Người nhạc sĩ trong bức ảnh lịch sử

Người nhạc sĩ trong bức ảnh lịch sử

Duy Ngọc - Tiến Dũng|19:26 10/10/2017



Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ cùng nhân dân Hà Nội đón chào đoàn quân Giải phóng về tiếp quản Thủ đô (10/10/1954). Ảnh: Roman Carmen

Người nhạc sĩ trẻ trong bức ảnh cách đây trên 60 năm, giờ đã ngoài 90 tuổi nhưng trí óc vẫn minh mẫn, nói năng nhỏ nhẹ.Trong căn phòng ấm cúng số nhà 13 phố Nguyễn Quang Bích, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội, chúng tôi đã được nghe nhạc sĩ Nguyễn Văn Qùy kể lại những giờ phút hào hùng trong lịch sử của đất nước, thời khắc không thể nào quên của người Hà Nội, trong đó có ông. Đó là ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954.
Lục trong đống tài liệu, ông đưa cho chúng tôi xem một mảnh giấy mỏng đã úa vàng qua thời gian. Trên mảnh giấy có chữ kí, con dấu đỏ của Ban Chấp hành Thành đoàn Hà Nội. Nội dung ngắn gọn: Đồng chí Lê Văn Thành thay mặt Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội giao nhiệm vụ cho “Anh Đỗ Quyên” (tên bí danh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ lúc đó) phụ trách một ban nhạc và đội đồng ca do Thành đoàn tổ chức, tập trung ở hồ Hoàn Kiếm để đón đoàn quân tiếp quản Thủ đô. Ông kể: “Cũng cần nói thêm trong thời gian này tôi tham gia hoạt động trong giới học sinh, thanh niên kháng chiến nội thành. Chúng tôi thường tổ chức hội họp tại số nhà 65 phố Hàng Bông, Thợ Nhuộm và tại nhà tôi ở 13 Phạm Phú Thứ (nay là số nhà 13 phố Nguyễn Quang Bích). Anh Lê Văn Thành là Thường vụ tổ chức Thanh niên Cứu quốc nội thành giao cho tôi phổ biến các bài hát Cách mạng Việt Nam và những bài hát Cách mạng Liên Xô như bài “Thanh niên dân chủ toàn thế giới” và yêu cầu tôi sáng tác gấp một số bài hát để chuẩn bị đón bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô. Anh Thành căn dặn: “Chia thành từng tốp nhỏ 4-5 người để dạy hát, tránh tập trung đông người (thời kì này chúng tôi vẫn hoạt động trong bí mật). Sau đó số người tôi dạy được nhân rộng gần 100 người. Lúc này tôi cũng mời thêm được nhạc sĩ Tô Mi chơi đàn violon ở ngay cạnh nhà tôi phố Nguyễn Văn Tố, cùng anh Nguyễn Đình Thanh chơi đàn acoordeon (em ruột cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi) từ Hải Phòng về tham gia ban nhạc cùng dàn đồng ca (Nhạc sĩ Tô Mi và Nguyễn Đình Thanh nay đã mất).

Đúng 7h 30 sáng, ngày 10 tháng 10 năm 1954, tôi dẫn đầu ban đồng ca khoảng 200 người, xếp thành hàng 4 cùng lá cờ đỏ sao vàng xuất phát từ số nhà 13 Phạm Phú Thứ - nay là số nhà 13 phố Nguyễn Quang Bích, nhà tôi ở hiện nay, tiến về Hồ Hoàn Kiếm. Ban đồng ca được tập trung, xếp hàng thứ tự ở bến tàu điện Bờ hồ (trước cửa nhà hàng "Cá mập" hiện nay), hát những ca khúc Cách mạng Việt Nam và một số bài do tôi sáng tác. Dân chúng từ các phố Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang kéo về tập trung mỗi lúc một đông, hòa thành một không khí náo nhiệt, vui tươi, người nào cũng tay cờ, tay hoa cùng nhau vỗ tay hát theo ban đồng ca: “Hoan hô các anh về đây giải phóng Thủ đô”. Khi đoàn quân cùng xe cơ giới tiến qua. Nhà quay phim người Nga Roman Carmen đã dừng ống kính máy quay ở tốp đồng ca và ban nhạc chúng tôi rất lâu để ghi hình”.

Những bức ảnh ông ôm guitar đi đầu đoàn thanh niên, sinh viên Hà Nội cùng hát đón bộ đội về giải phóng Thủ đô, giờ đây là kỷ niệm vô giá đối với ông.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ trước cửa ngôi nhà số 13 phố Nguyễn Quang Bích - Hà Nội (phố Phạm Phú Thứ ngày trước). Ảnh: Tiến Dũng

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Qùy sinh năm 1925. Ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình có người cha là nghệ nhân đàn bầu nổi tiếng lúc bấy giờ. Từ bé những giai điệu đàn bầu khi trầm, khi bổng đã thấm sâu vào tâm hồn người nhạc sĩ để sau này ông đã kết hợp được nhạc dân tộc với nhạc bác học hiện đại.

Ngay từ nhỏ ông đã được học hai loại nhạc cụ khó và quý tộc lúc bấy giờ là đàn violon và piano do những người thày tên tuổi dạy. Gần 40 năm ông nghiên cứu đi sâu vào thể loại sonate, viết cho violon và piano, đến nay ông đã hoàn thành 9 bản sonate, trong đó bản Sonate số 1 được Khoa Giao hưởng Nhạc viên Hà Nội đưa vào giảng dạy, bản Sonate số 4 được tổ chức UNICEF tại Việt Nam đề nghị tặng cho Hội Bảo vệ quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc. Bản Sonate số 9 hoàn thành lúc ông vừa tròn 80 tuổi. Ông đã được nhận 2 giải thưởng Sonate do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng, được bà Bertile Fournier, Giáo sư Nhạc viện Trung tâm Paris - Chủ tịch Hiệp hội Âm nhạc Lily Luskine, đồng thời là chủ tịch nhiều cuộc thi âm nhạc quốc tế tại châu Âu mời sang Pháp 3 lần để giới thiệu những bản Sonate của ông.
"Ông vua Sonate Việt Nam" bên cây đàn thân thuộc. Ảnh: Tiến Dũng

Vừa sáng tác, ông vừa là thầy dạy nhạc ở Trường Chu Văn An, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Hơn 30 năm gắn bó với nghề sư phạm, ông có nhiều công lao đào tạo giáo viên âm nhạc cho các trường ở Thủ đô.

Gần trọn cuộc đời cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam nhưng chưa bao giờ ông thấy thỏa mãn trong sự nghiệp sáng tác. Ông luôn trăn trở đau đáu về tương lai của nền âm nhạc nước nhà. Theo ông, âm nhạc Việt Nam phải vươn ra xa nhiều nước trên thế giới. Tâm hồn, con tim, khối óc của ông lúc nào cũng muốn hòa quện giữa âm nhạc dân tộc cùng nhạc (bác học) nước ngoài thành những bản Sonate có giá trị.

Ở Việt Nam nhạc sĩ Nguyễn Văn Qùy được coi là: "Ông vua Sonate Việt Nam”, còn ở nước ngoài, một số nhạc sĩ và người sành thưởng thức âm nhạc bác học dành cho ông danh xưng cao quý: “Beethoven Vietnamien” (Beethoven của Việt nam).Nữ nghệ sĩ Isabelle Durin, cây violon số 1 của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Pháp nhận xét: “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ đã nâng lên mức cao nhất có thể được nền âm nhạc dân tộc mình và mở ra một chân trời âm nhạc mới để nói với toàn thể nhân loại”./.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Người nhạc sĩ trong bức ảnh lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO