.

Còn Phan Thoan thì quá vui, ông không ngờ lại có cuộc trùng phùng này, ông rất hào hứng cầm máy ảnh ghi lại sự kiện gặp gỡ, và còn nhờ đồng nghiệp ghi lại hình ảnh mình và A. Robinson bên nhau. Thật là hạnh phúc, hạnh phúc cho cả hai phía, cái hạnh phúc ngoài sức tưởng tượng.

Chu Chí Thành


 

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
NSNA Phan Thoan và những tác phẩm ảnh đỉnh cao thời chống Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO