Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá khách quan 50 năm văn hóa, văn nghệ Việt Nam từ sau 1975 đến nay, thêm một lần nữa chúng ta nhận thức rõ hơn sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước; sự đổi mới, kiên trì, linh hoạt của các cơ quan văn hóa, văn nghệ từ trung ương đến địa phương; sự nỗ lực của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ trong nước và cả ở nước ngoài. Đồng thời, từ việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, chúng ta cũng đúc rút được những bài học quý giá về việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ; thái độ ứng xử đúng đắn, có lý có tình đối với văn nghệ sĩ và tác phẩm của họ, nhất là những vấn đề mới, khó, có tính lịch sử cụ thể, tính cách tân tạo ra sự phân hóa và thách thức mỹ cảm của công chúng tiếp nhận; bài học về giải quyết các hiện tượng, sự việc xảy ra trong quá trình tìm tòi, sáng tạo và đánh giá nghệ thuật...
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật phải là một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa, văn nghệ; hơn nữa còn là một bộ phận trong công tác lý luận chính trị của Đảng. Tổng kết thực tiễn và đúc kết lý luận là nhiệm vụ thường xuyên của những người làm công tác lý luận của Đảng nói chung, của các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng...
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương sớm hoàn thành việc xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam vừa mang tính phổ cập nhân loại, vừa mang bản sắc dân tộc để phát huy vai trò của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong việc đề ra tiêu chí thẩm định là thước đo giá trị, để đồng hành cùng sáng tạo và tiếp nhận những giá trị nhân văn, tiến bộ; cổ vũ nỗ lực tìm tòi, sáng tạo nghiêm túc; đồng thời nghiêm khắc phê phán những biểu hiện thị hiếu tầm thường, dung tục, các quan điểm sai trái trong hoạt động sáng tạo và tiếp nhận văn nghệ.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 103 bài tham luận của các nhà lý luận, phê bình văn học nghệ thuật công tác ở các cơ quan trung ương, các trường đại học, viện nghiên cứu; các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ; các văn nghệ sĩ, các hội văn học, nghệ thuật trung ương và địa phương. Cho dù có nhiều cách tiếp cận, đánh giá và thể hiện khác nhau (từ góc độ sáng tác, nghiên cứu, giảng dạy hoặc xuất phát từ thực tiễn vận động của văn học, nghệ thuật; từ vấn đề tiếp nhận, vận dụng lý thuyết hoặc tiến trình và xu hướng vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật...) nhưng các tham luận đều bám sát chủ đề và các yêu cầu Hội thảo.
Hội thảo hướng tới những mục tiêu khảo sát, phân tích, đánh giá, làm rõ những vấn đề cơ bản sau: Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong tiến trình xây dựng, phát triển lý luận, phê bình văn nghệ nước ta 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; Quá trình giao lưu, tiếp biến lý luận văn nghệ nước ngoài và những vấn đề đặt ra trong quá trình giao lưu, tiếp nhận đã và cần được giải quyết; Quá trình kế thừa và cách tân lý luận văn nghệ của dân tộc trong tiến trình xây dựng lý luận văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất....
Kết quả Hội thảo còn là cơ sở khoa học để Hội đồng tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới; gợi mở để các cơ quan, đơn vị, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương đổi mới phương thức lãnh đạo, có những chính sách phù hợp nhằm phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Sau hội thảo, Hội đồng lựa chọn các tham luận có chất lượng cao để biên tập, in kỷ yếu. Đây là tài liệu tham khảo giá trị, hữu ích cho những người làm công tác quản lý văn hóa, văn nghệ các cấp, các ngành liên quan đến văn học, nghệ thuật, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ.