|
Khách mời xúc động trong giây phút mặc niệm tưởng nhớ những nạn nhân tử vong do Covid-19 tại Việt Nam trong suốt 4 đợt dịch vừa qua |
|
Không gian ấm cúng của buổi lễ ra mắt sách tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm |
|
Thay mặt Hội NSNAVN, NSNA Trần Thị Thu Đông - Đại biểu Quốc hội, UV Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (mặc áo khoác trắng ngoài cùng bên trái) cùng các NSNA Hồ Sỹ Minh - UVTV, Phó Chủ tịch, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống, NSNA Hà Hữu Đức - UVBCH, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ & Triển lãm ảnh Nghệ thuật Việt Nam cũng đã tới dự, chia vui cùng NSNA Nguyễn Á. Bên cạnh đó, các NSNA Vũ Quốc Khánh - nguyên Chủ tịch Hội NSNAVN và NSNA Lê Xuân Thăng - nguyên UVTV, Phó Chủ tịch Hội NSNAVN phụ trách phía Nam cũng đã tới dự sự kiện, thân tình chúc mừng Nguyễn Á trong ngày "hái quả" ngọt ngào, bù đắp cho những vất vả suốt cả năm trời vừa qua. |
Nói như Chuyên gia tâm lý, TS. Lý Thị Mai - “cô thanh tâm” quen thuộc của hàng vạn độc giả VOV, VOH (một trong số 125 gương mặt tiêu biểu trong sách ảnh “Chúng tôi là Việt Nam”) chia sẻ tại buổi lễ: “Hy vọng, 3 ngày triển lãm tới tại Hà Nội sẽ là những ngày vinh dự cho các nhân vật của sách, vinh dự cho tất cả chúng ta, bởi mỗi người khi đến xem triển lãm sẽ tìm thấy một ý nghĩa riêng để sống hạnh phúc hơn, trân quý cuộc đời này hơn mỗi ngày”.
|
NSNA Nguyễn Á chia sẻ khoảnh khắc vỡ òa khi mọi cố gắng tới phút cuối cùng cũng đã được đền đáp và cúi đầu cảm ơn tình cảm thương mến của tất cả mọi người đã đến để động viên anh ngày hôm nay |
|
Nghệ sĩ Piano Lưu Đức Anh "làm mới" dân ca bằng ngôn ngữ âm nhạc đương đại. Phần chia sẻ của nghệ sĩ Lưu Đức Anh về ý nghĩa 2 cuốn sách của tác giả Nguyễn Á và về tình cảm gia đình cũng đã mang tới những cảm xúc đẹp cho các khách mời tại triển lãm. |
|
TS. Chu Cẩm Thơ bên phóng sự chân dung do Nguyễn Á thực hiện |
|
Các chiến sĩ của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tham dự sự kiện |
|
TS. Lý Thị Mai xúc động chúc mừng thành công triển lãm của Nguyễn Á |
|
Sĩ quan Đỗ Thị Hằng Nga, chị Nguyễn Thị Vân và doanh nhân Hà Thu Thanh giao lưu tại triển lãm |
|
Nguyễn Á ký tặng sách cho khách mời tại buổi lễ |
|
Trước đó, BTC bố trí nhân viên y tế lấy mẫu test nhanh tất cả mọi người đến dự sự kiện nhằm kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19 ngay từ sảnh đón tiếp tầng 1 của Trung tâm |
|
Các khách mời đến sớm tranh thủ xem triển lãm trong thời gian chờ kết quả test Covid-19 |
Nguyễn Á là cái tên đã không còn xa lạ với rất nhiều công chúng yêu nghệ thuật, yêu nhiếp ảnh trong nước. Bởi, khoảng 10 năm trở lại đây, hầu như không năm nào chàng nghệ sĩ tuổi Mậu Thân này không tất bật ra mắt sách ảnh - một dạng công trình cần sự đầu tư lớn cả về thời gian, công sức, tiền bạc, và đặc biệt là đầu tư về tư duy nhiếp ảnh.
Thân tâm của Nguyễn Á thế nào thì sách ảnh của Nguyễn Á cũng đúng như vậy. Ngồn ngộn tư liệu, sôi sục tinh thần sẻ chia, mỗi trang sách là một lát cắt sắc vào câu chuyện của cuộc sống. Nhiều người đã phải thốt lên rằng, xem sách của Nguyễn Á cần có không gian thư thái hoặc ít nhất cũng phải dành thời gian đủ tĩnh để không bị ngợp bởi hàm lượng thông tin của cuốn sách mang lại. Bởi ít có cuốn sách nào Nguyễn Á chịu làm hời hợt, với anh, hời hợt là một cách sống xa lạ, không có trong khái niệm. Chính bởi vậy mà mỗi cuốn sách của Nguyễn Á từ “Tâm và Tài – Họ là ai?”, “Họ đã sống như thế”, “Nick Vujic và những ngày ở Việt Nam”, “Hoàng Sa - Trường Sa - Biển đảo quê hương”, “11 Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh” “Lý Sơn hôm nay”, cho đến “Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”… Tất cả đều là những cuốn sách giá trị, bao chứa hàm lượng thông tin, tính tư liệu và đầy chất nhân văn.
Với “Chúng tôi là Việt Nam” và “Sài Gòn ngoan cường” lần này cũng vậy, chất nhân văn ấm áp, lấp lánh như những ánh sao, đủ sức lan tỏa, làm ánh lên không gian bên trong mỗi người sau những ngày dài căng mình chống đỡ đến ám ảnh bởi nỗi lo mang tên Covid-19.
|
Sách ảnh vừa ra mắt "Sài Gòn ngoan cường" của tác giả Nguyễn Á |
“Sài Gòn ngoan cường” của Nguyễn Á kể lại câu chuyện về một trong những thời khắc bi tráng nhất lịch sử y học hiện đại của Thành phố mang tên Bác. Thời khắc 0h ngày 9-7, sau thời gian âm ỉ, đại dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại hệt như cảnh tượng con quái vật đang hung hãn phả những luồng khí độc vào cuộc sống yên lành của hơn 10 triệu dân thành phố và gây nên một cảnh tượng kinh hoàng, ngàn năm có một: phong tỏa toàn thành phố, người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình… phố chỉ còn tiếng còi xe cứu thương hú giục như xoáy vào tâm can…
Nguyễn Á - với trái tim nóng và cái đầu lạnh đáng quý của một người mê làm báo, đã sớm đau với nỗi đau của thành phố để từ đó quyết định dấn thân vào một hành trình mà ở đó - nói như NSNA Lê Xuân Thăng - nguyên Phó Chủ tịch Hội NSNAVN là hành trình “đánh cược cả bằng mạng sống của người chiến binh”. Ròng rã suốt 4 tháng trời, Nguyễn Á lao vào tất cả những điểm nóng nhất để kịp thời ghi lại thời khắc lịch sử hiếm hoi này của y tế thế giới ngay tại Sài Gòn.
Chuyện kể của Nguyễn Á trong “Sài Gòn ngoan cường” được kết cấu như một khúc tráng ca, đan xen giữa những nốt nhạc trầm hùng, lặng lẽ, là những tiết tấu nhanh, dồn dập, đủ để người đọc cảm nhận sâu sắc về tinh thần ngoan cường của một Sài Gòn - vùng đất vốn được so sánh với “hòn ngọc” của của cả vùng Viễn Đông (Đông Nam Á) xưa nay.
|
Nhân viên y tế bệnh viện Phước Lộc trong những ngày đầu tiếp nhận bệnh nhân - (Ảnh chụp lại từ sách của NGUYỄN Á) |
|
Giây phút hiếm hoi mẹ F0 được nhìn mặt con trước khi được đưa đi cách ly đảm bảo an toàn sức khỏe của cả mẹ và con - Ảnh: NGUYỄN Á |
|
Các nữ hộ sinh đón "thiên thần" trong vòng tay ấm áp - Ảnh: NGUYỄN Á |
|
Cấp cứu bệnh nhân trở nặng tại Trung tâm hồi sức tích cực trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: NGUYỄN Á |
|
Thượng tá Cao Thị Hồng Tươi - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Công an Tp. Hồ Chí Minh (thứ hai từ phải sang) cùng các đồng nghiệp mắc Covid-19 trước ngày ra viện - Ảnh: NGUYỄN Á |
|
Hình ảnh về ngày đầu tiên tiêm vacine phòng chống Covid-19 cho người dân Tp. HCM trên 18 tuổi tại Nhà thi đấu Phú Thọ, Quận 1. Chính tỷ lệ tiêm chủng cao và ý thức phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế sẽ là chìa khóa giúp giảm thiểu số ca mắc mới và ca F0 chuyển nặng - Ảnh: NGUYỄN Á |
|
Một người nước ngoài quốc tịch Mỹ được tiêm vaccine phòng Covid-19 tại quận Phú Nhuận - Ảnh: NGUYỄN Á |
|
Bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu với nụ cười tươi sau 8 giờ trực chăm sóc bệnh nhân F0 trở nặng trong phòng ICU tại Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y dược Tp. HCM |
Từ những hình ảnh Sài Gòn dồn tổng lực xét nghiệm nhanh - truy vết, bóc tách F0; hình ảnh dồn dập tổ chức, cá nhân ở các quy mô đều hết sức, hết lòng chung tay vì cộng đồng; rồi các hoạt động hiến máu cứu bệnh nhân, hình ảnh người dân các tỉnh ùn ùn về quê tránh dịch ngay sau giãn cách; hay Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ - chiến sĩ hy sinh trong đại dịch... Tất cả đều được Nguyễn Á len lỏi đi từng ngóc ngách, hướng ống kính máy ảnh để ghi lại với tất cả tấm lòng và trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ với đất nước, với thời cuộc.
|
PGS.TS. Trương Ngọc Tuyền - Trưởng bộ môn Hóa hữu cơ - khoa Dược - Đại học Y Dược Tp. HCM vừa trở về sau những ngày chống dịch đang cùng vợ là Dược sĩ Huỳnh Thị Ngọc Ánh đạp xe thư giãn vào dịp cuối tuần sau đợt giãn cách xã hội - Ảnh: NGUYỄN Á |
|
Điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân Ái vui với con trai tại phố đi bộ sau ngày giãn cách xã hội - Ảnh: NGUYỄN Á |
Loạt ảnh đầy lạc quan tươi sáng về "Những hoạt động bình thường mới" được Nguyễn Á đặt phía sau cùng, kết lại toàn bộ sách đóng vai trò như một nốt nhạc vút cao, đầy tin tưởng vào hành trình thích ứng linh hoạt của Sài Gòn trong những ngày tháng tới…
|
Bìa sách ảnh "Chúng tôi là Việt Nam" của tác giả Nguyễn Á |
Sắc thái của “Chúng tôi là Việt Nam” lại khác, không dồn dập như “Sài Gòn ngoan cường” mà được kết cấu với tinh thần đầy tự hào. Các phóng sự ảnh về từng gương mặt người phụ nữ tiêu biểu trên rất nhiều lĩnh vực hoạt động được chọn lọc và đặt trong mạch kể, liên kết như những thước phim sống động.
Ở đó, người đọc sẽ được theo chân tác giả rong ruổi từ vùng cao Hà Giang - nơi có ánh sáng lấp lánh lan tỏa từ tấm lòng yêu thương của cô giáo Vũ Thị Trinh ngày đêm chăm chút cho đàn em học sinh thơ ngây người đồng bào dân tộc thiểu số nơi địa đầu Tổ quốc; xuôi về quê hương Quan họ Bắc Ninh - nơi có nữ y tá Nguyễn Thị Xuân - người phụ nữ hy sinh cả tuổi thanh xuân cuộc đời này dành để gắn bó với những bệnh nhân phong; vượt lên đại ngàn Tây Nguyên theo chân những buổi tuần tra gìn giữ an ninh khu phố với trung tá Ksor H’Bơ Khăp; để rồi khi chạm lại nơi từng là tâm dịch, là “chảo lửa” thử thách tinh thần của hàng vạn người dân đất Sài thành, mỗi người lại được mở rộng lòng mình, đón nhận thứ ánh sáng ấm áp từ những cử chỉ ân cần, nhẹ nhàng của sư cô Thích Nữ Nhuận Bình đang chăm sóc bệnh nhân với chỉ một tâm niệm: "Hãy sống như ngày mai là ngày cuối trong đời"…
|
Những trang phóng sự ảnh về cô giáo Vũ Thị Trinh - ngày đêm chăm lo cho các em học sinh vùng cao tại vùng đất địa đầu Tổ quốc - Hà Giang - Ảnh: NGUYỄN Á |
|
Cô Nguyễn Thị Xuân - người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình gắn bó với những bệnh nhân phong tại Bắc Ninh - Ảnh: NGUYỄN Á |
|
|
Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình - chăm sóc bệnh nhân với chỉ một tâm niệm: "Hãy sống như ngày mai là ngày cuối trong đời"… - Ảnh: NGUYỄN Á |
|
Nụ cười đôn hậu của nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình tại Dinh Thống Nhất năm 2012 - Ảnh: NGUYỄN Á |
|
Khoảnh khắc PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (Tp. HCM) trong một ca mổ bắt con cho sản phụ F0 (PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết là người được mệnh danh có "bàn tay vàng" và "khối óc kim cương" đã cứu sống rất nhiều sản phụ F0 trong thời kỳ dịch lần thứ 4 vừa qua tại Tp. HCM) - Ảnh: NGUYỄN Á |
|
PGS.TS Nguyễn Lên Khánh Hằng - Phó trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (bìa trái) cùng đồng nghiệp nghiên cứu, đánh giá kháng thể trung hoà virus SART - CoV-2 - Ảnh: NGUYỄN Á |
|
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Vân - người phụ nữ khuyết tật nhưng có nghị lực sống phi thường - là một trong những gương mặt được giới thiệu trong sách ảnh "Chúng tôi là Việt Nam" |
Với tốc độ ra sách những năm gần đây của Nguyễn Á, nhiều người, bên cạnh việc trầm trồ, thán phục sức lao động, tinh thần xả thân vì sự kiện của Nguyễn Á, thì cũng không ngần ngại hỏi, liệu có phải Nguyễn Á đang để những góc máy đâu đó bị dễ dãi hơn và ra những sản phẩm có phần trùng lặp?
Cá nhân tôi đồng tình với những trầm trồ, thán phục của mọi người. Còn với phần còn lại, cũng như tôi, trước mỗi chân dung đặc biệt, mỗi sự kiện, mỗi thời khắc, chắc sẽ có không ít người nhìn thấy những ý tưởng hay, muốn đi chụp, muốn xuất bản thành sách. Nhưng cuối cùng thì có mấy người trong chúng ta làm được như Nguyễn Á? Mấy người trong chúng ta đủ tư duy để xây dựng hoàn chỉnh đề cương; tỉnh táo để chọn lọc nhân vật, sự kiện; kiên nhẫn, mạnh dạn chắp nối tất cả các yếu tố cần và đủ để chụp được theo đúng ý đồ; xả thân, làm việc ngày đêm, biên tập, đặt bài, cân nhắc và kiểm soát từ ảnh đến nội dung, đặt dịch song ngữ… tất cả, tự mình quán xuyến, giải quyết khối lượng công việc nhiều thời điểm thậm chí tương đương với nhân sự của cả một tòa soạn, một nhà xuất bản, để đến nỗi “trước mỗi lần ra sách, thiếu ngủ trầm trọng khiến 2 mắt thâm quầng như gấu trúc Panda” (lời chia sẻ của chính Nguyễn Á tại buổi lễ)?.
Có thể còn có sự lặp lại đáng tiếc ở một vài góc máy, ở cách biên tập bộ ảnh, biên tập sách, tuy nhiên, đó cũng là điều khó tránh của một dự án cá nhân với mọi khâu đều vô cùng khẩn trương, quyết liệt. Bên cạnh đó, mỗi gương mặt, mỗi sự kiện đi vào ống kính rồi được chọn đưa vào trong sách của Nguyễn Á đều có lý do, đều có ý tứ, bởi anh là người nhớ chi tiết rất giỏi, không muốn ai hay câu chuyện, việc làm ý nghĩa nào bị lãng quên, bỏ sót...
Ngay cả buổi ra mắt sách Nguyễn Á cũng làm rất khác biệt. Từ phóng viên cho đến khách mời dự, hay các diễn giả… tất cả đều được Nguyễn Á chăm chút từ tấm giấy mời đích danh đến điện thoại, nhắn tin nhắc lịch. Hiếm có sự kiện cá nhân nào mà lại quy tụ được nhiều khách mời nổi tiếng, đa dạng lĩnh vực, ngành nghề như các sự kiện của Nguyễn Á. Điều đó nói lên 1 điều rằng, Nguyễn Á làm rất tốt công tác chuẩn bị, tổ chức và trên hết là được rất nhiều người yêu mến, cảm phục.
|
Nguyễn Á vui mừng đón nhận tình cảm yêu thương của tất cả khách mời sau sự kiện |
|
Nguyễn Á cùng các khách mời chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ |
Ai trong chúng ta làm tốt được như Nguyễn Á? Rõ ràng đó là tài năng, là công sức, là thành quả của nguyên tắc sống và làm việc hết mình, trước hết là vì bản thân mình muốn để sau đó là mong mỏi chạm được vào trái tim mọi người, truyền nguồn năng lượng tích cực đến với cộng đồng, để những giá trị cao đẹp trong cuộc sống được tỏa lan ra mãi, lấp lánh nhân văn…./.