Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam - Mạnh gì, yếu gì và cần gì?

Trần Việt Văn |11:01 10/06/2024

“Nhìn ra thế giới, nhiếp ảnh nghệ thuật Việt đang đứng ở đâu?”. Đó là một câu hỏi khó trả lời và để có một cái nhìn tương đối khái quát về vị thế của nhiếp ảnh nghệ thuật Việt ở đâu trên bản đồ nhiếp ảnh thế giới thì cần một công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc cũng như cần rất nhiều thời gian. Ở đây, tôi chỉ đề cập tới những mặt mạnh và yếu của nhiếp ảnh nghệ thuật Việt và một vài giải pháp để nâng cao chất lượng các tác phẩm nghệ thuật.

Điểm mạnh

Lợi thế đầu tiên là số lượng người chụp ảnh và mê máy ảnh ở Việt Nam rất đông đảo. Dù chưa có một con số thống kê chính thức nhưng chỉ nhìn vào số lượng ảnh đăng lên mạng xã hội hàng ngày cũng như theo dõi nhiều cuộc thi ảnh quốc tế là minh chứng rõ nhất. Tỷ lệ chơi máy ảnh ở ta cũng rất đáng nể, nhiều người chơi tài tử mà dám đầu tư, sắm cả dàn máy “khủng” mấy trăm triệu đồng cùng các phụ kiện rất đắt tiền nữa.

1. Ảnh Việt Nam mạnh nhất ở thể loại ảnh du lịch - phong cảnh

Qua các triển lãm cá nhân và các cuộc thi ảnh quốc tế, thể loại ảnh này thu hút đông đảo các tay máy Việt tham gia nhất và cũng giúp các tác giả đi xa nhất. Từng có một “vua phong cảnh” Hoàng Thế Nhiệm với những tác phẩm đẹp lãng mạn về Sa Pa, sau được in thành sách bán khá chạy, sau này thì có quá nhiều tay máy gặt hái thành công ở mảng du lịch, phong cảnh, nhất là khi công cụ Flycam được sử dụng đến mức tối đa hiệu quả của góc nhìn thị giác từ trên cao.

screenshot-2024-06-13-at-14.54.07.png
Yên Bình (Yên Minh, Hà Giang) - Ảnh: NSNA Hoàng Thế Nhiệm

Hình ảnh những chị, những bà phơi hương ngoài nắng ở Quảng Phú Cầu (Hà Nội), những “trái tim” biển khơi ở Phú Yên, những cảnh đồng muối ở Nha Trang, rồi cảnh vá lưới ở ven biển các tỉnh miền Trung… tràn ngập khắp nơi. Mới nhất là một bức ảnh chụp cảnh quăng lưới ở Phú Yên chụp từ Flycam khá quen thuộc - đẹp nhưng không mới của một tác giả trẻ đoạt giải Ba ở cuộc thi quốc tế International Day Light. Nhiều khi, chúng ta phải tự hỏi ai là người đầu tiên có công “khai sáng” cho giới ảnh chụp cảnh làm hương, cảnh làm muối và cảnh tung lưới biển khơi- nhất định phải tưởng thưởng xứng đáng - thậm chí dựng tượng mini cho người đi đầu để sau bà con ta đi theo ầm ầm và vẫn tiếp tục “ăn giải”. Về điểm này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội NSNA Việt Nam từng nói ông rất ghét sự lặp lại đến nhàm chán ngay với chính mình chứ chưa nói bắt chước người khác.

2. Ngoài hai thể loại trên, một thể loại khác nhiếp ảnh Việt cũng khá mạnh là ảnh đời thường (Daily Life).

Tất nhiên, ở đây có sự chồng mờ, giáp ranh giữa các thể loại khi có những ảnh đời thường cũng là ảnh du lịch. Ảnh đời thường phát triển vì cuộc sống muôn màu muôn vẻ, thiên biến vạn hóa. Cũng là bãi biển Nha Trang mà sáng nay khác sáng hôm qua, giây khắc này khác giây khắc trước. Phố cổ Hội An ban ngày mang một vẻ khác hẳn ban tối cả về màu sắc và không khí cuộc sống.

w_10-dbsh2023_kk-hai-phong-vu-dung-don-con.jpg
Giải Khuyến khích - Tác phẩm: Đón con - Tác giả: Phạm Vũ Dũng (Hải Phòng) - Ảnh nghệ thuật Khu vực Đồng bằng sông Hồng lần năm 2023

Đời thường có những câu chuyện thú vị mà nếu quan sát tốt bạn có thể phát hiện và nắm bắt bằng khoảnh khắc và nếu không kịp bạn có thể ghi nhớ bằng mắt và bộ não để sau đó dàn dựng lại. Ảnh đời thường có thể là một khoảnh khắc hai bà bạn già đến thăm nhau sau thời gian dài không gặp, là phút giây thư giãn của một nhạc sĩ piano sau một đêm diễn thành công, một thời khắc hai mẹ con cùng đốt vàng mã trong ngày Rằm tháng bảy trong khu phố cổ… Dĩ nhiên đó là khoảnh khắc đời thường nhưng mang một ý nghĩa nhân sinh, một câu chuyện nào đó chứ đời thường không đồng nghĩa với tầm thường.

3. Nhiếp ảnh Việt mạnh ở dàn dựng

Nhiều tác giả Việt có thể coi là chuyên gia dàn dựng (set up) cảnh vật, con người trong những trạng thái, hành động… khác nhau để chụp ảnh. Thậm chí trong những đoàn đi sáng tác tập thể, bao giờ cũng có một người đứng ra dàn dựng cho cả đoàn chụp.

Chụp tại chỗ hay chụp dàn dựng đều chỉ là hình thức, quan trọng cuối cùng vẫn là hiệu quả tác phẩm. Dàn dựng khéo léo như thật, giấu được bàn tay đạo diễn, chuyển tải rõ thông điệp của tác giả, tạo được cảm xúc thì vẫn rất đáng nể.

Còn chụp tại chỗ, nhiều khi bấm máy theo phản xạ, theo tiềm thức trên cơ sở những kinh nghiệm, tri thức được tích lũy từ nhiều năm, lúc đó không kịp nghĩ gì. Về sau khi xem lại ảnh, mới nhận ra có thể đó là một khoảnh khắc ôm chứa nhiều hơn một câu chuyện. Bậc thầy nhiếp ảnh Henri Bresson (Pháp), đề cao tính khoảnh khắc trong nhiếp ảnh, cha đẻ của khái niệm “khoảnh khắc quyết định” theo đó tác phẩm phải được bấm máy đúng lúc, đúng thời điểm khi sự vật, hiện tượng bộc lộ đầy đủ hay một phần bản chất cốt lõi của nó, kiểu như “nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình” vậy.

Nhìn tổng thể thì ảnh dàn dựng của các nhiếp ảnh gia Việt vẫn thắng giải nhiều hơn ảnh chụp khoảnh khắc tự nhiên.

Điểm yếu

1. Thiếu những tác giả có phong cách

Nhiếp ảnh Việt đoạt nhiều giải thưởng, đặc biệt là các cuộc thi FIAP, tuy nhiên nếu phải kể tên các tác giả có phong cách riêng, dấu ấn sáng tạo rõ rệt thì rất khó, loanh quanh chỉ mấy cái tên không hết một bàn tay. Vì sao, vì nhiều bức ảnh đoạt giải loanh quanh chỉ mấy đề tài du lịch - phong cảnh như đã nói ở trên. Hơn nữa, giải thưởng chỉ là một thước đo quan trọng về sự thành công, nhưng không phải là thước đo quan trọng nhất, vì nó chỉ là sự đánh giá của các Ban Giám khảo.

Với một nghệ sĩ thì phong cách sáng tạo là điều quan trọng nhất mà phong cách chỉ được thể hiện qua các triển lãm cá nhân giàu tính sáng tạo. Xin nhấn mạnh cụm từ “giàu tính sáng tạo” bởi ngay nhiều triển lãm cá nhân thì tính sáng tạo không cao. Nó chỉ là triển lãm chung chung về vẻ đẹp đất nước, con người hay mang tính chất tổng kết cuộc đời, mà thiếu những tìm tòi về ngôn ngữ mới trong nhiếp ảnh.

w_25-ben-tre-nguyen-van-hai-nguyen-hai-hai-san-sach.jpg
Huy chương Bạc (Ảnh màu) - Tác phẩm: Hải sản sạch - Tác giả: Nguyễn Văn Hải (Nguyễn Hải) (Bến Tre) - Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023

2. Ảnh bộ số lượng nhiều nhưng ít ảnh bộ chất lượng cao

Thực tế là việc xây dựng kết cấu các bộ ảnh, chọn ảnh đinh làm bộ ảnh luôn là vấn đề lớn với nhiều tay máy. Thường vẫn xuất hiện tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Thừa những ảnh na ná nhau, tương tự nhau với những góc máy lười biếng, thiếu những ảnh mạnh mẽ, tạo ấn tượng thị giác ngay từ đầu và càng “đọc” ảnh càng phát hiện ra những ý tứ sâu xa.

Một bộ ảnh tốt thường đòi hỏi tác giả phải xây dựng ý tưởng từ trước, thực hiện công phu có thể từ vài tháng đến vài năm, và khi hoàn tất, người xem thấy không thể thêm vào hay bỏ bớt đi một ảnh vì như thế sẽ làm ảnh hưởng đến câu chuyện.

3. Ít ảnh đương đại

Thực tế là đa phần các tác giả Việt vẫn sáng tác theo phương pháp hiện thực, truyền thống. Ít ai sáng tác theo phương pháp đương đại, coi nhiếp ảnh là nghệ thuật thị giác để có thể pha trộn với các loại hình khác như sắp đặt, hội họa…

Các khái niệm như ảnh ý niệm (conceptual), ảnh sáng tạo (creative), ảnh cắt dán (collage)… vẫn còn chưa phổ biến, thông dụng ở Việt Nam.

Một vài giải pháp

1. Thay đổi cách thức tổ chức các trại sáng tác, tập huấn về ảnh

Việc tuyển chọn nghệ sĩ đi dự trại nên khắt khe hơn, không biến trại thành nơi nghỉ mát, an dưỡng là chính, còn sáng tác theo kiểu ngẫu hứng. Có thể phân ra 2 loại trại sáng tác, một dành cho đại chúng, một dành cho các tay máy nổi tiếng, trình độ cao để tạo ra những tác phẩm xuất sắc. Cũng như không nên tiếp tục tổ chức đi sáng tác tập thể mà nên khuyến khích sự tự do và không lặp lại ở các tác giả. Tổng kết trại, nên tổ chức đánh giá, bình ảnh, đúc rút thành công, thiếu sót để các trại lần sau tổ chức tốt hơn...

2. Việc thẩm định, đánh giá các cuộc thi cần chú trọng hơn

Nên lựa chọn các gương mặt mới vào Ban Giám khảo nhưng tránh người trẻ quá chưa có kinh nghiệm, chưa đủ uy tín thuyết phục thí sinh tham gia. Tránh để tình trạng ngày càng nhiều “thợ chấm” sẽ khó có những cái nhìn tươi mới và khách quan.

3. Thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm sau các triển lãm ảnh, các liên hoan khu vực và các cuộc thi khác

Giám khảo phải dũng cảm đối mặt với các câu hỏi của các thí sinh tham gia để trả lời vì sao ảnh này thắng giải cao hơn ảnh kia, vì sao ảnh này chỉ triển lãm còn ảnh kia đoạt giải… Các tác giả dự thi sẽ tự đánh giá ngược lại trình độ, quan điểm của giám khảo. Tranh luận thẳng thắn, công khai nhưng tuyệt đối tránh đả kích cá nhân…

4. Quan điểm chọn ảnh thắng giải phải độc - lạ là đúng

Nhưng thế nào là ảnh độc, lạ và nó nằm ở hình thức hay cả nội dung? Nếu trong cuộc thi không có ảnh độc lạ thì sao? Dù sao phải kiên quyết chọn những ảnh có cách thức thể hiện mới mẻ, dù chưa toàn bích còn khiếm khuyết này khác, nhưng hơn những ảnh đẹp mà lối thể hiện cũ kỹ, đi theo lối mòn của những tác giả đi trước.

Có rất nhiều giải pháp khác nhau, trên đây chỉ là một vài ý kiến cá nhân. Điều cuối cùng muốn nói là một bức ảnh có ánh sáng đẹp sẽ tạo ra vẻ đẹp thu hút thị giác và khơi gợi cảm xúc của người xem. Tuy nhiên ý tưởng độc đáo mới tạo ra một bức ảnh có thể “sống sót” qua năm tháng. Nhất là trong thời đại ngày nay khi chúng ta bị no nê, bội thực hình ảnh, khi mở mắt ra là tràn ngập hình ảnh trên các nền tảng số, mạng xã hội thì liệu cái gì sẽ đọng lại làm ta nhớ lại nó khi đã xem qua?

w_61-kien-giang-truong-anh-dung-ngay-hoi-tren-bien.jpg
Huy chương Đồng (Ảnh màu) - Tác phẩm: Ngày hội trên biển - Tác giả: Trương Anh Dũng (Kiên Giang) - Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023

Chỉ có những suy nghĩ sáng tạo khác thường của nghệ sĩ mới có thể mở ra cho người xem một chân trời mới để khám phá, chờ đợi, hy vọng, hay nuối tiếc. Khái niệm ảnh đẹp vì thế không quan trọng mà bức ảnh đó có ám ảnh không, có đem lại một giá trị hay một khái niệm nào đó mới mẻ không, mới quan trọng.

Nhiếp ảnh là con đường độc hành, hãy dũng cảm chụp bằng cái đầu và trái tim của mình. 


(1) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam - Mạnh gì, yếu gì và cần gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO